Nếu muốn hủy hoại một con người, hãy cho anh ta làm công việc vô dụng nhất
“Công việc là một con quỷ, nhưng vì quá cần thiết nên không thể tránh được.” – Mark Twain. Đừng nên đi tìm một thiên chức, hãy cứ cười, chịu đựng và làm đúng công việc của mình.
Dostoevsky đã từng nói: “Nếu muốn đè bẹp và tiêu diệt hoàn toàn một con người, nếu muốn anh ta phải chịu sự trừng phạt khủng khiếp nhất, ta chỉ cần bắt anh ta làm một công việc hoàn toàn vô dụng và vô nghĩa”.Thật vậy, công cuộc tìm kiếm một công việc bạn yêu thích mà vẫn kiếm đủ thu nhập cho sinh hoạt luôn là một câu hỏi hóc búa của cuộc sống hiện đại.
Trong tác phẩm “Công việc thỏa mãn” thuộc series bài viết của “The School of Life”, triết gia Roman Krznaric sẽ giúp chúng ta tìm hiểu gốc rễ của vấn đề này và chỉ cho ta cách giải quyết hiệu quả.
Khao khát tìm được một công việc viên mãn – một công việc mà ta ý thức sâu sắc về mục đích, và phản ánh giá trị, niềm đam mê và tính cách của ta – là một sản phẩm của thời hiện đại. … Trong suốt nhiều thế kỷ, hầu hết người dân phương Tây thường quá bận rộn với việc cơm áo gạo tiền nên khó có thể bận tâm đến chuyện kiếm một sự nghiệp hấp dẫn, vừa tận dụng được tài năng của họ, vừa nuôi sống được họ. Nhưng ngày nay, đời sống đã trở nên thịnh vượng hơn, giúp giải phóng tâm trí họ và khiến họ kì vọng nhiều hơn vào một cuộc sống mạo hiểm và phiêu lưu.
Chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới của đam mê, trong đó ta mơ mộng về việc có thể bỏ tiền ra để mua một ý nghĩa nào đó.
Krznaric đã chỉ ra hai nỗi nhức nhối của một môi trường làm việc hiện đại – “một đại dịch về sự bất mãn với công việc” và “sự mông lung về lựa chọn nghề nghiệp” – từ đó định hình vấn đề:
Chưa bao giờ có nhiều người cảm thấy không thỏa mãn với công việc của mình, và không chắc chắn phải làm gì với nó đến vậy. Hầu hết các cuộc điều tra ở phương Tây tiết lộ rằng ít nhất một nửa lực lượng lao động không hài lòng với công việc của họ. Một nghiên cứu ở châu Âu cho biết 60% người lao động sẽ chọn nghề khác nếu họ có thể bắt đầu lại một lần nữa. Tại Hoa Kỳ, chỉ số hài lòng với công việc xuống mức thấp nhất – 45% – kể từ khi họ bắt đầu theo dõi chỉ số này từ hơn hai thập kỷ trước đây.
Tất nhiên, Krznaric chỉ ra rằng vẫn còn nhiều điểm nghi vấn cần phải xem xét xoay quanh câu hỏi: Liệu một người có khả năng tìm được một công việc khiến họ thỏa mãn hay không?. Ông đưa ra lời giải như sau:
“Có hai cách phổ quát để suy nghĩ về những câu hỏi này. Đầu tiên là cách tiếp cận “cười và chịu đựng”. Chúng ta nên biết rằng, đối với phần lớn thế giới, bao gồm cả bản thân chúng ta, hầu hết công việc luôn được mặc định là nhàm chán. Hãy quên đi giấc mơ nồng về việc tìm được một công việc toại nguyện và ghi nhớ câu châm ngôn của Mark Twain. “Công việc là một con quỷ, cần kíp nên không thể tránh.” … Chính bản thân từ ngữ cũng phản ánh điều này. Trong tiếng Latin, “labor” có nghĩa là nhàm chán hay mệt nhọc, trong khi từ tiếng Pháp “travail” xuất phát từ thetripalium, một nhạc cụ cổ La Mã dùng để tra tấn. … Thông điệp của “cười và chịu đựng” là về việc chúng ta cần phải chấp nhận những điều không thể tránh khỏi và chung sống với công việc của mình, miễn là nó đáp ứng nhu cầu tài chính của chúng ta và giúp chúng ta có đủ thời gian để theo đuổi đam mê đích thực sau những giờ làm việc. Cách tốt nhất để bảo vệ chính mình là hình thành tư tưởng vững chắc về việc chấp nhận, hay nhượng bộ, và không đặt nặng lòng mình vào việc tìm kiếm một sự nghiệp có ý nghĩa.
