Chọn Ngành học, quyết định lớn nhất trong đời.

0

Trong đời có hai lựa chọn lớn nhất mà tiếc thay con người thường phải quyết định vào lúc tuổi còn rất non trẻ. Đó là chọn vợ chồng và lựa ngành học. Nội dung của bài này sẽ không lạm bàn tới chuyện thứ nhất. Mặc dù chuyện lập gia đình xem ra cũng rất quan trọng nhưng có lẽ nó sẽ rất lạc điệu trong một trang nhà chuyên trách về vấn đề học tập và du học.

 

 

Quyết định về một ngành mình sẽ theo học quan trọng tới mức nào? Có lẽ những ai đã học xong rồi – hay thậm chí không xong – đều nhất trí là điều này thật then chốt trong cuộc đời. Thế nhưng phần lớn cũng phải thừa nhận rằng, ngày xưa mình không hề ý thức đầy đủ tầm quan trọng của nó. Sự lựa chọn thường hết sức may rủi, lý do của sự quyết định thường rất nông cạn. Và, lịch sử dường như lặp lại thật, bạn trẻ ngày nay, khi đứng trước ngưỡng cửa của sự chọn ngành, thường cũng không hiểu hết ý nghĩa của quyết định đầu đời này.

Thời kỳ học cao đẳng hay đại học là giai đoạn quí báu nhất của đời người. Đó là một thời kỳ kéo dài khoảng 4-6 năm nhưng nó quyết định hết đời con người. Nó là thời gian tạo cho ta một khả năng chuyên môn về mặt nghề nghiệp mà ai cũng phải có. Với tay nghề đó, con người làm việc, sáng tạo, lao động… nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của đời người. Thời gian học chính là giai đoạn chuẩn bị kiến thức cho nghề nghiệp mà cuối cùng nghề nghiệp chính là xương sống của đời mình. Thời gian đó cũng là giai đoạn hình thành cơ sở nhận thức và phán đoán của mỗi người. Giáo trình đại học không những cung cấp cho ta kiến thức, mà quí báu hơn, nó dạy cho sinh viên phương pháp luận để xử trí công việc. Thế nên chọn ngành học chính là cái quyết định bao trùm hết cả cuộc đời, nó quyết định trình độ tư duy của ta, nó là kẻ đưa đường dẫn lối ta sẽ làm ngành chuyên môn gì, giao thiệp với tầng lớp nào, đời sống của ta có cơ may được hạnh phúc và đầy đủ hay không, thậm chí trong một số trường hợp nó quyết giùm ta cả chuyện thứ nhất nói trên. Thiết nghĩ điều đó ai cũng biết, kể cả các bạn trẻ chưa tròn đôi mươi.

Quyết định đó quá quan trọng nên tại Việt Nam, nhiều bậc cha mẹ làm giùm luôn cho con cái ! Ta vẫn thường nghe các vị phụ huynh khả kính nói tôi sẽ “cho” con học ngành này ngành kia. Còn các bạn trẻ, nếu được ai hỏi, thích học tập những gì, thích làm ngành nghề gì trong tương lai, phần lớn họ rất lúng túng. Họ không biết chính xác mình muốn cái gì, dù trong một thời đại được gọi là “thế kỷ của thông tin” như ngày hôm nay. Lý do chính của sự “chủ động” của cha mẹ cũng như của sự lúng túng của bạn trẻ là ở chỗ, tất cả mọi người đều nghĩ tới học ngành gì để về sau có việc làm, có nghề nghiệp với mức thu nhập cao. Đó là tiêu chí thật ra rất chính đáng, quan trọng bậc nhất mà con người ở Việt Nam hay ở phương Tây đều đặt ra như nhau.

Thế nhưng dù nó là tiêu chí chủ yếu nhất, nó chỉ là một trong nhiều tiêu chí khác. Thanh niên nam nữ phương Tây, dù vừa xong phổ thông, khác với bạn trẻ Việt Nam ở một điểm quan trọng: phần lớn họ biết mình muốn học ngành gì, có ước vọng gì trong nghề nghiệp, biết mình yêu thích loại chuyên môn nào. Dĩ nhiên trong đó có nhiều ước vọng đầy cảm tính và non nớt, không phải họ muốn gì cũng được thực hiện cả.

 

Thế nhưng cha mẹ và các nhà giáo dục đều biết, khi bạn trẻ học đúng ngành nghề mình yêu thích thì họ có say mê trong học tập, phát huy khả năng sớm, thành tựu ngành học một cách xuất sắc. Đó chính là điều kiện tiên quyết để có một việc làm xứng đáng, có thu nhập cao. Và với một công việc đúng ngành nghề mình say mê thì có lẽ cuộc đời là một chuỗi những niềm vui.

