Doanh nhân trẻ dầu khí giao lưu với sinh viên
Tuổi trẻ luôn có hoài bão về tương lai, sự nghiệp, trong đó có các bạn sinh viên, tuy nhiên hiện có rất nhiều sinh viên băn khoăn cho quá trình lập thân, lập nghiệp về sau. Và những băn khoăn, trăn trở, lo lắng của 400 sinh viên hai trường PVMTC và PVU được 8 doanh nhân trẻ dầu khí giải đáp chân tình, sâu sắc trong chương trình giao lưu “Doanh nhân trẻ dầu khí với sinh viên” tối hôm 13/5/2014 tại TP Vũng Tàu.
Anh Cao Hoài Dương – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Dầu khí, Tổng giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo): Hội Doanh nhân trẻ Dầu khí là cầu nối giữa doanh nhân và các bạn trẻ. Cách đây 15, 20 năm, chúng tôi cũng giống như các bạn, có nhiều băn khoăn, trăn trở về quá trình lập nghiệp sau khi ra trường. Do đó, buổi giao lưu này là dịp để chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm, những thành công và cả những thất bại, va vấp mà chúng tôi đã trải qua để các bạn đỡ lặp lại vết xe đổ đó. Đó cũng là nguồn tài liệu quan trọng cho quá trình hướng nghiệp, khởi nghiệp cho các bạn trẻ bên cạnh kiến thức ở nhà trường.
Tôi quan niệm kỹ sư và công nhân lành nghề đều ngang nhau. 10 năm qua nhà máy sẽ không thể vận hành tốt nếu thiếu kỹ sư hay thiếu công nhân lành nghề. Đã có những lúc chúng tôi tuyệt vọng vì không tìm được một công nhân lành nghề trong khi kỹ sư thì quá nhiều. Cách đây 10 năm khi chưa có cổ phần hóa thì Nhà nước và tư nhân khác nhau rất nhiều. Nhưng hiện nay, dù Nhà nước hay tư nhân đều có những thử thách của riêng nó. Trên thực tế liệu các bạn đã cống hiến hết mình cho công việc mình đang đảm trách hay chưa.
Lâu nay chúng ta có bệnh sính ngoại, cái gì Tây cũng tốt, cũng hay. Làm việc 21 năm qua tôi thấy cá nhân người Tây và ta chưa chắc ai hơn ai nhưng vì sao kết quả chúng ta đạt được không bằng họ? Tôi nhận thấy cái họ hơn mình là làm việc nhóm rất hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong công việc rất cao. Do đó, tại PVFCCo, chúng tôi cố gắng xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp từ những việc nhỏ nhất. Làm ra làm, chơi ra chơi cũng thể hiện tính chuyên nghiệp…
Anh Bùi Minh Tiến – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC): Nhìn các bạn, tôi nhớ lại hồi mới ra trường cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay các bạn có nhiều thuận lợi hơn chúng tôi khi có sự định hướng nghề nghiệp từ nhà nước, xã hội và gia đình. Còn thời chúng tôi có rất nhiều người học ngành chưa phù hợp với năng lực nên rất khó khăn khi đi xin việc; khó khăn nữa là ngoại ngữ rất hạn chế. Các bạn đang học tại PVU và PVMTC thì đã có định hướng cơ bản về nghề nghiệp nên khi ra trường sẽ không gặp nhiều trở ngại. Đối với ngành Dầu khí, tôi khuyên các bạn dành nhiều thời gian hơn nữa để học ngoại ngữ, những ai có ngoại ngữ tốt thì cơ hội có việc làm tốt sẽ cao hơn. Giỏi ngoại ngữ mới có thể đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng. Cơ hội việc làm luôn luôn có với tất cả mọi người, nhưng vấn đề các bạn sinh viên sau khi ra trường có đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng không.
Và các bạn cũng không quá quan trọng về xuất phát điểm của mình. Nếu các bạn có công việc ban đầu không được hài lòng thì đừng quá chán nản mà phải tìm cách khắc phục. Từ kinh nghiệm bản thân tôi khuyên các bạn không nên quá quan trọng việc đó. Nếu các bạn làm việc tốt, năng lực tốt, kỹ năng mềm tốt, làm việc chuyên nghiệp thì chắc chắn các bạn sẽ được thăng tiến. Để có cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường, tôi khuyên các bạn thực hành nhiều từ trong nhà trường, phải tận dụng tối đa thời gian thực tập. Đối với sinh viên ngành Dầu khí, các bạn nên đến những nhà máy xa xôi nhất để thực tập như Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… Bên cạnh đó, các bạn nên đọc thêm cuốn “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch.
