CEO Nguyễn Trung Tín:” Tôi chưa bao giờ nghĩ mình kiếm tiền để xài tiền.”

0 517

Tín được biết đến với các dự án khởi nghiệp thành công, nhưng với vị trí là Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Thủy kinh doanh nhiều lĩnh vực từ bất động sản đến dịch vụ… anh có còn đủ thời gian tập trung cho các công ty riêng của mình không?

– Việc cân đối giữa những dự án của riêng tôi và công việc của tập đoàn hiện nay thực sự là điều tôi đã đoán trước. Cách đây hơn 3 năm, khi nhận quyết định về làm tổng giám đốc tập đoàn thì tôi biết quỹ thời gian của mình sẽ rất hạn hẹp, và buộc phải có sự lựa chọn.

Thời điểm đó, tôi đã chọn đóng cửa các dự án mình làm ra nhưng không mang nhiều tính chất cộng hưởng với những mảng mà tập đoàn đang làm. Cũng có dự án tôi sáp nhập vào lĩnh vực tập đoàn đang đầu tư, chỉ giữ những dự án tâm huyết để có thể toàn tâm toàn ý tập trung cho việc kế nghiệp.

Tôi xác định đây là con đường dài. Mà đã đi đường dài thì không thể phân chia nguồn lực. Nguồn lực tôi nói chính là thời gian.

Tất nhiên, việc đóng cửa doanh nghiệp mình gây dựng là quyết định rất khó khăn. Nhưng mảng bất động sản tập đoàn đang phát triển tôi rất đam mê. Đánh đổi để thực hiện đam mê với tôi là hoàn toàn xứng đáng.

Hiện tại, Tín chỉ có hai lĩnh vực phát triển của riêng mình. Thứ nhất là đầu tư mạo hiểm với 5 startup, là công nghệ thông tin và giải pháp mang tính chất bổ trợ cho lĩnh vực kinh doanh thương mại của bất động sản.

Mảng thứ 2 là mô hình chia sẻ không gian làm việc. Lĩnh vực này có tiềm năng rất lớn, vì xu hướng làm việc chia sẻ đang phát triển.

Kế nghiệp một tập đoàn lớn khi còn quá trẻ, Tín có được trao hết quyền hoạch định chiến lược của doanh nghiệp không?

– Chắc chắn không thể một sớm một chiều tôi được trao hết quyền, và tôi cũng không muốn như vậy.

Tôi chia sẻ thật, lúc mới nhận chức vụ cũng là hữu danh vô thực đó. Tôi được bổ nhiệm tổng giám đốc tập đoàn cách đây 3 năm rưỡi, nhưng lúc đó quyền hạn cũng như khả năng quyết định rất hạn chế. Bởi ai cũng biết, việc tiếp nhận con thuyền đã ra khơi 20-25 năm rồi thì không phải là điều đơn giản. Chắc chắn người thuyền trưởng trước tôi không dám buông hoàn toàn buồng lái cho mình đâu.

Trong 3 năm đầu thì từng năm một tôi phải chứng minh là mình làm được gì, phân tích những gì thành công nhờ cơ hội, nhờ thị trường, những gì thành công là từ quyết định của chính mình. Cả những thất bại và cách vượt qua.

Từng bước như vậy, tới thời điểm này, tôi nghĩ khoảng 70% là mình đã thuyết phục, chứng minh được mình xứng đáng ở vị trí điều hành tập đoàn, xứng đáng đưa ra những quyết định để thuyết phục hội đồng quản trị. Tất nhiên cũng có hạn mức nhất định chứ không phải tôi quyết định toàn bộ đâu.

Với kinh nghiệm của cá nhân, tôi thấy trước hết là tạo sự tin tưởng. Tin tưởng không phải tự cho mình: Ồ, là người nhà, mình sẽ được tin! mà phải chứng minh bằng thành công thực sự. Hoặc nếu quyết định mình đưa ra thất bại, thì cũng phải chứng minh được cách để vượt qua thất bại.

