Ba ‘khoảng cách’ vợ chồng quyết định vận mệnh gia đình
Quan hệ vợ chồng như loài nhím, quá gần nhau sẽ làm nhau đau, vì thế nên giữ ở trạng thái cân bằng, vừa đủ sưởi ấm lại không châm chích nhau.
Tại sao nói cách ứng xử của vợ chồng quyết định sự thăng trầm của một gia đình? Bởi vì cha mẹ là hình mẫu cho con. Bạn là người như thế nào, con bạn sẽ trở thành người như thế.
1. Vợ chồng càng gần gũi càng dễ xảy ra mâu thuẫn
Có một thuật ngữ tâm lý học là “Nguyên tắc con nhím”. Đêm đông những con nhím muốn sát lại gần nhau để tìm thấy một chút hơi ấm. Nhưng càng gần nhau chúng lại làm tổn thương nhau bằng chiếc lông sắc nhọn. Dần dần chúng học được cách đứng gần nhau ở một mức vừa phải, nhận một độ ấm vừa phải, như thế sẽ không làm tổn thương nhau.
Mối quan hệ vợ chồng cũng nên như loài nhím. Lúc mới bắt đầu yêu thì xem nhau như duy nhất trên đời. Thời gian trôi qua, cảm giác ban đầu tan biến, ngược lại những bất đồng tăng lên. Cho nên dễ phân biệt được “vợ chồng son” và “vợ chồng già”. Vợ chồng son dùng tình cảm nồng nhiệt để gắn kết nhau, còn vợ chồng lâu năm sẽ dùng tinh thần để ủng hộ nhau.
Đã có nhiều đôi ly hôn vì không chịu nổi khoảng trống tâm lý sau khi “lửa tắt”, có người lại chọn “chiến tranh lạnh”. Nhưng dù là kiểu nào đi nữa thì tất cả đều do “thân mật” quá mức mà ra. Những người thực sự muốn gia đình hòa thuận sẽ không phải là con nhím để giữ ấm, cũng không phải dùng chính cái gai của mình để châm chích lẫn nhau. Thay vào đó, hãy nắm bắt ý thức về tỷ lệ khoảng cách để gia đình đi đúng hướng trên thanh cân bằng.
2. Vợ chồng càng xa nhau gia đình càng ly tán
Có một cặp vợ chồng cùng đến buổi họp mặt, họ giả vờ thân thiết. Nhưng khi ngồi xuống các đồng nghiệp phát hiện họ ngồi tách xa nhau. Vợ không thèm nhìn chồng, chồng thì chằm chằm vào điện thoại. Một người bạn đùa về khoảng cách hai vợ chồng, họ lập tức xích lại gần, nhưng trong mắt toát lên vẻ bất mãn, miễn cưỡng. Ăn xong, hai người bước ra khỏi cửa khách sạn, rồi đường ai nấy đi. Sau đó đồng nghiệp mới biết thì ra hôn nhân của hai người này chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, không ai quan tâm ai.
Điều mà hôn nhân sợ nhất không phải “chiến tranh nóng”, tức cãi vã, xung đột, mà là “chiến tranh lạnh”, vợ chồng chẳng ai nói với ai một câu, thờ ơ còn hơn người dưng nước lã. Các gia đình không hòa thuận phần lớn là do “chiến tranh lạnh”. Nguyên nhân của tình trạng này là vợ chồng đã quá xa nhau, không còn cùng chung tiếng nói.
3. Khoảng cách vừa phải, mối quan hệ như dòng suối chảy dài
Nhà văn Sanmao (Đài Loan) nói: Nhân sinh giống như ba đạo trà, đạo thứ nhất đắng khổ tựa cuộc đời, đạo thứ hai ngọt tựa ái tình, đạo thứ ba, nhạt nhưu gió thoảng.
Ba “đạo trà” này là biểu tượng của đời sống gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Có một sự thật khá phổ biến là càng sống với nhau lâu càng trở nên coi thường nhau. Sự thân mật bên cạnh tác dụng làm cho mối quan hệ trở nên mật thiết, thì cũng có mặt trái. Đó là vì quá gần gũi, quá biết về nhau nên vợ chồng dễ nhìn thấy khuyết điểm của nhau nhất, từ đó dẫn đến không còn hấp dẫn, không còn say mê như thưở đầu và hậu quả cuối cùng là không còn tôn trọng nhau.
Còn khuynh hướng càng sống với nhau càng “kính” lại ít đôi nào làm được. Các cụ ta khuyên “vợ chồng tương kính như tân” có lý của nó. Giống như có khách quý đến nhà, ta dọn dẹp nhà sạch sẽ, đối đáp với nhau tôn trọng, bản thân ta cũng chăm chút bản thân. Ta không khám phá không gian riêng tư của đối phương. Mấu chốt ở đây là sự tôn trọng bản thân và tôn trọng người bạn đời.
Tóm lại vợ chồng chung sống với nhau nên giữ trạng thái cân bằng, giống như dòng nước nhỏ mà chảy dài thì gia đình cũng từ sự hòa hợp bên trong mà trở nên hưng thịnh.
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Nguồn: VNExpress