Bí quyết dưỡng gan mùa xuân của cổ nhân: Hãy làm thử nếu bạn muốn gan khỏe mạnh
Những bí quyết của Trung y này sẽ giúp bạn không bỏ lỡ “thời điểm vàng” trong năm để dưỡng gan.
Lập xuân là tiết khí mở đầu của mùa xuân, báo hiệu vạn vật bắt đầu một vòng tuần hoàn mới. Trung y cho rằng, đây là lúc dương khí thăng cao, sự vật sinh sôi nảy nở, cũng là “thời điểm vàng” trong năm để dưỡng gan .
Bác sĩ Thành Kiệt Huy, Bệnh viện Châu Hải trực thuộc Bệnh viện tỉnh Quảng Đông khẳng định, dưỡng sinh theo mùa là một trong những nguyên tắc quan trọng của Trung y.
Bác sĩ Thành cũng giải thích, mùa xuân thuộc hệ Mộc, tương quan với gan. Kinh nghiệm dưỡng gan của cổ nhân trong tiết lập xuân chú trọng vào việc nuôi gan, bảo vệ dương khí của cơ thể.
Để không bỏ lỡ “thời điểm vàng” dưỡng gan trong năm, bạn có thể học Trung y những cách dưỡng sinh vào đầu mùa xuân dưới đây.
Điều chỉnh tính khí: Hạn chế nóng giận
Cổ nhân thường gọi gan là “cương tạng”, thuộc hệ Mộc trong ngũ hành, đặc biệt tương thích với khí xuân.
Khi mùa xuân đến, gan khí trong cơ thể trở nên thịnh. Khoảng thời gian này là cơ hội tuyệt vời để dưỡng gan, thải độc, bổ khí huyết.
Trung y có quan niệm “tức giận hại gan”. Vì vậy mấu chốt quan trọng nhất trong việc dưỡng gan chính là duy trì những tâm trạng tích cực, hạn chế tức giận hoặc lo âu, u buồn.
Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, mọi người thường dễ vướng bận vào những loại tâm tình tiêu cực. Nguyên nhân thứ nhất là do mùa xuân dương khí vượng, dễ gây ra tình trạng “thượng hỏa” đối với gan, khiến tâm tình kích động và nổi giận.
Ngoài ra, những lo lắng trong dịp đầu xuân năm mới cũng khiến con người ta rơi vào tình trạng tâm tình xuống dốc, thất vọng và tự trách bản thân mình.
Để tận lực hạn chế những tâm tình tiêu cực kể trên, bạn có thể giao lưu cùng bạn bè trong dịp nghỉ Tết, hoặc lựa chọn một ngày đẹp trời để đi du xuân, thưởng ngoạn phong cảnh tươi mới của vạn vật.
Nếu không có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, bạn cũng có thể lựa chọn hình thức vận động vừa phải để cải thiện tâm trạng.
Khi vận động, cơ thể bên trong của chúng ta sẽ tăng cường sản sinh các kích thích tố, tăng cường công năng của khí tạng, đồng thời phân tán lực chú ý, giảm lo âu, căng thẳng.
Hơn nữa, cổ nhân có quan niệm “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”. Vận động hợp lý vào những ngày đầu xuân cũng rất có lợi cho dương khí bên trong cơ thể.
Sinh hoạt khoa học: Ngủ muộn – dậy sớm
Sinh hoạt điều độ, điều chỉnh giấc ngủ phù hợp với quy luật tự nhiên của mỗi mùa là cách dưỡng sinh từ lâu đã được cổ nhân áp dụng. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Lập xuân mới tới, dậy sớm ngủ muộn”. Tác phẩm “Hoàng đế nội kinh” cũng viết: “Ba tháng mùa xuân, thiên địa câu sinh, vạn vật lấy vinh, đêm nằm dậy sớm là đạo dưỡng sinh”.
Bác sĩ Thành Kiệt Huy cho rằng, lập xuân là khoảng thời gian buổi sáng có ánh mặt trời xuất hiện sớm, sinh hoạt cũng nên thuận theo quy luật thời gian của mỗi mùa mà điều chỉnh.
Vì vậy vào đầu mùa xuân, bạn nên ngủ muộn và dậy sớm sẽ có lợi cho việc sản sinh dương khí.
Khí huyết trong cơ thể con người cần vận hành thông suốt mới có thể khỏe mạnh. Để đạt được điều này, bạn nên triệt để loại bỏ thói quen ngủ nướng, sinh hoạt điều độ, ngủ muộn nhưng không thức quá khuya, đồng thời dậy sớm kết hợp vận động ngoài trời để giúp cơ thể thư giãn gân cốt, giúp tuần hoàn thông suốt, ích khí lợi huyết.
Vào khoảng thời gian này, bạn có thể lựa chọn những loại hình vận động thích hợp với cường độ vừa phải như đi bộ nhanh, chạy bộ,…
Chú ý giữ ấm: “Trên mỏng dưới dày”
Người xưa tin rằng, việc giữ ấm không chỉ cần thiết cho mùa đông mà cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình dưỡng sinh mùa xuân. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Cổ nhân có câu: “Xuân không giảm áo, thu không thêm mũ”. Bác sĩ Thành Kiệt Huy cũng cho rằng, dù tiết trời mùa xuân đã ấm áp hơn mùa đông, nhưng mọi người không nên vì vậy mà ăn mặc phong phanh, coi nhẹ việc giữ ấm.
