Nguồn cơn của bất mãn?
Nội dung chính
- Chúng ta nhầm lẫn khoái lạc với hạnh phúc vì cả hai đều mang lại cảm giác sung sướng.
- Văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong sự nhầm lẫn này, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm cái này trong khi ta thực sự muốn cái kia.
- Khoái lạc và hạnh phúc có những nền tảng sinh lý khác nhau.
- Khoái lạc được thúc đẩy bởi dopamine và có thể gây ra nghiện ngập; còn hạnh phúc thì liên quan đến serotonin và sự gắn kết.
Hiểu được cảm xúc của chúng ta có thể là một thách thức, nhưng nó cần thiết cho sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Việc sử dụng ngôn ngữ để mô tả những cảm giác và cảm xúc mà chúng ta gọi là feeling còn đang hạn chế, vì những cảm xúc của chúng ta rất chủ quan và trừu tượng về bản chất của chúng.
Tuy nhiên, các khái niệm khoa học thần kinh cung cấp một cách để mô tả những sự khác biệt trong cảm xúc của chúng ta và cuối cùng là mang đến hiểu biết tốt hơn về các mục tiêu đối với sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Việc xem xét cảm giác của chúng ta về hạnh phúc và khoái lạc có thể giúp làm sáng tỏ cách thức mà chúng ta có thể trở nên hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn với tư cách cá nhân và xã hội.
Hạnh phúc và các chất dẫn truyền thần kinh
Về mặt sinh lý, hạnh phúc khác với khoái lạc, nhưng người ta rất dễ nhầm lẫn hai điều này, vì chúng đều mang lại cảm giác sung sướng, tốt đẹp. Hạnh phúc chủ yếu được điều chỉnh bới chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine và hệ thần kinh phó giao cảm. Hạnh phúc có thể gắn liền với nồng độ cao của chất dẫn truyền thần kinh serotonin (kết nối) cũng như gamma amino butyric acid (GABA, thư giãn).
Đáng chú ý là, hạnh phúc có thể hiện diện ngay cả khi không có dopamine, không có nhu cầu di chuyển, làm gì đó hay tìm kiếm. Hạnh phúc chỉ xảy ra trong trạng thái an toàn. Sự hài lòng và thỏa mãn là những mô tả hay về hạnh phúc hơn là Khoái lạc.
Khoái lạc và các chất dẫn truyền thần kinh
Ngược lại, khoái lạc chủ yếu được điều chỉnh bởi dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh được biết đến nhiều nhất với việc huy động, tiếp cận, động lực, tò mò và phần thưởng, mục tiêu và tìm kiếm khoái lạc. Dopamine là một tín hiệu chính trong hệ thần kinh giao cảm. Ở trạng thái an toàn, dopamine có thể thúc đẩy chúng ta hướng đến sự tự tin và kết nối. Tuy nhiên, ở trạng thái bị đe dọa, dopamine có thể đưa chúng ta đến xung đột và gây hấn.
Nếu chúng ta đạt được điều mình muốn khi ở một trong những trạng thái sinh lý đó thì ta sẽ nhận thêm được một chút dopamine và đôi chút khoái lạc. Cảm xúc và hành vi của chúng ta được củng cố; Chúng ta sẽ tìm cách nhân rộng các chiến lược mà ta đã triển khai.
Buồn, Đau, và các chất dẫn truyền thần kinh
Nỗi buồn được xem là đối lập với hạnh phúc. Nỗi buồn có nồng độ acetylcholine, serotonin, GABA và dopamine thấp. Nỗi buồn chỉ xảy ra trong tình trạng bị đe dọa.
Còn đau thường bị coi là đối nghịch với khoái lạc. Đau cũng có nồng độ dopamine thấp. Trong cơn đau, glutamate và noradrenaline chiếm ưu thế, còn acetylcholine, serotonin và GABA thì xuống thấp. Đau đớn cũng chỉ xảy ra trong tình trạng bị đe dọa.
Hồ sơ của nỗi buồn và đau đớn trông rất giống nhau—và thực tế là như vậy. Đau và Buồn thường được trải nghiệm cùng nhau, vì chúng xuất phát từ cùng một nguồn sinh lý.
