CEO Isobar Vietnam: Khó nhất không phải là người giỏi, mà là người tử tế
Là người đồng sáng lập Emerald năm 2009, khi mới 24 tuổi, năm 2015 Emerald chính thức sát nhập vào Isobar, công ty tiếp thị số toàn cầu thuộc Dentsu Aegis Network, với hơn 700 trụ sở trên 45 quốc gia… Thi Anh Đào đã trở thành một trong 30 đại diện đầu tiên trong danh sách Forbes 30U30 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Năm 2016, Thi Anh Đào là đại diện Việt Nam đầu tiên được tạp chí Campaign Asia – Pacific vinh danh trong 40 gương mặt Women to Watch của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cùng với cuốn sách “Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi” vừa ra mắt, chị đã khởi động chương trình “Tôi không hoang mang” đến với 10.000 học sinh, sinh viên trên toàn quốc, chia sẻ con đường chinh phục tương lai với giới trẻ qua những trải nghiệm đầy thăng trầm của chính mình.
Như những người trẻ khác, chị cũng đã từng trải qua một “Tuổi trẻ băn khoăn”, để thực sự hiểu mình là ai?
Ngay từ nhỏ cho đến khi học đại học, ba tôi dạy con rất rõ ràng về khả năng lên kế hoạch và trả lời những câu hỏi của chính mình.
Mọi thứ đối với mình đều có vẻ rất rành mạch từ lúc lên kế hoạch cho đến lúc thực hiện.
Chính vì vậy mà tôi rất ghét mỗi khi kế hoạch không thực hiện được.
Nhưng đến khi ba mất, mọi thứ dường như sụp đổ.
Trải qua nghịch cảnh, tôi mới hiểu rằng điều mình thiếu nhất là khả năng sinh tồn.
Một đứa luôn lập kế hoạch cho cuộc đời mình, nhưng khả năng sinh tồn thì trật lất!
Trong những khúc ngoặt của cuộc đời, ở những điểm rơi thấp nhất, làm thế nào để chị tìm được lại gương mặt mình, để có thể trỗi dậy từ điểm rơi thấp nhất ấy?
Những năm đầu khởi nghiệp cùng chồng, mình rất ức chế, dù là người thông minh, nhưng tôi luôn thắc mắc tại sao có quá nhiều thứ anh ấy nhìn thấy được mà mình không thấy?
Anh ấy nói với tôi: “Tại trải nghiệm của em chưa đủ”.
Khi ba mất, tôi mới cảm giác mình thực sự trưởng thành, thế giới quan thay đổi, có khả năng xử lý mọi thứ xảy đến với mình.
Ba tôi là thượng tướng trong ngành An ninh.
Khi ba mất, tôi từ Anh bay qua Đài Loan, nơi ba chữa bệnh.
Câu đầu tiên tôi hỏi các chú đưa ba đi là ba có căn dặn điều gì không? Các chú nói “không”!
Làm thế nào để mình có thể sống như ba, ngày mai có thể chết đi mà không có gì hối hận?
Ba chính là tấm gương lớn nhất cho cuộc đời tôi, mình chỉ cần sống bằng nửa cuộc đời của ba, làm được việc tâm huyết, tạo ra giá trị từ công việc mình làm.
Nỗi mất cha đã giúp tôi nhìn ra mục tiêu cuộc đời.
Khi các bạn còn loay hoay muốn có việc làm trong các công ty đa quốc gia, muốn có tiền, muốn nổi tiếng… thì mình đã hiểu điều quan trọng nhất là tìm được một công việc mình thích, và cảm thấy có ý nghĩa.
Từ cuộc đời của ba, tôi không thấy tiếc những gì mình mất đi, rõ ràng là nó đáng.
Lúc mới ra trường hai năm, kiếm được đồng tiền thực sự, nhìn thấy bạn bè đang có cuộc đời rất thanh thản, đi chơi với bồ, còn mình thì cắm mặt ở công ty đến 12 giờ đêm, bạn bè cũng chán.
Tôi tự hỏi mình có đáng cô độc đến như vậy không?
