Thời khởi nghiệp cùng cực của Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Bán chiếc dream của bạn để có vốn làm ăn
Tuổi thơ của “vua cà phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ gắn liền với những những ngày bẻ ngô, chăm lợn, giúp mẹ đóng gạch rồi đến thời bắt đầu khởi nghiệp với lò cà phê của những sinh viên cứ cháy lên lại bị chủ trọ dẹp bỏ, phải bán chiếc dream của bạn để có vốn làm ăn.
“Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh”.
Những ngày tăm tối nghèo khó bủa vây suốt thời thơ ấu đã hun đúc nên ý chí làm giàu của thanh niên Đặng Lê Nguyên Vũ, người sau này trở thành “vua cà phê” của Việt Nam.
“MẸ TÔI NGHĨ NGHÈO KHỔ LÀ SỐ MỆNH Ở TRỜI”
Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/2/1971 tại Nha Trang, Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo, sau đó họ chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk. Tuổi thơ của ông Vũ gắn liền với những những ngày bẻ ngô, chăm lợn, giúp mẹ đóng gạch và đi bộ tới trường suốt 15 km trên con đường đất đỏ.
Năm 1981, cha ông lâm trọng bệnh, gia cảnh sa sút, cũng từ đây khao khát làm giàu, thoát nghèo đã được hình thành trong suy nghĩ của cậu bé mới 10 tuổi.
Thời điểm Đặng Lê Nguyên Vũ đỗ vào khoa Y, trường Đại học Tây Nguyên, gia cảnh nhà ông chẳng khấm khá hơn. Cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng, thôi thúc chàng thanh niên 20 tuổi khi ấy phải tích cực suy nghĩ để tìm ra lối thoát.
“Tôi luôn hình dung lại được cảnh mẹ tôi nặng nhọc bưng từng chồng gạch, hay tất tả chạy ra ruộng rau lang hái đọt non đem bán kiếm miếng ăn cho cả nhà.
Mẹ tôi nghĩ cuộc sống nghèo khổ của gia đình chúng tôi là số mệnh ở trời. Mỗi lần tôi về thăm nhà thì mẹ tôi vừa vui vừa lo. Vui vì có con trai về thăm nhà và lo vì khi tôi rời nhà, bà cụ phải chạy vạy một hai trăm ngàn cho tôi làm lộ phí đến trường. Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh”, ông Vũ tâm sự như vậy trên Tuổi Trẻ cách đây hơn 10 năm.
Vì không chấp nhận “ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”, sang năm thứ 3, ông xác định sẽ bỏ ngang đại học, vào TP.HCM để tìm kiếm con đường làm giàu. Tuy nhiên người chú ở TP.HCM đã thuyết phục ông quay lại Đắk Lắk hoàn tất việc học, đồng thời hứa sẽ giúp cháu nếu sau này vẫn muốn vào Sài Gòn làm ăn.
Ngày về, chính người chú cũng bỏ tiền mua vé máy bay cho Đặng Lê Nguyên Vũ. Từ trên máy bay nhìn xuống, ông tự nhận thấy mọi chuyện trên đời này thật nhỏ bé và dần bình tâm hơn trước những khao khát vẫn đang sùng sục trong huyết quản. Ông trở lại giảng đường, một mặt tiếp tục việc học, mặt khác bắt đầu xây con đường riêng của mình.
“TẠI SAO NÔNG DÂN TRỒNG CÀ PHÊ VẪN NGHÈO”
Trở về giảng đường, Đặng Lê Nguyên Vũ trăn trở với câu hỏi: “Tại sao nông dân trồng cà phê vẫn nghèo trong khi trên thế giới có quốc gia không trồng được cây cà phê nào vẫn giàu vì cà phê? Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu?”.
Cùng với ba người bạn thân, ông Vũ hùn tiền vào để mở lò rang xay cà phê, nhưng đúng ngày khai trương lò rang xay đã bị phía chủ nhà trọ dẹp bỏ. Sau đó, họ cùng nhau chuyển lò rang xay cà phê đi nơi khác. Tuy nhiên, vì sợ cháy nổ, hàng xóm khu vực mới này cũng đi báo công an, và công cuộc khởi nghiệp lần 2 tiếp tục thất bại.
Không bỏ cuộc, những người bạn vẫn nhận rang xay một vài kí lô, rồi đóng gói và đem bán cho các mối lẻ. Những gói cà phê mang thương hiệu Trung Nguyên với biểu tượng ngày đó là mũi tên chĩa thẳng lên trời được nhiều người chú ý tới.
Năm 1996, “Hãng cà phê Trung Nguyên” khai trương bảng hiệu ở cây số 3, thành phố Buôn Ma Thuột, là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của cả tập đoàn Trung Nguyên sau này. Theo lời ông Vũ, gọi là “hãng” cho oai chứ cái “tổng hành dinh” lúc đó “ọp ẹp phát khiếp”, toàn bộ bảng hiệu đều do họ tự vẽ tự sơn, khách hàng cũng chỉ là mấy sinh viên cùng trường lớp.
