Đô thị để sống và đô thị để ngắm – Phan Văn Trường

0
Đô thị để sống và đô thị để ngắm
GS PHAN VĂN TRƯỜNG
Ho chi Minh city
Lời Tòa soạn: Chuyện thời sự của đời sống kiến trúc tại thành phố ta được trao đổi nhiều trong thời gian qua là khát vọng “trở lại vị trí số 1” nhưng có nhất thiết phải giống Singapore?, là chuyện muốn văn minh thì phải cấm hàng rong? là chuyện muốn hiện đại thì phải có những cao ốc mấy chục tầng chen chân vào khu trung tâm… GS Phan Văn Trường, Nguyên GS Trường Đại Học Kiến trúc TP.HCM hiện là GS Viện John Von Neumann, Đại Học Quốc Gia TP.HCM đồng thời là Cố vấn Chính phủ Pháp về Thương mại quốc tế đã có bài tham luận trả lời phần nào các câu hỏi trên tại Hội thảo do Hội KTS TP.HCM tổ chức ngày 27.4.2016. Được sự đồng ý của GS Phan Văn Trường, KT&ĐS trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần lược thuật ý kiến của GS.
1. Hôm nọ, tiếp một người bạn Pháp tới thăm TP.HCM lần đầu, tôi hỏi “Với tư cách du khách, anh có thích TPHCM không”? Anh ấy trả lời hồn nhiên là có và không! Có là vì sức sống của thành phố này ít khi thấy bên Pháp hay Châu Âu. Không là vì chính sức sống này nó kinh khủng quá.
Và anh nêu quan điểm của anh một cách thẳng thắn: “Ở Sài Gòn chẳng có gì đáng kể để xem, nhưng xét như đô thị để sống thì khá vui. Ngoài khu vực chợ Bến Thành và đường Nguyễn Huệ ở Sài Gòn thì phần đô thị còn lại gần như giống nhau, không có quận nào thực sự đặc trưng. Nét khác biệt nhỏ mà tôi thấy là một vài căn nhà của Pháp xây ngày xưa còn lại cũng như vài căn nhà cổ của người Hoa. Điều làm tôi buồn cười là các bạn ở Việt Nam đang mơ có một đô thị như Singapore, có được một skyline (đường chân trời) như Bangkok hay Jakarta. Tôi xin nói thật nhé: mỗi lần đến Singapore tôi không bao giờ ở lại chơi, xong việc là vọt. Đó là đô thị của postcard, để du khách chụp ảnh và ngắm chứ không phải là một nơi để gửi tâm tình”.
2. Có lần tôi lại hỏi một bạn nước ngoài khác, bạn có bao giờ ăn quà ngoài đường không? Bạn ấy trố mắt nhìn tôi, bảo “rất thích, không rõ là có đảm bảo vệ sinh không nhưng tôi rất thích”!
Đến lượt tôi trố mắt ra ngạc nhiên là bạn từ nước văn minh lại thích ăn ngoài đường phố dù chưa chắc chắn rằng món ăn có được bảo đảm vệ sinh hay không. “Thế nếu TP.HCM cấm hàng rong thì bạn nghĩ sao”, tôi hỏi. Bạn ấy nói: “sẽ buồn lắm vì hàng rong là thành phần không thể thiếu trong sắc thái của thành phố này. Nếu phải điều chỉnh thì đó là vệ sinh thực phẩm của hàng rong chứ không phải là hàng rong. Không có hàng rong, có lẽ các vỉa hè đô thị sẽ buồn tẻ lắm”.
Riêng tôi, tôi sẽ rất buồn nếu mỗi buổi sáng ở đầu ngõ không có anh Tư bán bún thịt nướng, cô Ba bán bánh ướt và cô Chín bán bánh mì kẹp heo quay. Tôi đã từng viết rằng nếu TP.HCM quyết định dẹp hàng rong thì nền kinh tế đô thị sẽ bị sứt mẻ trầm trọng. Vai trò kinh tế của hàng rong đã rõ ràng, nhưng hơn thế nữa, vai trò xã hội của hàng rong mới đáng ghi nhận, vì đơn giản, không có hàng rong sẽ khó có sự sống trong đô thị.