Một mô hình của Nghiện ngập
Điều đáng chú ý nhất là hạnh phúc chỉ xuất hiện trong trạng thái an toàn (còn đau và buồn chỉ có trong trạng thái bị đe dọa), nhưng khoái lạc thì lại theo bối cảnh: Nó có thể xuất hiện ở cả trạng thái an toàn lẫn bị đe dọa. Điều này có ý nghĩa lớn lao cho mỗi chúng ta nói riêng, cũng như cho xã hội nói chung.
Chúng ta thường lẫn lộn giữa hạnh phúc và khoái lạc. Trong điều kiện an toàn thì cả hai trông na ná nhau về mặt hóa học thần kinh, mặc dù không giống hệt nhau (dopamine đóng vai trò chủ đạo trong khoái lạc hơn là hạnh phúc). Sự tương đồng này có thể khiến chúng ta nhầm lẫn giữa hạnh phúc và khoái lạc. Tuy nhiên, văn hóa có thể góp phần nhiều hơn vào sự nhầm lẫn này hơn là những điểm tương đồng về mặt hóa chất thần kinh. Chúng ta nhận được ‘tiếp thị’ để tin rằng cuộc đời này chỉ xoay quanh khoái lạc, và để sống hạnh phúc thì ta phải chạy theo và tìm kiếm những thứ khiến ta hài lòng nhất.
Chúng ta là một nền văn hóa của những người tìm kiếm khoái lạc. Trong những câu chuyện và cơ chế này, chúng ta đánh mất khả năng phân biệt để cảm nhận được sự khác biệt giữa khoái lạc và hạnh phúc. Kết cục là chúng ta theo đuổi khoái lạc vì nghĩ rằng mình đang trên con đường đi đến hạnh phúc. Nhưng con đường này có thể đầy nguy hiểm. Tìm kiếm khoái lạc, thèm khát-khoái lạc và khoái lạc làm tăng cường các chứng nghiện ngập, trong khi hạnh phúc lại không hề chứa đựng nguy hiểm hay mối đe dọa nào.
Những chứng nghiện chúng ta mắc phải thì rất nhiều—nghiện sự mới lạ, hồi hộp, du lịch, mua sắm, thức ăn, rượu, đường và những chất khác, và tình dục nữa. Ai cũng biết rõ những thứ này. Thứ còn chưa được miêu tả đúng là việc nghiện ngập thú vui gây hấn của chúng ta (aggression). Khi gây hấn/hung hãn là một chiến lược thành công thì nó được củng cố bằng dopamine và do đó được lặp lại.
Sự gây hấn không chỉ được đánh dấu bằng hành vi thể chất của chúng ta, mà còn được đánh dấu bởi hành vi xã hội và cảm xúc của ta nữa. Đánh bại ai đó bằng một cú đấm vào mặt có thể khiến ta cảm thấy khoái chí, nhưng ta cũng có thể hạ gục người khác bằng một cú đấm xã hội hoặc cảm xúc.
Gây hấn, dopamine, và khoái lạc được tìm thấy trong hành vi chế nhạo, hạ nhục, bắt nạt, và bạo hành. Gây hấn, dopamine, và khoái lạc cũng được tìm thấy trong việc so sánh, gièm pha, phán xét, gây xấu hổ, và đổ lỗi. Cuối cùng, gây hấn, dopamine, và khoái lạc được tìm thấy trong nhiều câu chuyện tiêu cực và giả dối của chúng ta—những lời nói dối của chúng ta.
Chúng ta có thể nhận được sự thỏa mãn to lớn từ ý nghĩ và hành vi gây hấn, và chúng ta có thể trở thành “con nghiện” với những suy nghĩ và hành vi gây hấn. Do tác dụng của dopamine mà chúng ta bị lôi cuốn nhiều lần vào những câu chuyện và hành vi gây hấn đó, ngay cả khi chúng không còn tốt cho ta, đặc biệt nếu những hậu quả bất lợi không đến ngay và rõ ràng.
Hành vi tồn tại dai dẳng bất chấp những hậu quả tiêu cực luôn tái diễn chính là nghiện; điều này cũng có thể áp dụng cho hành vi gây hấn.
