Phản hồi hay Phản ứng?
PHẢN HỒI HAY PHẢN ỨNG
Cuộc sống luôn thách thức những nhu cầu của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể cảm nhận rằng những nhu cầu của mình được đáp ứng ngay cả khi chúng ta đang thực hiện các bước thiết thực để đối phó với những thách thức căng thẳng. Ví dụ, tôi đã ở nhiều nơi nguy hiểm khi leo núi đá, đứng trên những mép đá nhỏ bằng chiều rộng của một cây bút chì và có thể bị ngã xuống vực sâu nếu trượt chân. Nhu cầu về sự an toàn của tôi chắc chắn đã bị thách thức vào những lúc ấy. Nhưng bên trong tôi hầu như luôn cảm thấy hoàn toàn an toàn. Tôi đã leo núi rất nhiều lần và cảm thấy thoải mái khi làm điều đó, và biết rằng mình đang được buộc chắc chắn vào một sợi dây với một người bạn đồng hành vốn là một người leo núi chuyên nghiệp đang giữ đầu kia sợi dây. Tôi luôn cảnh giác cao độ, thận trọng và đề phòng, đối phó với những mối đe dọa tới tính mạng—nhưng thường có thời gian cực kỳ vui vẻ, sảng khoái khi làm điều này.
Bạn có thể có ví dụ của riêng mình về việc bình tĩnh xử lý và thậm chí tận hưởng những hoạt động hoặc tình huống rất khó khăn. Cuộc sống luôn rối ren và không thể đoán trước được. Nó chứa đựng những cơ hội tuyệt vời nhưng vẫn còn nhiều vất vả, hiểm nguy và không thể tránh khỏi những mất mát, đau thương. Chúng ta không thể tránh né những khó khăn. Câu hỏi duy nhất là chúng ta có thể đương đầu với chúng như thế nào. Có sự khác biệt cơ bản giữa việc đối mặt với những thách thức trong khi cảm nhận rằng những nhu cầu của bạn đang được đáp ứng đầy đủ và đối mặt với những thách thức trong khi cảm nhận rằng nhu cầu của bạn không được đáp ứng.
Vùng Xanh và Vùng Đỏ
Khi chúng ta cảm nhận rằng những nhu cầu được đáp ứng đầy đủ, chúng ta sẽ có cảm giác viên mãn và cân bằng. Cơ thể và tâm trí được mặc định ở trạng thái nghỉ ngơi, mà tôi gọi là chế độ phản hồi (Responsive mode), hay “vùng xanh.” Cơ thể bảo tồn các nguồn lực, tiếp nhiên liệu và tự hồi sức, đồng thời phục hồi sau căng thẳng. Trong tâm trí, có một cảm giác của sự bình an, mãn nguyện và yêu thương — các thuật ngữ rộng, bao trùm liên quan đến những nhu cầu của chúng ta về sự an toàn, hài lòng và kết nối. Đây là hiện thân của hạnh phúc.
Mặt khác, khi chúng ta cảm thấy rằng một nhu cầu không được đáp ứng, sẽ có cảm giác thiếu hụt và xáo trộn: một cái gì đó sai sót, một cái gì đó không ổn. Cơ thể và tâm trí bị đẩy ra khỏi trạng thái nghỉ ngơi để chuyển sang chế độ phản ứng (Reactive mode) hay còn gọi là “vùng đỏ.” Cơ thể bắt đầu tham gia vào các phản ứng chống trả, bỏ chạy hoặc tê cứng, gây ảnh hưởng xấu tới hệ thống miễn dịch, hệ nội tiết, hệ tim mạch và hệ tiêu hóa. Trong tâm trí, có một cảm giác của nỗi sợ hãi, thất vọng và tổn thương — những thuật ngữ bao trùm liên quan đến những nhu cầu của chúng ta về sự an toàn, hài lòng và kết nối. Đây là sự căng thẳng, đau khổ và rối loạn chức năng.
Sự phân biệt giữa các chế độ phản ứng và chế độ phản hồi vốn dĩ rất mờ nhạt. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết sự khác biệt giữa cảm giác bản thân có khả năng và tràn đầy tự tin khi xử lý một thách thức với việc cảm thấy bối rối và lo lắng.
Các chế độ phản hồi và chế độ phản ứng không chỉ là kết quả của việc cảm nhận rằng các nhu cầu được đáp ứng hoặc chưa được đáp ứng. Chúng cũng là hai cách khác nhau để đáp ứng những nhu cầu của chúng ta. Mượn một ví dụ từ cuốn sách của Robert Sapolsky với nhan đề Tại sao ngựa vằn không bị u xơ? (Why zebras don’t get ulcers?), hãy tưởng tượng bạn là một con ngựa vằn thuộc một đàn ngựa lớn ở châu Phi. Bạn đang nhẩn nha gặm cỏ, thận trọng canh chừng sư tử nhưng vẫn giữ được bình tĩnh, tương tác đều đặn với những con ngựa vằn khác và vui vẻ khi xử lý những nhu cầu của mình từ chế độ phản hồi. Đột nhiên một vài con sư tử tấn công, và đàn ngựa của bạn phi nước đại bỏ chạy ở chế độ phản ứng với hoạt động hoảng sợ tức thời. Rồi sau đó, sự hoảng hốt, sợ hãi đó nhanh chóng chấm dứt … theo cách này hay cách khác. Và sau đó, bạn và những con ngựa vằn khác quay trở lại những cách thức ứng phó với cuộc sống trên thảo nguyên ở chế độ phản hồi.
