Hãy đừng tiêu tiền với mục đích chỉ để tránh những cảm xúc khó chịu
Mặc dù tiền không thể mua được hạnh phúc lâu dài, nhưng nó có thể mua cho bạn rất nhiều niềm vui.
Mặc dù tiền không thể mua được hạnh phúc lâu dài, nhưng nó có thể mua cho bạn rất nhiều niềm vui. Vấn đề là, những cảm giác vui thú này chỉ tồn tại chừng nào khi sự mới mẻ còn đó—một khi tập cuối cùng của cuốn phim bộ đã được phát sóng, hoặc khi chai rượu đã cạn tới đáy, niềm hạnh phúc mà bạn đã cảm nhận được trong một thời gian ngắn cũng biến mất theo.
Những món đồ vật chất và trải nghiệm mua được bằng tiền có thể khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu. Nhưng bằng cách chỉ tập trung vào những gì khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu, chúng ta đã bỏ qua hạnh phúc thực sự, bền vững và chỉ chạy đuổi theo lạc thú thoáng qua. Những niềm vui này cần được bổ sung liên tục và tăng dần cường độ. Điều đó đẩy chúng ta rơi vào một vòng luẩn quẩn luôn phải cố gắng thỏa mãn nhu cầu vô độ này. Và đó không phải là hạnh phúc.
Hạnh phúc thường bị hiểu lầm và xuyên tạc do những gì hiển thị trên dòng tin tức Facebook của chúng ta hoặc những gì chúng ta thấy trên các phương tiện truyền thông. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có thể tồn tại khi không có “những cảm xúc tồi tệ”, vì vậy chúng ta tiêu tiền để tránh né những điều bất lợi và khó chịu. Nhưng trên thực tế, hạnh phúc chỉ có thể được tìm thấy khi chúng ta đối mặt (và trong một số trường hợp thậm chí là tích hợp) sự khó chịu, vì khi đó chúng ta có thể trải nghiệm cả đỉnh cao và vực sâu của cảm xúc, thông qua một lăng kính tự nhận thức về ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Đó là những gì quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta: là những gì chúng ta làm cho chính mình, và việc này không liên quan đến việc theo đuổi các thú vui chút nào.
Có nhiều tiền hơn có thể mang lại cho bạn niềm vui, nhưng nó không mang lại hạnh phúc nội tại gắn bó với tâm hồn. Sự phát triển cá nhân, xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa và trạng thái sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta góp phần tạo nên niềm hạnh phúc nội tại nền tảng cho chúng ta, bất kể những điều bất trắc xoay quanh chúng ta. Tất nhiên, nếu không được đáp ứng những nhu cầu sinh lý cơ bản thì khó mà hạnh phúc được. Nhưng sau đó, các nghiên cứu cho thấy nhiều tiền hơn không nhất thiết có nghĩa là hạnh phúc hơn. Chẳng hạn, một cuộc khảo sát của Trường Kinh doanh Harvard đối với 818 triệu phú đã phát hiện ra rằng “Thách thức cốt lõi để giảm thiểu…sự bất hạnh không phải là vấn đề tài chính mà là vấn đề tâm lý: có niềm tin sai lầm rằng sự giàu có sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Ngay cả những cá nhân có tài sản ròng trị giá 10 triệu đô la cũng nghĩ rằng họ cần gia tăng tài sản của mình một cách đáng kể để có thể hạnh phúc hơn.”
Điều gì “đúng” cho hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào điều gì có ý nghĩa với bạn, và điều gì nuôi dưỡng bạn ở các tầng sâu hơn. Nếu bạn đang tiêu tiền vào những thứ mà bạn nghĩ sẽ khiến bạn hạnh phúc, nhưng vẫn cảm thấy trống rỗng và đau khổ, thì có lẽ bạn đang tiêu tiền vào những thứ không phù hợp.
Khi say sưa xem một phim truyền hình dài tập, tôi biết đó là một thú vui giải trí tội lỗi. Sau khi tập trước kết thúc, bản năng của tôi là tìm xem tập tiếp theo. Nhưng khi tôi đặt mục tiêu vào những gì tôi làm (và cách tôi dành thời gian và tiền bạc của mình vào đó) thì sẽ có một kết quả khác. Bằng cách tổ chức một chuyến đi chơi đến một nhà hàng mới với bạn bè, tôi đang nuôi dưỡng niềm hạnh phúc của mình bằng cảm giác có sự tiến bộ (thử điều gì đó khác biệt) và việc kết nối với bạn bè. Khi tôi thực hiện một chuyến đi ra đường ngoài ý muốn của tôi, tôi biết rằng nó đang tiếp thêm năng lượng cho tôi và thêm trải nghiệm mới—những giá trị nội tại khiến tôi hạnh phúc.
Hiểu được ý nghĩa của hạnh phúc đối với chúng ta liên quan đến việc đào sâu vào những thăng trầm của chúng ta để nhận ra những giá trị mà chúng ta muốn sống, sau đó chọn sống theo các giá trị này theo cách nuôi dưỡng những gì chúng ta thấy là quan trọng. Vào cuối năm 2001, khi tôi phải đối mặt với ba thất bại cùng lúc, thất nghiệp, sự kiện 11/9, và bố tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết giai đoạn III, tôi nhận ra rằng cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn trừ khi tôi tập trung vào những gì có mục đích và quan trọng. Bằng cách đối mặt với những vực sâu đó, tôi nhận ra các giá trị cá nhân của mình: tự do, trung thực và các mối quan hệ có ý nghĩa. Gần đây hơn, một trong những người bạn thân nhất của tôi (đồng thời là người đồng sáng lập công ty với tôi) đột ngột qua đời và tôi phải tìm hiểu bản thân sâu hơn để hiểu rõ sự việc. Tôi đã xem lại những giá trị đó và nó đã cho tôi nền tảng cần thiết để tiến về phía trước. Điều đó không hề dễ dàng chút nào, nhưng với sự hỗ trợ của những người thân, tôi đã vượt qua được nó.
Tôi gọi điều này là có một “tư duy nhà kính”—tập trung vào việc gieo trồng thử nghiệm những gì mang lại hạnh phúc cho riêng bạn và nuôi dưỡng những gì tỏ ra hiệu quả. Thay vì cung cấp năng lượng cho những lạc thú ngắn ngủi, tư duy nhà kính hướng bạn đến việc khám phá một loại hạnh phúc bền vững dựa trên những gì thực sự thúc đẩy bạn và có ý nghĩa đối với bạn.
Cù Tuấn dịch
Nguồn: https://time.com/6247700/can-money-buy-happiness/
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/hay-dung-tieu-tien-voi-muc-dich-chi-de-tranh-nhung-cam-xuc-kho-chiu