Hai bộ tứ của Hội họa Việt Nam – Phần 1
Rất nhiều người đã từng nghe nói đến bộ tứ của Hội họa Việt Nam nhưng trừ những người hoạt động trong ngành còn không có nhiều người biết rằng thực tế nền Hội họa Việt Nam có đến hai “Bộ Tứ”
Cả 8 danh họa được xếp vào danh sách 2 bộ tứ của Hội Họa Việt Nam đều là những nhân vật kiệt xuất và có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà. Trong đó “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” là bộ tứ thứ nhất. “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” gồm Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn. Các danh họa không chỉ có những thành tựu lớn trong sáng tạo nghệ thuật và còn là những nhân vật có sáng tạo tiên phong của nền hội họa Việt Nam khi đó còn rất non trẻ. Còn một điều nữa cũng rất thú vị đó là cả bốn ông cùng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương – một trường cao đẳng thành lập năm 1925 thuộc hệ thống Đại học Đông Dương được chính quyền Pháp cho xây dựng đầu thế kỷ 20. Bên cạnh đó, hai trong số bốn danh họa trong bộ tứ thứ nhất này đã từng đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam.
Nguyễn Gia Trí
Nguyễn Gia Trí ( 1908 – 1993) là một trong những người tiên phong tạo ra khuynh hướng nghệ thuật mới cho hội họa Việt Nam. Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936, ông có thể vẽ trên nhiều chất liệu song những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là những tác phẩm sơn mài. Ông là người đã có công nghiên cứu, tìm tòi để phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng kết hợp những nguyên tắc vẽ của phương Tây để tạo nên những kiệt tác của hội họa Việt Nam như: Thiếu nữ trong vườn; Thiếu nữ bên cây phù dung; Đình làng vào đám…Các tác phẩm của ông đều được thể hiện với những đường nét thanh lịch và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài. Tuy chưa được công nhận là Bảo vật Quốc gia nhưng tất cả các tác phẩm của ông dường như đã được ngầm coi là bảo vật và bị cấm đem khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Tác phẩm tranh sơn mài khổ lớn của danh họa Nguyễn Gia Trí trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Ảnh Nguyễn Hương
Tô Ngọc Vân
Tô Ngọc Vân (1908 – 1954) được đánh giá là người có công đầu trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Ông tốt nghiệp khóa 2 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1954. Ngay từ khi còn theo học tại trường, ông đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu việc sự dụng chất liệu sơn dầu. Ông đã từng viết trong nhật ký những tâm sự về việc mơ ước xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc, phản ứng lại sự xâm nhập của hội họa Pháp đang tràn lan tại thời điểm đó, để giành một vị trí cho nền mỹ thuật Việt Nam trên thế giới. Tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông là kiệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” và “Hai thiếu nữ và em bé”. Tuy nhiên, đáng tiếc là kiệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” giờ đang lưu lạc ở đâu không ai dám chắc. Còn “Hai thiếu nữ và em bé” đã chính thức được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013, hiện kiệt tác hội họa này đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với tài năng và những đóng góp lớn, ông đã được bầu giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt nam và là Hiệu trường đầu tiên của trường.
Kiệt tác Thiếu nữ bên hoa huệ hiện đang lưu lạc không ai biết chính xác tác phẩm này hiện đang được cá nhân hay tổ chức nào giữ – Ảnh Nguyễn Hương- Cinet
Bảo vật Quốc gia “Hai thiếu nữ và em bé” hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Ảnh Nguyễn Hương- Cinet
Nguyễn Tường Lân
Nguyễn Tường Lân (1906 – 1946), trong bộ tứ thứ nhất của hội họa Việt Nam, danh họa Nguyễn Tường Lân là nhân vật được biết đến ít nhất. Ông ít được biết đến bởi tác phẩm của ông rất ít dù rằng thực tế ông sáng tác khá nhiều. Ông học khóa 04 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp, ông mở xưởng vẽ tại Hà Nội. Ông thuần thục hầu hết các chất liệu từ sơn dầu, sơn mài, lụa cho tới khắc gỗ, bột màu…Ngay từ thập niên 1940, ông là một trong những họa sĩ tiên phong trong việc đưa các màu nguyên chất vào tác phẩm và sử dụng chúng một cách rất hài hòa kể cả trên chất liệu lụa. Mặc dù sáng tác được nhiều tác phẩm nhưng những tác phẩm của ông còn lại cho hậu thế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ cũng chính vì vậy mà hình ảnh mà chỗ đứng của ông trong bộ tứ khá mờ nhạt, mong manh dù rằng ông là một họa sĩ kỳ tài của Việt Nam.
Tác phẩm Đôi Bạn
Tác phẩm Hiện vẻ Hoa
Trần Văn Cẩn
Trần Văn Cẩn ( 1910 – 1994), cùng với Tô Ngọc Vân, danh họa Trần Văn Cẩn là họa sĩ có tác phẩm “Em Thúy” được công nhận là Bảo vật quốc gia. Ông tốt nghiệp khóa VI trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng năm với danh họa Nguyễn Gia Trí. Ông đã từng giữ cương vị Tổng Thư ký Hội Mỹ Thuật Việt Nam, là người có công lớn trong việc xây dựng phong trào và xây dựng phương hướng của mỹ thuật Việt Nam. Năm 1954, ông được bầu thay thế danh họa Tô Ngọc Vân đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam và giữ cương vi này trong 15 năm (1954-1969). Không chỉ có tác phẩm “Em Thúy”, danh họa Trần Văn Cẩn còn có rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao và được công chúng biết đến rộng rãi như: Gội đầu, Gánh lúa, Tát nước đồng chiêm, Bộ đội xây dựng cầu….
Bảo vật Quốc gia, tác phẩm “Em Thúy” hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm “Bộ đội xây dựng cầu” hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh Hương -Cinet
Từ những năm 1960, thuật ngữ để nói về 2 bộ tứ của hội họa Việt Nam bắt đầu xuất hiện, mặc dù cũng không biết được chính xác nguồn gốc được bắt đầu từ đâu. “Bộ tứ” mà công chúng xếp hạng cho các họa sĩ thực chất cũng chỉ là do người ta yêu thích rồi tự “phong tước”, “phong hàm” chứ trên thực tế không có quyết định nào về việc xếp hạng hay ghi danh các danh họa này. Trải qua thời gian với những thay đổi về lịch sử và những biến động của xã hội, danh tiếng của “Bộ tứ” và sự yêu mến của công chúng dành cho họ vẫn không thuyên giảm. Điều này đã chỉ ra rằng, những giá trị thực sẽ là trường tồn. Những đóng góp của các danh họa và những sáng tạo của họ không chỉ giúp định hình mà còn định hướng cho sự phát triển của Hội họa Việt Nam từ những ngày đầu tiên còn non trẻ cho tới hôm nay và mai sau.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: vhnthcm.edu.vn