Từ cơ sở này, những người bạn xác định kế hoạch sẽ mở thêm điểm kinh doanh ở miền Tây, tạo bàn đạp tiến về thị trường Sài Gòn. Họ tìm được một đối tác ở Long Xuyên để mở lò rang xay, chế biến, phân phối cà phê tại miền Tây. Tuy nhiên những khác biệt trong tư tưởng, phương thức kinh doanh khiến cuộc “hôn phối” thất bại chỉ sau vài tháng. Cùng lúc ấy, việc buôn bán tại Buôn Ma Thuột gặp bế tắc, chỉ duy trì tồn tại từng ngày.
Câu hỏi đau đầu lúc bấy giờ là nguồn vốn ở đâu để tiếp tục kinh doanh? Thật may mắn, một người bạn đã đồng ý cho ông Vũ mượn chiếc xe Dream, tài sản quý giá vào thời điểm đó để họ đem bán và lấy tiền duy trì sự nghiệp. Thậm chí họ cũng nói rõ với anh bạn này, nếu cho mượn thì coi như mất, trừ khi thành công sẽ trả lại sau. Nhưng người bạn nhiệt tình vẫn gật đầu đồng ý.
“Bây giờ tôi có thể đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quý giá bằng chiếc xe tình bạn của chúng tôi ngày đó. Có tình bạn vô giá đó tôi mới có được ngày hôm nay”, sau này ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ lại như vậy.
“ZERO TO HERO”
Ngày 20/8/1998, ông Vũ cùng những người bạn khai trương quán cà phê đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TPHCM). Quán lựa chọn chiến lược tiếp cận khách hàng chưa từng có trong lịch sử ngành cà phê thời đó: Phục vụ đồ uống miễn phí trong vòng 10 ngày. Nhờ chiến lược này, Trung Nguyên đã bước đầu thành công trong việc chạm tới từng ngõ ngách của Sài Gòn.
“Quán đông nghịt suốt ngày đêm vì người ta truyền miệng nhau. Chúng tôi và mấy người bạn phục vụ suốt ngày đêm đến nỗi nói không ra tiếng mà trong lòng thì vui không thể tả. Chúng tôi đã định hình Trung Nguyên là quán cà phê mà khách hàng có thể mua hàng, uống cà phê đối chứng bằng cách đưa ra rất nhiều loại cà phê để khách chọn lựa và hướng dẫn cách thưởng thức cà phê ‘theo kiểu Trung Nguyên’”.
Xác định phát triển mô hình theo hướng nhượng quyền, trong hơn 1 năm sau đó, từ 1999 đến 2000, Trung Nguyên có khoảng 500 quán cà phê trên toàn quốc. Thương hiệu cà phê này thành công tới nỗi có một thời người ta đã gọi tất cả các loại cà phê ngon, có gu là cà phê Trung Nguyên; như cách mà người Việt vẫn gọi xe máy là Honda…
Sang đến 2001, Trung Nguyên bắt đầu kế hoạch phát triển cà phê hòa tan, tiến đánh vào mảng thị trường trước nay chỉ thuộc về 2 tay chơi là Nestle và Vinacafe. Năm 2003, Trunng Nguyên tung ra sản phẩm cà phê hòa tan G7, và nhanh chóng định hình thế chân vạc trên thị trường gồm Nestle – Vinacafe – Trung Nguyên.
Thành công nối tiếp thành công, Trung Nguyên cho xây dựng hàng loạt nhà máy cà phê; trong đó nhà máy ở Bình Dương lớn nhất Việt Nam còn nhà máy tại Bắc Giang lớn nhất châu Á. Danh mục sản phẩm cà phê của Trung Nguyên cứ dài ra mãi, từ cà phê chồn; cà phê rang xay; cà phê hòa tan; cà phê hạt nguyên chất đến cà phê tươi… Không chỉ xây dựng nhà máy chế biến, Đặng Lê Nguyên Vũ còn cho lập Làng cà phê Trung Nguyên rộng 20.000m2; Bảo tàng cà phê tại Buôn Mê Thuột nhằm biến nơi đây thành thủ phủ cà phê toàn cầu.
Với ước mong vươn ra thế giới, năm 2008, Trung Nguyên thành lập văn phòng tại Singapore nhằm mục tiêu phát triển thị trường này thành một cứ điểm để mở rộng ra khối Asean và toàn cầu. Tính đến nay, cà phê Trung Nguyên đã có mặt tại 60 quốc gia, và có sản phẩm bán trên hàng loạt các trang thương mại điện tử cũng như chuỗi siêu thị lớn của thế giới.
