Smartphone giúp cảnh báo động đất
Trong tương lai không xa, những chiếc smartphone trên khắp thế giới sẽ là thiết bị cảnh báo động đất thay cho những hệ thống cảnh báo cồng kềnh chuyên dụng.
Có thể khẳng định, một trong những thảm họa thiên nhiên khó cảnh báo và đề phòng nhất vẫn là động đất. Mặc dù nhiều công nghệ hiện tại do những nhà khoa học nghiên cứu và phát triển có thể giúp đưa ra cảnh báo trong trường hợp động đất có nguy cơ xuất hiện, tuy nhiên việc xây dựng những hệ thống có chức năng như vậy rất tốn kém và mất nhiều chi phí để duy trì.
May mắn thay, một nhóm các chuyên gia nghiên cứu tại Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) vừa công bố một ý tưởng hết sức độc đáo, đó là biến những chiếc smartphone nhỏ nhắn thành thiết bị cảnh báo động đất, theo PhoneArena tường thuật.
Thảm họa động đất tương lai sẽ sớm được cảnh báo thông qua smartphone. |
Sở dĩ các chuyên gia nghiên cứu tại USGS đưa ra ý tưởng táo bạo này là vì hầu hết smartphone ngày nay đều trang bị những công nghệ được kỳ vọng là có thể dùng để phát hiện sớm thảm họa thiên nhiên này.
Thêm vào đó, smartphone hầu như có mặt ở khắp nơi trên thế giới, thậm chí cả những đất nước nghèo, chậm phát triển. Chính vì vậy, tương lai hững chiếc smartphone không cần phải trang bị cấu hình khủng vẫn có thể là một phần trong hệ thống cảnh báo động đất có độ phủ khắp thế giới.
Theo giải thích từ các chuyên gia USGS, điện thoại thông minh ngày nay hội tụ đủ những yếu tố để trở thành một thiết bị giúp phát hiện sớm động đất là vì được tích hợp GPS, cảm biến gia tốc và cả kết nối dữ liệu 3G hoặc 4G. Không chỉ vậy, ngày càng nhiều smartphone cao cấp được nhà sản xuất trang bị những loại phần cứng nói trên đạt tiêu chuẩn ngành công nghiệp địa chất.
Cũng theo các chuyên gia, dự liệu thu thập từ GPS trên smartphone có thể giúp phát hiện sớm động đất nhanh hơn cách mà những hệ thống cảnh báo thảm họa truyền thống đang được ứng dụng (dựa vào việc phân tích những rung lắc nhỏ trước mỗi cơn địa chấn).
Bằng việc sàng lọc, phân tích dữ liệu những chiếc smartphone từng có mặt trên những nơi xảy ra những cơn địa chấn nổi tiếng như Tohoku (Nhật Bản), San Francisco (Mỹ), các chuyên gia tại USGS đã chứng minh được rằng họ có thể phát hiện trước khi cơn rung lắc nhỏ đầu tiên xảy đến chỉ trong vòng từ 5 giây đến 1 phút.
Tuy vậy, hiện tại các nhà nghiên cứu vẫn đang gặp ít nhiều thách thức trong việc xử lý dữ liệu GPS theo cách mà họ mong muốn trong việc dùng dữ liệu này để phân tích và phát hiện sớm thảm họa động đất – vì hầu hết công nghệ ứng dụng trên smartphone chỉ được sử dụng ở mức cơ bản. Nói một cách đơn giản là khi định vị một chiếc smartphone qua GPS, không chỉ riêng dữ liệu GPS được kích hoạt mà còn có cả những yếu tố khác tham gia vào quá trình định vị thiết bị nhằm giảm tối đa độ trễ.
Điều này có nghĩa là việc phát hiện sớm động đất dựa trên những mẫu smartphone hiện tại vẫn có thể dẫn đến sai sót và có thể đưa ra báo động sai về thảm họa vốn không dễ đề phòng này. Chính vì vậy, các chuyên gia USGS vẫn đang tích cực nghiên cứu để tìm cách tối ưu cho việc thu thập dữ liệu GPS ở dạng thô nhằm loại bỏ tối đa những dữ liệu không cần thiết và tăng độ chính xác cho việc cảnh báo thảm họa động đất.
Theo PhoneArena, các chuyên gia tại USGS vẫn đang tiếp tục triển khai một dự án nghiên cứu về đề tài này tại Chile – vốn là nơi chưa hề có bất kỳ hệ thống cảnh báo sớm động đất nào. Các chuyên gia nghiên cứu tin rằng dẫu cho kết quả không đạt được mong đợi như những hệ thống cảnh báo chuyên dụng thì cuộc nghiên cứu này vẫn giúp họ tìm ra được cách giải quyết những trở ngại trước mắt.
Nguồn: PCWorldVN