7 bài học “trường đời” ngắn tuy cũ nhưng quý như vàng: Người thường chỉ xem qua, kẻ khôn ngoan sẽ suy ngẫm
Những bài học “đắt giá hơn vàng” chúng ta chỉ có thể học ở trường đời. Không thể phủ nhận rằng tầm quan trọng của giáo dục ở trường học. Nhưng có nhiều điều , thực tế chẳng có trường học hay giáo viên nào dạy chúng ta ngoài “trường đời” cả.
Có một vài thứ trong cuộc sống không bao giờ được đánh mất: Sức mạnh của sự tự chủ, một cái đầu lạnh, hy vọng và sự tự tin. Điều đáng sợ nhất của một người chính là suốt ngày nhớ lại quá khứ, ngồi tưởng tượng về tương lai và lãng phí thời điểm hiện tại.
Bất cứ điều gì đều có thể xấu, nhưng tâm trạng không thể xấu. Mọi thứ đều có thể thiếu, nhưng không thể thiếu tự tin. Và hãy nhớ rằng, trên đời không có cái tốt hay cái xấu tuyệt đối, cái gì phù hợp với bạn mới là cái tốt nhất.
Ngoài việc có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, một người phải học cách nhìn cuộc sống bằng sự lạc quan và tư duy tích cực, như vậy sẽ bớt phiền muộn và hạnh phúc hơn.
7 bài học “đắt giá hơn vàng” chúng ta chỉ có thể học ở trường đời
Bài học 1
Một nhà sư lỗi lạc hỏi: “Bạn nghĩ một đống vàng hay một đống bùn đất sẽ tốt hơn?”
Người nghe trả lời: “Tất nhiên đó là vàng rồi!”
Nhà sư lỗi lạc cười và nói: “Nếu bạn là một hạt giống thì sao?”
Bài học rút ra:
Trên đời này không có cái tốt hay cái xấu tuyệt đối, cái gì hợp với bạn mới là cái tốt nhất. Điều này cũng áp dụng với cách sống.
Bài học 2
Có hai người cãi nhau suốt một ngày chỉ vì một người nói 3 × 8 = 24, còn người kia nói 3 × 8 = 21. Ai cũng khẳng định là mình đúng, không ai nhường ai, họ bèn kéo nhau đi tìm người phân xử.
Mấy người phân xử nghe xong bèn nói: “Đánh cho cái anh trả lời 24 một trận u đầu đi!”
Người này bất mãn: “Tôi trả lời đúng, anh ta rõ ràng mới là kẻ ngốc, tại sao lại đánh tôi cơ chứ?”
Mọi người đáp: “Anh đứng cãi nhau với một người không biết 3 x 8 bằng bao nhiêu cả một ngày, vậy rốt cuộc anh với anh ta, ai ngốc hơn ai? Không đánh cho anh tỉnh ra thì còn đánh ai nữa?”
Bài học rút ra:
Có những điều không cần đợi người khác công nhận mới là đúng. Có những điều sai, dù người khác công nhận thì cũng không thể biến thành đúng.
Muốn sống bình thản hơn, hãy tin vào bản chất của vấn đề chứ đừng tin vào miệng lưỡi người khác. Vướng vào những cuộc tranh cãi luôn luôn dại dột.
Bài học 3
Có một con vẹt trong lồng sống thoải mái; có một con quạ trong tự nhiên luôn tự do. Khi con vẹt và con quạ gặp nhau, con vẹt ghen tị với tự do của đối phương còn con quạ lại ao ước sự thoải mái.
Hai con chim thương lượng và tìm cách đổi chỗ với nhau.
Chẳng bao lâu sau đó, con quạ đã yên phận trong lồng son nhưng không thể làm chủ nhân yêu thích, dần bị lãng quên và chết vì suy nhược. Con vẹt đạt được sự tự do, vỗ cánh bay lượn khắp nơi nhưng nó vốn quen sống an nhàn trong một thời gian dài, giờ không thể tự kiếm ăn độc lập và cuối cùng chết vì đói.
Bài học rút ra:
Đừng ghen tị một cách mù quáng với hạnh phúc của người khác, có thể điều đó không dành cho bạn. Hãy sống cuộc sống của bản thân và tận hưởng theo cách của riêng bạn, đó mới là điều ý nghĩa nhất.
Bài học 4
Một đứa trẻ nói với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay mẹ đẹp quá”.
Mẹ hỏi: “Tại sao?”
Đứa trẻ nói: “Bởi vì mẹ hôm nay không tức giận.”
Bài học rút ra:
Hóa ra “làm đẹp” rất đơn giản, chỉ cần bạn không nổi nóng là được. Cho dù là nam hay nữ, người trẻ hay người già, giữ được sự bình tĩnh chính là mức độ đẹp đẽ nhất của trí tuệ.
Bài học 5
Người vợ đang nấu ăn trong bếp. Anh chồng cứ đứng ở bên cạnh và liên tục nhắc nhở: “Từ từ, cẩn thận! Lửa to thế! Lật cá nhanh đi không cháy bây giờ! Cho nhiều dầu quá!”
Cô vợ tức giận bảo: “Em biết nấu ăn, ai cần anh phải dạy.”
Người chồng bình tĩnh trả lời: “Anh chỉ muốn cho em biết cảm giác của anh lúc em cứ nói mãi bên tai trong khi anh đang lái xe…”
Bài học rút ra:
Không khó để quan tâm và thấu hiểu cảm xúc của người khác, miễn là bạn sẵn sàng nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc theo quan điểm của đối phương.
Bài học 6
Thầy hỏi: “Có người muốn đun một nồi nước to, nhưng đang đun dở thì phát hiện ra không đủ củi. Người đó phải làm thế nào?”
Một số sinh viên trả lời rằng phải đi nhặt thêm củi, một số khác nói rằng họ nên mượn hoặc mua nó từ một nơi có sẵn sẽ nhanh hơn.
Thầy nói: “Sao không có ai chọn đổ bớt nước trong nồi đi cho nhanh sôi?”
Bài học rút ra:
Mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý muốn. Chúng ta phải tìm cách tập trung vào số ít để đạt được chất lượng tốt nhất. Ôm đồm quá nhiều sẽ khiến kết quả chẳng ra sao.
Cuộc đời chúng ta có hạn và năng lượng cũng thế. Hãy tập trung hoàn thành điều cần thiết nhất.
Bài học 7
Có hai nhóm du lịch cùng xuất phát về miền nông thôn, điều kiện đường xá rất xấu và có ổ gà ở khắp nơi.
Một hướng dẫn viên du lịch không ngừng xin lỗi, mong du khách thông cảm vì điều kiện nơi đây còn chưa khai phá hết.
Một hướng dẫn viên du lịch khác lại vui vẻ nói rằng: “Bây giờ chúng ta đang lướt như bay trên đại lộ lúm đồng tiền duyên dáng nổi tiếng của những vùng nông thôn.”
Bài học rút ra:
Cùng một hoàn cảnh, những ý tưởng khác nhau sẽ tạo ra những thái độ khác nhau. Biến ý tưởng thành lời nói như thế nào là quyết định ở bạn.
Theo Trí thức trẻ
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tapchithanhcong.org/song-dep/bai-hoc-cuoc-song/7-bai-hoc-truong-doi-ngan-tuy-cu-nhung-quy-nhu-vang-nguoi-thuong-chi-xem-qua-ke-khon-ngoan-se-suy-ngam.html