Tôi đặt kỳ vọng và đây, đồng thời mở rộng hướng tiếp cận: đó là liệu có thể tìm thấy công việc có ý nghĩa với cuộc sống hơn, một công việc giúp mở rộng tầm mắt của chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy nhân tính hơn hay không.
[…]
Đây là cuốn sách dành cho những ai đang tìm kiếm một công việc đủ đáp ứng về tinh thần cho họ, một điều gì đó đặc biệt hơn là một công việc hàng ngày, thứ chỉ có chức năng chính là thanh toán các hóa đơn hàng tháng.”
Chưa bao giờ có nhiều người cảm thấy không thỏa mãn với công việc của mình, và không chắc chắn phải làm gì với nó đến vậy.
Cũng trong cuốn sách này, Krznaric nhắc nhở chúng ta về việc giải phóng phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quan niệm về văn hóa làm việc hiện đại:
“Nếu việc phổ cập giáo dục đại chúng là sự kiện nổi bật trong câu chuyện về việc lựa chọn nghề nghiệp ở thế kỷ XIX, thì ở hai thế kỉ XX điều quan trọng là ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động và được trả lương. Năm 1950, Mỹ có khoảng 30% phụ nữ có việc làm, nhưng đến cuối thế kỷ, con số này đã tăng hơn gấp đôi, và diễn biến tương tự cũng xảy ra ở khắp phương Tây. Sự thay đổi này một phần là kết quả của cuộc đấu tranh giành quyền bầu cử và quyền được công nhận hợp pháp từ công nhân nhà máy trong hai cuộc thế chiến. Nhưng có lẽ, điều quan trọng hơn là sự tác động của các phương pháp tránh thai. Chỉ trong vòng 15 năm, kể từ khi thuốc tránh thai được phát minh (năm 1955), hơn hai mươi triệu phụ nữ đã sử dụng loại thuốc này, và hơn mười triệu người sử dụng bao cao su.
Bằng cách giành quyền kiểm soát đối với cơ thể mình, phụ nữ bấy giờ đã có tiếng nói hơn trong việc theo đuổi ngành nghề mình chọn mà không chịu sự gián đoạn của việc có thai ngoài ý muốn và buộc phải sinh đẻ. Tuy nhiên, chiến thắng của việc giải phóng phụ nữ đi kèm theo một hệ lụy khó xử cho cả phụ nữ và nam giới khi họ cố gắng để tìm sự cân bằng giữa nhu cầu của đời sống gia đình và tham vọng nghề nghiệp.”
Mô hình giáo dục công nghiệp là một nguyên nhân khác làm chúng ta băn khoăn trong việc tìm một công việc lý tưởng. Krznaric lập luận:
Nếu như chúng ta có thể tự quyết về sở thích hay tính cách trong tương lai của mình, hẳn chúng ta sẽ không gặp rắc rối với việc bị giáo dục khóa cứng vào một lựa chọn nghề nghiệp, hay ít nhất là bị áp đặt lộ trình phải đi.Nhưng chúng ta dường như không thể. Khi bạn 16 tuổi, hoặc thậm chí ở lứa tuổi đôi mươi, bạn có chắc chắn về nghề nghiệp mà ở đó bạn sẽ phát triển hết năng lực và cho bạn một thiên chức thật cao cả hay không? Thậm chí, bạn có biết ngoài kia đang có những loại công việc nào không? Hầu hết chúng ta đều thiếu kinh nghiệm của cuộc sống – và về chính bản thân chúng ta – để có thể đưa ra một quyết định khôn ngoan ở độ tuổi đó, ngay cả với sự giúp đỡ của các cố vấn nghề nghiệp.
Krznaric đưa ra năm yếu tố quyết định cho một sự nghiệp có ý nghĩa – làm ra tiền, có địa vị, tạo ra sự khác biệt, theo đuổi đam mê, và phát huy tài năng của chúng ta – nhưng không phải cả năm yếu tố đều có vai trò như nhau. Đặc biệt, vào những năm 1970 Alan Watts và các nhà khoa học hiện đại đã đặt ra vấn đề – tiền, nếu đứng một mình thì chỉ là một động lực rất yếu:
“Schopenhauer đã đúng khi nói rằng ham muốn có tiền là rất phổ biến, nhưng ông đã sai lầm khi nói rằng tiền tương đương với hạnh phúc. Các bằng chứng được chỉ rõ trong hai thập kỷ qua rằng việc theo đuổi sự giàu có là con đường khó để đạt được mục tiêu về hạnh phúc. Việc thiếu một tương quan rõ ràng giữa việc gia tăng thu nhập và gia tăng hạnh phúc đã trở thành một trong những phát hiện lớn trong ngành khoa học xã hội hiện đại. Nếu thu nhập đạt đến một số tiền đủ để đáp ứng hết mọi nhu cầu cơ bản, thì điều gì sẽ gia tăng mức độ hài lòng của chúng ta về cuộc sống?.”