Lập xuân là thời điểm dương khí sản sinh nhưng khí lạnh còn chưa hết, ở vào khoảng thời gian “dương lui âm tiến”.
Lúc này, các lỗ chân lông trên cơ thể con người sẽ chuyển từ trạng thái khép kín sang từ từ giãn ra theo sự tăng lên của nhiệt độ, nhưng lại chưa có khả năng đề kháng với khí lạnh.
Nếu đầu xuân ăn mặc phong phanh, cơ thể dễ dàng bị khí lạnh xâm nhập, các lỗ chân lông sẽ tự động khép kín, gây tổn thương dương khí bên trong chúng ta.
Bởi vậy, giữ ấm vào mùa xuân cũng là một trong những điều tối quan trọng. Bác sĩ Thành kiến nghị vào những ngày này, bạn nên mặc quần áo theo nguyên tắc “trên mỏng dưới dày” để bảo vệ dương khí.
Cuốn “lão lão hằng ngôn” cũng đã từng đề cập tới nguyên tắc ăn mặc vào mùa xuân này: “Xuân đông không chia, thân dưới nên giữ ấm, thân trên có thể giảm, giúp nuôi dưỡng dương khí”.
Chế độ ẩm thực: Ít chua thêm đắng
Lý luận của Trung y cho rằng, vị chua có tính thu, khi hấp thu vào gan sẽ không có lợi cho việc sản sinh dương khí và khai thông gan khí.
Vì vậy, bác sĩ Thành Kiệt Huy kiến nghị mọi người nên áp dụng tiêu chí “ít chua thêm đắng” trong ẩm thực vào những ngày đầu xuân.
Theo đó, bạn có thể thêm vào thực đơn hằng ngày các món có tính đắng như củ cải , rau thơm, rau hẹ, hành tây,…
Trung y cho rằng, củ cải có vị đắng, tính mát, khi nấu chín lại mang vị ngọt, tính bình, ăn vào lập xuân giúp lưu thông khí huyết, khử đờm, ngừng ho,…
Bên cạnh đó, rau hẹ cũng là một trong những “ứng cử viên” sáng giá cho thực đơn đầu xuân. Loại rau này còn có tên là “khởi dương thảo”, vị cay đắng, giúp bổ thận, ích gan, lợi cho dương khí.
Đặc biệt, dưỡng gan thường đi đôi với dưỡng tỳ. Để bổ tỳ, dưỡng gan, bạn có thể chế biến món cháo táo đỏ, cháo khoai từ vào dịp Tết.
Động tác bổ gan: Chỉ cần vươn vai
Theo lý luận dưỡng sinh của Trung y, lập xuân là tiết khí chuyển từ “thu đông dưỡng âm” sang “xuân hạ dưỡng dương”. Bởi mùa này thuộc Mộc trong ngũ hành, có tương quan với gan, nên lập xuân là lúc thích hợp nhất để nuôi gan.
Ngoài việc kiêng bia rượu, thuốc lá, kết hợp những yếu tố dưỡng gan kể trên, bạn còn có thể thực hiện động tác đơn giản này để tăng cường sức khỏe cho lá gan của mình. Đó chính là vươn vai.
Vào sáng sớm khi ngủ dậy hoặc lúc làm việc mệt mỏi, chỉ cần vươn vai một cái, bạn sẽ thấy toàn thân dễ chịu, tinh thần khoan khoái. Kỳ thực, đây vốn là phản xạ có điều kiện của cơ thể để bảo vệ gan.
Khi chúng ta ở trạng thái mệt mỏi, khí huyết tuần hoàn tương đối chậm. Lúc này, động tác vươn vai sẽ giúp tứ chi thả lỏng, toàn thân vận động, kết hợp với hít thở có thể mang lại tác dụng thông kinh lạc, tăng tuần hoàn máu, cải thiện tinh thần.
Sau khi vươn vai, máu trong cơ thể sẽ tuần hoàn nhanh hơn, chân tay, khớp xương, cơ bắp đều hoạt động, cảm giác buồn ngủ cũng tiêu biến, hơn nữa còn tăng cường công năng gan, giúp lá gan được “tập luyện”, từ đó có thể bảo vệ cơ quan này.
Dù chỉ là một động tác đơn giản, nhưng nếu muốn vươn vai để dưỡng gan thì bạn cần tuân thủ một số kỹ thuật nhất định.
Khi tiến hành vươn vai, tứ chi phải duỗi thẳng để cơ bắp toàn thân được vận động. Trong lúc vươn vai, bạn cần cố gắng hít thật sâu, thả lỏng toàn bộ cơ thể, sau đó thở ra hết cỡ.
Thực hiện theo phương pháp này sẽ đem lại hiệu quả tối đa đối với gan và toàn bộ cơ thể. Đặc biệt, động tác này còn giúp tăng độ đàn hồi của dây chằng và làm chậm quá trình lão hóa ở người cao tuổi.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafef.vn