“Đi du học mà không chơi với người bản địa thì học hỏi được cái gì?”
“Du học sinh người Việt hầu như toàn bạn bè người Việt: ở với người Việt, đi ăn đi chơi với người Việt, tối về lại “chat chit” với bạn bè ở Việt Nam. Tôi nghĩ một phần của việc du học là học hỏi những cái hay cái đẹp của văn hoá địa phương. Suốt ngày chơi với người Việt thì sao mà học hỏi được?”
Ngày còn nhỏ, sinh sống ở một ngôi làng chưa ai từng đi ra nước ngoài, tôi đã từng nghĩ rằng du học là một điều gì đó vi diệu lắm. Anh, Mỹ, Nhật hay nước gì đó không quan trọng, cứ ra nước ngoài là tốt hơn ở Việt Nam. Cứ có bằng của nước ngoài thì tốt hơn bằng của Việt Nam. Nhiều người đi du học về lại mặc đồ lung linh, tiêu tiền như nước, nói tiếng nửa Anh nửa Việt khiến con bé nhà quê chân đất như tôi cứ mắt tròn mắt dẹt.
“Nhiều người đi du học về lại mặc đồ lung linh, tiêu tiền như nước, nói tiếng nửa Anh nửa Việt khiến con bé nhà quê chân đất như tôi cứ mắt tròn mắt dẹt”
Khi bắt đầu đi ra nước ngoài, gặp gỡ những du học sinh Việt Nam, tôi mới thấy rằng đời du học không như là mơ
Sau này, khi bắt đầu đi ra nước ngoài, gặp gỡ những du học sinh Việt Nam, tôi mới thấy rằng đời du học không như là mơ. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là không phải ai cũng có điều kiện sống như những gì họ có ở Việt Nam. Một tháng ăn ở 30, 40 triệu đồng nghe có vẻ to tát, nhưng ở một số quốc gia phát triển số tiền này có khi chỉ đủ để mình sống một cuộc sống tối thiểu. Tôi có lần sang thăm một người bạn đang học thạc sĩ ở Anh. Người bạn này khi ở Việt Nam khá nổi tiếng và sống một mình một căn hộ. Khi sang Anh, bạn sống trong một căn phòng nhỏ xíu chỉ kê vừa một cái giường đơn và một cái bàn học, ở cạnh một nhà vệ sinh suốt ngày bị tắc nghẽn, lại ở cùng một ông chủ nhà khó tính. Khi nấu ăn phải dọn đồ đi nấu bếp bình ga trong phòng làm phòng ngủ lúc nào cũng sặc mùi nước mắm.
“Điều đầu tiên tôi nhận thấy là không phải ai cũng có điều kiện sống như những gì họ có ở Việt Nam”
Người Việt suốt ngày chơi với người Việt thì sao mà học hỏi văn hóa bản địa được?
Điều thứ hai tôi nhận thấy là du học sinh người Việt hầu như toàn bạn bè người Việt: ở với người Việt, đi ăn đi chơi với người Việt, tối về lại “chat chit” với bạn bè ở Việt Nam. Tôi nghĩ một phần của việc du học là học hỏi những cái hay cái đẹp của văn hoá địa phương. Suốt ngày chơi với người Việt thì sao mà học hỏi được? Bản thân tôi nhiều khi cũng thấy cuộc sống dường như đơn giản hơn hẳn khi gặp gỡ người Việt – chẳng phải cả đời mình đã được dạy cách giao tiếp với người Việt đó thôi. Tôi có thể tự do nói chuyện mà không sợ ai đó không hiểu giọng của mình. Tôi có thể thoải mái ăn uống những món quái dị của Việt Nam: mắm tôm, sầu riêng, ốc, lòng, chân cổ gà… mà không sợ ai nhăn mặt chê bai. Khi gặp người Việt, tôi thường chẳng cần hỏi cũng được cho một đống lời khuyên để tiết kiệm tiền, chủ đề mà bạn bè người Mỹ tôi chẳng bao giờ nói đến. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều bạn đã đi du học cả năm trời rồi mà vẫn ngại nói chuyện với người nước ngoài.
Ở nước ngoài cũng có nhiều chỗ rất nhám chán
Ngày nhỏ, tôi cứ nghĩ đi du học là sẽ được ở chốn phồn hoa đô thị. Lớn lên rồi, tôi mới thấy ở nước ngoài có nhiều chỗ thật nhám chán. Các trường đại học ở Mỹ thường rất rộng, và để tìm được chỗ có diện tích rộng như vậy, họ nhiều khi phải đặt ở những vùng nông thôn hẻo lánh, cách biệt với thế giới bên ngoài, lái xe cả tiếng đồng hồ mới đến được thị trấn gần nhất. Bạn tôi học ở Nebraska bảo với mình rằng bốn năm du học là bốn năm tẻ nhạt, đồ ăn chán ngắt. Tôi hỏi nó sao chọn trường đấy, nó bảo nó có biết gì về các vùng thôn quê ở Mỹ đâu. Khi sang đến nơi nhận ra thì đã quá muộn. Ngay cả các các thành phố cũng không phải lúc nào cũng như mong đợi.
Thời tiết địa phương là điều ít được nhắc đến khi chọn trường du học, nhưng lại là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống của du học sinh. Thời tiết trên thế giới vô cùng đa dạng, ít có nơi nào có thời tiết như mình mong muốn.
Ngày xưa xem phim Hàn Quốc thấy tuyết trắng xoá lãng mạn, tôi cũng mơ ước ngày nào đó được sống ở nơi tuyết giăng kín trời. Nhưng rồi sau vài hôm ở nơi có tuyết, tôi quyết tâm tránh xa các thành phố hay có tuyết rơi. Trời lạnh, da tôi lúc nào cũng bị nẻ cứng đơ, môi nẻ toét máu. Chân tay tê cóng suốt ngày chỉ muốn ngồi lò sưởi, chẳng có động lực mà ra ngoài hít thở khí trời hay đi đây đi đó cho khuây khoả. Tuyết nhìn trên TV ở chỗ đồng không mông quạnh thì đẹp. Tuyết trong thành phố bị dẫm đạp lên, ướt nhèm nhẹp, lại trộn lẫn đất, rác bẩn không chịu được.
Có nơi nóng thì lại nóng quá. Nhiều nơi ở Trung Đông, Ấn Độ, hay khu vực Tây Nam của Mỹ nhiệt độ trên 40 °C là chuyện bình thường, nóng không thở được. Thời tiết ở Anh không quá nóng cũng không quá lạnh nhưng suốt ngày âm u, có khi vài tuần không thấy ánh nắng mặt trời. Người dân có lẽ bị ảnh hưởng bởi sự u ám của thời tiết mà suốt ngày mặc đồ tối rầm trời, ít nói, ít cười, chả bao giờ hỏi han người lạ. Thời tiết Scotland suốt ngày mưa rả rích – trong tuần đầu tiên tôi ở đây ai gặp cũng hỏi tôi có ô chưa. Trời buồn làm tâm hồn người cũng buồn theo.
