Tác động của Robots, Công nghệ Tự động hóa lên xã hội ? Tạo hỗn loạn và XH có thể sụp đổ ?
Trong ba mươi năm qua, Mĩ, Nhật và Hàn Quốc đều cải tiến kinh tế của họ dựa trên chế tạo. Đi theo xu hướng đó, các nước đang phát triển ở Á châu, Phi châu và Nam Mĩ đều có kế hoạch cải tiến nền kinh tế của họ dựa trên chế tạo, nhưng đa số đã thất bại mặc dầu họ có công nhân lao động chi phí thấp. Lí do vì mọi thứ đã thay đổi.
Việc “tự động hoá” cơ xưởng đang làm giảm nhu cầu về công nhân không kĩ năng này. Ngay cả Trung Quốc, nước đã đầu tư vào số lớn các cơ xưởng cũng gặp khó khăn vì xu hướng “tự động hoá”.
Trong ba mươi năm qua, các nước đã phát triển có thể dễ dàng khoán công việc chế tạo khắp thế giới vì ưu thế chi phí thấp. “Mô hình cơ xưởng chi phí thấp” đã cung cấp cách nhanh nhất để cải tiến nền kinh tế cho những nước đang phát triển. Tuy nhiên ngày nay nó không còn tác dụng. Theo một báo cáo của chính phủ Mĩ, đến năm 2025, công nghệ robotics sẽ chi phối phần lớn các cơ xưởng chế tạo và làm giảm công việc lao động đi 45%. Ngày nay số bán các robots đã tăng tới 35% tới kỉ lục gần 250,000 đơn vị và có thể giữ đà leo lên này, tới 500,000 đơn vị đến năm 2020.
Theo báo cáo này, đến năm 2020, Mĩ sẽ là quốc gia có tính cạnh tranh nhất trên thế giới, do đầu tư của nước này vào công nghệ “tự động hoá”. Nước thứ hai là Đức vì nó đang thúc đẩy nhanh chóng công nghiệp sản xuất và phát triển tự động hoá. Mặc dầu ngày nay Trung Quốc vẫn là trung tâm chế tạo, nhưng đang gặp khó khăn vì “tự động hoá” chế tạo có thể đẩy hàng trăm triệu công nhân lao động vào tình trạng thất nghiệp trầm trọng.
Theo tờ Wall Street Journal (24/11/2015) ba mươi năm trước đây, Levi Strauss & Co. bắt đầu khoán ngoài chế tạo quần jean cho Trung Quốc, xu hướng này cũng thúc đẩy hàng trăm công ti quần áo khác chuyển công việc của họ sang Trung Quốc để tận dụng ưu thế về công nhân chi phí thấp ở đó. Bây giờ xu hướng đó đang thay đổi. Ngày nay chi phí lao động ở Trung Quốc cao hơn chi phí của tự động hoá cơ xưởng bằng robots khiến cho mọi việc đảo ngược lại. Ngày nay Levi và nhiều công ti phương Tây bắt đầu đóng cửa các cơ xưởng của họ ở Trung Quốc, chuyển việc chế tạo trở về Mĩ vì robots làm việc tốt hơn, rẻ hơn, nhanh hơn.
Những thay đổi này đánh dấu một xu hướng mới trong lịch sử của “toàn cầu hoá”, nơi tự động hoá hoàn toàn đẩy các nước lao động chi phí thấp vào tình trạng hoang mang, bối rối không biết phải làm gì khi việc làm bị chuyến đi nơi khác và kinh tế sa sút trầm trọng. Một nhà kinh tế giải thích: “Ngày nay lao động trở nên đắt hơn, và công nghệ robots đang trở nên rẻ đi, bằng việc đầu tư vào công nghệ này, công ti có thể tăng lợi nhuận gấp ba lần hơn các năm trước.”
Thấy việc đóng các cơ xưởng đang xảy ra , làm tổn thất kinh doanh nhiều người chủ công ti Trung Quốc lập tức đầu tư vào “tự động hoá” cơ xưởng nhưng chính phủ lại ngần ngại xu hướng này vì sợ rằng xã hội của họ có thể rơi vào vấn đề thất nghiệp lớn. Một nhà kinh tế Trung Quốc than: “Chúng tôi đang đối diện với thay đổi lớn trong lịch sử do tốc độ của phát kiến công nghệ. Tiến bộ của robots và trí tuệ nhân tạo có tác động tiêu huỷ lên mọi khu vực công nghiệp của xứ này”
Theo nhiều báo cáo, robots có thể tăng năng suất lên 35% và giảm chi phí lao động đi 45% đó là tin mừng cho nhiều người chủ doanh nghiệp. Người ta dự đoán rằng đến 2025, Robotics sẽ là thị trường $150 tỉ đô la, với robots thực hiện 45% nhiệm vụ chế tạo khi so sánh với 10% ngày nay. Các nhà kinh tế dự đoán: “Robots và Trí tuệ nhân tạo đang trở thành một phần của cuộc sống thường ngày.” Khi mọi người sẽ di chuyển trên “xe tự lái”, nhận hàng bằng máy bay “không người lái” và phần lớn việc làm tương lai đều đòi hỏi giáo dục đại học trong Khoa học, Công nghệ, Kĩ nghệ và Toán học (STEM).
Thegioibantin.com
Gs. John Vu