Nền tảng để sống hòa thuận trong gia đình “tam đại đồng đường” thời xưa
Trong cuốn sách nổi tiếng “Kinh Dịch” có viết: “Gia đình ổn định thì quốc gia mới vững vàng”. Trong “Kinh Lễ” cũng có viết: “Các gia đình có nền nếp gia phong thì quốc gia sẽ được cai trị tốt.” Khổng Tử cũng cho rằng, gia đình có tầm quan trọng đối với sự hưng thịnh của một quốc gia.
Có rất nhiều điển cố điển tích được ghi chép lại và lưu truyền qua các thời kỳ nói lên những quan điểm của người xưa về tầm quan trọng của gia đình và sự hòa thuận của gia đình. Dưới đây là một vài ví dụ trong số đó.
Vợ chồng: Kính trọng nhau như khách
Vào thời Xuân Thu (770 – 476 TCN), vua Tấn đã cử một sứ thần của mình đi thăm nước khác. Trên đường về nhà, viên sứ này thấy một người nông dân đang làm việc trên đồng ruộng và một người phụ nữ trẻ mang cơm trưa cho anh ta.
Mặc dù thức ăn rất đạm bạc, người phụ nữa trẻ là vợ người nông dân ấy. Cô đã đưa bữa trưa trên khay bằng hai tay cho chồng với một thái độ rất tôn kính.
Tương tự như vậy, người nông dân kính cẩn nhận lấy phần ăn trưa của mình. Trong khi người chồng dùng bữa thì người vợ chờ đợi một cách lễ độ, vui vẻ.
Viên sứ thần chứng kiến cảnh ấy đã rất xúc động trong lòng. Ông bước về phía cặp vợ chồng người nông dân để nói chuyện với họ, biết được người nông dân này tên là Hỷ Khuyết.
Khi trở về nước Tấn, viên sứ thần ấy đã xin yết kiến đức vua và kể cho ngài câu chuyện về vợ chồng Hỷ Khuyết.
Ông nói: “Thần đã quan sát Hỷ Khuyết và vợ anh ta đối xử với nhau bằng sự tôn trọng tuyệt vời, như thể họ là khách của nhau vậy. Bệ Hạ, thần tin rằng sự tôn kính lẫn nhau là biểu hiện tiêu biểu của đức hạnh, và những người có đạo đức là những người tốt nhất để cai quản việc đại sự của quốc gia.”
Viên sứ thần cuối cùng đã tiến cử Hỷ Khuyết với nhà vua, và vua đã làm theo lời khuyên của ông, bổ nhiệm Hỷ Khuyết vào chức vụ quan trọng ở nước Tấn.
Hỷ Khuyết đã phụng sự nước Tấn với lòng dũng cảm, trí tuệ, có được những công trạng lớn lao và liên tục được thăng chức sau đó.
Cha mẹ và con cái: Lòng tôn kính, hiếu thảo
Thời nhà Tống có một người phụ nữ vô cùng hiếu thảo họ Ngô, mọi người gọi là Ngô Thị. Khi hai vợ chồng còn chưa kịp có một đứa con chung thì chồng của cô đã qua đời. Từ khi về nhà chồng đến lúc chồng đã qua đời, Ngô Thị vẫn vô cùng hiếu thảo với mẹ chồng.
Mẹ chồng cô tuổi cao sức yếu, hơn nữa còn bị mờ cả hai mắt, nhìn không được rõ. Thấu hiểu cảnh cô đơn của bản thân mình, nên bà đã nghĩ ra một cách tìm một người con nuôi và để cho con dâu đi tái giá.
Người con dâu sau khi biết ý định của mẹ chồng liền khóc và nói rằng: “Mẹ ơi! Từ xưa đến nay, liệt nữ không lấy hai chồng. Con đương nhiên sẽ không tái giá, sẽ ở bên tận lực phụng dưỡng mẹ, mẹ cứ yên lòng ạ!” (Liệt nữ chỉ người con gái thà chết để bảo vệ trinh tiết).
Để chăm lo phụng dưỡng mẹ chồng, Ngô Thị làm bất kể việc gì kể cả việc nặng nhọc mà mọi người thuê để kiếm tiền mua gạo, mua đồ ăn.
Có những hôm đi làm việc nặng, chủ nhà cho cô những thức ăn ngon để bồi dưỡng nhưng cô không ăn mà mang về nhà cho mẹ chồng.
Có một lần, Ngô Thị đang nấu cơm. Khi cơm còn chưa chín, thì người hàng xóm có việc gấp cần cô đến giúp đỡ ngay. Thế là cô bỏ nồi cơm đang đun dở ở đó và chạy đi. Mẹ chồng cô thấy vậy, trong lòng lo lắng rằng cơm đun lâu quá thì sẽ bị cháy.
Thế là bà đem nồi cơm bỏ xuống vùi trong đống tro. Nhưng bởi vì mắt không nhìn rõ, nên khi nồi cơm bị vùi xuống tro đã bị rơi mất vung. Vì vậy, toàn bộ nồi cơm bị tro vào làm bẩn hết.
Người con dâu trở về, thấy như vậy cũng không hỏi hay tỏ ý phật lòng mà chạy vội sang hàng xóm vay tạm một bát cơm về cho mẹ chồng ăn trước. Sau đó cô đem số cơm bị tro và sạn rơi vào làm bẩn, rửa đi rồi nấu lại cho mình ăn. Lòng hiếu thảo của Ngô Thị nổi danh khắp vùng.
Tình cảm anh em: Lúc nguy nan không bỏ mặc nhau
Một câu chuyện khác kể về một tình yêu thương vĩ đại và sự hi sinh giữa hai anh em ruột xảy ra thời nhà Hán.
Chuyện kể về một người đàn ông tên là Triệu Tiêu và người em trai tên Triệu Lý, cả hai anh em đều là người tốt bụng và yêu thương nhau.
Một năm nọ, nạn đói hoành hành ở quê hương của họ, một toán cướp đã bắt cóc Triệu Lý, mang đến hang ổ của chúng ở trong núi và định ăn thịt cậu.
Triệu Tiêu đuổi theo những tên cướp tới hang ổ của chúng và nói rằng: “Em trai tôi sức khỏe không tốt, cũng gầy gò nữa. Tôi khỏe mạnh và mập mạp hơn, nên tôi mong các ông hãy ăn thịt tôi thay cho em trai tôi.”
Tuy nhiên, Triệu Lý không đồng ý với anh mình: “Em mới là người bị bắt. Đó là số mệnh của em. Chẳng có lý do gì để anh thay thế em cả.”
Nói xong, hai anh em ôm chầm lấy nhau và cả hai cùng khóc. Chứng kiến nhân cách vô cùng cao quý của hai anh em, toán cướp đã rất xúc động và cuối cùng chúng đã thả cả hai người ra về.
Về sau, Hoàng đế biết đến câu chuyện cảm động này đã ban cho cả Triệu Tiêu và Triệu Lý giữ các vị trí xử án trong triều đình.
Thời xưa, các thế hệ trong gia đình đều sống cùng với nhau trong một nhà. Nhiều người như vậy có thể sinh sống cùng nhau thực sự không phải là chuyện đơn giản, lại càng không phải là một việc dễ dàng. Nhưng chính nhờ việc ai ai cũng hiểu và tuân thủ “hiếu đễ”, tôn kính lẫn nhau, có trên có dưới mà xây dựng được một gia đình hòa thuận như vậy.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: trithucvn.net