Thế thì ta phải làm gì? Chẳng lẽ cứ tiếp tục ăn đứng ăn ngồi tạm bợ trên lề đường và tiếp tục đổ rác xuống cống? Hay mạnh tay cấm buôn bán trên vỉa hè, tưởng thế là chiều du khách?
Rõ ràng giải pháp ở đây phải có sự đóng góp của óc sáng tạo về kiến trúc. Kiến trúc tạo sự sống là thế.
3. Một lần tôi làm một cuộc thăm dò ý kiến. Bắt đầu là hỏi một trợ lý đang ngụ tại Bình Thạnh: “Nếu cho em toàn quyền cải tạo lại quận Bình Thạnh cho đẹp hơn thì em sẽ làm gì”? Thoạt đầu, người trợ lý ngạc nhiên, sau đó em tự diễn giải: “Rất nhiều đường phố ở Bình Thạnh không có lề đường, không có ranh giới giữa làn xe với khu vực đi bộ. Bình Thạnh có nhiều hẻm dài và ngoằn ngoèo, nhà xây tự phát từ xưa, không đồng bộ. Nhưng Bình Thạnh có những khu vực rất vui, có bán đồ ăn suốt ngày suốt đêm, khu vực bình dân không bao giờ ngủ”.
Sau một hồi đắn đo, người trợ lý mới nêu ý kiến: “nếu muốn cải tạo Bình Thạnh, có lẽ chỉ có một cách là ủi hết nhà cửa thành bãi trống, rồi sau đó vẽ lại đường phố cho thẳng. Chuyện đó chắc khó làm được”!
Đến lượt tôi chia sẻ với em, khó có nghĩa là vẫn làm được, có thể là với một chương trình quy hoạch trên 30 năm thậm chí 50 năm. Nhưng thực sự thì có nên làm như thế không? Cải tạo để biến Bình Thạnh thành một Singapore chăng? Nếu làm vậy, chúng ta thay thế sự sống tấp nập và tạp nham thành một khu vực lạnh lùng. Kiến trúc là cái gương phản ảnh lại sự sống của xã hội hay chỉ là những nét vẽ hoa mĩ?
4. Cuộc thăm dò ý kiến được tiếp tục với các sinh viên. Vào lớp, tôi đặt câu hỏi đơn giản: “chúng ta phải làm gì để TP.HCM được công nhận là một đô thị đẹp”?
Tôi đã nhận được các ý kiến rất phong phú, thậm chí trái chiều nhau.
Có em nói: “Nghe nói Sài Gòn xưa là Hòn Ngọc Viễn Đông. Vì sao ngày nay không ai gắn cho Thành Phố nhãn hiệu đó nữa nhỉ”? Đây là một câu hỏi chứ không phải câu giải đáp! Có em thì mơ Sài Gòn phải giống Singapore và Dubai, phải giống Phố Đông ở Thượng Hải. Nhưng cũng có em nói em mơ sống trong một thành phố giống Chiba bên Nhật, hay đơn giản hơn, một thành phố như Đà Nẵng!
Tôi hỏi thêm cả lớp: “Các em thích một đô thị là nơi để khoe như Phố Đông hay để sinh sống như Nha Trang hay Quy Nhơn chẳng hạn?” thì có em nói ngay: “Quê em ở Bình Định nè, Quy Nhơn là một nơi đáng sống nhưng có lẽ cũng cần có một skyline hoành tráng hơn, nhộn nhịp hơn”.
Tôi đề nghị các em trả lời vào giấy: “em mơ đô thị như thế nào và đâu là đô thị em thích sống. Em có sẵn sàng đổi chỗ ở để lập nghiệp trong đô thị mà em đánh giá cao không”?
Lần này thì tôi đã đoán trước được phần ào những câu trả lời của các em. Hầu hết ý kiến nêu lên một đô thị mà các em thích sống không cần một skyline hoành tráng, cái mà các em cần là hệ sinh thái tốt, có gia đình bạn bè gần gũi và có đồ ăn quen thuộc!