Sai lầm thứ hai về việc tìm một công việc thỏa đáng đó là:
Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy bản thân mình đang theo đuổi sự nghiệp mà xã hội cho là đáng ngưỡng mộ, nhưng mà sự nghiệp đó lại không thực sự phù hợp dành cho chúng ta – đó là một trong những thứ không làm chúng ta thỏa mãn khi làm việc mỗi ngày
Krznaric cho rằng “ngoài việc tìm kiếm sự thỏa mãn trong công việc, chúng ta nên tìm kiếm một công việc mà không chỉ cho ta địa vị tốt, mà còn phải cho ta tương lai rộng mở.”
Thay vì hy vọng có thể hài hòa giữa việc theo đuổi tiền và theo đuổi giá trị bản thân, nếu may mắn chúng ta có thể kết hợp giá trị với tài năng. Nhưng những trường hợp đó thường hiếm đến mức mà Aristotle đã từng thốt lên rằng “Nơi giao nhau giữa điều thế giới cần và điều bạn thực sự có khả năng chính là sứ mệnh của bạn”.
Krznaric đã trích dẫn câu nói nổi tiếng của nhà văn Pháp François-René de Chateaubriand – câu nói nổi tiếng từ hơn một thế kỷ trước:
“Bậc thầy trong nghệ thuật sống là người không phân biệt rạch ròi giữa công việc và thú vui; giữa lao động và giải trí; giữa tâm trí và cơ thể; giữa giáo dục và thư giãn. Ông dường như không biết được cái nào là cái nào. Ông chỉ đơn giản là theo đuổi viễn cảnh về sự xuất chúng thông qua bất cứ điều gì ông làm, và để những người khác quyết định ông đang làm việc hay đang chơi. Với bản thân ông, ông luôn nghĩ rằng ông đang làm cả hai thứ cùng lúc.”
Bức họa của Leonardo, biểu tượng của một người đạt thành tựu
Chưa hết, Krznaric lập luận, một nguyên nhân khác nữa dẫn đến sự bất mãn đối với công việc là cuộc Cách mạng công nghiệp. Với kết quả là hoạt động chuyên môn hóa, chúng ta bị mắc vào niềm tin rằng cách tốt nhất để thành công là trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định. Krznaric cho rằng, chuyên môn hóa đã cướp đi của chúng ta một phần thiết yếu của con người, đó là sự linh hoạt của mỗi cá nhân.
Đi chuyên về một thứ là điều rất tốt nếu bạn có mọi kỹ năng đặc biệt phù hợp với công việc đó, hoặc nếu bạn thực sự có đam mê với một lĩnh vực đặc biệt, và tất nhiên bạn cũng sẽ cảm giác tự hào về bản thân nếu được xem là một chuyên gia. Nhưng có điều, bạn cũng phải chấp nhận đối mặt với nguy cơ trở nên bất mãn với chuyên ngành của mình, bởi sự lặp đi lặp lại khi thực hiện một công việc nhất định.
…Chúng ta thường tự đấu tranh tư tưởng khi có quá nhiều luồng suy nghĩ khác nhau và phải quyết định nên chọn suy nghĩ nào, đó chính là vì mỗi chúng ta có nhiều bản thể. … Bản thân mỗi chúng ta rất phức tạp, chúng ta có kinh nghiệm trên nhiều phương diện khác nhau, nhiều sở thích, giá trị và tài năng, điều đó có nghĩa rằng chúng ta có thể tìm thấy sự thỏa mãn với công việc ở nhiều vị trí như là một người thiết kế web, một cảnh sát, hay là chủ một tiệm cà phê sạch.
Giải phóng bản thân mỗi con người làm tăng cơ hội khám phá công việc đam mê của chúng ta, bằng cách thoát khỏi sự hạn chế về chuyên môn và phát triển bản thân sang những lĩnh vực khác … và cho phép những cánh hoa tài năng khác nhau nở rộ trong mỗi người.
Krznaric ủng hộ việc tìm kiếm mục đích như một khát vọng tích cực hơn là một món quà thụ động:
“Nếu không làm việc, cuộc sống sẽ là một đống mục nát, nhưng khi làm việc một cách vô hồn, cuộc sống sẽ dần lụi tàn, dập tắt và chấm hết,” Albert Camus viết. Làm việc với cả tâm hồn trở thành một trong những khát vọng lớn trong thời đại chúng ta. … Chúng ta phải nhận ra rằng sự nghiệp không phải là cái gì đó chúng ta tìm kiếm, đó là cái gì đó mà chúng ta nuôi dưỡng – và trưởng thành cùng nó.