Chị Võ Thị Thanh Ngọc – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn: Trả lời câu hỏi của nhiều bạn sinh viên là sau khi ra trường nên làm việc cho Nhà nước hay tư nhân, tôi cho rằng dù làm Nhà nước, tư nhân hay liên doanh đều có thử thách của nó. Quan trọng là các bạn đừng cảm giác sợ, lo lắng mà tự tạo cho mình sức cản. Các bạn còn trẻ, nên là nguồn năng lượng mới với nguồn kiến thức mới và sức trẻ sẽ đánh tan sự ứ trệ, cũ kỹ của đơn vị. Các bạn tự do phát huy sức sáng tạo của mình.
Chị Võ Thị Thanh Ngọc – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và anh Bùi Minh Tiến – Tổng giám đốc PVCFC
Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn là liên doanh giữa 3 quốc gia Kuwait, Nhật Bản và Việt Nam nên trong công ty là sự pha trộn của nhiều nền văn hóa, tôn giáo và lề lối làm việc khác nhau. Do đó, làm sao để một tập thể với nhiều nền văn hóa khác nhau cùng hướng về cách làm việc và phong cách người Việt Nam là thử thách lớn nhất của ban lãnh đạo. Lọc hóa dầu Nghi Sơn khi tuyển dụng đòi hỏi người có kinh nghiệm làm việc nhiều năm nhưng công ty cũng sẵn sàng rộng mở cơ hội việc làm cho các bạn trẻ mới ra trường, với sự thông minh, nhạy bén và đầy sức sáng tạo.
Bản thân tôi làm việc trong liên doanh với Nhật Bản và Kuwait là hai quốc gia vẫn tồn tại tàn dư văn hóa trọng nam khinh nữ rất nặng, tôi là nữ duy nhất trong Ban Điều hành nên để mọi người lắng nghe ý kiến, quan điểm và quyết định của mình là không dễ. Chưa kể, dưới tôi có 90% đồng nghiệp nam với số tuổi nhiều gấp đôi số tuổi của tôi. Có lẽ vì thế mà nhiều người hài hước bảo rằng, Thanh Ngọc trẻ, đẹp nhất trong Ban Điều hành và có lẽ đó cũng là một trong những lợi thế của tôi (cười). Bản thân tôi khi làm việc luôn nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tổng hợp, phân tích và tập trung. Khi bắt tay làm việc thì hết sức tập trung. Ngoài ra, bạn phải có kỹ năng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng thuyết trình… Đừng bao giờ bỏ qua dù là chuyện nhỏ, tất cả những chuyện lớn đều đi từ chuyện nhỏ. Tôi có tất cả như hôm nay là nhờ các kỹ năng nhìn nhận, nghiên cứu, hành động, nhìn lại công việc, rút ra kinh nghiệm bài học nếu quá trình thực hiện có gì sai sót.
Khi đi xin việc, ứng viên phải biết phân tích mặt mạnh, mặt yếu của mình và phải phát huy mặt mạnh khi tham gia tuyển dụng. Đơn xin việc phải viết mạch lạc, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, viết các điểm mạnh của các bạn. Tránh viết quá sơ sài và tránh viết quá ôm đồm, dài dòng. Đơn xin việc là cầu nối dẫn các bạn đến nhà tuyển dụng. Hiện nay Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có khoảng 1.400-1.500 cán bộ, công nhân, kỹ sư đang làm việc, trong khi Lọc hóa dầu Nghi Sơn chỉ ở con số 250 người. Khá khiêm tốn nhưng đây là những chuyên gia có kinh nghiệm trên 10 năm và có nhiều chuyên gia người Nhật Bản có trên 20 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo thỏa thuận của liên doanh, sau 10 năm nhà máy vận hành, sẽ có 100% người Việt Nam đảm trách. Nên từ nay, Lọc hóa dầu Nghi Sơn liên tục tuyển dụng nên các bạn đang học ở PVU và PVMTC cứ chuẩn bị tốt hành trang kiến thức, các kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ thật tốt thì không lo bị thất nghiệp.
Anh Phan Thanh Tùng – Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC): Tôi luôn sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi của các bạn trẻ nên các bạn đừng ngại hỏi tôi, kể cả qua email của tôi.