5. Phần tiếp theo của bài học, tôi dẫn chứng: ở Trung Quốc người ta đã xây hàng chục đô thị quy mô cho 500 ngàn dân, có metro, đường xe buýt, chợ- siêu thị, nhà cửa tươm tất. Nhưng những đô thị đó không có dân. Từ nhiều năm, các đô thị đó vẫn không chiêu mộ được một hộ dân. Đô thị mới, skyline hoành tráng đó, thang máy hào nhoáng đó, máy lạnh và máy sưởi mọi nơi, metro như mũi tên đó, siêu thị ngăn nắp đó, sao dân lại không tới?
Thế là thế nào nhỉ?
Một sinh viên bảo tôi rằng, với đô thị như thế, ông nội của em “sẽ không chịu tới đâu”. Vợ em có lẽ cũng không muốn. Còn em thì chắc chắn sẽ không bỏ tiền ra để mua căn hộ ở những nơi đó.
Vậy các em muốn gì?
Một sinh viên khác giải thích, “Dạ, đâu cần đặt câu hỏi đó, vì chúng em đã lựa chọn rồi mà! Nơi chúng em ở mọi người trong xóm quen nhau. Buổi sáng có hàng bánh mì nóng đặc ruột đi qua rao hàng, có hàng xôi, bánh cuốn và cơm tấm ngay đầu ngõ. Khu chúng em ở an toàn hơn nơi khác vì ai trong xóm cũng biết nhau, ai cũng thuộc thời khóa biểu của nhau. Người nào vắng mặt hoặc thay đổi thói quen hàng ngày thì mọi người trong xóm nhận thấy ngay. Rồi bà hàng xóm bên cạnh đưa hộ lũ con đi học, ông hàng x1om sau nhà chữa luôn điện trong nhà, khỏi cần gọi thợ. Chiều chiều anh em ra ngồi giữa xóm rót nước cho nhau trước giờ cơm tối”.
6. Ý kiến của các sinh viên đã giúp tôi ngộ ra là văn hóa chứ không phải đá hoa và tường kính sẽ đem lại sắc đẹp cho đô thị.
Không phải hàng rong là vấn đề, mà vệ sinh hàng rong và cách tổ chức hệ thống buôn bán hàng rong mới là vấn đề.
Không phải là tháp cao tầng là vấn đề mà thiếu chính sách kiến trúc cho khu vực mới là vấn đề.
Bà Jane Jacobs, một nhà quy hoạch của Hoa Kỳ được cả thế giới tôn kính đã nêu lên một vấn đề chính yếu: “Một đô thị phải sống, mà sự sống đó là do chính người dân họ tạo ra, bảo quản và tiếp cận. Dân chủ trong quy hoạch là thế. Không có quyền tự quyết của người dân thì không có tác động trách nhiệm trong đô thị. Không có tinh thần trách nhiệm thì không có sự đóng góp cần thiết. Đô thị là kết quả của sự đóng góp từ một ngàn năm của người dân đô thị”.
Có lẽ trong nhiều năm qua, người dân Sài thành đã quên đóng góp chăng cho nên Hòn Ngọc Viễn Đông chỉ còn để nhớ?
Có lần báo chí hỏi Tổng thống Mitterrrand, Pháp: “sao ông không cách mạng hóa triệt để để nền kinh tế phát triển mạnh hơn”, thì ông Mitterrand đã trả lời ngắn gọn: “Laissez les vivre!”- Cứ để cho người dân sống thoải mái!
Trong quy hoạch, trong cuộc đời đô thị cũng như trong đời người dân thường, sự sống quan trọng hơn hết. Chính sự sống hài hòa, vệ sinh, đạo đức, văn hóa sẽ là nguồn gốc tạo ra một đô thị đẹp. Và chính cũng vì vậy mà Singapore đẹp, nhưng Phố Đông lại ngổ ngáo. Chính vì vậy mà New York thì oai phong mà Dubai lại huênh hoang. Không phải nhà to lộng kính mới đem lại vẻ đẹp, mà cái duyên dáng êm đềm từ hạnh phúc mới làm nên một đô thị đáng sống cho người dân đô thị, mới làm cho du khách bị mê hoặc.
Có lẽ TP.HCM đã có một thời gian quên cái ý niệm đơn giản đó. Muốn chỉnh lại, tuy khó nhưng có lẽ vẫn chưa muộn!
Thegioibantin.com
Nguồn: GS. PHAN VĂN TRƯỜNG
Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