Anh mất bao lâu để được tin tưởng, thấy được sự trưởng thành?

– Với tôi, để được tin tưởng chuyển giao quyền điều hành doanh nghiệp là khá dài. Khi tốt nghiệp đại học về, tôi tự khởi nghiệp khoảng 4 năm. Trong 4 năm đó, mình cũng đã có thành công nhất định với những startup của riêng mình.

Tất nhiên không phải đầu tư là thành công liền. Mình cũng rất chật vật, vay tiền ba mẹ đầu tư và mất ăn mất ngủ kiếm từng đồng tiền.

Nhưng khi thành công, mình dùng chính đồng tiền đó đầu tư tiếp và tiếp tục thành công thì ba mẹ cũng thấy được tôi thực sự quan tâm tới đồng tiền, quan tâm tới người lao động, quan tâm đến sự phát triển. Khi đó, tôi được mời (tôi gọi là mời nhé, cười) về doanh nghiệp với vị trí là tổng giám đốc tập đoàn.

Anh có áp lực khi gánh vác doanh nghiệp mà mẹ đã gây dựng quá thành công không? Giữa khởi nghiệp và nối nghiệp – hai trách nhiệm đang thực hiện, với anh cái nào khó hơn?

– Áp lực thì tôi nghĩ bất cứ ai đi làm mà yêu thích công việc cũng sẽ có. Và áp lực đó sẽ nhân gấp nhiều lần nếu như mình điều hành một doanh nghiệp mà người đi trước đã tạo dựng thành công và kỳ vọng mình phát triển lớn hơn. Phải hiểu là nếu công ty tôi xây dựng nên mà thất bại thì ok vì đây là thất bại của chính tôi, tôi sẽ đứng dậy làm cái mới.

Nhưng nếu kế thừa doanh nghiệp đã thành công mà tôi làm thất bại thì đó là điều thật đáng sợ. Áp lực này trong tôi hàng ngày hàng đêm. Nhiều buổi tối khi ngủ tôi gặp ác mộng, lo lắng về công việc, về những quyết định mình đưa ra trong điều hành, phát triển công ty. Tôi nghĩ ai cùng cảnh như mình mới hiểu được.

Còn so sánh thì không có việc nào dễ hơn. Khởi nghiệp mình bắt đầu với một doanh nghiệp vừa sức nên mối quan tâm của tôi tiểu tiết với từng khách hàng, từng sản phẩm, cách nào để tăng doanh thu từng ngày thôi.

Khi cầm lái con thuyền lớn với nhiều mảng kinh doanh khác nhau thì nỗi lo ập đến với tôi là điều hành, quản lý. Cái nào cũng có khó hết.

Tín thường đồng hành, chia sẻ công việc nhất là ai?

– Điều may mắn là Tín có hậu phương rất vững chắc. Có 2 người mà Tín chia sẻ nhiều nhất, đó là ba mẹ – ba mẹ tôi gọi là một thôi, vì họ luôn cùng nhau. Tôi luôn chú trọng ý kiến và khi có việc quan trọng, tôi luôn cần ba mẹ tham mưu.

Người thứ 2 tôi thường chia sẻ chính là vợ mình. Tôi nghĩ đó cũng là điều may mắn, vì Thảo rất chia sẻ công việc với tôi. Thảo luôn hiểu việc tôi kế thừa một công ty đang phát triển và có trách nhiệm làm cho lớn hơn nữa là điều không dễ.

Đôi lúc những gì tôi chia sẻ không có lời giải đâu, và tôi cũng không yêu cầu lời giải đáp, miễn là có sự lắng nghe, động viên.

Chỉ cần vợ tôi: ờ ha, vậy hả, hay cố gắng lên, không sao đâu hoặc ngày mai sẽ tốt hơn… thì đã là động lực để tôi vượt qua khó khăn rồi.

Tín cũng là người đặc biệt khi được đại diện cho lớp doanh nhân trẻ gặp gỡ với nhiều nguyên thủ đến thăm Việt Nam như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Cơ duyên nào anh có những cuộc gặp gỡ này?

