Bảo vệ sức khỏe nơi làm việc

0 468

happy-at-work-long-hours

Gần đây, tôi thường xuyên nhận được những câu hỏi của khách hàng làm sao để giảm tình trạng đau lưng, đau nhức vai cổ gáy, mắt nhòe, mất tập trung và đau dạ dày, v.v. Ngay cả khi ngồi trò chuyện với bạn bè, tôi cũng nghe họ than phiền các chứng mệt mỏi, bệnh tai mũi họng, đau nhức khớp tay, thậm chí táo bón, khô da và rụng tóc.

Hầu hết họ là những nhân viên văn phòng, được làm việc trong những tòa cao ốc hiện đại, “mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu”. Có dịp được tới thăm hầu hết các văn phòng làm việc của khách hàng, tôi nhận thấy rõ ràng các văn phòng làm ngày càng được trang bị tối tân, thuận tiện cho nhân viên ngồi làm việc, từ cái ghế ngồi cho tới thiết kế phòng ốc theo tiêu chí “S.M.A.R.T.”. Thậm chí, nhiều công ty đã đầu tư khoản tiền lớn để mua về những bộ bàn ghế làm việc tiện dụng, những chiếc ghế với nhiều chức năng như xoay, điều chỉnh nhiều chế độ sao cho người ngồi cảm thấy dễ chịu nhất. Có những công ty đã nỗ lực thiết kế phòng làm việc sao cho nhân viên cảm thấy thoải mái, gần gũi như ở nhà, đáp ứng đầy đủ các tiện ích như phòng ăn, căn- tin, phòng tập thể dục, phòng đọc sách… Mặt tích cực của sự hiện đại đó thì ai cũng nhận thấy rõ, hầu hết nhân viên trở nên thích thú khi được làm việc trong những toàn nhà hiện đại và tiện ích, nâng cao hiệu suất làm việc và cũng gắn bó với nơi làm việc hơn; song tại sao tỉ lệ nhân viên mắc phải các hội chứng văn phòng vẫn ngày một tăng, với những triệu chứng ngày càng đa dạng hơn? Rõ ràng, có một mối liên quan chặt chẽ giữa “công việc văn phòng & ngồi liên tục” với các hội chứng văn phòng trên đây. Theo thống kê của viện SAX(1) tại Úc thì những người ngồi trên 11 giờ mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn gần gấp đôi so với những người chỉ ngồi 4 tiếng mỗi ngày. Hay tại Việt Nam, theo thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia trong khoảng 5 năm trở lại đây:

  • Tỉ lệ báo phì ở độ tuổi 25 – 64 ở khoảng 15%, trong đó công chức là đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất, xấp xỉ 40%.
  • Tỉ lệ mắc phải các bệnh liên quan đến mắt trong giới làm việc văn phòng cũng lên tới 40%.

Quả là những con số cảnh báo!

suc khoe noi lam viec infographic

Những nghiên cứu khoa học trong khoảng nửa thế kỷ trở lại đây cho thấy, nguyên nhân của các hội chứng văn phòng bao gồm nhiều yếu tố trong môi trường làm việc tại các tòa nhà văn phòng. Chúng ta cứ tưởng mình mình sẽ được bảo vệ, sẽ an toàn hơn khi đã yên vị trong những chiếc hộp kính bỏng bẩy – trong phòng làm việc hiện đại của mình, nhưng kỳ thực, nơi đó lại tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, chẳng hạn như: độ ẩm không khí thấp, khả năng thông gió kém, bụi trong thảm trải sàn, hoạt động của máy photo và máy in làm tăng lượng ozon trong không khí, ánh sáng trong phòng làm việc không phù hợp, nhiệt độ trong phòng làm việc chênh lệch lớn so với ngoài trời, v.v.

