Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển đổi số toàn diện
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới việc giải quyết thách thức, tận dụng tối đa cơ hội, khai thác lợi thế đặc thù của Việt Nam để thay đổi thứ hạng quốc gia.
Thế giới ngày nay phát triển với tốc độ số hóa nhanh chưa từng có. Trong 2 thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, số lượng người kết nối mạng Internet trên khắp thế giới đã gia tăng từ 350 triệu lên hơn 4 tỷ. Cũng trong khoảng thời gian đó, số lượng người sử dụng điện thoại di động tăng từ 750 triệu lên trên 5 tỷ người. Cùng với xu hướng vạn vật đều kết nối mạng, hơn 90% dữ liệu của nhân loại được tạo ra trong vòng 2 năm trở lại đây. Tốc độ số hóa và cách tân công nghệ mở ra triển vọng mới, mô hình kinh doanh mới, tạo ra giá trị mới.
Mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số giúp tăng mạnh năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế mới. Theo ước tính, chỉ riêng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dự đoán năm 2021, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp từ 25% – 60% GDP; chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động từ 15% – 21% và làm thay đổi 85% công việc trong khu vực. Chuyển đổi số giúp Chính phủ hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn, hạn chế tham nhũng, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng về thu nhập, đào tạo, tiếp cận dịch vụ.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang triển khai chuyển đổi số quốc gia
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, đến nay, nhiều nước đã xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình quốc gia về chuyển đổi số. Từ tháng 12/2014, một số quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số đã cùng nhau thành lập mạng lưới hợp tác quốc gia số với 5 thành viên sáng lập bao gồm: Estonia, Israel, New Zealand, Hàn Quốc và Anh. Đến nay, mạng lưới có thêm 5 quốc gia thành viên bao gồm: Canada, Uruguay, Mexico, Bồ Đào Nha và Đan Mạch, được biết đến với tên gọi không chính thức là D10 (D là viết tắt của từ Digital). Nhiều quốc gia phát triển tuy chưa tham gia vào mạng lưới này nhưng đều rất tích cực trong việc xây dựng, tuyên bố và triển khai chuyển đổi số như Mỹ, Đức hay Hà Lan.
Một số quốc gia châu Á khác, như Ấn Độ và các nước Ả Rập, cũng sớm xác định được xu hướng tất yếu của chuyển đổi số và coi đây là nhiệm vụ chiến lược mang tầm quốc gia. Đặc biệt, Chính phủ các nước Ả Rập chỉ riêng năm 2018 đã chi tiêu 15 tỷ đô-la cho các công nghệ nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số. Nếu như vào năm 1970, các nước Ả Rập có tầm nhìn chiến lược, định hướng chuyển dịch từ việc thu nhập chủ yếu từ dầu mỏ và khí đốt sang trở thành trung tâm thương mại, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ tài chính, thì hiện nay, các nước Ả Rập có tầm nhìn chiến lược, định hướng chuyển đổi số thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
Trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia dẫn đầu đều có tầm nhìn và hành động cụ thể. Tháng 11/2014, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố chương trình chuyển đổi số, đưa Singapore trở thành một quốc gia thông minh. Indonesia đặt mục tiêu chuyển đổi số giúp tạo ra giá trị mới ước tính vào khoảng 150 tỷ USD, tương đương với 10% GDP vào năm 2025.
Mới đây nhất, tháng 10/2019, trở lại lãnh đạo đất nước Malaysia sau 16 năm, Thủ tướng Mahathir Mohamad tuyên bố chương trình chuyển đổi số, với trọng tâm là đưa Malaysia trở thành trung tâm về công nghệ tài chính (fintech), chuỗi khối (blockchain) và thiết bị bay thông minh (dronetech).
Chuyển đổi số tại Việt Nam
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Năm 2018, với tốc độ tăng trưởng kinh tế là 7,08%, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. Việt Nam đã được các tổ chức và bạn bè quốc tế đánh giá thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất châu Á cũng như thế giới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, quá trình đổi mới đã giúp đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, so với các nước phát triển, Việt Nam vẫn là nước có mức thu nhập trung bình, mức độ cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Năng suất lao động người Việt Nam còn rất thấp, ngay cả so với các nước trong khu vực. Theo báo cáo phân tích từ số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động năm 2018 của Việt Nam chỉ bằng 7,3% của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia, 55,9% của Philippines. Nếu Việt Nam không quyết tâm và có giải pháp quyết liệt, kịp thời, thì sẽ dễ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.
Theo một số nghiên cứu, các quốc gia đang phát triển có khả năng được lợi nhiều hơn từ chuyển đổi số, do xuất phát điểm thấp hơn, mới hơn, ít gánh nặng hơn, lại có cơ hội tiếp cận tri thức tốt nhất của nhân loại một cách bình đẳng, do vậy, có khả năng chuyển đổi số nhanh hơn, mang lại kết quả đột phá hơn.
Với hiện trạng và bối cảnh thế giới như trên, chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới. Nếu có chính sách phù hợp,Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển.
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ và đây càng là lợi thế của Việt Nam khi có Đảng lãnh đạo, có thể đưa ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung, tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội.
Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số tại Việt Nam
Để thực hiện chuyển đổi số, Việt Nam cũng cần đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức tại Việt Nam.
Về điểm mạnh:
– Nhận thức và chủ trương đúng, kịp thời của Đảng, Chính phủ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số;
– Ý chí và khát vọng của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, con người Việt Nam về xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường;
– Không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi mô hình cũ, công nghệ cũ;
– Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và tỷ lệ sử dụng công nghệ phát triển rất nhanh;
– Nguồn nhân lực trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh và có khát vọng làm giàu;
– Điều kiện tốt về vị thế chính trị ổn định, dân số, địa lý, khí hậu, tài nguyên.
Về điểm yếu:
– Việt Nam vẫn là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nên nguồn lực đầu tư hạn chế;
– Thể chế, khung pháp lý, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh nghiệp chưa đáp ứng vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế số;
– Đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sáng tạo chưa cao;
– Đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chưa đáp ứng nhu cầu;
– Tỷ lệ doanh nghiệp, người dân hiểu biết, sử dụng ICT còn thấp.
Về cơ hội:
– Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng;
– Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình;
– Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân.
Về thách thức:
– Những mối quan hệ mới chưa có tiền lệ phát sinh, những mối quan hệ truyền thống có thể bị gián đoạn hoặc chấm dứt, tổ chức, doanh nghiệp có thể bị phá sản hoặc bị thay thế;
– Nhân lực chuyển đổi số thiếu hụt, từ nhà quản lý đến chuyên gia, kỹ sư, công nhân công nghệ số. Người dân chưa có đủ kỹ năng số cần thiết. Nguy cơ mất việc làm khi người lao động không được đào tạo lại, đào tạo nâng cao kịp thời để bắt kịp các yêu cầu về kỹ năng mới;
Như vậy, chuyển đổi số mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam. Đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh.
Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm giải quyết thách thức, tận dụng tối đa cơ hội, khai thác lợi thế đặc thù của Việt Nam để đi nhanh và đi đầu, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực, huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện chuyển đổi số, thay đổi thứ hạng quốc gia trên thế giới.
Thegioibantin.com | VinaAspire News