Tháng 2/2012, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua Cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller. Cùng năm đó, tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi “zero to hero” (nhân vật từ vô danh trở thành anh hùng).
“THANH NIÊN KHÓ LẬP CHÍ VÌ KHÔNG TIN VÀO NĂNG LỰC, MÀ LẠI TIN VÀO SỐ PHẬN”
Những năm sau này, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cuộc chiến ly hôn giữa hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì doanh thu hàng năm của Trung Nguyên vẫn đạt khoảng trên dưới 4.000 tỷ đồng/năm. Một phần không nhỏ trong số ấy được ông Vũ dùng vào các chương trình truyền bá trí thức, tinh thần khởi nghiệp kiến quốc cho thế hệ trẻ.
Trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ rằng: “Tôi tự thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam, mong muốn họ tin rằng, những gì tôi có thể làm được, họ cũng làm được. Mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn”.
Ông Vũ cũng từng đánh giá, lớp trẻ chính là lực lượng chủ chốt gánh vác sứ mệnh tương lai của đất nước nhưng hiện nay lớp trẻ vẫn còn thiếu tự tin, và chưa xác định được việc định hướng, lập chí cho mình. Ông cho biết, có 3 yếu tố rường cột để hình thành một tư duy chiến lược hoàn hảo: Đó là động lực, năng lực và nguồn lực. Hiện năng lực, nguồn lực thì ta đã có nhưng vì tính tự ti khiến thanh niên không nhận ra mình, nên họ hoàn toàn không có động lực.
“Thanh niên hiện tại khó lập chí vì họ không tin vào năng lực của mình, mà họ lại tin vào số phận. Giờ phải làm thế nào để đánh bật những tư tưởng tự ti đó ra. Cần có người thúc đẩy, thổi lửa cho họ”, ông Vũ nói.
Từ năm 2012, Trung Nguyên đã liên tục trao tặng hàng triệu cuốn sách cho giới trẻ, trong đó có những quyển mang tính thay đổi tư duy mạnh mẽ như “Khuyến học”, “Nghĩ giàu làm giàu”, “Quốc gia khởi nghiệp”, “Không có gì là thất bại, tất cả chỉ là thử thách”… Đây đều là những quyển sách do đích thân ông Vũ cẩn trọng tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh, vĩ nhân thành công nhất của nhân loại.
Năm 2018, Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn khiến dư luận bất ngờ khi công bố sẽ chi 5 tỷ USD để trao tặng trên 200 triệu cuốn sách trong giai đoạn 2018-2023. Những cuốn sách này sẽ được trao tặng trên khắp cả nước, đến từng vùng sâu, vùng xa, nhà văn hóa của các quận huyện, thị trấn,…với mục tiêu “vì một Chí Hướng Lớn, vì một Khát Vọng Vĩ đại, Khởi Nghiệp Kiến Quốc không chỉ cho 30 triệu thanh niên Việt mà cho mọi gia đình, mọi công dân Việt Nam”.
Suốt cuộc đời mình, Đặng Lê Nguyên Vũ luôn đau đáu với ba mục tiêu lớn. Thứ nhất là xây dựng một tầm nhìn 20 tỷ USD cho cà phê Việt Nam, lấy lại giá trị thực mà cà phê Việt xứng đáng được hưởng. Thứ hai là góp phần kiến tạo nên một quốc gia hình mẫu, dẫn dắt – có khao khát vĩ đại với lòng tin và tâm huyết đặt vào thế hệ trẻ. Thứ ba là xây dựng một hệ sinh thái chữa lành, khai sáng để giúp nhân gian thoát khỏi những đau khổ, đói nghèo, bệnh tật triền miên và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần.
Dù đời tư xung quanh ông có nhiều chuyện phức tạp thì không thể phủ nhận khả năng suy nghĩ, tư duy, chiến lược và đặc biệt, cái tâm, cái tầm ông đặt vào thế hệ trẻ của đất nước thì không phải vị doanh nhân nào cũng làm được.
PGS. TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng từng bày tỏ quan điểm về khát vọng vĩ đại của Nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên như sau: “Đặng Lê Nguyên Vũ là người có khát vọng cho dân tộc thấm đẫm trong từng câu nói, hành động của mình. Theo dõi hành trình mà Đặng Lê Nguyên Vũ và Trung Nguyên đã làm trong nhiều năm qua, tôi càng thấy được một tinh thần dân tộc có tầm vóc; một khát vọng lớn làm sao để đưa đất nước này hùng cường”.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tapchidoanhnhan.org/khoi-nghiep/thoi-khoi-nghiep-cung-cuc-cua-vua-ca-phe-dang-le-nguyen-vu-ban-chiec-dream-cua-ban-de-co-von-lam-an.html