Rồi khi thất bại với dự án khởi nghiệp đầu tiên, lúc đó nghĩ mình là người vô giá trị, thôi xong rồi đó, chấm hết, không làm được gì.
Nhưng rồi tôi thấy không thể chấp nhận như vậy được.
Ngồi nhìn lại tất cả, bắt đầu tự hỏi mình đã đi đúng đường chưa, gặp được đúng người chưa?
Từ đó chuyển sang con đường khác.
Ngành này cạnh tranh rất kinh khủng, thời đó nỗi buồn to như cái bánh xe bò, có lúc trầm cảm đến mức muốn chạy ra đường tự tử, nhưng lúc đó mình may mắn hơn các bạn là còn muốn trèo ra khỏi cái hố đó.
Được ba nhắc một câu: “Cuộc sống là điều rất quý giá”, thế là đứng dậy, đi tiếp thôi.
Có những lúc cảm thấy bế tắc, khủng hoảng, phải quay lại hỏi mục tiêu cuối cùng mình lựa chọn là gì?
Đó chính là cái neo của cuộc đời.
Mình vẫn sai rất nhiều, nhưng luôn có cái neo ấy để quay về.
Đó có phải là động lực để chị viết “Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi!”, và dành nhiều thời gian, tâm huyết cho chương trình “Tôi không hoang mang” đến với 10.000 học sinh, sinh viên?
Đây không phải cuốn sách viết về tôi, càng không phải cuốn sách viết về bí quyết thành công.
Điều tôi mong muốn đơn giản là chia sẻ những gì tôi đã trải qua, đã nhìn thấy, đã đọc được trên đường đi, từ những ngày còn là trẻ con cho đến bây giờ.
Tất cả với ước mong góp một phần nho nhỏ giúp cho những người trẻ như tôi một thời đó, có thể nhìn rõ con đường của chính mình, nhìn rõ năng lực vô hạn trong chính mình để tự viết nên câu chuyện đời mình theo cách thú vị nhất.
Câu trả lời cho thành công đã luôn có sẵn ở mỗi người.
Điều chúng ta cần là những câu hỏi đã khai phá tư duy của mình, từ đó mở ra những tiềm năng rất riêng.
Tôi may mắn có được những câu hỏi như vậy, và tôi muốn chia sẻ một cách chân thành, giản dị, như một lời tâm sự.
Với một doanh nhân, chịu trách nhiệm với thương hiệu, với biết bao con người, để viết một cuốn sách chân thật như thế, chị phải đối diện với những thách thức nào từ người thân, bạn bè, và từ chính mình?
Để sống thật, viết thật thực sự là không dễ, nhưng mình nghĩ cần thiết.
Mình đã từng thử cách sống khác trong những năm đầu làm lãnh đạo, nhưng không giúp gì được hết.
Cố gắng tỏ ra giống người khác, cái đó lấy đi của mình rất nhiều thứ, làm mình rất mệt mỏi.
Cuối cùng mình nhận ra các bạn không tin mình, điều đó làm mình đau lắm.
Vì mình làm sai cách nên nhân viên họ thấy người lãnh đạo không nhất quán giữa nói và làm.
Cuối cùng mình quyết định rất dũng cảm, cho dù là sếp khó tính, đòi hỏi cao, hơi gay gắt nhưng đó là con người của mình.
Khi làm chủ, lãnh đạo người khác, chuyện sống thật quan trọng lắm.
Công việc đã mệt rồi, càng ở vị trí cao, áp lực càng lớn, chịu trách nhiệm cả một tập thể, lại sống không phải là mình thì mệt lắm.
Cuộc đời là sân khấu, ai cũng phải diễn vai của mình, nhưng diễn một vai được đo ni đóng giày với mình thì tốt hơn nhiều, cho dù mình thế nào.
Tuy nhiên, khi chia sẻ những góc khuất, những vấp ngã, tôi chỉ chia sẻ những chuyện đã qua giúp mình có bài học để phát triển như hôm nay.
Còn khi mình đang ngụp lặn trong đó thì không thể khuyên ai được hết.