PTSC hiện có 6 dịch vụ chính cho ngành Dầu khí và đều là dịch vụ kỹ thuật cao (trừ dịch vụ khoan). PTSC đi lên được là nhờ quá trình tự đào tạo. Ngay trong thời sinh viên, phải tìm được đam mê của mình. Tích cực đi làm thực tế từ những việc nhỏ nhất để tích lũy kinh nghiệm. Bạn phải thể hiện để nhà tuyển dụng thấy bạn có kiến thức tốt, chuyên môn sâu và đam mê hết mình. Ngày xưa khi tôi đi xin việc không nhờ ai cả và khi đã trúng tuyển thì cày ngày cày đêm. Tôi cho rằng, mỗi người nên làm tốt việc cá nhân của mình cũng là làm tốt việc của tập thể. Đừng bao giờ kiêu ngạo. Nếu các bạn khiêm tốn mà giỏi thì bản thân sẽ tốt lên nhiều. Trong quá trình làm việc, phải tôn trọng cấp trên. Kiên nhẫn. Đừng nổi nóng.
Hiện nay, còn một số dự án lớn của Tập đoàn đến năm 2017, năm 2018 sẽ triển khai, như Dự án Cá Voi Xanh. Đây là một dự án rất lớn, nếu lúc đó PVN giao Dự án Cá Voi Xanh cho PTSC thì PTSC sẽ nhận bất cứ sinh viên nào mà PVN giao cho PTSC.
Chị Nguyễn Thị Hiền – Phó chủ tịch HĐQT PVFCCo: Trong quá trình làm việc, nữ doanh nhân thường gặp phải hai rào cản, rào cản tự thân của phụ nữ để thực hiện thiên chức làm vợ – làm mẹ thì cần nhiều thời gian; rào cản xã hội, doanh nhân nữ làm công tác quản lý thường khó khăn hơn trong xã hội Việt Nam nói riêng cũng như xã hội phương Đông nói chung. Để vượt qua những rào cản tự thân và rào cản xã hội thì bản thân nữ doanh nhân phải có điều kiện cần để làm được công việc mà không phân biệt giới; phải tự tin, tự trọng để vươn lên; tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và trau dồi kiến thức chuyên môn liên tục. Bên cạnh đó, nữ doanh nhân luôn cần sự ghi nhận của xã hội, vì phụ nữ thường cần quỹ thời gian nhiều để lo cho gia đình. Cuối ngày làm việc tôi luôn đánh giá, nhìn nhận xem hôm nay mình chưa làm được những gì, còn thư và công văn nào chưa trả lời, chưa xử lý hết. Việc hôm nay không để ngày mai. Đánh giá cái nào tối ưu, cái nào chưa tối ưu và rút kinh nghiệm cho chính mình. Lên kế hoạch công việc cho ngày mai. Đánh giá công việc hằng ngày như vậy sẽ giúp mình điều chỉnh sai sót hằng ngày và đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo một thống kê, đối với những người thành đạt, có 25% xuất phát từ kiến thức và 75% là nhờ kỹ năng. Hiện nay có nhiều bạn tốt nghiệp bằng giỏi ở những trường đại học danh giá nhưng chưa hẳn sẽ đáng ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Các loại nhóm kỹ năng mềm, như kỹ năng thuyết trình ngắn gọn, súc tích, mạch lạc; kỹ năng làm việc nhóm vì công việc của doanh nghiệp đòi hỏi trí tuệ tập thể; kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả nên có ở một ứng viên. Do đó, một ứng viên, ngoài tấm bằng là hành trang tối thiểu thì kỹ năng mềm đảm bảo kiến thức đó có hữu ích cho doanh nghiệp mà các bạn đến làm việc không. Và mỗi nhà tuyển dụng sẽ có yêu cầu về kỹ năng mềm cũng như số lượng kỹ năng mềm khác nhau.
Chị Nguyễn Thị Kiều Liên – Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương: Hầu hết sinh viên ra trường chưa có kinh nghiệm về chuyên môn, nhưng những người có khả năng sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng. Những việc đã làm, những việc đã trải qua, kể cả việc đi làm từ thời sinh viên. Các bạn nên đi làm bất cứ việc gì sẽ dạy cho sinh viên mới ra trường tính tập thể, sự chuyên nghiệp trong công việc, sự tự tin trong công việc và có thêm nhiều kỹ năng mềm. Thêm nữa, môi trường làm việc rất quan trọng, nếu bạn được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, năng động, đoàn kết, thân thiện thì cực kỳ thuận lợi. Từ những môi trường làm việc như vậy, bạn say sưa làm việc và cống hiến hết mình. Nhưng để chọn cho mình môi trường làm việc lý tưởng như vậy thì không hề dễ. Hiện nay các bạn được đào tạo trong môi trường dầu khí, mà các bạn đang được trao đổi với các CEO ở các tổng công ty dầu khí hàng đầu ở Việt Nam nên đây là lợi thế rất lớn cho các bạn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và chuẩn bị hành trang lập nghiệp của mình.
