Chuyện chưa kể về những người mà Lý Tiểu Long phải gọi bằng sư huynh
Lý Tiểu Long là một trong những đồ đệ ưu tú nhất của sư phụ Diệp Vấn, tuy nhiên trong các lớp môn đồ học Vịnh Xuân quyền trực tiếp từ vị tôn sư này thì Lý Tiểu Long thuộc lớp thứ 6. Cho nên có thể nói, có rất nhiều người mà Lý Tiểu Long phải gọi là sư huynh. Một trong số đó phải kể tới Phan Dương Bình – vị sư huynh người Việt mà Lý Tiểu Long chưa từng gặp mặt..
1. Phan Dương Bình – sư huynh người Việt của Lý Tiểu Long
Võ sư Phan Dương Bình sinh năm 1929, là người Việt gốc Hoa. Từ nhỏ ông đã rất đam mê võ thuật và ước ao được hóa thân thành những nhân vật trượng nghĩa trong các câu chuyện kiếm hiệp mình thường xem.
Ước mơ của ông đã nhanh chóng trở thành sự thật sau khi Tế Công – một đại cao đồ của Vịnh Xuân quyền (và là sư huynh của tôn sư Diệp Vấn) sang Việt Nam để truyền bá môn võ này. Chính vì thế đã có rất nhiều người nói vui rằng, nếu như xét về “vai vế” thì cụ Phan Dương Bình xứng đáng được coi là “sư huynh” của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long. Bởi Lý là đệ tử số một của Diệp Vấn còn Phan Dương Bình là đệ tử số một của cụ Tế Công.
Võ sư Phan Dương Bình nổi tiếng là một đại cao thủ của Vịnh Xuân Quyền. (Ảnh: Vovinamworldfederation)
Tuy nhiên nói tới vị võ sư này, người ta không chỉ nghĩ tới một đại cao thủ Vịnh Xuân và Vovinam, mà còn nghĩ ngay tới tuyệt kỹ đã gắn liền với tên tuổi của ông trong giới võ lâm – Súc cốt công.
Đây là tuyệt chiêu có nguồn gốc Thiếu Lâm tuy nhiên rất ít người có thể luyện thành, chính vì thế một số người đã gọi tuyệt kỹ này là “ngón võ của phù thủy”. Theo lời kể của những người trong giới võ thuật, võ sư Phan Dương Bình đã luyện thành Súc cốt công, có khả năng co rút gân xương khiến người mềm oặt, dễ dàng thu nhỏ người lại. Theo đó, sau khi có một người thách đố, ông đã đồng ý và cuộn người vào nằm gọn trong chiếc rổ đựng bún, từ đó, biệt danh luôn gắn kèm với tên ông là Bình “bún”.
Về quyền cước, Phan Dương Bình được giới võ lâm kể rằng ông đã đạt tới mức “thần đả”, đỉnh giới cao siêu của võ thuật. Đỉnh giới ấy là “tâm ứng thủ”, nghĩa là nghĩ ra đòn ở bộ phận nào thì lực đã có sẵn ở bộ phận đó, không cần vận đà nhiều.
Luyện tới đỉnh giới đó, người võ sư chỉ cần nghĩ ra động tác, chiêu thức thì ngay lập tức chân tay thực hiện chính xác, thành công chứ không cần qua tập luyện. Đến nay trong làng võ Việt Nam, hầu như không còn cao thủ nào có thể luyện thành Súc cốt công ngoài Phan Dương Bình và những người luyện tới mức “thần đả” như cụ cũng cực kỳ hiếm hoi.
2. Quách Phú – người đứng đầu “Thất đại đệ tử”
Cụ Quách phú sinh năm 1921 tại Quảng Đông (Trung Quốc) trong một gia đình nông dân nghèo. Bởi vậy nên ông phải ra ngoài làm việc từ rất sớm, năm 15 tuổi đã xa nhà kiếm việc làm.
Vào khoảng năm 1940 khi đang là người học việc tại một tiệm kẹo trên đường Vĩnh An, Phật Sơn, Quách Phú phát hiện tại cửa hàng bông vải sát bên, Nhất đại tông sư Diệp Vấn đang bí mật dạy Vịnh Xuân quyền cho 6 môn đồ.
Vốn là người đam mê võ thuật, hơn nữa thời đó lại rộ lên phong trào học võ bởi quân Nhật Bản đang dần tiến vào nhiễu loạn Phật Sơn nên ai cũng muốn có chút gì đó phòng thân. Chàng trai họ Quách thời đó cũng không ngoại lệ và nhanh chóng bị cuốn hút vào phong thái cùng những đòn đánh của Diệp sư phụ. Quá mức mê mẩn, anh lập tức xin được làm học trò của ông.
Tuy nhiên Diệp Vấn cảm thấy chàng thanh niên này đã lớn tuổi, khó có thể dạy dỗ thành tài nên kiên quyết từ chối. Không hề nản lòng, Quách Phú đã 3 lần đến gõ cửa, xin học võ bằng được. Trước sự kiên trì của Quách Phú, sư phụ Diệp Vấn đã đồng ý nhận ông làm môn đồ thứ 7.
Mặc dù tuổi tác không nhỏ, nhưng Diệp Vấn sớm đã nhìn ra tố chất ở cậu học trò thứ 7 cho nên ngay ngày đầu tiên vào phòng tập, Diệp sư phụ đã cho anh giao đấu với các môn sinh khác để xem phản ứng, phản xạ, sở trường, sở đoản…
“Hầu như ngày nào tôi cũng bị đánh te tua. Nhưng cứ sau mỗi lần thì tôi càng lưu ý đến chiêu thuật và thế công thế thủ của đối phương để phản ứng hiệu quả”- Quách Phú kể lại.