Những điều mình nói không tốt cho mình, không tốt cho người khác thì tốt nhất không nói.
Với một doanh nhân bận rộn như chị, viết mang lại cảm giác thế nào?
Nó giúp tôi học được cách tách năng lượng tiêu cực ra khỏi cuốn sách, tự cân bằng liên tục.
Tự đưa mình vào một khuôn phép, kiểm soát năng lượng mình truyền tải một cách có trách nhiệm hơn, đó là trải nghiệm rất mới.
Viết lúc nào cũng giúp mình tĩnh tâm hơn, tôi thường viết vào cuối tuần, có khi stress quá tôi phải mượn năng lượng bên ngoài, nói chuyện với bạn bè để giúp mình khơi gợi lại năng lượng tích cực trong mình.
Hồi xưa mình là người viết tốt, giỏi văn, nhưng không nghĩ mình viết được cuốn sách, đó là trải nghiệm rất vui.
Trong lãnh đạo, trước giờ tôi không nghĩ mình là người truyền cảm hứng.
Cuốn sách giống con người tôi vậy, nhìn cái bìa không ai muốn mua, nhưng đã đọc nhiều bạn rất thích, thấy được giá trị của nó.
Tôi là dạng khó gần, cười cười nói nói nhưng ai làm sai sẽ biết tay ngay!
Chính vì vậy mà chỉ những người biết cách tôi vận hành mới hiểu được giá trị công việc.
Gần đây tôi có phát hiện thú vị, có lẽ do tôi có người cha quyết liệt, nên công thức thành công của tôi khác lắm, đôi khi người khác không hiểu nổi.
Ngành tiếp thị online Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, thật giả, vàng thau lẫn lộn, khiến hàng loạt công ty bị đóng cửa, bị thu nhỏ, vì sao chị có thể trụ vững, và M&A thành công với một công ty quảng cáo hàng đầu thế giới Dentsu Aegis Network?
Thật ra lúc mới thành lập, tôi đã chọn con đường trở thành công ty tư vấn, giúp ích cho doanh nghiệp bằng cách giải bài toán của họ, đó là cách vận hành đối với khách hàng cho đến bây giờ, chứ không đơn thuần là giải bài toán tiếp thị số.
Mình sẵn sàng chia sẻ với khách hàng mọi thứ, chứ không phải chuyện quăng cục tiền ra để làm quảng cáo.
Để người ta tin, tôn trọng, làm ăn lâu dài phải thật sự quan tâm đến khách hàng, cho họ lời giải.
Mình thấy vui với điều đó, theo đến bây giờ đó là khác biệt giữa mình và người khác.
Bây giờ, mọi người nói đến điều này nhiều rồi, nhưng cách đây 7-8 năm nó còn rất mới mẻ.
Tôi tự tin mình là công ty hiếm hoi làm điều đó, từ CEO đến chủ doanh nghiệp đều là doanh nhân hết.
Tôi may mắn vì lớn lên cùng với thị trường, cùng với khách hàng.
Đó là lý do tại sao tôi bán công ty. Đối tác mang lại giá trị mình cần, những hiểu biết mới từ thị trường cao hơn để có thể lấy về Việt Nam.
Biết đủ để làm, vừa làm vừa sửa. Có kiến thức từ bên vùng, nhưng để hiểu đặc thù từng thị trường khác biệt, phải học từ thực tế và có đối tác để học.
Là một thành viên của tổ chức, tôi thấy rất rõ những giá trị từ việc sáp nhập này, có thể giúp tập đoàn ở Việt Nam phát triển đúng hướng.
Việt Nam là thị trường rất thú vị, tốc độ phát triển rất nhanh về kỹ thuật số, công nghệ, nhưng không đồng đều.
Nhìn vào bức tranh chung, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa có tư duy mới về tiếp thị truyền thông, nhưng những doanh nghiệp quốc tế đã thử những bài toán mới ở Việt Nam.
Vấn đề là mình có dám thử không? Có những dự án không lợi nhuận, nhưng mình dám thử, để xây dựng vai trò của mình đối với thị trường và với tập đoàn.
Chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều về huấn luyện, kiến thức, sáng tạo, chiến lược… từ vùng, có những đợt mình gửi người qua vùng đào tạo, ngoài chuyện phục vụ kinh doanh tốt hơn, còn có thêm nhiều nguồn lực.
Thị trường ngành quảng cáo Việt Nam còn mới, bề dày công nghiệp quảng cáo sáng tạo còn non trẻ, người được đào tạo sâu, bài bản, kinh nghiệm cọ xát tầm khu vực, quốc tế chưa nhiều.
Bán công ty theo lộ trình chứ không bán 1 lần, điều đó mang lại cơ hội phát triển cho chính những con người trong tổ chức.
Tôi học được rất nhiều về mô hình kinh doanh của họ.
Chiến lược nào quan trọng nhất đã giúp chị thu hút nhân tài và quản trị được nhân tài trong một ngành thay đổi liên tục và những “quyền lực” mới đang lên ngôi?
Rất khó!
Khủng hoảng nhân sự trong ngành diễn ra thường xuyên, những người giỏi nhiều năm bước ra khỏi ngành, nhân sự trẻ đang đổ vào rất nhanh, nhanh đến mức chưa đủ kinh nghiệm.
Bản thân tôi tìm người phù hợp với tiêu chí tổ chức rất khó, chưa kể cạnh tranh thu hút người tài.
Công ty chủ trương không giữ người bằng tiền lương, nhưng khi các nơi khác trả lương cao hơn rất nhiều cho từng vị trí mà trước đây chưa từng có.
Tôi lo lắng nhiều hơn khi những người trẻ được trao những danh xưng không đủ tầm, khiến họ không biết mình là ai, không đủ năng lực để nói chuyện với khách hàng.
Kỳ vọng khách hàng với chức danh đó lớn hơn nhiều khả năng của người đó, khiến cho chính họ chịu không nổi.
Nhưng tôi tin sau một thời gian sẽ ổn định lại, vì liên quan đến con người mà.
Một vài bạn bắt đầu nhận ra, bỏ thời gian học thêm, cam kết bản thân, đóng góp trong ngành, để giúp mình sẵn sàng với vị trí đó.
Chị suy nghĩ thế nào về “những người đàn bà quyền lực” trong giới quảng cáo truyền thông Việt Nam như Mai Thanh, Mai Hương, Hồng Anh… để có thể giữ được những giá trị gia đình trước áp lực kinh khủng của một ngành kinh doanh hết sức đặc thù này?
Câu này rất khó trả lời, vì khoảng cách tuổi tác và tuổi nghề tôi rất khác so với các chị, tôi rất ít giao tiếp với các chị, không hiểu đủ để đánh giá.
Tuy nhiên, tôi hiểu những người phụ nữ bước vào ngành này phải có tinh thần thép, khả năng chịu đòn rất tốt, vì ngành này đa số dành cho đàn ông.
Bản thân tôi trẻ, làm lãnh đạo càng khó, làm sao để nhân viên và khách hàng chịu nghe mình.
Phụ nữ thường mất nhiều thời gian và công sức hơn so với nam giới trong cùng một công việc, phải đánh đổi nhiều lắm về thời gian, sức khỏe, có nghĩa mình sẽ già nhanh hơn, nó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mình.
Gặp những người phụ nữ thành đạt, chỉ có một câu hỏi ám ảnh duy nhất làm thế nào cân bằng giữa cuộc sống và công việc?
Xã hội Việt Nam được coi là của đàn ông, để phụ nữ ngồi vững vị trí đó chắc chắn phải rất cứng rắn, còn thể hiện ra sao là tùy tính cách của mỗi người.
Trong quản trị, chị coi trọng nguyên tắc nào nhất?
Tính hiệu quả, thứ hai là khả năng mọi người có thể sống và làm việc thật với nhau.
Tôi không ngại chỉ trích, không ngại phê bình thẳng thắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả công việc.
Đồng nghiệp nhìn nhau cả ngày, nếu không thật với nhau thì mệt lắm, không hiệu quả thì còn mệt hơn nhiều.