Là phụ nữ để thành công trong công việc, tôi phải biết cách cân đối giữa việc nhà và công việc cơ quan. Ngành ngân hàng hiện nay chịu sức cạnh tranh rất cao. Hiện tôi đang phụ trách hai vai, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương và Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu nên áp lực không hề nhỏ. Tuy nhiên, tôi nhận được sự thông cảm và chia sẻ của chồng, con và các thành viên trong gia đình nên tôi mới có điều kiện cống hiến nhiều cho công việc. Nguyên tắc gia đình tôi là ba đi công tác thì mẹ ở nhà. Mẹ đi công tác thì ba ở nhà.
Anh Phạm Việt Anh – Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí – PV Trans:
Hiện đang có khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu tuyển dụng và quá trình đào tạo tại Việt Nam. Qua công tác quản lý tôi đánh giá cao ai có tư duy lôgic tốt, trình bày đúng câu hỏi, mạch lạc, khúc chiết; đánh giá cao những người có tư duy mở, dễ hòa hợp với môi trường làm việc tập thể chứ không đánh giá cao người cực đoan; đánh giá cao người có ý chí cao, nên khi tuyển dụng, tôi phải đọc kỹ đơn xin việc và quá trình làm việc, quá trình vượt khó của ứng viên. Tôi tốt nghiệp Khoa Cơ khí, ĐH Bách Khoa, duyên nợ đến với ngành Dầu khí và gắn bó đến giờ, trong công việc cũng có rất nhiều thăng trầm nhưng quan trọng là kiên nhẫn chứ không bỏ cuộc. Và mỗi người nên xây dựng vốn xã hội, mối quan hệ xã hội rộng, nên xây dựng mối quan hệ thật tốt trong lĩnh vực của mình.
Anh Trần Nhật Huy – Giám đốc Công ty khí Cà Mau thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS):
Để tạo ra nhiều sáng kiến thì phải có óc tò mò và luôn đặt câu hỏi tại sao. Cái này, cái kia có thay đổi được không? Nếu thay đổi được thì nó sẽ tốt lên hay xấu đi như thế nào? Mỗi người không nên đóng khung suy nghĩ trong một cái hộp nhất định. Có dịp làm việc với nhiều bạn trẻ tôi thấy nhiều bạn bị đóng khung bởi người hướng dẫn hoặc bị đóng khung bởi tài liệu, bởi lý thuyết đã học. Làm kỹ thuật phải đi đến cùng của vấn đề, luôn cố gắng vận dụng kiến thức vào thực tế, vào việc trình bày một vấn đề gì đó. Mỗi khi tạo ra sáng kiến để mọi người chấp nhận thì không phải là dễ. Vì thế muốn thay đổi thì đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng say mê vì bất cứ sự thay đổi nào cũng không dễ ngay cả bản thân chúng ta, hay đối với đồng nghiệp và cả cấp lãnh đạo.
Đồng chí Vũ Duy Hảo – Hiệu trưởng Trường cao đẳng Dầu khí (PVMTC): Chương trình giao lưu giữa doanh nhân trẻ dầu khí và sinh viên hai trường PVMTC và PVU là cơ hội cho học sinh, sinh viên học hỏi kinh nghiệm lập thân, lập nghiệp, cũng như gửi gắm tâm tư, nguyện vọng được làm việc ở các đơn vị trong ngành. Các bạn phải cố gắng học tập thật tốt để sau này có thể về các đơn vị làm việc một cách tốt nhất. Không chỉ dừng lại ở buổi giao lưu mà Hội Doanh nhân trẻ Dầu khí nên tiếp tục tổ chức nhiều buổi giao lưu tiếp theo ở hai trường, để các bạn trẻ tiếp tục kế tục sự nghiệp của các thế hệ dầu khí.
Nguồn: http://congnghedaukhi.com
Thiên Thanh (tổng thuật) Theo Năng lượng Mới số 323