“Sinh viên Harvard không phải thần đồng nhưng giàu đam mê”
Theo Diệp Quốc Thắng (sinh viên năm nhất đại học Harvard), sinh viên Harvard không phải thần đồng, họ thực chất là những người có nhiều đam mê khác nhau và đôi khi “muốn làm nhiều thứ quá”.
Thức đến sáng vì có nhiều thứ quan tâm ngoài sách vở
Không ngẫu nhiên, Harvard trở thành ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới. Tất nhiên, Harvard hội tụ hầu hết những người “số 1” tại các trường cấp 3 trên khắp thế giới. Song “số 1” ở đây không hẳn là xuất chúng, siêu phàm hay phi thường mà là người có màu sắc cá tính nổi trội phù hợp với tiêu chí tuyển chọn của Harvard.
“Harvard như một vòng tròn đa văn hóa, cá tính. Nhưng tinh thần chung của Harvard là sinh viên không phải… con mọt sách”, Thắng khẳng định.
“Các bạn ở đây đa phần không phải thần đồng. Các bạn được nhận vào trường vì mỗi người quan tâm, đam mê một lĩnh vực khác nhau (người quan tâm xã hội, người quan tâm nghiên cứu cơ thể con người, khoa học máy tính…). Các bạn không chỉ học miệt mài. Nhiều bạn chỉ học giỏi, đạt điểm cực cao cũng không được chọn vào Harvard nữa!”, 9X nhấn mạnh.
Thắng tâm sự, cá nhân em chưa thấy một bạn nào xung quanh mình ở Harvard đạt điểm A ở tất cả các môn vì ngoài học tập, sinh viên Harvard tham gia rất nhiều hoạt động thực tế, ngoại khóa, giải trí để đáp ứng nhu cầu thực hành, đam mê và đảm bảo sức khỏe, tinh thần thoải mái.
Không thể phủ nhận khối lượng kiến thức học ở Harvard “khổng lồ” nhưng sinh viên hoàn toàn có thể chọn hướng học cho mình. Phương pháp học ở Harvard chính là khơi gợi sự sáng tạo, chủ động tìm tòi của sinh viên.
Điều đặc biệt là sinh viên Harvard hoàn toàn không bị “giới nghiêm” về giờ giấc, có thể hát hò, chơi bài bạc, hút thuốc… nhưng tuyệt đối không được uống rượu trước 21 tuổi. Sinh viên Harvard không bị bắt phải đến trường học, điểm danh đúng giờ.
Áp lực là có thật! Ở ngôi trường hàng đầu thế giới, cùng một khoảng thời gian có đến cả trăm, nghìn sự kiện diễn ra như các buổi nói chuyện với tổng thống, chính khách, diễn giả hàng đầu thế giới. Học ở Harvard là thế. Không chỉ học từ sách vở, trên giảng đường, trong phòng thí nghiệm.
“Nếu sinh viên Harvard không tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, khám phá thế giới thì có lẽ sẽ không có cảnh tượng học đến sáng”, 9X gốc Việt nhận định.
Chàng sinh viên ĐH Harvard cho rằng, việc thức đến 4-5 giờ sáng cũng là thường tình vào mùa thi. Bởi sinh viên ở đây muốn làm nhiều thứ quá. Nhiều khi ban ngày họ tham gia hoạt động, nên tối sẽ thức ở thư viện để hoàn thành bài vở mùa thi. Trong giờ ăn, cũng có những sinh viên không nói chuyện với nhau vì bận học bài, nhưng đó không phải là cảnh tượng chính ở khu nhà ăn rộng lớn của Harvard.
Học và chơi đều hết mình
Trải nghiệm lịch học tập và nhịp sống của một sinh viên Harvard, Diệp Quốc Thắng không cảm thấy quá nặng nề hay phải “gồng mình” lên để hoàn thành chương trình học. Một ngày ở Harvard của em thường bắt đầu bằng buổi sáng đến lớp học, buổi trưa ăn uống, đi bộ về nhà nghỉ ngơi và buổi chiều học nhóm hoặc tham gia các dự án, hoạt động với bạn bè. “Các sinh viên khác ở đây cũng vậy, không có gì đặc biệt”, Thắng nói.
Mọi người chủ động sắp xếp thời gian cho phù hợp với đam mê, mục đích của bản thân nhưng quỹ thời gian đa phần được chia (50-50). Một nửa thời gian đi học, một nửa thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa, xã hội, vui chơi, giải trí.
Vào mỗi cuối tuần, các hoạt động dã ngoại, giao lưu văn hóa được tổ chức rất sôi nổi ở Harvard. Đó cũng là dịp để nam sinh gốc Việt xả stress, kết bạn. Em cũng chủ động tham gia các hoạt động tình nguyện trong và ngoài nhà trường.
Thắng dự định sẽ theo đuổi chuyên ngành Thần kinh học và Tâm lý học sau khi kết thúc năm Đại cương. Mùa hè vừa qua, 9X gốc Việt tham gia giảng dạy bằng tiếng Anh về chủ đề công bằng xã hội và nâng cao nhận thức cho người mới nhập cư, người tị nạn ở Boston Mỹ trong dự án Boston Refugees Youth Enrichment (BRYE) và nhiều hoạt động khác.
Thắng khẳng định, sinh viên Harvard không phải “mọt sách” học thâu đêm suốt sáng. Họ không chỉ học, không chỉ miệt mài trên giảng đường, không chỉ quan tâm điểm, thứ hạng, GPA trên lớp.
Dù xuất thân khác nhau, màu da, ngôn ngữ khác nhau, đam mê khác nhau nhưng tất cả sẽ vui chơi, kết nối với nhau trong những năm cùng sống và học tập. Dù là người châu Âu , châu Á, châu Phi… tất cả sinh viên đều sẽ theo một quy tắc “học hết sức, chơi hết mình – word hard, play hard”. Khi học, sinh viên đều tập trung tại thư viện, những nơi vắng vẻ tiện lợi cho việc tập trung tinh thần. Ở những tháng hè hay kỳ nghỉ, sinh viên Harvard sẽ “quẩy” hết mình trong vũ hội, party,… do mỗi câu lạc bộ tổ chức.
Theo 9X này, tinh thần giáo dục con người toàn diện, năng động, khai phóng của Harvard cũng chính là thứ “văn hóa” đặc trưng khiến Harvard trở thành một xã hội thu nhỏ. Và trong đó, vẫn có những sinh viên tự tử vì áp lực học hành quá lớn.
“Một số bạn tự đặt áp lực quá lớn đối với bản thân. Tuy nhiên, số này lại không biết tự cân bằng thời gian giữa học tập, nghiên cứu với giải trí và chăm sóc sức khỏe. Không chia sẻ vấn đề của mình với mọi người xung quanh, có bạn bị trầm cảm nặng dẫn đến những cái chết đáng tiếc”, Thắng chia sẻ.
Sinh năm 1997, Diệp Quốc Thắng tốt nghiệp Thủ khoa THPT tại trường Grover Cleveland Charter High School, Mỹ. Thắng giành học bổng toàn phần Đại học Harvard và học bổng từ 4 trường hàng đầu Mỹ khác (Yale University, University of California – Los Angles, UC Berkeley, University of California – San Diego). 9X gốc Việt hiện là sinh viên năm 1 trường Đại học Harvard, Mỹ.
Thegioibantin.com
Nguồn: Mangduhoc.net