Tuổi 25-30 là quãng thời gian tồi tệ nhất của người đàn ông: Đường quay đầu bịt kín, đau mấy cũng phải nhịn, khổ mấy cũng phải cố vượt qua
Người trong độ tuổi 25-30, trách nhiệm của họ đơn giản là kiếm tiền, thật nhiều tiền, những thứ khác có hay không, không quan trọng!
(1) 25-30 tuổi, những hiện thực ta phải đối mặt
Duy Phương hiện đang làm việc trong một công ty bất động sản, vợ anh làm giáo viên tại một trường trung học. Lương hai người gộp lại được khoảng 20 triệu một tháng, tiền thuê phòng phải trả mỗi tháng là 7 triệu. Gần đây, vợ anh sinh hạ cho anh đứa con đầu lòng.
Nhà bây giờ rộn ràng tiếng trẻ con, về lý mà nói, cuộc sống của họ bây giờ phải hạnh phúc hơn trước. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa.
Vợ Duy Phương dự định đăng ký cho con học lớp bồi dưỡng, một tháng phải đóng 9 triệu. Duy Phương hoàn toàn không đồng ý, kêu vợ mình sống thực tế lên một chút, và rằng hãy quên mấy quyển sách hướng dẫn nuôi dạy con thông minh đi.
Sau khi cãi nhau một trận lôi đình, vợ anh ẵm con về nhà ngoại, để lại cho anh một lời nhắn: “Đến bao giờ anh mới hiểu, khoản đầu tư cho con là khoản đầu tư không bao giờ lỗ, chỉ có lợi chứ không có hại.”
Sau khi đọc xong, Duy Phương không hề phản ứng lại, cũng không có ý định kêu hai mẹ con về nhà.
“Anh nào có ngốc. Ai chả muốn làm những điều tốt nhất cho con mình. Anh cũng muốn trở thành một ông bố tuyệt vời lắm chứ, nhưng bây giờ nếu con đi học thêm, anh sợ mình gánh vác không nổi.”
Về sau, hễ gặp phải những tình huống như thế này, Duy Phương đều im lặng, chờ mọi việc từ từ lắng xuống.
Ảnh minh họa: Victo Ngai
25-30 tuổi, là độ tuổi dạy ta cách sống thoả hiệp. 25-30 tuổi, ta dần quen và sử dụng thường xuyên điều đó.
Người bước qua độ tuổi 30, trách nhiệm của họ đơn giản là kiếm tiền, thật nhiều tiền. Đây là hiện thực mà ai rồi cũng sẽ phải đối mặt.
Nếu bạn kiếm được tiền, bạn là viên kẹo ngọt ai cũng muốn sở hữu cho riêng mình. Nhưng khi không kiếm được tiền, bạn có thể cho rằng mình vẫn là một viên kẹo ngọt, nhưng với họ thì bạn đã hết đát rồi, mà đã hết đát thì ai còn muốn có nữa cơ chứ!
Khi bạn 30 tuổi, bạn đã qua cái thời mừng rỡ khoe bố mẹ mỗi khi đạt điểm cao trong kì thi.
Khi bạn 30 tuổi, bạn đã qua cái thời làm nhà tuyển dụng tiếc hùi hụi vì không chọn bạn.
Khi bạn 30 tuổi, toàn bộ giá trị của bạn thể hiện ở nhà cửa, xe cộ, những trang sức bạn đeo trên người, những vật dụng đẹp đẽ, tiện nghi mà bạn có…
Khi bạn 30 tuổi, bạn nhận ra những gì mình từng tự hào trong quá khứ, bây giờ không còn quan trọng nữa. Bởi khi tuổi càng cao, con người càng có khả năng tiếp cận và sở hữu những thứ quan trọng và thực tế hơn.
(2) Những người ở độ tuổi 25-30 là như vậy đấy!
Mới gần đây, bạn tôi quyết định thôi công việc đang làm ở Hà Nội để về quê bắt đầu lại từ đầu. Bọn tôi đã cố gắng khuyên bảo anh ấy nhiều lần, bởi thời buổi bây giờ, kiếm việc cũng đâu phải là dễ, nếu không muốn nói là như mò kim đáy bể.
Mặc bọn tôi nói ngả nói nghiêng, lòng anh vẫn vững như kiềng ba chân.