– Thực sự mọi thứ bắt đầu từ Tổng thống Mỹ Obama. Khi mở Dreamplex, mục đích của chúng tôi là kết nối với giới doanh nhân, cộng đồng khởi nghiệp. Vô tình đại sứ quán Mỹ cũng đang có sứ mệnh đó, nên ý tưởng lớn gặp nhau.

Nhờ những mối quan hệ đó mình cũng được tiếp xúc với đại sứ, tổng lãnh sự. Vô tình Tổng thống Obama đang có chuyến công du sang Việt Nam. Ngài rất đam mê khởi nghiệp và ủng hộ các hoạt động này, nên sứ quán ngỏ ý muốn tổ chức cuộc gặp tại Dreamplex. Bất ngờ đó là vinh dự của chúng tôi.

Sự kiện này thành công, chúng tôi lại có những mối quan hệ khác, trong đó nhận sự quan tâm của các lãnh sự quán khác như Hàn Quốc, Canada… Vừa rồi nhân sự kiện APEC, tôi lại được vinh dự gặp, giao lưu, chia sẻ với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Đó là những cơ duyên đặc biệt.

Vì sao Trung Thủy chỉ tập trung vào các dự án cao cấp mà không tham gia thị trường bất động sản bình dân, vốn đông khách có nhu cầu hơn? Anh có thể chia sẻ kế hoạch trong năm mới 2018 này?

– Từ trước đến nay chúng tôi tập trung vào phân khúc cao cấp bởi quỹ đất tập đoàn đang sở hữu nằm ở các vị trí chiến lược. Những vị trí đó đòi hỏi phải được đầu tư những sản phẩm cao cấp, không thể làm một sản phẩm không tương xứng được.

Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận thấy nhu cầu rất lớn từ phân khúc vừa túi tiền và thấy cần thiết đầu tư vào sản phẩm này. Chúng tôi cũng đã tích lũy được quỹ đất và ngay trong năm sau sẽ ra mắt sản phẩm vừa túi tiền với thương hiệu hoàn toàn khác.

2018 với tôi sẽ khá đặc biệt vì có nhiều kế hoạch cho cả công việc và cuộc sống riêng. Năm nay, chúng tôi kỳ vọng sẽ ra mắt 2 sản phẩm mới là căn hộ vừa túi tiền và sản phẩm nghỉ dưỡng. Đây là những sản phẩm đầu tiên tập đoàn triển khai.

Năm nay tôi cũng đưa Dreamplex Bắc tiến. Văn phòng ở Hà Nội có diện tích 1.500 m2 và hoạt động ngay năm 2018. Tại TP.HCM thì tôi nhân thêm địa điểm thứ 4 và 5.

Nghe chia sẻ thì anh chỉ có công việc và công việc nối tiếp nhau. Việc cân bằng, giải tỏa áp lực sau công việc của anh sẽ như thế nào?

– Lúc mới về nước, bắt tay khởi nghiệp là tôi tập trung toàn thời gian cho kinh doanh. Khi ổn định, tôi cũng chơi thể thao và dành thời gian giải trí để chơi golf.  Nhưng từ khi leo lên con thuyền lớn, gánh vác việc của tập đoàn, cộng với các dự án riêng thì tôi không còn thời gian cho các nhu cầu này nữa.

Việc cân bằng quỹ thời gian thực sự khó. Những năm vừa qua với Tín thì phát triển sự nghiệp là điều quan trọng nhất. Gia đình là thứ 2 còn thời gian cho bản thân thì gần như không.

Tín không có đam mê, thú vui nào khác sao? Thời khóa biểu của doanh nhân trẻ chỉ là công việc?

– Đúng là tôi hơi chán thật, không có thú vui nào thấy mình cần phải làm ở thời điểm này ngoài công việc. Nếu có thời gian rảnh thì cũng cố gắng đi du lịch, xem phim. Nhưng đa phần thời gian của tôi là sáng đi làm đến tối mịt mới về, ăn tối, nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục chuẩn bị cho công việc ngày mới.