Người ta thường nghĩ rằng sự nghiệp chính là nghề nghiệp mà bạn cảm thấy bạn được sinh ra để làm. Tôi lại có một định nghĩa khác về sự nghiệp: sự nghiệp là nghề nghiệp không chỉ mang lại sự thỏa mãn – về ý nghĩa, về sự tự do, về dòng chảy – nhưng sự nghiệp cũng đồng thời phải đi kèm với mục tiêu dứt khoát hay mục đích rõ ràng, như thế bạn mới có động lực để phấn đấu, mới tràn đầy nhuệ khí mỗi sáng mai thức dậy.
Krznaric đưa ra một ví dụ khác về Marie Curie:
Curie hoàn toàn đam mê sự nghiệp của mình. Bà sống những năm đầu đời trong một tu viện ở Paris, bà sống một cuộc sống thiếu thốn, dẫn đến bệnh thiếu máu và thường xuyên ngất xỉu vì đói. Curie không bận tâm đến danh tiếng của mình, không quan tâm đến tiện nghi và vật chất, bà thích sống trong một ngôi nhà đơn giản và có ít đồ đạc: địa vị và tiền bạc hầu như không ảnh hưởng lớn đối với bà.
Khi một người họ hàng đề nghị mua cho bà một chiếc váy cưới cho lễ cưới của bà, bà nhấn mạnh rằng: “Chị hãy chọn cho em chiếc váy nào đơn giản và tối màu để em có thể mặc nó khi đến phòng thí nghiệm”. Trước khi qua đời vào năm 1934 ở tuổi 67, Marie Curie đã tóm tắt triết lý công việc của mình: “Cuộc sống là không hề dễ dàng cho bất cứ ai. Như thế thì sao? Chúng ta phải có lòng kiên trì và trên tất cả là sự tự tin vào chính mình. Chúng ta phải tin rằng chúng ta có năng khiếu về một cái gì đó, và bằng mọi giá phải đạt được điều đó”.
Marie Curie
Tuy rằng câu chuyện của Curie có những yếu tố về việc tìm được ý nghĩa cho sự nghiệp của mình: bà đã làm được công việc phát huy hết khả năng, Krznaric đã đập tan cái tư tưởng cho rằng thiên chức đó là hệ quả của giây phút bộc phát. Ông chỉ ra rằng Marie Curie đã tìm thấy thiên chức của mình dần dần qua thời gian, và bà tự cho phép mình giữ tâm thế cởi mở, thay vì cứ khư khư trong chuyên môn của mình. Bà nhận thức được tâm quan trọng của những thứ kiến thức tưởng chừng không cần thiết:
Marie Curie chưa bao giờ đột nhiên có một giây phút “khai sáng” nào, không phải tự dưng bà biết bà phải tận hiến cuộc đời cho việc nghiên cứu chất phóng xạ. Trên thực tế, mục tiêu này âm thầm len lỏi và lớn dần lên trong bà qua nhiều năm nghiên cứu khoa học đích thực. … Niềm đam mê của bà tăng lên theo từng giai đoạn, mà chẳng phải là do Đấng bề trên thôi thúc gì cả. Và đó là cách mọi chuyện thường xảy ra: mặc dù đôi khi chúng ta vẫn thi thoảng có những giây phút bộc phát, thì thiên chức vẫn là thứ dần dần kết tinh trong chúng ta, mà chúng ta không hề nhận thức được điều đó.
Vì vậy, sau những chuyện này chẳng có bí ẩn nào cả. Nếu chúng ta muốn có một công việc như ý, chúng ta không nên chờ đợi một cách thụ động đến khi nó xuất hiện. Thay vào đó chúng ta nên hành động và nỗ lực để phát triển nó như Marie Curie. Nhưng bằng cách nào? Đơn giản là nỗ lực làm việc hết mình, để cảm thấy ý nghĩa công việc, để cảm thấy được tuôn trào trong dòng chảy của hạnh phúc và tự do. … Theo thời gian, một mục tiêu rõ rệt và đầy cảm hứng có thể âm thầm nảy mầm, phát triển lớn hơn, và cuối cùng nở thành những bông hoa to đầy màu sắc và ngát hương thơm trong khu vườn mang tên cuộc sống.
Trạm Đọc
Theo Brainpickings
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/neu-muon-huy-hoai-mot-con-nguoi-hay-cho-anh-ta-lam-cong-viec-vo-dung-nhat
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin