Những thói quen tồi tệ đang “bào mòn” cuộc sống của bạn hàng ngày, không từ bỏ thì thành công còn xa lắm
Nếu có điều gì chúng ta vẫn thường đánh giá thấp, thì đó chính là tác động của thói quen hàng ngày đối với cuộc sống. Bạn phải thừa nhận rằng, thành công lâu dài là kết quả của những thói quen tốt, các mối quan hệ tích cực, sức khỏe, sự phát triển…
Sự thật thì mọi điều trong cuộc sống đều bị ảnh hưởng bởi thói quen mỗi ngày của chúng ta. Bởi thế, nếu bạn có đang cảm thấy mệt mỏi hoặc bế tắc vì công việc, cuộc sống thì chúng tôi khuyên bạn nên nhìn lại chính mình để xem, liệu bạn có đang mắc phải 7 thói quen xấu này không. Chỉ cần thay đổi 1 trong số chúng thôi là cũng có thể nhận ra những chuyển biến đáng ngạc nhiên đấy:
1. Kè kè điện thoại bên mình
Bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào bạn cũng mở điện thoại và kiểm tra tất cả mọi thứ? Điều đó chẳng chứng minh bạn là người bận rộn mà ngược lại, nó còn cho thấy một thói quen xấu làm mất khả năng tập trung của bạn. Mọi người thường không nhận ra nhưng thực chất, 99% thời gian kiểm tra điện thoại là vì chúng ta không muốn phải suy nghĩ, không muốn đối diện với một số nhiệm vụ hoặc khó khăn. Vậy là họ tìm cách trốn tránh, tìm sự phân tâm.
Hãy tập kiềm chế thói quen này, ngoài giờ làm việc thì tránh mở email (trừ những công việc có tính chất khẩn thiết). Thay vì chúi mắt vào màn hình di động, hãy bỏ điện thoại xuống và trò chuyện nhiều hơn đi.
2. Không biết lắng nghe
Trên đời này có 2 loại thính giả. Loại thứ nhất là những người luôn im lặng ngồi đối diện bạn, tập trung vào từng lời bạn nói, im lặng khi bạn muốn “xả stress” và đối đáp khi bạn cần một lời khuyên. Loại còn lại là những người luôn im lặng, nhưng vì tâm trí họ thì chẳng để ý đến câu chuyện của bạn một chút nào. Những gì họ làm là đang mải miết chạy theo suy nghĩ bên trong của riêng mình, về một chuyện gì khác. Họ “vắng mặt” ngay khi đang ngồi đối diện bạn.
Đừng trở thành kiểu người thứ 2. Lắng nghe là một nghệ thuật và để làm điều đó, bạn cần tập trung cao độ vào câu chuyện đang diễn ra. Chẳng có gì giết chết cảm xúc nhanh hơn câu nói “Xin lỗi, bạn vừa nói gì vậy?”.
3. Đa nhiệm
Bạn tự hào là mình có thể làm nhiều việc một lúc? Và có thể hoàn thành chúng khá tốt đẹp? Nhưng tại sao lại không phải là hoàn thành từng thứ một với một kết quả hoàn hảo? Đa nhiệm không bao giờ đem lại hiệu quả như tập trung vào từng nhiệm vụ đơn lẻ. Xin nhắc lại là, không bao giờ.
Những người đa nhiệm không có ý thức rõ ràng về nhiệm vụ trọng tâm nào đang diễn ra, họ dàn trải sự quan tâm cho tất cả mọi thứ dẫn đến sự chú ý bị chia nhỏ. Ngay cả khi có thể hoàn thành công việc một cách êm đẹp thì chất lượng cũng chỉ tầm tầm vừa đủ. Thay vào đó, bạn hãy tập làm từng thứ một, giải quyết gọn gàng trước khi tiến sang việc khác.
4. Làm việc với môi trường đầy tiếng ồn xung quanh
Nhiều người có thói quen nghe nhạc khi làm việc và cho rằng đó là cách để khiến họ hứng khởi hơn. Nhưng quan điểm đó thực sự rất sai lầm. Tiếng ồn (hay bất kỳ một sự phân tâm thị giác nào) cũng khiến khả năng tập trung của bạn bị xao nhãng, dòng suy ngẫm bị gián đoạn. Giống như thiền định vậy, thiền sư có thể ngồi im tĩnh lặng suốt hàng tiếng đồng hồ mà không hề thấy nhàm chán. Bạn hãy thử bỏ tai nghe hoặc tắt TV đi, nhìn thẳng vào công việc đang chờ rồi bạn sẽ bất ngờ khi thấy thời gian trôi đi nhanh đến như nào.
5. Làm việc trong môi trường không thuận lợi
Thế nào là một “môi trường không thuận lợi”? Mỗi người có một môi trường lý tưởng riêng để phát huy khả năng tập trung, giải quyết vấn đề của mình. Đối với tôi (người viết) thì đó chắc chắn không phải là một quán cà phê đông người giữa trưa chủ nhật.
Nhiều người cho rằng, họ có thể làm việc hiệu quả ở những địa điểm vốn không dành cho công việc, như quán cà phê trên chẳng hạn. Họ muốn chứng minh họ vừa có thể “làm việc” trong lúc tham gia các hoạt động xã hội mà không biết thực ra, chẳng việc gì đến nơi đến chốn cả.
Thay vì thế, hãy tìm một không gian riêng để hoàn thành hết mọi công việc rồi hãy ra ngoài, đi chơi và thể hiện mình là một con người của đám đông.
6. Làm việc với những người kém năng suất
Một sai lầm nữa của mọi người là thường nghĩ làm việc nhóm thì sẽ hiệu quả hơn làm việc cá nhân. Điều đó sẽ đúng, khi tất cả mọi người cùng quây quần và tập trung giải quyết một vấn đề nào đó một cách chủ động, nhiệt tình. Nhưng những lúc như thế thực ra rất ít, vì sau khi đã thống nhất được vấn đề, mỗi người sẽ phải phụ trách hoàn thiện một hạng mục riêng của mình. Sự tách rời này mới cho thấy ai là người thực sự có đóng góp tích cực cho công việc.
Không phải những người luôn miệng rủ rê “cùng đi chơi rồi hãy sắp xếp công việc!” mà phải là những người biết im lặng tập trung hoàn thiện nhiệm vụ của mình. Đó mới là người đồng nghiệp bạn nên có.
7. Thiếu sự chuẩn bị
Làm việc có sự chuẩn bị luôn tốt hơn là những hành vi bộc phát. Kể cả đó là một dự án bạn đang nghiên cứu dở thì cũng đừng bỏ lơ nó vài tuần rồi một ngày bỗng nhớ đến, bạn lại mở nó ra.
Năng suất làm việc của chúng ta không chỉ là về thời điểm. Đó là về tất cả những khoảnh khắc dẫn đến thời điểm đó. Năng suất của bạn tăng theo thời gian thông qua tính nhất quán. Vậy nên dù chỉ là 10 hay 15 phút mỗi ngày thì cũng đừng bỏ qua những bước nho nhỏ để hoàn thành một nhiệm vụ lớn nhé.
Hãy tắt tất cả các thông báo từ điện thoại, email đi và tập trung vào cuộc sống thực sự…
Điều cuối cùng có thể ảnh hưởng đến sự tập trung của chúng ta, không gì khác chính là những thông báo liên tục đến từ Twitter, Facebook, Messenger… Chúng chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn bản báo cáo khô cứng, lê thê mà bạn đang cố gắng hoàn thiện rồi.
Vì sao người ta ngày càng có xu hướng nghỉ mát ở những nơi vắng vẻ? Vì sao người ta phải đi khắp thế gian để tìm kiếm sự bình an và im lặng? Đó là bởi chỉ khi đó, họ mới có thể tắt hết các thông báo trên internet và tận hưởng cuộc sống thực sự!
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafebiz.vn