Trong công ty mỗi người là một mắt xích, phải làm tròn vai của mình. Tôi làm sếp thì phải tròn vai sếp thôi.
Tôi có thói quen hay đẩy mọi người ra khỏi giới hạn của mình.
Mỗi lần vật vã với khách hàng, thấy mình làm được rất nhiều thứ mà mình nghĩ không thể làm được.
Chính vì vậy tôi thích đẩy mọi người ra khỏi vùng an toàn của họ. Sau này bớt lại, chọn đúng người mới đẩy.
Thời gian qua, giới quảng cáo, truyền thông đã chứng kiến những câu chuyện đau lòng về cà phê Trung Nguyên, về Masan với chiến lược phát triển ngành nước mắm, ngành cà phê “đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng”. Theo chị, làm thế nào để hình thành được một đội ngũ con người làm nghề có tâm, có tầm, và ý thức được hậu quả khôn lường của từng con chữ, từng hình ảnh, từng chiến lược?
Phải quay lại giá trị sống của người làm nghề là gì?
Tôi không dám nhận xét hay đánh giá về những đàn anh, đàn chị.
Nhiều khi họ nhìn vào hiệu quả của chiến dịch mà quên đi điều khác.
Ngành nghề nào cũng vậy, trong xã hội, để thương hiệu, nền kinh tế phát triển, ngoài việc thông minh, giỏi, cần phải sống tử tế với nhau.
Làm việc vì tiền không sai, nhưng bên cạnh đó có giá trị gì khác không?
Tôi mong muốn tạo ra những chiến dịch thành công cho thương hiệu mà mình có thể tự hào, giúp cho doanh nghiệp, giúp cho con người gián tiếp hay trực tiếp tham gia vào việc mình làm.
Mọi người đều xuất phát điểm từ đó, chỉ trong những khoảnh khắc họ tính không kỹ, dẫn đến trường hợp không mong muốn.
Ngành này thấy bên ngoài có vẻ đẹp, lấp lánh quá, thấy toàn người thông minh, sáng tạo, nhưng để làm gì?
Có giúp ích cho người khác không?
Theo đuổi một ngành rất khốc liệt, bào mòn con người cả về sức lực, tinh thần, nếu không biết làm vì cái gì thì theo đuổi làm gì?
Càng làm công việc trí óc thì không gian cân bằng càng cần thiết.
Có lúc viết quá nhiều chiến lược cho doanh nghiệp, tôi gần như bị đơ, không nạp vô cái gì được hết, không nghĩ gì hết.
Tôi rất sợ, phải có quãng nghỉ, nhưng sau đó vẫn phải lao vào, vì đâu đó vẫn có khách hàng, dự án xứng đáng mà mình dành thời gian cho nó, tạo nguồn cảm hứng, khiến cho cuộc sống ý nghĩa hơn.
Ngành quảng cáo đôi khi kích thích người ta tiêu xài những thứ không đáng tiêu xài cũng nặng nghiệp lắm đó.
Trong tất cả những gì tôi làm cho khách hàng, luôn tìm ra cơ hội để dự án có ý nghĩa hơn, không chỉ để bán hàng nhiều hơn, khiến cho khách hàng yêu thương hiệu đó hơn.
Tiếp xúc với các bạn trẻ khởi nghiệp, chị thấy thiếu hụt lớn nhất của các bạn là gì?
Ai cũng nói về sự đấu tranh để đạt được thành tựu của những người thành công giống như đôi chân quẫy đạp điên cuồng của con vịt, bởi những gì chúng ta có thể nhìn thấy chỉ là mặt hồ tĩnh lặng và vẻ ung dung tự tại của con vịt ấy.
Người trẻ muốn thành công phải cố gắng làm việc, phải quẫy đạp dữ dội trong cái hồ của mình, đồng thời cũng phải học cách nhẫn nhịn, nhẫn nại, học bình tĩnh, học một trăm thứ khác tưởng chừng không liên quan.