Hy vọng khi mọi thứ vào guồng thì mình có thể dành chút xíu thời gian cho bản thân. Có thể lúc đó Tín sẽ tập đánh golf trở lại.

Vẫn chỉ là một chút xíu thời gian cho bản thân?

– Thứ duy nhất rất công bằng trong xã hội chính là thời gian. Tôi có 24h trong ngày, người khác cũng vậy. Nếu đặt lên bàn cân giữa Tín và một người khác, ở cùng nền tảng như nhau, cùng độ trưởng thành như nhau, thì nếu như người kia một ngày làm 8 tiếng, Tín cũng làm bằng họ thì Tín sẽ đi ngang họ, chưa kể may mắn.

Để vượt lên họ thì đâu còn cách nào khác việc Tín phải làm 9, 10, thậm chí 11, 12 giờ mỗi ngày. Cứ mỗi tiếng làm thêm thì mình sẽ đi xa hơn họ một chút, đó chính là lãi suất cộng dồn.

Tín có quan niệm để thành công hơn, điều nhanh nhất, dễ nhất mình có thể làm là bỏ nhiều thời gian và cố gắng thật sự, phải lao vào làm việc thôi.

– Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ chệch khỏi mục tiêu cuộc đời, là phải sống có ích và làm việc để tạo ra thành tựu

Lớn lên trong gia đình làm kinh doanh và khởi nghiệp cũng từ kinh doanh, Tín quan niệm về tiền ra sao?

– Đến bây giờ Tín vẫn chưa có lúc nào nghĩ là mình kiếm nhiều tiền để xài tiền, cũng không nghĩ thành công chính là kiếm ra được nhiều tiền. Thực sự suy nghĩ kiếm tiền để xài tiền không có trong đầu Tín.

Mỗi ngày Tín cũng chỉ ăn 3 bữa, thậm chí có bữa trưa quên ăn. Nhân viên ăn thế nào thì mình ăn vậy, không có gì khác. Du lịch thì cũng không phải những nơi xa xỉ, sang trọng gì mà là các điểm đến mình thích, phần nhiều trong nước. Cũng không mê, không có siêu xe, du thuyền, hàng hiệu.

Có thể do thói quen trong gia đình. Ba mẹ Tín vốn sống giản dị, cần kiệm, chuyên tâm vì công việc. Anh em Tín cũng ảnh hưởng từ tính cách và lối sống đơn giản của ba mẹ.

Anh nói không quan niệm thành công là kiếm được nhiều tiền, vậy thành công của anh là gì?

– Việc kiếm tiền theo Tín chỉ là thước đo để thấy mình bỏ tiền vào đầu tư bao nhiêu và thu được bao nhiêu, để biết tỷ suất lợi nhuận, đánh giá được tỷ lệ thành công của các dự án mình đầu tư thôi, không phải là mục đích cuối cùng của Tín, của gia đình.

Tín quan sát ba mẹ từ trước và cả bây giờ, điều hạnh phúc nhất của họ không phải là họ reo ồ lên: Tiền mình làm ra rất nhiều, mà hạnh phúc là khi thấy được sự hài lòng của khách hàng, dù là nhỏ nhất.

Tín cũng từng chứng kiến mẹ mình vui như thế nào khi một đoàn khách ăn bữa trưa với cảm giác rất ngon tại một trạm dừng chân của gia đình. Và họ cảm ơn, khen dịch vụ tại trạm dừng đó.

Mẹ thường tham gia phục vụ khách, cũng chào đón khách, bưng bê phục vụ… một cách vui vẻ.

Đôi khi Tín nghĩ, mẹ có cần làm vậy không? Liệu khách có cảm ơn, trả thêm phí khi mẹ mình bưng đồ ăn phục vụ họ không? Không. Nhưng đó là giá trị, cảm xúc mà chỉ khi nào mình đam mê việc mang lại giá trị cho người khác thì mình mới nhận thấy.

Thegioibantin.com | Vina Aspire News

Nguồn: tec-ftu.com

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