Con bạn có đang chịu những áp lực thành công này?

0

Người trẻ ngày nay được hưởng cuộc sống sung túc hơn, nhưng chưa chắc đã hạnh phúc như thế hệ trước. Không chỉ đương đầu với áp lực, những tâm hồn non trẻ còn phải học cả cách ôm nỗi lo âu ấy vào lòng, tự giải quyết chúng. Bài viết này sẽ hé lộ phần nào những áp lực về hai chữ “thành công”, đặc biệt là trong sự nghiệp, đang đè nặng lên vai thế hệ Z.

1. Áp lực về một sự nghiệp “xứng kỳ vọng”

Với hầu hết các bạn trẻ thế hệ Z, thành công gắn liền với việc bước chân vào một ngôi trường đại học danh giá và có một khởi đầu công việc tốt. Trong đó, sự thật là định nghĩa “tốt” lại phụ thuộc rất nhiều vào… thành tích bạn bè của con. Ví dụ, nếu xung quanh con các bạn vui vẻ ra trường với mức lương 6 triệu/tháng, con cũng sẽ nghĩ công việc đó “chấp nhận được”. Nhưng nếu người bạn cùng lớp đại học vừa tốt nghiệp đã thi đỗ chương trình “Quản trị viên tương lai” của một tập đoàn đa quốc gia với mức lương tính bằng nghìn đô, người anh ngày trước cùng câu lạc bộ giờ đã trở thành quản lí của một công ty kiểm toán nước ngoài, kỳ vọng của con về bản thân sẽ khác.

Sự so sánh ngầm này được gọi là “áp lực đồng trang lứa” (peer pressure). Nó là sự kết hợp của sự lo âu (tại sao đến giờ mình vẫn chưa đạt được gì?), ghen tị (tại sao cùng nỗ lực người ta lại được ưu ái hơn?) và cả thất vọng (mình đang tụt lùi không?). Một mặt, cảm xúc này tạo động lực cho con cố gắng. Nhưng mặt khác, chứng kiến những người ở cùng xuất phát điểm với mình liên tiếp vượt lên và đạt thành tích hoàn toàn không phải là một cảm giác dễ chịu.

Không chỉ vậy, thế hệ Z vốn được nuôi lớn trong một môi trường mà cạnh tranh về thành tích học tập được đẩy lên cao hơn bao giờ hết – khi các gia đình dư dả hơn và đầu tư vào giáo dục nhiều hơn. Lớn lên, tính ganh đua ấy đã chuyển hoá thành những cuộc đua bất tận về mức lương, danh tiếng công ty và tốc độ thăng tiến, ở mức gấp nhiều lần các thế hệ trước.

Vì vậy, nếu con đang theo học tại những môi trường chất lượng cao, cha mẹ hãy hiểu rằng: rất có thể sự ủ rũ vô cớ của con bắt nguồn từ việc dằn vặt bản thân vì một kỳ thi kết quả không tốt trước đó.

2. Áp lực trở thành “một người bình thường”

Xét ở một góc độ khác, ở Việt Nam, nhiều gia đình đặt kỳ vọng lớn khi con còn đi học, nhưng mong muốn con sẽ có một sự nghiệp “ổn định”, “bình thường như bố mẹ ngày trước” khi ra trường. “Khởi nghiệp”, “về nhà sau 8h tối”, “đi lập nghiệp xa nhà”… là những cụm từ thường không được lòng các gia đình.

Đây là một tâm lí dễ hiểu, đặc biệt với các bậc cha mẹ có con gái. Tuy nhiên, điều này khi kết hợp với áp lực đồng trang lứa lại trở thành một chiếc vòng quấn chặt con – nỗ lực để vươn lên đã mệt mỏi, con còn tủi thân vì không được thấu hiểu, thậm chí bị gia đình ngăn cản. Con thu mình lại trước những lời hỏi thăm, khuyên nhủ của cha mẹ. Cha mẹ cũng vì vậy mà càng hay nổi nóng, chê trách con. Áp lực vì vậy mà như nhân đôi.

3. Áp lực là chính mình 

Nỗ lực để là một nhân tố được xã hội công nhận, cân bằng với kì vọng của gia đình, vậy còn mơ ước của riêng con? Liệu làm tốt một công việc mình không thích có được tính là thành công?

Với những con có sở thích nghề nghiệp trùng với mong ước của “thế giới xung quanh” và điều kiện của bản thân thì thật may mắn. Còn với những tâm hồn trót mê các khung trời lạ lẫm hơn, tốn kém hơn – như nghệ thuật, thời trang, phim ảnh… các con sẽ phải nói gì với bản thân trước những lựa chọn nghề nghiệp đi ngược lại kì vọng của chính trái tim mình?

Áp lực làm điều mình thích rất day dứt. Những thế hệ trước có thể không cảm nhận được rõ nét điều ấy. Nhưng ngày nay các con được sống trong một môi trường khác, lớn lên với những tư tưởng ít nhiều khác trước. Không khó để tìm được một bài viết khuyên những người trẻ theo đuổi đam mê đích thực của mình. Không thể trách các con “viển vông”. Những điều ấy xét đến cùng là đúng.

Làm thế nào để dung hoà 3 áp lực này và tiến nhanh tiến chắc trên con đường sự nghiệp là một bài toán khó với lứa tuổi mới trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ hãy bao dung hơn với con. Hãy đặt mình vào những kì vọng của con, để thấy rằng, hai chữ “thành công”, thật đáng khao khát, nhưng cũng thật đáng sợ biết bao.

Thegioibantin.com | VinaAspire News

Nguồn: RMIT & Cha mẹ

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