Và chỉ sau 3 năm, ông đã nắm vững tâm pháp Vịnh Xuân Quyền mà sư phụ cố công truyền thụ. Thậm chí sau khi võ đường buộc phải đóng cửa vào năm 1945, Diệp sư phụ cũng không ngại quản đường sá xa xôi và thường đi bộ hàng chục cây số đến nhà Quách Phú ở Hạ Giáo Bảo để chỉ bảo riêng.
Về sau này, chính sư phụ Diệp Vẫn cũng phải thừa nhận, dù gia nhập muộn nhưng khả năng của Quách Phú là nổi bật nhất. Thậm chí trước lúc qua đời, Nhất đại tông sư cũng hướng lời dặn của mình về Quách Phú: “Sau này nếu ai muốn học công phu Vịnh Xuân chính tông thì hãy đến Phật Sơn, tìm Quách Phú”.
Lại có chuyện kể lại rằng, Diệp Vấn từng trao bí kíp quyền phổ và sách thuốc của mình cho Quách Phú sao chép. Theo truyền thống trong giới võ lâm thì quyền phổ không dễ gì trao cho người khác. Diệp Vấn làm như vậy là muốn truyền y bát Vịnh Xuân quyền cho Quách Phú.
Quách Phú tiết lộ rằng bí kíp quyền phổ trên gọi là “Vịnh Xuân quyền bí bản”, ngoài việc ghi chép tường tận 108 thức của bản môn còn có một phần rất quan trọng về điểm huyệt, gọi là “Điểm mạch pháp” hay “Đả mạch pháp”.
Loại công phu này rất hiểm, chỉ có người đạt được công lực thượng thừa và có võ đức mới nên luyện và vạn bất đắc dĩ mới sử dụng. “Sư phụ lúc sắp rời Phật Sơn đi Hồng Kông mới truyền thụ công phu này cho tôi”, cụ Quách Phú từng chia sẻ.
Và đến nay dù đã hơn 90 tuổi, vị võ sư này vẫn trông tráng kiện, hai mắt phát thần quang, kình lực phát thủ còn rất mạnh mẽ, khiến người ta phải e ngại. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài không ai nghĩ đó là một cao thủ bởi ông sống cực kỳ khiêm tốn với nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi.
3. Sư huynh Trương Trác Khánh – người đưa Lý Tiểu Long đến với Vịnh Xuân Quyền
Trương Trác Khánh sinh năm 1940. Ở tuổi lên 7, ông đã được sư phụ Diệp Vấn nhận dạy võ công và sớm thể hiện rõ những tố chất vượt bậc. Ông chính là người được tiếp nhận đầy đủ và rõ ràng nhất hệ thống hoàn chỉnh bộ pháp Vịnh Xuân.
Lên 10 tuổi, trong một lần đi dự tiệc tại Thành Bắc, khu Cửu Long, Trác Khánh quen biết Lý Tiểu Long. Lúc đó, “con rồng nhỏ” đang học tại trường Trung học La Salle và cũng là một người cực kì đam mê võ thuật. Sau một thời gian chơi chung, Lý rất khâm phục võ Vịnh Xuân của Trương Trác Khánh. Bởi vậy, vào một ngày năm 1953, cậu trẻ nhà họ Trương đã giới thiệu Tiểu Long đến với sư phụ mình – Diệp Vấn để học võ. Sau này rất nhiều năm, mỗi khi nhắc lại sự kiện đó, ‘con rồng’ họ Lý vẫn luôn ca ngợi sư huynh là cầu nối cho mình đến với Vịnh Xuân Quyền.
Giống như Lý Tiểu Long, tốc độ ra đòn của Trương Trác Khánh cũng khiến nhiều người phải kính nể. Trong một lần biểu diễn tại trường đại học Harvard, vị võ sư này đã khiến những người có mặt tại đó phải ‘tròn mắt’ khi tung ra 8,3 đòn đánh trong một giây. Thậm chí trong buổi lễ mừng thọ tròn 70 tuổi của mình, vị sư phụ này cao hứng biểu diễn một số chiêu thức của Vịnh Xuân. Kết quả là các môn sinh phải vội vã gấp gáp mà kêu lên: “Sư công đánh nhanh quá, thật sự không thể nhìn thấy gì”.
Chỉ chừng đó thôi cũng thấy được sự lợi hại, linh hoạt cũng như biến ảo trong cách đánh của Trương Trác Khánh. Vịnh Xuân chủ yếu dùng đòn tay, nhưng sử dụng đòn tay một cái ảo diệu như vậy thì đối thủ thật sự khó có thể chống đỡ.
Lại có chuyện kể rằng, năm 1958, khi mới 18 tuổi, do có nhiều ân oán với xã hội đen Hồng Kông, họ Trương buộc phải xuống tàu sang Australia. Không ngờ trên đó có một nhóm tội phạm gồm 19 tên, âm mưu hãm hại, muốn vứt ông xuống biển.
Nhờ sự tinh nhạy sau một thời gian dài học võ cùng bản lĩnh cao cường, một mình ông giao chiến trực tiếp với cả 19 tên có hung khí, đánh gục 6 tên tại chỗ còn mình lãnh 3 vết thương.
Về sau, thuyền trưởng người Đức dùng súng để giải vây, chấm dứt cuộc huyết chiến thì danh tiếng của họ Trương cũng đã trở nên lẫy lừng.
Video ghi lại tốc độ ra đòn của võ sư Trương Trác Khánh:
Thegioibantin.com
Thanh Phong (tổng hợp)