Cam kết trung hòa carbon – Cơ hội để Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi?

0 700

Như chúng ta đã biết, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết lộ trình trung hòa carbon (net zero) vào năm 2050. Nhưng để hướng tới mục tiêu này, theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, việc bổ sung nguồn điện sơ cấp trong giai đoạn tới khi giảm phát triển nguồn nhiệt điện than (trong khi chưa có điện hạt nhân), sẽ là năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, không như các dự án điện mặt trời, việc đầu tư xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi rất phức tạp và đối diện với nhiều rủi ro. Vì vậy, chính sách cho điện gió cần phải cụ thể, dài hạn và ổn định lâu dài…

Trên thế giới, xu thế phát triển điện gió ngoài khơi đang ngày càng củng cố vị thế của mình là một trong những công nghệ quan trọng nhất để loại bỏ carbon trong hệ thống năng lượng và hiện thực hóa mục tiêu giảm khí thải về trung hòa bằng 0 – Net zero. Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu COP26 là sự kiện quốc tế lớn quan trọng vừa diễn ra tại Vương quốc Anh, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của các nước và sinh kế của người dân, đòi hỏi tất cả các quốc gia phải hành động khẩn trương, mạnh mẽ và tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp hành động để đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH. Tại Hội nghị COP26 lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Cam kết của Việt Nam được Chủ tịch COP26 và các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Chúng ta đã nhấn mạnh đến trách nhiệm, đến đạo đức, nhận thức của các tổ chức, tập thể, cá nhân về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Thủ tướng đã đề nghị đưa ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Điều đó thể hiện tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội đất nước ta trong giai đoạn tới đây, định hướng các hoạt động đầu tư phát triển trong giai đoạn tới nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Con đường đến mục tiêu đó phải là con đường “xanh”, phù hợp xu thế phát triển chung toàn cầu.

Nhiệt điện than hiện tại chiếm 37% nguồn điện của thế giới, nhưng cũng gây ô nhiễm nhất và phát thải khí nhà kính nhiều nhất, gây biến đổi khí hậu. Do đó, giảm bớt nhiệt điện than là yếu tố then chốt để đạt các mục tiêu về môi trường. Tuy nhiên, do giá rẻ và nguồn cung dồi dào, nhiều nước vẫn phụ thuộc nguồn năng lượng này.

Tại châu Á, khu vực chiếm 60% dân số thế giới và sản xuất một nửa hàng hóa toàn cầu, việc dùng than đang tăng chứ không giảm. Tổ chức Theo dõi Năng lượng Toàn cầu (GEM) cho biết: Phần lớn trong số 195 nhà máy nhiệt điện đang xây dựng trên thế giới là ở châu Á. Năm 2021, nhu cầu về than tiếp tục đạt đỉnh khi các nước cần nhiều năng lượng để hồi phục sau dịch.

“Phát triển năng lượng tái tạo là quan trọng, nhưng than vẫn sẽ là năng lượng chính của Ấn Độ trong ít nhất 15 năm nữa” – Cựu Bộ trưởng phụ trách than của Ấn Độ nói với Reuters.

Trên thực tế, ngay cả ở những nước đã cam kết cắt giảm khí thải, nhiệt điện vẫn rất quan trọng. Nhật Bản đang xây thêm 7 nhà máy nhiệt điện để bù đắp năng lượng thiếu hụt sau khủng hoảng hạt nhân Fukushima, trong khi Úc mới đây cũng khẳng định sẽ không từ bỏ than.

Đối với nước ta, nhiệt điện hiện đang chiếm trên 32% tổng công suất nguồn điện toàn quốc và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, do vậy chưa thể dừng phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn 2021 – 2030, nhưng sau năm 2030, theo phát biểu của Bộ trưởng Công Thương tại COP26, Việt Nam sẽ hạn chế tối đa phát triển các nhà máy mới và từng bước loại bỏ các nhà máy đã vận hành nhiều năm với công nghệ lạc hậu.

Như vậy, việc bổ sung nguồn điện sơ cấp trong giai đoạn tới khi giảm phát triển nguồn nhiệt điện than sẽ là nguồn năng lượng tái tạo và khí hóa lỏng LNG. Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), giá điện gió đã giảm một nửa chỉ trong thập niên qua.

Cụ thể, giá điện gió trên bờ (giảm đến 56%), điện gió ngoài khơi (giảm 48%). Giá điện gió hiện nay hoàn toàn có thể cạnh tranh được với giá điện than và điện khí, trong khi thân thiện môi trường hơn rất nhiều. Đây là cơ hội để phát triển điện gió ngoài khơi, đa dạng hóa nguồn năng lượng cho nước ta.

Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) ước tính tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi Việt Nam có thể đạt 162 GW – tức là gấp khoảng 2,3 lần tổng công suất toàn bộ nguồn điện cả nước hiện nay. Điện gió ngoài khơi ngoài ưu điểm sản lượng điện cao và ổn định, ít tác động môi trường, xã hội, góp phần giảm đầu tư vào điện than còn có vai trò khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do vậy, chúng ta cần tham vọng hơn trong kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi.

Hồi tháng 3/2021, Đan Mạch đã đề xuất mục tiêu 10 GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 cho Việt Nam, phù hợp với lộ trình mà các nghiên cứu của WB và DEA đã chỉ ra. Và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Công Thương đưa vào Quy hoạch điện VIII từ 10 – 12 GW điện gió ngoài khơi giai đoạn 2021 – 2030.

Với tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, Việt Nam còn có thể thu hút các nhà sản xuất thiết bị điện gió đến đầu tư, hình thành chuỗi cung ứng điện gió, đảm nhận luôn vai trò trung tâm dịch vụ logistics, chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, tài chính, giáo dục, đào tạo… cho cả khu vực Đông Nam Á. Với hạ tầng cảng biển và nền tảng năng lực sẵn có về chế tạo, xây lắp các công trình trên biển của Việt Nam, đặc biệt của ngành dầu khí, cũng như quy mô và nhu cầu thị trường hiện nay, mục tiêu đó hoàn toàn trong tầm tay.

 

 

Tuy nhiên, không như các dự án điện mặt trời có thể xây dựng và đưa vào vận hành trong vòng 6 tháng, các dự án điện gió phức tạp hơn nhiều, cần nhiều thời gian và đối diện với nhiều rủi ro hơn. Chỉ riêng việc đo tốc độ gió để lập dự án đã cần tối thiểu 12 tháng (theo Thông tư 32/2012/TT-BCT). Việc đo tốc độ gió cần được thực hiện tại các vị trí đại diện, thuộc phạm vi diện tích dự án trong thời gian tối thiểu là mười hai (12) tháng liên tục. Số lượng cột đo gió phải đảm bảo phù hợp với sự thay đổi địa hình khu vực dự án.

Kinh nghiệm cho thấy thời gian phát triển dự án điện gió đến lúc vận hành cần từ 3 đến 5 năm. Vì lẽ đó, chính sách điện gió cần có tầm nhìn dài hạn và ổn định để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Thị trường đang chờ tín hiệu cụ thể, rõ ràng hơn về lộ trình phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi của nước ta. Và như vậy, trong Quy hoạch điện VIII cần quyết tâm tăng công suất điện gió ngoài khơi giai đoạn 2021 – 2030 từ 2 GW (phương án cao) lên 10 – 12 GW như kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam là phù hợp. Điện gió Việt Nam sẽ vươn lên tầm châu Á nếu được nghĩ lớn, nhìn xa và làm đúng. Vấn đề tồn tại của điện gió hiện nay là không chủ động công suất phát điện lên lưới. Điều này làm cho việc điều độ hệ thống điện rất khó khăn nếu phát điện gió theo phương thức có bao nhiêu thì phát bấy nhiêu. Do vậy, cần tiến hành đồng thời nghiên cứu và xây hệ thống lưu trữ năng lượng để điều tiết công suất điện gió, điện mặt trời.

Mới đây, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh đã công bố tài trợ 2,96 triệu USD cho Công ty AMI AC Renewables thực hiện dự án thí điểm phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam. Cụ thể, dự án sẽ sử dụng công nghệ và thiết bị hàng đầu của Mỹ, xây dựng và kết nối bộ pin lưu trữ 15 MWh/7,5 MW với nhà máy điện mặt trời với công suất 50 MW của AMI AC Renewables tại tỉnh Khánh Hòa, nhằm giúp giảm tổn thất năng lượng và giúp dự án tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn vào hệ thống năng lượng quốc gia.

Bà Marie C. Damour – đại diện lâm thời của Cơ quan ngoại giao Mỹ cho biết: Dự án này sẽ cho thấy công nghệ lưu trữ năng lượng hàng đầu của Mỹ có thể giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu trên và thúc đẩy tiến trình chuyển dịch sang nền kinh tế năng lượng sạch, có sức chống chịu cao hơn với biến đổi khí hậu. Từ kinh nghiệm sử dụng công nghệ và thiết bị hàng đầu của Mỹ trong xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng này, hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ xây dựng được nhiều hệ thống lưu trữ năng lượng song song với việc phát triển nguồn điện gió và mặt trời.

Hy vọng điện gió ngoài khơi với tiềm năng thay thế dầu khí sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển nền kinh tế nước ta trong tương lai tới./.

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH – HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

Thegioibantin.com | VinaAspire News

Nguồn bài viết nangluongvietnam
Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