Ai là người bán loại ‘ma túy’ này? Đa số chúng ta.
Ai là người nghiện loại ‘ma túy’ này? Đa số chúng ta.
Có những phân khúc của ngành công nghiệp được hưởng lợi từ khía cạnh khoái lạc của sự gây hấn. Sự thèm muốn của chúng ta đối với lạc thú gây hấn trở nên quan trọng đối với điểm cốt yếu của họ. Nhu cầu nhiều hơn của chúng ta được đáp ứng bằng việc sản xuất thêm nhiều hơn. Chúng ta có thể thấy chiến lược này được sử dụng và khuếch đại như thế nào trong các khía cạnh của mạng xã hội, phương tiện truyền thông, giải trí, trò chơi điện tử, thể thao, và tại thời điểm lịch sử này, nó trở nên đặc biệt nan giải trong chính trị, với việc sản sinh ra nhiều xung đột hơn hơn. Sự hung hăng/gây hấn trở thành một chứng nghiện.
“Làm ơn, thưa ngài, xin hãy cho tôi thêm nhiều lạc thú xấu xa này.”
Nghiện chính là đang bị mắc bẫy. Chính khi ta đang bị mắc bẫy thì ta mới đau khổ. “Nghiện” các hành vi vĩ mô, vi mô, và gây hấn-thụ động có thể khiến tất cả chúng ta bị mắc kẹt trong đau khổ. Trong tình trạng “nghiện” gây hấn này, chúng ta mắc phải nhiều tật bệnh về thể chất, tinh thần, cảm xúc, xã hội và tâm linh hơn tất thảy các chứng nghiện khác cộng lại. Quả thực, thói nghiện gây hấn và đe dọa của chúng ta có thể là căn nguyên của mọi thói nghiện ngập khác.
Cuộc đào thoát vĩ đại
Việc thoát khỏi chứng nghiện này khá đơn giản — hãy tìm kiếm sự thỏa mãn, hài lòng và hạnh phúc, chứ không phải là khoái lạc; khoái lạc có hai mặt và dễ trở nên nguy hiểm và đe dọa. Hãy để khoái lạc đến một cách tự nhiên, đừng né tránh nó, nhưng cũng đừng thèm khát hay tìm kiếm nó.
Hạnh phúc được tìm thấy trong trạng thái an toàn. Nếu chúng ta mang lại sự an toàn cho bản thân và người khác thì ta sẽ tìm thấy hạnh phúc. Thực hành này nên là ưu tiên đối với các cá nhân cũng như tổ chức.
Tôi không có ý nói rằng việc tức giận và gây hấn là sai. Tức giận và gây hấn là một phần của chức năng sinh lý chúng ta. Tức giận và gây hấn giúp ta sinh tồn. Nó là cách khá tốt để bảo vệ bản thân và người khác. Nó là cách tốt để khiến bản thân ta và người khác chịu trách nhiệm về hành vi sai trái. Có sự an toàn trong sự bảo vệ và trách nhiệm giải trình. Chúng ta không cần phải trở thành kẻ nhút nhát để tạo ra sự an toàn trên thế giới này, nhưng chúng ta cũng không cần dùng đến sự tức giận và gây hấn như một nguồn kinh niên mang lại lạc thú, và một nguồn thay thế cho hạnh phúc, chỉ tạo thêm nhiều mối đe dọa hơn trong cuộc đời.
Khi chúng ta an toàn, tự nhiên chúng ta sẽ thấy hạnh phúc, và ít thèm khát khoái lạc hơn, và ít có khuynh hướng chế nhạo, hạ thấp, gây tổn thương, bắt nạt, bạo hành, gièm pha, phán xét, gây mất mặt, đổ lỗi và nói dối, huống chi là đấm vào mặt ai đó. Sinh lý học của chúng ta quyết định điều này.
“Đừng bao giờ coi thường bất cứ ai, trừ khi bạn đang nâng đỡ họ.” – Jesse Jackson
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/deconstructing-illness/202112/happiness-vs-pleasure-the-source-our-discontent
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/hanh-phuc-vs-khoai-lac-nguon-con-cua-bat-man
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin