Làm gì khi bạn ‘giỏi’ hơn sếp của mình?
Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi một người bằng cấp, kiến thức và kỹ năng đầy mình như bạn vượt qua tất cả các vòng phỏng vấn và được nhận vào làm ở một công ty nào đó. Bạn bè và người thân chúc mừng bạn. Nhưng liệu đó có phải là tất cả? Còn cả tá nhiệm vụ đang chờ bạn ở phía trước. Bạn biết mình sẽ có thể hoàn thành được chúng nhưng chợt nhận ra vấn đề là “hình như” bạn có phần nào đó “vượt trội” hơn sếp của mình.
Đã qua rồi cái thời “kinh nghiệm và tài năng” là kim chỉ nam cho các thợ săn việc, bởi trong một kỷ nguyên của Internet, viêc thuê ngoài (outsourcing) và cắt giảm ngân sách là chuyện vô cùng phổ biến, nếu có bất cứ yêu cầu nào vượt quá mức cần thiết, buổi phỏng vấn của bạn thậm chí có thể sẽ kết thúc còn nhanh hơn cả một clip quảng cáo.
Tuy vậy, bất kể những quy định có khắc nghiệt tới đâu nhưng bạn vẫn vượt qua tất cả và được làm việc với một vị sếp mới. Không sớm thì muộn, tất cả mọi người rồi sẽ đều biết rằng bạn có phần nào đó tài năng hơn sếp của mình. Mà bạn thì không hề mong muốn điều này, ít nhất là trong thời gian đầu khi mới vào làm việc. Bởi rất có thể vị trí của bạn sẽ bị lung lay nếu cấp trên biết được đây chỉ là công việc tạm thời của bạn. Lý do là đa số các công ty đều muốn tìm những người có thể gắn bó lâu dài chứ không phải trong ngắn hạn.
Và rất có thể sếp của bạn đã biết về điều này ngay khi anh ấy đồng ý ký hợp đồng, nhưng anh ta sẽ muốn quan sát xem bạn phản ứng thế nào trong công việc bởi suy cho cùng, công ty vẫn rất cần tới khả năng chuyên môn của bạn. Nhưng đây cũng là lúc họ sẽ rất nhạy cảm với bất kỳ hành động nào, do đó, điều cần làm ở đây là giảm thiểu khả năng bị hiểu nhầm là bạn đang lấn át cấp trên. Và dưới đây là 5 cách để bạn có thể làm được điều này:
1) Hãy luôn nhớ rằng “thông minh” hay “giỏi” chỉ mang tính tương đối mà thôi. Bạn có thể có một “đầu óc máy tính” hay tốt nghiệp từ một ngôi trường danh tiếng nhưng rất có thể sếp của bạn lại có những kỹ năng và kinh nghiệm quản trị tốt hơn nhiều. Và đó là lý do anh ấy đang làm “sếp” ở nơi này.
2) Đừng quá phô trương trong các buổi họp. Đây là khoảng thời gian để sếp của bạn toả sáng, do đó hãy nhiệt tình một cách “vừa đủ”, nếu vượt quá, bạn đang tự tìm lấy rắc rối cho mình đấy.
3) Nên hạn chế “khoe” ra những thành tích và bằng cấp của bạn trong quá khứ. Hãy nhớ rằng, ở đây, họ chỉ quan tâm tới kết quả công việc của bạn mà thôi. Thành tích chỉ khiến bạn xa cách với mọi người mà thôi.
4) Hãy luôn hạ thấp giọng khi nói chuyện với sếp. Tranh cãi gay gắt với cấp trên về một vấn đề gì đó sẽ chỉ mang đến thiệt thòi cho bạn ở tình huống này mà thôi.
5) Luôn tận dụng để tìm kiếm sự trợ giúp và tư vấn từ sếp, mặc dù có thể bạn không thực sự cần tới nó. Và quan trọng hơn, qua đây sếp cũng có thể nắm được công việc của bạn đang đến đâu. Tuy nhiên, cũng nên chắc chắn rằng anh ấy biết về những điều bạn định hỏi, nếu không, anh ấy sẽ có lý do để tin rằng bạn đang cố gắng tỏ ra hiểu biết hơn người khác. Và bạn biết hậu quả là gì rồi đấy.
Nói đi cũng phải nói lại, cho dù không ai có thể phủ nhận là bạn thật sự rất có năng lực trong công việc nhưng hãy luôn biết cách cư xử một cách đúng mực. Có như vậy, bạn mới có thể tạo dựng được lòng tin của đồng nghiệp nơi làm việc cho dù đây có thể chỉ là công việc tạm thời. Và biết đâu một cơ hội nào đó sẽ đến với bạn trong tương lai gần khi mọi người đều biết về năng lực và yêu quý bạn. Còn nếu không muốn như vậy, chẳng có ai cấm bạn đi tìm việc khác cả nhưng rất có thể tình trạng này sẽ lại diễn ra và người mất thời gian lại là chính bạn đấy.
Nguồn: cafebiz, Khanh Lưu, Theo Infonet/LinkedIn