Có những cuộc động thổ trong lòng núi nhưng không ai biết
Hãy hình dung khu vực Hồ Gươm hay đường Nguyễn Huệ ở TP.HCM được quây kín lại và giao cho một doanh nghiệp ‘khai thác’, chúng ta sẽ nghĩ sao?
“Không còn nghi ngờ gì nữa, Bà Nà Hills đã trở thành con ngỗng đẻ trứng vàng cho Sun Group. Nhưng lời chúc mừng cho thành công kinh doanh rực rỡ này của Sun Group lại cứ tắc trong cổ họng. Đó là vì bức tranh tươi đẹp này có một lỗi nhỏ: rừng quốc gia Bà Nà – Núi Chúa của toàn dân đã bị biến thành sở hữu của tập đoàn này.
Đường bộ lên núi đã bị chặn từ lâu, người dân chỉ có cách bỏ ra gần 1 triệu đồng để đi lên bằng cáp treo. Rừng quốc gia Tam Đảo II cũng chung số phận. Ngay từ bây giờ, bạn đã không thể đi dạo trong đó như một người tự do.
Và sau “Cầu Vàng”, sẽ mọc lên những “Cầu Bạc”, “Cầu Kim Cương”… bởi các tập đoàn khác. Ta không cần phải là Vanga để phán lời tiên tri này. Chúng sẽ vắt vẻo trong các khu rừng quốc gia, các khu bảo tồn và người dân sẽ chen lấn, xô đẩy để trả tiền” – tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, chia sẻ.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang |
“Du lịch sinh thái” vô tội vạ
Phóng viên: Năm ngoái, trong chuỗi bài Trả sông về lại cho sông do Báo Phụ Nữ TP.HCM thực hiện, có bài Sông – nỗi thèm khát của các nhà đầu tư. Không chỉ có sông mà hiện nay, nhiều bãi biển, rừng quốc gia, rừng đặc dụng ở nước ta cũng trở thành đối tượng của sự “thèm khát” này. Không biết điều này trên thế giới thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Bờ biển, sông… là tài sản công và như vậy, cần được ưu tiên cho người dân sử dụng với chi phí thấp, đó là cách mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm. Chắc chắn sẽ không có hiện tượng như ta thấy ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang hay Phú Quốc – những bờ biển đẹp nhất được dành cho các doanh nghiệp khai thác, người dân chen chúc nhau trong một vài khu chật hẹp, hoặc phải bỏ ra nhiều tiền để vào những chỗ kia.
Về rừng quốc gia, có thể khẳng định, các quốc gia phát triển không hướng các rừng quốc gia vào mục đích du lịch đại trà, kinh doanh thương mại. Như tên gọi của nó, rừng quốc gia, khu bảo tồn được lập ra để gìn giữ, bảo tồn. Nếu được khai thác làm du lịch đại trà thì công việc bảo tồn ấy không còn ý nghĩa gì nữa.
Rừng quốc gia Cúc Phương được thành lập dưới thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1962. Dù đất nước khi đó còn rất nghèo khổ, khó khăn nhưng chính quyền đã ý thức rất rõ về sự cần thiết của việc bảo vệ rừng, giữ gìn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, cây cỏ, muông thú, cho những thế hệ sau này.
Những chỗ đó là nơi để tới học tập, tìm hiểu, chiêm ngưỡng cái đẹp của tạo hóa, nghỉ ngơi theo hướng tiếp cận thiên nhiên, chứ không phải để bê tông hóa cho rất đông người tới tiêu dùng, mua sắm, cúng bái, chơi bài…
Chữ “du lịch sinh thái” đang được sử dụng ở Việt Nam một cách vô tội vạ, cái mác này được gắn cho các dự án casino, khu thương mại, khách sạn khổng lồ. Ý nghĩa của từ “bảo vệ”, “bảo tồn” bị mất hoàn toàn.
* Nghĩa là, “du lịch sinh thái” mà ông vừa nói là cái vỏ được đưa ra để hợp thức hóa một điều gì đó?
– Đúng là như vậy. Nó được dùng để lách luật và che mắt công luận. Có hai mối quan ngại trước hiện tượng này.
Thứ nhất, nó phá hủy những thứ mà chúng ta cần gìn giữ: các giống loài thực vật, động vật quý hiếm, sự đa dạng của hệ sinh thái, những phong cảnh đặc biệt.
Thứ hai, tài sản công trở thành tài sản tư nhân. Ví dụ, người dân không thể vào rừng quốc gia Bà Nà, trừ khi mua vé đi cáp treo. Rừng quốc gia Tam Đảo cũng chung số phận. Hãy hình dung khu vực Hồ Gươm hay đường Nguyễn Huệ ở TP.HCM được quây kín lại và giao cho một doanh nghiệp “khai thác”, chúng ta sẽ nghĩ sao?
