GS. Phan Văn Trường: ‘Đừng đem phương trình toán học đo đạo đức hay sự chăm chỉ của nhân viên!’
“Đem những phương trình toán học đo đạo đức của nhân viên, đo sự chăm chỉ của nhân viên, nhân với bằng tiến sĩ của nhân viên, cộng với bằng thạc sĩ của giám đốc rồi chia ra, thế là cấp dưới rối ren… Tôi cho rằng quản trị là cái gì dễ nhất nếu mình đi vào cái tình người” – GS. Phan Văn Trường.
Giáo sư Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, và là cố vấn của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được Tổng thống Pháp đã trao tặng Huy chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) năm 2007 nhờ công lao đóng góp vào việc phát triển nước Pháp.
Ông từng tham gia vị trí quản lý cấp cao của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, tham gia đàm phán các dự án lớn tại hàng chục quốc gia với tổng giá trị các hợp đồng hơn 60 tỷ USD. Ông là tác giả cuốn sách “Một đời thương thuyết”, gồm rất nhiều câu chuyện, kinh nghiệm hàng chục năm đàm phán ở hàng chục quốc gia.
Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông về những cuốn sách mà ông tâm đắc.
* Thưa Giáo sư, ông đã từng đọc trên 1.000 cuốn sách. Vậy cuốn sách nào có ảnh hưởng nhất tới cuộc đời ông?
GS. Phan Văn Trường: Đó là một cuốn sách tôi đọc năm 8 tuổi. Đến ngày hôm nay, nó vẫn còn ảnh hưởng đến tôi.
Cuốn sách chỉ nói về cái sân trường của một trường trung học bên Ý. Bạn bè trong sân trường thì đánh nhau, chơi xấu nhau, cướp của nhau miếng ăn và ăn cắp của nhau cuốn sách.
Thế nhưng mọi câu chuyện đến cuối cùng đều nói lên tính nhân văn, đạo đức của xã hội. Đứa ăn cắp, ăn tham hoặc ăn gian đều được xã hội xung quanh, tức những người trong lớp khuyên là không nên làm thế nữa.
Ngày xưa, tôi cứ đọc đi đọc lại cuốn sách đó hoài, cũng do thời đó đất nước ít sách, thành ra trong nhà chỉ có vài cuốn sách và tôi cứ đọc đi đọc lại. Mỗi lần đọc tôi lại khóc, khóc vì thương đứa bị ăn cắp, rồi chúng bạn trong lớp cũng thương và khóc theo bởi vì cùng ở lứa tuổi dễ đồng cảm.
Tôi không ngờ sau này cảm xúc trở lại khi mình gặp người hành khất, cảm xúc trở lại khi mình nhìn thấy cảnh ngộ của xã hội mà chúng ta đang sống. Tôi tự hỏi: Những cảnh ngộ đó có ngẫu nhiên xảy ra hay không? Không.
Thế thì cũng do người làm hại người, do đó rất cần người cứu vãn người. Lâu lâu tôi cũng lâng lâng. Ở tuổi này, tôi không khóc nữa, không còn nước mắt nhưng tôi nghĩ rằng: Có lẽ ở xã hội này nếu có những người xoa dịu những vết thương nhiều hơn những người tạo ra vết thương, xã hội bất thình lình sẽ trở thành một xã hội lành mạnh.
Cuốn sách đó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời tôi. Có lẽ những việc tôi làm từ thiện cũng khởi nguồn từ cuốn sách đó.
* Dưới góc nhìn của một nhà quản trị, đã từng quản trị hàng chục ngàn người trong các công ty đa quốc gia, ông thấy tâm đắc nhất cuốn sách nào về thuật quản trị?
Các bạn muốn học về quản trị thì đừng đọc sách gì ngoài cuốn “Management in 10 words” của Terry Leahy, tức là quản trị với 10 chữ đơn giản. Ông Terry Leahy ngày xưa chỉ là một nhân viên hạng bét của một siêu thị rất nhỏ, rồi dần dần lên chức từ từ.
Đến khi lên làm Tổng giám đốc ông ấy biến một siêu thị nho nhỏ trở thành một tập đoàn, tập hợp một ngàn siêu thị. Đó là Tesco, một trong 3 tập đoàn siêu thị lớn nhất thế giới.
Ông giải thích đơn giản lắm. Thứ nhất là lắng nghe khách hàng, rồi giải quyết những vấn đề cho khách hàng rồi sau đó khách hàng không bằng lòng thì mình tìm hiểu sản phẩm của mình để điều chỉnh cho nó đi đúng gu khách hàng hơn nữa. Sau đó, làm ngày càng rẻ đi, chất lượng thêm.
Thứ hai, mình yêu nhân viên, không quản trị một cách quan liêu. Nhân viên là người sát khách hàng nhất, chính những người nhân viên đó mình phải nghe họ chứ đừng coi họ là những con số rất nho nhỏ mà quát tháo.
Chỉ cần thế thôi đã là quản trị tốt.
Trái lại, đem những cái phương trình toán học đo đạo đức của nhân viên, đo sự chăm chỉ của nhân viên, nhân với bằng tiến sĩ của nhân viên, cộng với bằng thạc sĩ của giám đốc rồi chia ra, thế là cấp dưới rối ren. Họ làm toán với đạo đức của mình.
Tôi cho rằng quản trị là cái gì dễ nhất nếu chúng ta đi vào cái tình người: Tình người của khách hàng, tình người của thợ phụ, tình người của nhân viên.
Mình tạo động lực cho cả xã hội, tạo động lực của nhân viên và muốn tạo động lực thì đơn giản lắm. Dù đã ở chức cao, làm chủ tịch hay tổng giám đốc thì cũng nên hạ mình xuống, đừng coi bản thân là đức Chúa Trời.
Hãy nói chuyện giữa người với người hoàn toàn bình đẳng, mở cho nhau, chia sẻ cho nhau, từ đó mới hiểu được người đối thoại.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị!
Thegioibantin.com | Vina Aspire
Nguồn: C.V.T – Sách và Hành động/ Trí Thức Trẻ