Suy thoái kinh tế càng khẳng định giá trị ERP
Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng các đơn vị cung cấp và đối tác triển khai ERP tại Việt Nam đều khẳng định không có dự án triển khai giải pháp ERP nào bị trì hoãn vì lý do tài chính.
“Chỉ có quyết định triển khai nhanh hay chậm”, ông Nguyễn Quang Khải, Kiến trúc sư trưởng SAP Việt Nam chia sẻ. Ông cho biết: ““Trong tình hình chung như thế, các doanh nghiệp cũng phải xem xét lại tình hình tài chính và thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư. Những quyết định đầu tư sẽ phải qua rất nhiều bước, do đó có thể bị chậm lại. Còn những dự án đang đầu tư rồi thì tiến độ không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế”.
Triển khai ERP nhanh hơn bởi có thể dồn lực…
Doanh nghiệp lúc này phải nhìn lại các hoạt động của mình khiếm khuyết ở chỗ nào, nguồn lực doanh nghiệp có đáp ứng được với những thay đổi của cơ chế thị trường hay không. Đây là khoảng thời gian thích hợp để doanh nghiệp nhìn nhận lại và tối ưu hóa quy trình, chuẩn bị khi thị trường ổn định trở lại.
Vì lẽ đó, các doanh nghiệp còn đốc thúc đơn vị triển khai nhanh hơn để hệ thống ERP sớm đi vào vận hành. Nhiều dự án dự định triển khai trong 6 tháng đã được rút xuống còn 4 đến 5 tháng; thậm chí có dự án 9 tháng rút còn 7 tháng.
Một trong những lý do doanh nghiệp muốn rút ngắn thời gian triển khai là để sớm giải phóng nhân sự bởi quá trình triển khai ERP cần sự tham gia của phần lớn nguồn lực nội bộ.
Điểm thú vị là khi kinh tế gặp khó khăn, số dự án không nhiều nên đơn vị triển khai có thể dồn lực để sớm kết thúc dự án.
Một số Doanh nghiệp lại cho rằng đây là một thời cơ. Khi khó khăn, nguồn lực doanh nghiệp đủ thời gian và sức mạnh để tập trung vào dự án ERP. Có những nhà ứng dụng chia sẻ rằng đây là một thời điểm tốt để họ triển khai các dự án ERP. Bởi khi chưa có khủng hoảng, doanh nghiệp bị cuốn theo hoạt động kinh doanh, không có thời gian nhìn nhận toàn bộ hoạt động đã đồng bộ chưa.
“Kính chiếu yêu” soi điểm yếu
Khi hệ thống ERP đi vào vận hành, ban lãnh đạo doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn hoạt động của nội bộ. Nếu trước đây các báo cáo chỉ là những con số thì nay, thông qua hệ thống ERP lãnh đạo có thể sử dụng các dữ liệu này để so sánh.
Những con số biết nói hơn, dựa vào đó, lãnh đạo doanh nghiệp có căn cứ để xây dựng kế hoạch hoạt động rõ ràng hơn.
Một điểm khác biệt trong việc triển khai các dự án ERP thời gian gần đây là xu hướng “customise” (tùy chỉnh) giảm. Những năm trước đây, các đối tác cung cấp giải pháp ERP nước ngoài như SAP, Oracle thường gặp khó khăn khi khách hàng khó thích nghi với quy trình mới. Nhiều doanh nghiệp chọn sản phẩm “may đo” theo quy trình hiện có của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này hiện đã được cải thiện.
Nguyên nhân là do nhận thức của người dùng đã thay đổi. Quy trình và kinh nghiệm tích lũy trong giải pháp ERP lúc này trở nên cần thiết trong ứng dụng bởi chính doanh nghiệp muốn thay đổi quy trình hoạt động.
Các đối tượng triển khai ERP cũng có sự mở rộng, nếu như trước đây chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, tổng công ty thì nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ (chỉ từ 5-15 người dùng) cũng triển khai ERP với chi phí chỉ khoảng hơn 200 triệu đồng (tương đương 10.000 USD).
Dự đoán
Các nhà cung cấp và triển khai ERP đều khẳng định thị trường gặp khó khăn thì đó chính là cơ hội cho những doanh nghiệp đủ mạnh để đầu tư, ứng dụng công nghệ với giá thích hợp nhất. Và đó cũng là thời điểm để họ xây dựng một nền tảng vững chắc dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.
Hiện nay với dịch vụ ERP trên “đám mây”, đầu tư của người dùng thấp, không tốn nhiều chi phí để mua trang thiết bị, máy chủ, doanh nghiệp xài hết bao nhiêu thì trả từng đó, không gây lãnh phí. Các doanh nghiệp không phải lo vận hành mà toàn bộ việc vận hành và quản lý sẽ được lo bởi nhà cung cấp hay các đối tác cùa nhà cung cấp.
Suy thoái kinh tế đang tạo ra những hướng mới nhằm thúc đẩy việc ứng dụng CNTT từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn.
Thegioibantin.com
Nguồn: VinaAspire Corp. – Tư vấn giải pháp ứng dụng CNTT cho Doanh nghiệp