* Nhưng quá trình tư hữu hóa đó lại nhận được sự đồng thuận và “thẻ xanh” của chính quyền sở tại, có vậy doanh nghiệp mới đầu tư, khai thác. Chúng ta sẽ phản bác lại điều đó bằng những luận điểm gì?
– Những dự án mà chúng ta đang nói đến, hiện nay rất mù mờ về mặt giấy tờ, thủ tục. Không ai biết Bà Nà được “trao” cho Sun Group với tư cách pháp lý ra sao. Nó là tài sản riêng của Sun Group hay Sun Group thuê; nếu thuê thì thuê bao nhiêu năm, điều kiện thuê là gì? Tại sao lại là Sun Group? Nhà nước thu được gì? Bản thân việc thuê và xây dựng có phù hợp với những quy định về quản lý các khu bảo tồn hay không?
Bình thường, làm một con đường xi măng nhỏ hoặc chặt mấy cái cây nhỏ cũng bị phạt rồi. Và đó là một điều tốt, đó là lý do các vườn quốc gia được thành lập. Vậy tại sao một đơn vị tư nhân lại có thể đốn hàng ngàn cây, san phẳng núi non và xây những công trình khổng lồ trong đó được? Chắc chắn là sai luật.
Dưới cái mác “phục vụ phát triển”, chính quyền địa phương nhiều nơi đã đi theo triết lý ăn xổi, làm khánh kiệt các nguồn tài nguyên. Nhưng phát triển không phải đơn thuần là bê tông hóa đất nước.
Phát triển nghĩa là có cuộc sống ấm no cùng với biển sạch, không khí sạch, kết nối hài hòa với thiên nhiên, giữ gìn di sản cho các thế hệ sau, trong một xã hội minh bạch, thượng tôn pháp luật, và tiếng nói của người dân được lắng nghe. Ngược lại với nó là một sự phát triển mang tính chụp giật, trong một xã hội bị lũng đoạn bởi các nhóm lợi ích, như chúng ta đang chứng kiến.
Đỉnh Núi Chúa bị cạo trắng |
* Ngoài sự không hợp lý, phải chăng cũng thiếu sự minh bạch, công khai ở đây?
– Đúng vậy. Các khu bảo tồn, rừng quốc gia không nhiều, chúng là tài sản quý giá và thuộc sở hữu của toàn dân. Mọi thứ xảy ra với chúng cần phải được công luận biết tới, được thảo luận rộng rãi, có sự tham gia của các nhà khoa học và người dân.
Nhưng hãy nhìn Tam Đảo II: cửa rừng đã bị đóng không một lời giải thích, một con đường rất lớn đang được mở thẳng vào lõi rừng, nơi cần phải được bảo tồn nghiêm ngặt nhất. Cái gì đang xảy ra, dự án nào, của ai, quy mô ra sao, có những hạng mục nào, tác động tới môi trường ra sao? Không ai được biết.
* Nhưng có cung thì mới có cầu. Rõ ràng, có một số lượng lớn người dân có nhu cầu đến đó du lịch, ngắm cảnh, thậm chí họ còn cho rằng, công trình đó mới là biểu tượng của nơi đó?
– Nhiều người thích thú với những thứ “phát triển” như vậy và cho rằng chúng giúp cuộc đời của họ hạnh phúc hơn. Nhưng bên cạnh đó, có rất nhiều người, như tôi, phản đối, và chúng tôi cần phải được lên tiếng, được lắng nghe, khi mà quyền vào rừng ngắm bướm, xem voọc, quyền xuống biển tắm của người dân bị tước đi.
Đốn hạ cây rừng giữa lõi Vườn Quốc gia Tam Đảo |
Phát triển bền vững trên… miệng
* Có phải chúng ta đang quay lưng về phía rừng, về phía biển, về phía bền vững để chọn những lợi ích trước mắt?
– Chúng ta đang đi theo triết lý đánh đổi mọi thứ để có thêm tiền, sẵn sàng hạ rừng, phá núi, lấp sông để kiếm ra tiền. Đó là một lựa chọn và một cách nhìn hết sức thiển cận. Chúng ta không học được từ bài học “chọn cá hay chọn thép” ở Hà Tĩnh.
Sa Pa, Phú Quốc đang bị băm nát, thiếu nước và ô nhiễm trầm trọng, đó chính là hệ quả nhãn tiền của việc phát triển vô tội vạ như vậy. Du lịch đại trà không phải là ngành công nghiệp không khói, xanh, sạch như người ta vẫn quảng bá; ngược lại, nó phá hủy khủng khiếp.