Không những thế, những yếu tố chủ quan khác của bản thân mỗi người cũng là nguyên nhân hình thành nên những hội chứng văn phòng. Khi đọc tới đây, hẳn là bạn cũng sẽ thấy đâu đó hình ảnh của chính mình, vì hầu hết chúng ta đều có một hay một vài thói quen như: ngồi lâu và liên tục ở bàn làm việc, ít vận động, ăn “cơm bụi”, dùng café để chống buồn ngủ, ít vệ sinh bàn làm việc & bàn phím máy tính, v.v.

stay_healthy_at_work

Đơn cử như thói quen ít vận động, tưởng chừng là điều dễ chấp nhận vì công việc của chúng ta quá bận rộn, nhưng nó thực sự gây nguy hại cho sức khỏe. Bởi lẽ, các hoạt động trong cơ thể chúng ta đều có mối liên quan chặt chẽ, chẳng hạn như, các en-zim là chất xúc tác thúc đẩy quá trình trao đổi chất giúp cơ thể hoạt động nhịp nhàng, ngược lại những vận động vật lý này của cơ thể lại tác động trở lại giúp kích hoạt các en-zim. Hãy cùng nhau nói về en-zim Lipase – một en-zim có vai trò then chốt trong quá trình chuyển hóa chất béo và đường trong máu. Nếu chúng ta cứ ngồi một chỗ trong khoảng 1 giờ đồng liên tục thì sẽ khiến en-zim này rơi vào trạng thái “ngủ quên”. Tức là, Lipase sẽ không hoạt động với vai trò điều hòa trao đổi chất, khiến cho cơ thể không điều chỉnh được lượng cholesterol và đường trong máu; nếu hiện tượng này cứ tái diễn, dần dà chúng ta sẽ rơi vào tình trạng không kiểm soát được mỡ trong máu, tiểu đường và tăng cân, tích tụ mỡ, đặc biệt là mỡ vùng bụng. Việc vận động không chỉ có tác dụng tích cực trên các en-zim mà còn là một cách đơn giản để mang lại những lợi ích cho chúng ta ở nhiều mặt như: giảm căng thẳng, mệt mỏi và những tổn thương liên quan, cải thiện tư thế ngồi làm việc, duy trì động lực làm việc, duy trì hiệu suất làm việc, nâng cao ý thức về giá trị bản thân và khuyến khích, cổ vũ và lan tỏa tinh thần sống vui khỏe.

Vậy vận động thế nào là hợp lý trong môi trường làm việc để vừa bảo vệ, nâng cao sức khỏe mà vẫn đảm bảo thời gian và hiệu quả công việc? Hãy bắt đầu với việc tự nhắc mình đứng dậy đi lại sau khoảng mỗi một giờ đồng hồ và thực hành những bài tập đơn giản ngay trong lúc bạn ngồi trên ghế như dưới đây:

Mat-xa đầu: Đặt lòng bàn tay lên phía trên tai, dùng ngón tay giữa và ngón đeo nhẫn nhẹ nhàng day quanh vùng thái dương. Duy trì đều đặn khoảng 10 phút mỗi ngày cho bài tập này sẽ giúp bạn giảm các triệu chứng đau đầu, cải thiện thính giác và hỗ trợ điều trị chứng ù tai.

1

Xoay cổ: Nhẹ nhàng ngả đầu về phía trước và giữ trong khoảng vài giây, rồi từ từ nghiêng sang trái, sang phải và ngả về phía sau rồi trở lại tư thế ban đầu. Lặp lại khoảng 10 nhịp như vậy sẽ giúp vùng cổ bạn được thư giãn vì phải liên tục giữ đầu đối diện với máy tính. Bạn nên chuyển động chậm rãi và nhẹ nhàng, không cố gắng căng cổ để “đã” cơn mỏi, hãy lắng nghe cơ thể và dừng lại khi có cảm giác căng khi xoay cổ.

