Hạ thủy giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam
Theo dự kiến, ngày 31/8/2011, công trình cơ khí trọng điểm quốc gia “giàn khoan tự nâng 90m nước” đầu tiên do Việt Nam chế tạo sẽ bắt đầu hạ thủy kỹ thuật. Việc hạ thủy này kéo dài trong nhiều ngày. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định năng lực của ngành Cơ khí Việt Nam, nhưng con đường đến tới thành công đã, đang và phải tiếp tục vượt qua không ít gian nan, thách thức… |
Như vậy, công trình cơ khí trọng điểm giàn khoan 90m nước đầu tiên do Việt Nam chế tạo sắp xuất xưởng. Thành công này không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển của lĩnh vực khoan, thăm dò và khai thác dầu khí ở những khu vực nước sâu xa bờ trong nước, mà còn phù hợp với mục tiêu mua mỏ và triển khai thác mỏ ở nước ngoài của ngành Dầu khí Việt Nam. Một đại diện của ngành Dầu khí đã chia sẻ, với các nước có trữ lượng dầu lớn như tại Nga thì các giàn khoan cố định phát huy hiệu quả hơn, nhưng Việt Nam đang có nhiều dự án thu gom và thăm dò dầu khí nên cần thiết phải sử dụng các giàn khoan di động để tránh tình trạng phải cắt, nhổ giàn khoan liên tục.
Nhận thấy tiềm lực phát triển lĩnh vực cơ khí dầu khí, Chính phủ đã đề ra chủ trương và Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) thực hiện đóng mới giàn khoan tự nâng. Theo đó, Dự án đầu tư đóng mới giàn khoan tự nâng 90m nước đã được Petrovietnam khởi công từ tháng 6/2009 với tổng vốn đầu tư hơn 180 triệu USD và giao cho Công ty CP Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu thi công.
Khi bắt tay thực hiện dự án, một khó khăn đặc thù là từ trước đến nay, hầu như không một đối tác nào trên thế giới đồng ý bán công nghệ chế tạo chân đế giàn khoan tự nâng, mà chỉ bán công nghệ chế tạo giàn, thậm chí 3 hãng chuyên đóng giàn khoan lớn nhất của Singapore còn không đồng ý bán cả công nghệ chế tạo chân đế lẫn công nghệ chế tạo giàn. “Chế tạo chân đế giàn khoan di động là một bí quyết, giàn khoan cố định và giàn khoan di động chỉ khác nhau chủ yếu về chân đế, nếu đã làm được chân đế là coi như làm được tất cả”, ông Trần Minh Ngọc, Trưởng ban Quản lý dự án đóng mới giàn khoan cho biết.
Bởi vậy, sau đàm phán với nhiều đối tác và tiến hành đấu thầu quốc tế nhắm tới các nước bên ngoài khu vực, Tổng thầu PV Shipyard đã quyết định chọn Hãng LeTourneau Technologies Inc. của Mỹ để mua toàn bộ công nghệ và vật tư chính cho hệ thống hạ giàn khoan.
Ông Trần Minh Ngọc cho biết thêm, đến giờ phút này có thể khẳng định là đã thành công! Tính đến giữa tháng 7/2011, dự án đã đạt tiến độ trên 80% (vượt khoảng 0,6%, trong khi khởi đầu đã bị chậm tiến độ), trong đó, thiết kế đã đạt 100%, mua sắm đạt 99%, xây lắp đạt trên 78%. Giàn khoan này bình thường giống như một con tàu, nhưng khi chống chân đế xuống thì các thiết bị có thể xòe ra cụp vào thành một giàn khoan có thể đưa cả hệ thống cáp khoan dịch chuyển, hệ thống nâng hạ chạy lên chạy xuống, hệ thống vận hành như một tàu biển… Đặc biệt, sức chịu đựng sóng gió của giàn khoan này đạt tiêu chuẩn rất khắt khe, trong khi các giàn khoan nhập khẩu mà Vietsovpetro hiện có thường tính toán tốc độ gió giật trong 50 năm gần đây (tới 70 knots), nhưng giàn khoan tự nâng 90m nước của Việt Nam đã tính tới tốc độ gió giật trong 100 năm (tới 100 knots).
Bên cạnh việc phát triển được cơ sở hạ tầng tại chỗ và thu được thuế thì cái được lớn nhất từ dự án này chính là một đội ngũ gần 100 chuyên gia, lao động kỹ thuật trình độ cao có tay nghề vững vàng đã được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Ông Trần Minh Ngọc cho biết, muốn giữ được lực lượng này đòi hỏi phải nhanh chóng có dự án kế tiếp, nếu không các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ngay lập tức tuyển dụng hết! Bởi các doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng trả lương cao gấp 3-4 lần nhưng vì tính chất của dự án và lòng tự hào dân tộc nên nhiều chuyên gia, lao động kỹ thuật đã quyết định gắn bó với dự án này. Đến khi đóng giàn khoan thứ 2, PV Shipyard sẽ giảm tỉ lệ thuê chuyên gia xuống và đưa chuyên gia người Việt tiếp cận dần các vị trí quan trọng.
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, dự án này được thực hiện thành công sẽ đánh dấu sự trưởng thành mang tính lịch sử của ngành Cơ khí Việt Nam, đặc biệt là đối với ngành Cơ khí Chế tạo dầu khí. Petrovietnam cần lập kế hoạch tổng thể dài hạn để phát huy hết sức mạnh nội lực, sử dụng tối đa các nguồn lực trong nước, tăng cường tỉ lệ nội địa hóa, nhanh chóng làm chủ kỹ thuật công nghệ để chế tạo thành công không chỉ một mà nhiều giàn khoan tiếp theo mang nhãn hiệu Việt Nam.
Dự kiến, sau khi hoàn thành chạy thử và tổ chức bàn giao giàn khoan 90m nước vào tháng 3/2012, PV Shipyard sẽ tiếp tục đóng giàn khoan di động thứ 2 cho Vietsovpetro và một số đối tác quốc tế cũng bắt đầu đặt vấn đề. Tuy nhiên, bước chân ra cạnh tranh với thị trường thế giới không hề đơn giản, khi mà các hãng tư bản đã phát triển trước hàng trăm năm và ngay cả một số nhà sản xuất trong khu vực cũng đã có vài chục năm kinh nghiệm…
Theo Petrotimes