Tóm lại, đây là bản thiết kế chi tiết của Mẹ Thiên Nhiên: trong những khoảng thời gian dài quản lý các nhu cầu theo chế độ phản hồi được ngắt quãng xen kẽ bởi những đợt căng thẳng đột ngột khi cần thiết của chế độ phản ứng với căng thẳng mà theo sau là sự phục hồi nhanh chóng trở lại vùng màu xanh lá cây. Chế độ phản hồi mang lại cảm giác dễ chịu bởi vì nó là tốt: cơ thể được bảo vệ và tươi mới, tinh thần thoải mái, mãn nguyện. Mặt khác, chế độ phản ứng mang lại cảm giác tồi tệ vì nó là không tốt, đặc biệt là về lâu dài: cơ thể trở nên rối loạn và suy kiệt, và tâm trí trở nên lo lắng, bực bội, thất vọng, tổn thương và oán giận.
Chế độ phản ứng hủy hoại chúng ta, trong khi chế độ phản hồi nuôi dưỡng chúng ta. Nghịch cảnh chắc chắn là cơ hội để phát triển lòng kham nhẫn, thách thức hoàn cảnh, và ngay cả sự phát triển sau sang chấn. Nhưng để một người trưởng thành qua nghịch cảnh, cũng cần phải có những nguồn lực mang tính phản hồi như sự quyết tâm và chí hướng. Thêm vào đó, hầu hết các cơ hội trong cuộc sống hàng ngày để trải nghiệm và phát triển những nguồn lực tinh thần lại không liên quan đến nghịch cảnh: chỉ đơn giản là một khoảnh khắc của sự thư giãn, lòng biết ơn, sự nhiệt tình, giá trị bản thân hoặc sự tử tế. Trong khi đó, hầu hết những khoảnh khắc sợ hãi, thất vọng hoặc tổn thương chỉ đơn giản là khó chịu và căng thẳng, không mang lại lợi ích gì. Một người cần phải đương đầu với nghịch cảnh và rút ra bài học cho chính mình từ nó, nhưng tôi nghĩ đôi khi người ta đánh giá quá cao tác dụng của chúng. Nhìn chung, những trải nghiệm mang tính phản ứng khiến chúng ta trở nên yếu đuối và dễ tổn thương hơn theo thời gian, trong khi những trải nghiệm mang tính phản hồi có xu hướng khiến chúng ta trở nên kiên cường hơn.
Chế độ phản ứng được phát triển để trở thành một giải pháp nhanh chóng cho các mối đe dọa tức thời đối với sự sống còn — chứ không phải là một cách sống. Thật không may, mặc dù chúng ta không còn phải chạy trốn khỏi những con hổ răng kiếm như trong thời tiền sử nữa, nhưng sự đa nhiệm, cạnh tranh gay gắt và căng thẳng thường xuyên của cuộc sống hiện đại vẫn tiếp tục đẩy chúng ta vào vùng đỏ. Khi ấy, chúng ta rất khó có thể rời khỏi vùng đỏ do một khuynh hướng mà các nhà nghiên cứu gọi là thiên kiến tiêu cực của bộ não.
(Rick Hanson, trích “Kham Nhẫn, 12 giá trị cốt lõi giúp nuôi dưỡng tâm hạnh phúc, kiên cường và an bình không gì lay chuyển”)
Trong cuốn sách này, với sự giao thoa đặc trưng của khoa học thần kinh, chánh niệm và tâm lý học tích cực, tác giả sách bán chạy nhất Thời báo New York, tiến sĩ Rick Hanson sẽ chỉ cho bạn cách phát triển mười hai sức mạnh cốt lõi bên trong và cách gắn chặt chúng vào hệ thần kinh của chính bạn. Nhờ vậy, dẫu cho về sau, cuộc sống có vùi dập bạn như thế nào thì bạn vẫn có thể cảm thấy vơi bớt căng thẳng, tự tin theo đuổi các cơ hội, giữ vững điềm tĩnh và tập trung khi đương đầu với nghịch cảnh.
Hướng dẫn thực tiễn này chứa đựng đầy đủ các phương pháp cụ thể, những thực hành dựa trên thực nghiệm, ví dụ cá nhân và hiểu biết sâu sắc về bộ não. Nó bao gồm những cách thức hiệu quả trong việc tương tác với người khác cũng như hàn gắn và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ quan trọng.
Phương pháp tiếp cận từng bước vô cùng gần gũi, thực tiễn, đầy tính khích lệ và nhiệt thành của tiến sĩ Rick Hanson dựa trên nền tảng khoa học về tính khả biến thần kinh tích cực. Ông đã giải thích cặn kẽ cách khắc phục thiên kiến tiêu cực của não bộ thông qua việc buông bỏ những suy nghĩ, cảm xúc đau khổ và thay thế chúng bằng lòng trắc ẩn, giá trị bản thân, niềm vui và sự an bình nội tâm.
Link đặt sách trên Tiki: https://shorturl.ae/B17C5
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/phan-hoi-hay-phan-ung