Thời tiết địa phương là điều ít được nhắc đến khi chọn trường du học, nhưng lại là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống của du học sinh
Lúc khoẻ mạnh thì còn đỡ, nhưng lúc ốm đau đứa con xa nhà nào cũng chỉ muốn khóc
Ở Mỹ, tiền bảo hiểm đắt đỏ, nếu không có bảo hiểm tốt thì mỗi lần đi bác sĩ là sạt nghiệp. Tôi trả bảo hiểm gần 5000 USD/năm mà bảo hiểm của tôi vẫn không bao gồm tiền khám chữa răng. Mấy lần răng đau mà tôi đâu dám đi chữa vì biết là thế nào đến bác sĩ cũng mất bay cả ngàn đô, thôi cố nhịn về Việt Nam làm cho rẻ. Lúc đến bác sĩ rồi nhiều lúc cũng không biết giải thích việc ốm đau của mình thế nào bởi những từ chuyên ngành có mấy khi mình dùng mà nhớ. Có lần tôi ốm, đói muốn chết mà không nấu ăn được, cũng không thể gọi đồ ăn về nhà vì tôi yếu đến mức không đi mấy tầng cầu thang xuống nhà mở cửa cho người giao hàng. Tôi không muốn gọi bạn bè vì bên này, ai cũng bận rộn và không ai muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Muốn gặp bạn bè thường phải nhắn tin hẹn trước cả mấy ngày chứ đâu phải muốn gặp là gặp. Thế là tôi nằm trên giường, uống một đống thuốc giảm đau rồi cố ngủ lấy lại sức. Lúc đấy tôi tủi thân lắm, cứ ước giá mà ở Việt Nam thì thế nào cũng có người đến nấu cháo cho mình.
Rồi câu trả lời muôn thưở: “Đi du học xong rồi thì làm sao?” Về nước thì bị xì xào: “Không trụ được bên này nó mới phải về.” Ở lại thì lại bị bảo chảy máu chất xám, người giỏi cứ đi hết đóng góp cho nước người ta. Mang tiếng đi du học tốn kém tiền nong, nghĩ học xong sẽ được các công ty trải thảm đỏ mời làm, trả lương cao ngất ngưởng cho bõ tiền đầu tư. Có bạn học xong nợ đến cả trăm ngàn đô nhưng vẫn phải trầy trật tìm việc với mức lương tối thiếu ở nước du học. Nhiều bạn về nước lại vẫn phải nhờ bố mẹ xin vào nhà nước hay đi làm ngoài lương chỉ khoảng chục triệu – làm cả chục năm cũng chưa bù lại được số tiền bố mẹ bỏ ra cho đi du học.
Những khó khăn của việc đi du học đã dẫn đến nhiều trường hợp đi du học xong rồi tiền mất, tật mang. Một người bạn của tôi học rất giỏi ở Việt Nam nhưng sau khi sang Mỹ, có lẽ bị sốc văn hoá hay sao đó mà không học được, phải về nước. Vì ngại, người bạn đó cắt hết mối quan hệ với bạn bè ở Việt Nam, cũng không muốn theo học trường nào trong nước. Gia đình bạn đó đã phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để lo cho bạn sang nước khác học lại từ đầu.
Nếu bạn có được những người bạn tốt, thì du học Bắc Cực có khi cũng vui
Tôi kể những mặt không hào nhoáng lắm của việc du học không phải để doạ mọi người đừng đi du học, mà để mọi người hiểu rõ hơn điều gì chờ đợi mình ở phía bên kia biên giới, tránh những tiếc nuối gây ra bởi sự thiếu thông tin.
Trải nghiệm du học mỗi người mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác, mỗi trường mỗi khác. Có khi hai người Việt học cùng trường với nhau nhưng có trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Du học cũng như sống ở bất cứ đâu, trải nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào con người bạn tương tác. Nếu bạn có được những người bạn tốt, thì ở Bắc Cực có khi cũng vui.
Một câu hỏi tôi đã suy nghĩ rất nhiều: “Có phải ai cũng nên đi du học?”
Em tôi năm nay lớp 11. Tôi nhìn vào những trường hợp du học thành công hay thất bại xung quanh mình, cố gắng suy đoán điểm chung giữa những trường hợp đó. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng câu trả lời không thuộc về tôi, mà thuộc về bản thân người đi du học. Nếu em không muốn đi, tôi không thể ép. Nếu em muốn đi, tôi chẳng thể nào ngăn cản em được. Điều duy nhất tôi có thể làm là giúp em tìm kiếm thông tin để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho bản thân.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: tintucuc.com