Tiền thuê nhà trên Hà Nội, cộng tiền ăn, sinh họa phí, trả đủ các khoản thì lương anh cũng chỉ dư ra được 1-2 triệu. Không có tiền, anh vừa bị người bạn gái một lòng một dạ với anh suốt 5 năm nói lời chia tay. Phải rồi, giờ cô không còn là của anh nữa, cô đang trên hành trình trở thành vợ người ta.
Trước khi anh đi, bọn tôi tổ chức cho anh một buổi tiệc chia tay.
Sau khi đã ngà ngà, anh bắt đầu cởi lòng. Anh bồi hồi thổ lộ với bọn tôi về kỉ niệm những ngày đầu anh lên Hà Nội, khoảng thời gian đó anh đã từng trải qua những công việc gì, anh đã phải chuyển nhà trọ bao nhiêu lần… Trong hơi thở của anh phảng phất nét buồn, nghe giọng anh, tôi thấy anh vẫn còn lưu luyến cái Hà Nội này lắm.
Thấy vậy, tôi bèn an ủi vài câu, bảo nếu sau một thời gian về quê làm mà anh cảm thấy không hiệu quả, lũ bạn chúng tôi vẫn luôn dang tay chào đón anh.
Anh uống thêm một chén khác, trầm ngâm một lúc, rồi chậm rãi lắc đầu. Tôi đọc được tâm trạng của anh khi ấy. Anh nay đã 31 tuổi, đường anh đi bây giờ là đường một chiều, anh khó có thể quay đầu ngược trở lại. Tương lai sau này có ra sao thì cũng đành phải chịu thôi.
Khi một người qua tuổi 30, họ dần đánh mất bản lĩnh của mình, bởi xung quanh họ là một mớ trách nhiệm họ phải gánh vác trên vai.
Khi một người qua tuổi 30, họ đã chơi xong phiên bản ‘demo’ của cuộc đời. Họ không được phép sai lầm, bởi giờ đây mỗi sai lầm đều gắn liền với một hậu quả, thay vì gắn liền với cơ hội sửa sai như trước.
Khi một người qua tuổi 30, họ bắt đầu thèm khát một cuộc sống ổn định. Họ hiếm khi vì hai từ “cơ hội” mà đánh cược với tất cả những gì họ đang có bây giờ.
Những người ở độ tuổi 30 là như vậy đấy!
(3) 30 là tuổi của sự bứt phá! Sai, quá sai…
Tuổi 25-30 là quãng thời gian tồi tệ nhất của người đời người. Nhiều người không đồng tình, bởi theo họ đó là tuổi của sự bứt phá. Họ cho rằng chỉ những người hèn nhát, yếu kém mới quyết định sớm yên bề gia thất.
Trước đây tôi cùng chung suy nghĩ với những người này.
Đời người chỉ có một lần, nếu như không khuynh đảo được thế giới thì ít nhất cũng phải sống sao cho thoả lòng.
Công việc không thích, bỏ! Gặp người không ưa, nghỉ chơi! Lão Tử ngày xưa sống như thế, vậy thì bây giờ tôi sống như Lão Tử, đâu có vấn đề gì! Sống thế mới đáng sống chứ!
Khi ấy tôi thường tự nhủ, đợi sau này đủ tiền sẽ nghỉ công việc đang làm để khởi nghiệp. Tôi sẽ trở thành ông chủ, người làm việc dưới trướng tôi sẽ nhiều không đếm xuể. Công ty của tôi sẽ làm ăn phát đạt, và khi đến tuổi 30 tôi sẽ sở hữu số tài sản nhiều bậc nhất thế giới.
Thời gian trôi, công việc nhảy liên tục, bạn bè không ngừng đến rồi đi. Chớp mắt thấy mình đã ở độ tuổi 30, vợ con đầy đủ, khi ấy tôi mới nhận ra thời trẻ chúng ta tự huyễn hoặc bản thân mình nhiều đến thế nào.
Khi 30 tuổi, số ngày bình yên trôi qua chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Bảo những người này bình tĩnh sống đã là việc khó khăn vô cùng, nói gì đến việc kêu họ sống bứt phá!
(4) Tiếp tục cố gắng trong đau đớn hay bỏ cuộc
Tuấn Khanh sinh ra ở quê, năm nay 29 tuổi. Bạn bè có cặp có đôi, Khanh vẫn lẻ bóng đơn côi một mình. Bố mẹ Khanh là những người nông dân lương thiện, chất phác. Sau khi tốt nghiệp đại học, Khanh ở lại Hà Nội làm việc, trợn tròn mắt chứng kiến giá phòng trọ tăng lên liên tục.
