Gục đầu dùng điện thoại có thể khiến hộp sọ của bạn “mọc đuôi”
Thời đại công nghệ đang khiến chúng ta “tiến hóa”.
Bạn đã sử dụng smartphone được bao nhiêu năm rồi? Bây giờ, hãy sờ tay ra phía sau đầu, ngay vị trí ở đó cột sống nối với đáy sọ. Bạn có cảm thấy có một phần xương mỏng nhô ra giống như một cái đuôi cụt hay không?
Nếu có, đó có thể là một minh chứng cho sự “tiến hóa” khi cơ thể bạn phản ứng với thói quen dùng smartphone ở thế kỷ 21.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Report cho rằng việc dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị cầm tay, đặc biệt là điện thoại thông minh là lý do tại sao ngày càng có nhiều người trẻ mọc ra một cái đuôi bất thường phía sau hộp sọ của họ.
Ảnh chụp X-quang cho thấy gai nhô phía sau hộp sọ một người 28 tuổi
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Sunshine Coast ở Australia. Trong đó, họ phát hiện ngày càng có nhiều người trẻ tuổi phát triển một phần xương mỏng nhô ra phía sau hộp sọ của họ.
Trung bình, phần tăng trưởng thêm này dài khoảng 2,6 cm, nhưng cũng có những trường hợp cá biệt dài tới 3,1 cm. Nó được gọi với thuật ngữ khoa học là đáy gai nhô bên ngoài vùng chẩm (Enthesophytes or enlarged external occipital protuberance -EEOP)
Các nhà nghiên cứu dự đoán vùng xương này phát sinh từ vị trí nơi dây chằng hoặc gân bám vào xương. Thông thường, các dạng gai nhô này cần một thời gian rất dài để mọc ra và phát triển. Theo lẽ tự nhiên, nó phải phổ biến hơn ở người già so với người trẻ.
Tuy nhiên trong khảo sát của mình, các nhà khoa học lại tìm thấy điều hoàn toàn ngược lại. Nghiên cứu trên 1.200 người từ độ tuổi 18 đến 86 cho thấy cứ 3 người thì có 1 người mọc ra một “chiếc đuôi” đằng sau hộp sọ.
Người trẻ là nam giới trong độ tuổi từ 18-29 là đối tượng dễ gặp phải đột biến nhất, lên tới hơn 35%. Sau 30-50 tuổi, tỷ lệ giảm xuống chỉ còn khoảng 13% rồi tăng lên 25% ở nhóm những người trên 60 tuổi.
Trước đây, một số nghiên cứu khác cũng đã để ý đến hiện tượng kỳ lạ này. Các nhà khoa học nhấn mạnh đó là một hiện tượng hoàn toàn mới, bởi trước năm 2000, chưa có một nghiên cứu nào ghi nhận những người trẻ tuổi có đáy gai nhô ở vùng chẩm nhiều như vậy.
“Suốt 20 năm làm việc như một bác sĩ lâm sàng, nhưng chỉ 10 năm trở lại đây, tôi mới quan sát thấy ngày càng nhiều bệnh nhân của mình phát triển những gai nhô này trên hộp sọ“, David Shahar, một nhà khoa học về sức khỏe tại Đại học Sunshine Coast chia sẻ.
Sử dụng điện thoại thông minh sai tư thế có thể gây ra nhiều vấn đề với vùng cổ
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Report không tìm ra một nguyên nhân, hay mối quan hệ nhân quả rõ ràng liên quan đến hiện tượng giới trẻ “mọc đuôi” trên đầu này. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã đưa ra một giả thuyết giải thích cho điều đó.
Nhiều dữ liệu trùng hợp từ các nghiên cứu khác cho thấy: sự bùng nổ của smartphone và việc sử dụng các thiết bị cầm tay sai tư thế đặt rất nhiều áp lực lên vùng cổ và sọ sau của giới trẻ. Trung bình, đầu và hộp sọ của một người nặng tới 4,5 kg. Các nhà khoa học đoán rằng đây là một nguyên nhân khả thi khiến cấu trúc xương ở bên ngoài vùng chẩm thay đổi.
Giải thích cho hiện tượng xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới, họ cho biết đó là bởi vì nam giới sử dụng các thiết bị cầm tay nhiều hơn, bao gồm việc chơi trò chơi điện tử, trong khi nữ giới có khả năng tham gia nhiều hoạt động xã hội trong thời gian ngắn, giúp giảm phần nào tác động của việc dùng smartphone.
Sự phát triển của EEOP có thể được quy cho và giải thích bằng thực tế, rằng có rất nhiều người ngày nay bao gồm cả trẻ em sử dụng các thiết bị có màn hình sai tư thế, các tác giả nghiên cứu kết luận.
“Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng việc sử dụng các công nghệ hiện đại và các thiết bị cầm tay có thể phải chịu trách nhiệm chính cho các tư thế sai này, và sự phát triển đáp ứng của vùng sọ mà chúng tôi thấy trong nghiên cứu”.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafebiz.vn