Không phải vô cớ mà ở nhiều quốc gia, người ta bắt đầu hạn chế số lượng du khách vào các khu bảo tồn để chúng có thể hồi phục. Ở Việt Nam, nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ để lại cho con cháu chúng ta một bãi rác và sự hoang tàn.
Mặt khác, lợi nhuận từ những dự án du lịch lớn sẽ chảy vào túi các tập đoàn và nhóm lợi ích nào đó mà thôi. Nếu chúng ta đi theo một hướng phát triển du lịch khác, bền vững hơn, dựa vào người dân, vào những doanh nghiệp nhỏ lẻ, quản lý họ thật tốt, có hệ thống xử lý rác thải, nước, có quy hoạch, người dân ở khu vực ấy sẽ được lợi hơn rất nhiều, các địa phương đó sẽ thực sự phát triển mà vẫn giữ được những báu vật của mình.
* Đồng thời với việc khai thác, những tập đoàn này có đưa ra luận điểm: họ có thực hiện cam kết về trách nhiệm đối với cộng đồng thông qua các kế hoạch an sinh xã hội. Cái an sinh xã hội đó so với cái giá mà ta phải trả như thế nào?
– Chắc chắn nó không thấm vào đâu. Không ai có thể cho họ cái quyền thương mại hóa những di sản thuộc về cả xã hội được. Không có một chương trình an sinh xã hội nào có thể bù đắp cho những con voọc bị tuyệt chủng, những loài cây quý hiếm bị đốn hạ, những hệ sinh thái độc nhất bị phá hủy.
* Nhưng trong quá trình phát triển, có những lúc chúng ta buộc phải đánh đổi, phải mất mát, hy sinh?
– Tại sao phải đánh đổi, ai bắt chúng ta phải đánh đổi, ngoài bản thân chúng ta? Tại sao các quốc gia khác không đánh đổi? Tại sao năm 1962, khi đất nước còn khó khăn như vậy, chúng ta không đánh đổi? Tại sao bây giờ giàu có như vậy rồi mà lại tiếp tục đưa ra diễn ngôn “phải đánh đổi để phát triển” để tận thu, tận diệt? Ai bắt, ngoài lòng tham? Hơn nữa, “chúng ta” là ai? Có vô vàn người không muốn đánh đổi, họ có được lắng nghe không?
Không chỉ đơn thuần là cho thuê hay giao quản lý, UBND TP.Đà Nẵng đã chuyển quyền sử dụng đất hơn 10,9ha cho Sun Group |
* Những câu chuyện chúng ta nói không phải không có người biết; thế nhưng, chẳng có ai lên tiếng cả. Vì sao vậy?
– Không phải là không có ai lên tiếng. Như đã nói bên trên, nhiều người muốn lên tiếng, nhưng họ không được đối thoại, chất vấn đại diện chính quyền của mình. Do vậy, những quan điểm đa dạng không được thể hiện ra, không có những thảo luận lành mạnh trong xã hội về việc chúng ta nên làm gì với Sơn Đoòng, với Sơn Trà, Cát Bà, Fansipan… Tất cả diễn ra trong bóng tối giữa chính quyền và các doanh nghiệp lớn.
Để ý sẽ thấy, những cuộc vận động cứu di sản trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ những nhóm nhỏ cộng đồng nào đó chứ không phải từ phía chính quyền. Chính quyền đã không làm tốt nhiệm vụ của mình trong chuyện quản lý, bảo vệ thiên nhiên, di sản, tài sản công. Thậm chí, họ “bẻ” luật, giấu thông tin, dung túng cho các dự án mà họ biết rằng nếu minh bạch ra, sẽ nhận được sự phản đối gay gắt từ công luận.
* Nhưng để những dự án như vậy được thực thi, cũng đã có những đánh giá tác động môi trường chứ? Ông đánh giá như thế nào về những đánh giá tác động môi trường hiện nay ở nước ta?
– Không ai nhìn thấy những đánh giá tác động môi trường đó cả. Trong trường hợp cụ thể của Tam Đảo II, dù đã có nhiều đơn vị, công dân yêu cầu, dù đã có luật tiếp cận thông tin rất rõ ràng, vẫn không ai được nhìn thấy mặt mũi của bản đánh giá tác động môi trường.
Ở đây, chủ đầu tư Sun Group và các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đang coi thường pháp luật và công luận. Vì đang thời sự, mong Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc công khai cho người dân biết chuyện gì đang xảy ra trong vùng lõi của rừng quốc gia này.
* Xin cảm ơn tiến sĩ.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News