2

Thư giãn mắt: Hãy để cho mắt được nghỉ ngơi khoảng mỗi nửa giờ bằng cách phóng tầm nhìn ra khỏi cửa sổ, tập trung nhìn vào một đối tượng ở thật xa, nhắm mắt lại hoặc mat-xa cho mắt trong vòng 5 đến 10 phút như sau: Dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt ngay phần mí mắt phía dưới xương chân mày và nhẹ nhàng mat-xa, tiếp tục đặt ngón trỏ và ngón giữa ở vị trí xương chân mày và nhẹ nhàng mat-xa theo chuyển động tròn; Dùng ngón tay cái nhẹ nhàng mat-xa theo chuyển động tròn cho góc trong dưới chân mày, phần sát với sống mũi.

3

Kết thúc bài tập, bạn xoa 2 lòng bàn tay với nhau cho ấm lên, rồi lập tức ấp 2 gan bàn tay lên 2 mắt, nhớ là hãy nhắm mắt khi thực hiện động tác này trong 1 phút. Bạn có thể lặp lại một vài lần để mắt được thư giãn hơn.

4

Các bài tập này giúp tăng cường tuần hoàn máu ở vùng mắt, giảm chứng mỏi mắt, ngăn tình trạng lão hóa sớm ở mắt, hạn chế việc đeo kính cũng như mang lại vẻ đẹp tinh anh, tươi tắn cho “cửa sổ tâm hồn” của bạn.

Căng vai: Dùng tay trái nắm lấy vai bên phải, và tay phải nắm lấy vai bên trái, nâng hai khuỷu tay lên sao cho ngang bằng vai, từ từ cúi đầu xuống chạm tới tay, giữ trong khoảng 8 – 10 giây. Lặp lại động tác này khoảng 10 nhịp giúp bạn loại bỏ acid lactic bị tích tụ trong cơ của bạn – do bạn phải liên tục căng cơ cho tư thế ngồi và đặt 2 tay lên bàn để gõ bàn phím, giúp cho cánh tay, vai và gáy của bạn được “xả hơi”, ngăn ngừa triệu chứng mỏi vai gáy vốn dĩ rất khó chịu.

5

Gập lưng: Từ từ gập lưng, cúi đầu về phía trước một cách chậm rãi sao cho đầu bạn nằm giữa hai đầu gối và bạn nhìn được ra phía sau, hai bàn tay chạm vào mắt cá chân. Bạn giữ tư thế này trong khoảng 8 – 10 giây rồi từ từ trở lại tư thế ngồi thẳng ban đầu. Động tác này giúp nhẹ nhàng thư giãn lưng và giảm bớt áp lực lên cột sống khi bạn phải ngồi liên tục, đồng thời giúp cơ bụng được vận động, kích thích hoạt động chuyển hóa của cơ thể, giảm bớt mỡ dư thừa.

6

Thư giãn ngón tay: Úp 2 bàn tay trên mặt bàn, các ngón tay duỗi thẳng, lần lượt nâng từng ngón tay lên thật nhẹ nhàng. Bạn tăng tốc độ luân phiên nâng các ngón tay tới mức nhanh nhất bạn có thể trong khoảng 1 phút. Sau đó giữ nguyên bàn tay để song song với mặt bàn, dùng đầu ngón tay cái lần lượt chạm vào các đầu ngón tay còn lại. Bài tập này giúp cho các ngón tay bạn linh hoạt hơn và giảm triệu chứng mỏi do phải gõ bàn phím và điều khiển chuột máy tính liên tục.

7

Những động tác trên đây rất đơn giản và chẳng mất nhiều thời gian, song lại mang đến hiệu quả tuyệt vời, nếu bạn thực sự kiên nhẫn duy trì mỗi ngày và đặc biệt hiệu quả hơn nếu bạn kết hợp với chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh, đủ năng lượng, giàu chất xơ và vitamin, uống đủ nước và bổ trợ thêm bằng liều thuốc tinh thần – chính là những suy nghĩ tích cực – chắc chắn mỗi ngày làm việc của bạn sẽ tràn đầy năng lượng và niềm say mê.

Chúc các bạn luôn luôn thành công và tràn đầy sức khỏe!

Thegioibantin.com

Tác giả: Nguyễn Thị Mai Dung, Chuyên gia Dinh dưỡng & Sức khỏe, Human Dynamic

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