Trước đây, Khanh chỉ dành khoảng 20% tiền lương của mình để trả tiền thuê nhà. Bây giờ, vẫn căn nhà đấy, tiền thuê nhà mỗi tháng chiếm hơn 30% tiền lương của anh.
Vì vậy, để tiết kiệm chi phí, Khanh quyết định dời ra ngoại thành, hàng ngày bắt xe bus đi làm. Một lần bố mẹ lên Hà Nội thăm anh, mang theo một giỏ đồ, trong đựng toàn những món anh khoái khẩu.
Khi thấy căn nhà anh đang sống, bố mẹ anh đã bật khóc.
Ảnh minh họa: Victo Ngai
Căn nhà anh đang sống bây giờ bé lắm, lọt thỏm giữa những căn nhà cao vút xung quanh. Bên trong thì tối om, ánh mặt trời không tài nào lọt qua được. Phòng anh thì bí bách, ngồi một lúc bố mẹ anh đã cảm thấy ngộp thở, chóng mặt.
Bố mẹ anh thấy anh ở thế này không ổn, muốn anh về quê tìm việc.
Nhưng Khanh không chịu, một mực đòi ở lại. Cuộc sống bây giờ có khổ, nhưng ít ra vẫn còn cơ hội thăng tiến. Nếu về quê, kiếm đâu được việc làm lương cao, làm sao anh có thể chăm sóc bố mẹ chứ!
Khanh bây giờ, trước khi đi làm luôn uống thuốc bổ. Cuối tuần, Khanh đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Người ta cười cợt, chế nhạo anh, bảo anh mới tí tuổi đầu đã học đòi chế độ chăm sóc sức khoẻ của người già. Anh chỉ cười không đáp.
30 tuổi, là cái tuổi đơn thương độc mã chiến đấu với cuộc đời.
30 tuổi, là cái tuổi nước mắt muốn trào ra, cũng phải cố ngậm đắng mà nuốt vào trong.
Đến tuổi này, người ta bắt đầu nhận ra, trên đời này không gì quý hơn sức khoẻ. Người ta cũng hiểu rằng, trên đời này không ai giúp mình tốt hơn chính bản thân mình.
Phải tự chăm sóc sức khoẻ, sau đó họ mới có thể phụng dưỡng báo hiếu cha mẹ, nuôi dạy con nên người.
(5) 30 tuổi chính là độ tuổi khó khăn nhất của đời người.
Có người từng là đứa trẻ ngỗ nghịch, quậy tung nóc nhà, phá làng phá xóm, khi đến tuổi 30, họ trở nên trầm lặng và kín đáo hơn.
Có người từng là đứa trẻ học cách gồng mình để trở nên kiên cường, mạnh mẽ, khi đến tuổi 30, họ vẫn đang tiếp tục học.
Thời gian không chờ một ai. Chúng ta dù muốn hay không, cũng không có lựa chọn nào ngoài chạy đua với thời gian. Nhiều lúc yếu đuối, nước mắt chỉ chực tuôn rơi, bạn muốn tìm một khoảng lặng cho riêng mình để nghỉ ngơi một chút.
Nhưng thời gian không cho phép bạn làm điều đó. Thời gian xô bạn về phía trước, ép bạn học cách gai góc gan lì, buộc bạn phải nỗ lực phấn đấu.
Một lần đang lướt Facebook, ánh mắt tôi dừng lại trước câu hỏi này: “Nhiều người sau khi tan làm lái ô tô đi về, tại sao khi đến nhà rồi họ vẫn ngồi lại trong xe một lúc rất lâu?”
Đây là câu trả lời được nhiều lượt “Like” nhất: “Nhiều khi tôi không muốn rời khỏi xe, bởi trong đấy tràn ngập sự bình yên. Trong xe, tôi ngẫm nghĩ, tôi nghe nhạc, tôi muốn làm gì cũng được. Tôi được thoải mái là chính tôi.
Khi mở cửa xuống xe, tôi xác định đặt chân vào vùng bão tố. Tại đó, tôi không còn là chính mình, mà đã trở thành một người con, một người chồng, một người cha, với một đống trách nhiệm phải gồng gánh trên vai…”
30 tuổi là cột mốc đáng nhớ nhất của đời người. Khi bước qua cột mốc này, con đường đã trở thành đường một chiều, bạn không còn cơ hội để quay đầu.
Lúc này, con đường có gian nan mấy bạn cũng phải chịu, khó khăn mấy bạn cũng phải cố mà vượt qua.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: thuongtruong24h.vn