 

Tại các nước giàu mạnh phương Tây, giới trẻ không sợ không tìm ra việc làm, họ chỉ sợ mình không có chuyên môn cao. Những ai thật sự theo đuổi đúng ngành nghề mình ưa thích, người đó sẽ học giỏi và có việc làm. Đó là một trong những lý do làm sự phát triển khoa học kỹ thuật cũng như mọi ngành khác trong xã hội trong các nước phương Tây luôn luôn ưu việt hơn các nước khác. Nó cũng giải thích tại sao sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ của họ thành tựu được nhiều sự nghiệp hơn các bạn trẻ của chúng ta, mặc dù ta không kém họ về trí thông minh và sáng tạo.

Các bạn trẻ của ta chịu một thiệt thòi, đó là quá bức xúc vì phải kiếm một vài ngành học “sáng giá” nhất định. Dù vậy ta cần học một kinh nghiệm của giới trẻ phương Tây. Đó là, muốn có năng lực thật sự, sinh viên phải yêu thích say mê môn học của mình, lấy nó làm động cơ bền bỉ để học tập và sáng tạo. Về sau nó sẽ là niềm vui trong nghề nghiệp kéo dài suốt một đời. Đó là điều mà người viết bài này mong ước thế hệ các bạn trẻ Việt Nam được tận hưởng.

Dĩ nhiên cuộc đời không luôn luôn cho phép ta muốn gì được đó. Thế nhưng muốn được điều nói trên thì trước hết bạn trẻ cần phải biết lắng nghe chính mình, biết khám phá khả năng của mình. Dường như các bạn biết rõ xã hội muốn gì , cha mẹ muốn gì và người yêu muốn gì nơi mình, còn chính mình muốn gì thì không. Bạn có bao giờ phát hiện mình thật sự yêu thích ngành nghề gì chưa. Hãy thử nhớ lại trong thời trung học, lúc thầy giáo giảng về môn gì thì tim bạn đập mạnh hơn vì yêu thích và hâm mộ môn đó. Hay bạn chỉ học vì lấy điểm? Hãy thử tạm quên thành kiến của xã hội và ảnh hưởng của cha mẹ để xem thâm tâm mình muốn theo hướng nào, kể cả những ngành bị mọi người coi nhẹ. Có thể bạn sẽ thích ngành thiên văn, khảo cổ, kiến trúc, âm nhạc, tâm lý, triết học, lịch sử… Cũng có thể cuối cùng bạn sẽ kết luận mình yêu kinh tế, khoa học, tin học, y khoa, kỹ thuật… nhưng đó là kết luận của chính bạn, chứ không phải của bất cứ ai khác. Và chỉ có niềm tin và kết luận của chính mình mới đưa mình đi xa nhất.

Không phải dễ dàng phát hiện ra “thiên hướng” của mình. Thế nhưng nó chỉ trả lời khi có ai hỏi đến nó. Có khi nó đến rất chậm, lúc tất cả đều đã trễ. Có khi nó không bao giờ lên tiếng. Bài viết này không phải để triết lý chung chung với các bạn trẻ. Nó có một ý định hẳn hoi, nó kêu gọi các bạn hãy bình tâm lắng nghe mình trước khi chọn ngành học. Nhất là bạn nào có may mắn sắp đi du học ở các nước phương Tây, một nơi mà bạn thật sự có quyền chọn ngành nghề một cách tự chủ độc lập, bạn cần tận dụng mọi phương tiện thông tin để khám phá thế giới và qua đó thấy rõ được chính mình.

Tìm hiểu khả năng và thiên hướng của mình không phải là câu kết luận giản đơn của một thời điểm nhất định, mà là một quá trình ngày càng tinh tế. Song song, việc học và nghề nghiệp cũng không phải là chuyện của một ngày, một buổi mà là một cuộc hành trình với càng ngày càng nhiều cơ hội và khả năng.

 

Cuối cùng, nghệ thuật sống của bạn trong quá trình học tập và thực hành nghề nghiệp là theo đuổi được ý thích và say mê của mình một cách tối đa nhưng phải phù hợp với điều kiện khách quan và cụ thể của đời mình. Có khi bạn thực hiện được nhiều, có khi ít hơn, nhưng đã cố tâm và tỉnh giác thì bạn sẽ không đánh mất cơ may. Người viết bài này nhớ tới một câu nói của một danh nhân để chúc bạn “đủ ý chí để thực hiện những gì mình làm được và đủ minh triết để biết những gì mình không làm được”.

 

(Theo du học)

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