Đối với tôi, đây mới chính là sự quẫy đạp dữ dội nhất của người trẻ đang tìm đường đến thành công: Sự quẫy đạp từ bên trong – guồng quay dữ dội trong nội tâm của họ mà không ai có thể nhìn thấy bất cứ động tác nào.
Đây mới chính là đánh đổi lớn nhất của người trẻ khi chọn lựa dấn thân cho ước mơ của mình.
Vậy nỗi sợ lớn nhất của chị là gì?
Tôi sợ nhiều thứ lắm.
Sợ là phản xạ của con người khi đánh hơi được sự nguy hiểm, đánh hơi cái gì bất thường.
Hồi nhỏ tôi đã được ba dạy sợ là có lý do, khi tìm ra lý do sẽ giải quyết được nó.
Tôi chỉ sợ đến một ngày nào đó mình không biết sợ nữa, đó là lúc mình không còn nhận thức nữa, không còn biết đặt câu hỏi nữa.
Tôi coi trọng tình cảm, làm ngành sáng tạo, cần bay, nên rất sợ mình bị đơ.
Một thương hiệu khó cỡ nào vẫn làm được, nhưng nếu môi trường làm việc xung quanh không còn là niềm cảm hứng cho mình nữa thì không thể làm được.
Sợ nhất là mất cảm hứng với con người, vì ngành này là làm việc với con người mà.
Tôi rất biết ơn khách hàng dành thời gian chia sẻ với mình nhiều hơn.
Việc đã khó lại không dành thời gian hiểu nhau thì làm sao kết nối.
Vợ chồng chị đều là người đồng sáng lập công ty, nhưng anh ấy đã quyết định lùi lại, đẩy chị lên làm lãnh đạo?
Có người hỏi anh tại sao nhường cho vợ? Anh nói đó không phải là nhường.
Mình và anh không chỉ là hai người yêu nhau, mà còn là đồng chí, ai làm tốt nhất việc gì thì chia nhau làm thôi.
Càng về sau tôi càng tin một điều trong công việc là phi giới tính.
Người đàn ông là bạn đời hay đối tác phải hiểu điều đó, tôn trọng mình là người có năng lực, chứ không phải là người phụ nữ có năng lực.
Như thế công việc mới có kết quả, mới làm được với nhau.
Những năm đầu anh ấy làm lãnh đạo tốt hơn tôi nhiều, nhưng về sau anh nói mình về tiếp quản công việc sẽ tốt hơn.
Tôi không tin, ban đầu về có sung sướng gì đâu, vì không được trang bị đầy đủ, bước khỏi cái bóng quá lớn của anh đã là rất khó.
Ngày nào cũng tự hỏi liệu có chọn đúng nghề không? Ông xã thì cứ nói thẳng tưng.
Tôi biết ơn anh nhất là đàn ông tự biết mình giỏi cái gì, không giỏi cái gì đã khó, biết chấp nhận lùi lại phía sau còn khó hơn nhiều.
Những lúc tôi suy sụp, anh động viên “em yên tâm đi, anh tự tin là em làm được”, thế là mình có gan đi tiếp.
Anh là người rất thú vị, nhiều lúc khoe vợ hơi nhiều.
Động lực lớn nhất nào giúp chị vượt qua mọi thăng trầm, thách thức của cuộc sống và kinh doanh, để theo đuổi đến cùng con đường đã chọn?
Mục tiêu của tôi cuối cùng là làm được điều có ý nghĩa với mình và với người khác.
Có thể bây giờ tôi chưa làm tốt, nhưng tôi luôn theo đuổi điều đó, sống cuộc đời đáng sống, làm được điều gì đó cho mình, giúp được người khác, cho dù bằng cách nào.
“Cuộc đời là biển cả, ai không bơi sẽ chìm”, xem phim Hồng Kông, mình và ba rất thích câu đó.
Mỗi ngày làm được gì tốt cho ai đó là đủ rồi, còn mình nếu không cố gắng đạt cái này, cái kia thì trên con đường mình đi phải sống trái với mình.
Khó nhất không phải là người giỏi, mà là người tử tế.
Cám ơn chị về những chia sẻ!
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: thuongtruong24h.vn