Khoa học cuối cùng cũng chứng minh được sự tồn tại của kinh mạch?
Học thuyết kinh mạch có một lịch sử lâu đời và đã được phát triển liên tục cùng với y học cổ truyền phương Đông và các phương pháp tu luyện và thiền định. Các thầy thuốc Đông y tin rằng các kinh mạch là những đường dẫn “khí”, loại năng lượng quan trọng cho sự sống của cơ thể. Các kinh mạch gắn liền với nội tạng và trải rộng khắp trong cơ thể.
Bản đồ kinh mạch đã được các thầy thuốc Trung y lập ra từ 2000 năm trước (ảnh: Internet)
Hơn 2000 năm trước, các nền văn hóa cổ đại đã biết về sự tồn tại của các kênh năng lượng này. Chúng được gọi là ‘sen’ ở Thái Lan, ‘nadis’ ở Ấn Độ, ‘kinh mạch, ‘mạch’ hoặc ‘kênh’ ở Trung Quốc, Nhật Bản và ‘kênh’ ở Tây Tạng.
Gần 2.000 năm trước, cuốn sách Hoàng Đế Nội Kinh tại Trung Quốc đã ghi lại một cách hệ thống vị trí của các kinh mạch. Ở Ấn Độ, nơi có nhiều kỹ thuật chữa bệnh đông y phát triển, người ta cho rằng có đến 72.000 nadis hoặc đường năng lượng.
Hệ thống kinh mạch đóng một vai trò quan trọng trong sinh lý học, bệnh lý học, và phòng ngừa bệnh. Bệnh tật được cho là do sự tắc nghẽn dòng năng lượng trong các kênh năng lượng này. Các phương pháp chữa bệnh truyền thống, bao gồm châm cứu, massage và yoga, được tạo ra dựa trên nguyên tắc tồn tại của các kinh mạch.
“Trong các nền văn hóa và y học truyền thống trước chúng ta, việc chữa bệnh được thực hiện bằng cách di chuyển năng lượng.” – Albert Szent-Gyorgyi, nhà hóa sinh học, người đoạt giải Nobel năm 1937.
Nhiều phương pháp chữa bệnh truyền thống như châm cứu dựa trên nguyên tắc của kinh mạch (ảnh: Shutterstock)
Với một số người, lý thuyết cơ thể năng lượng rất khó hình dung vì chúng ta chỉ nhìn thấy cơ thể do xương thịt tạo nên. Về cơ bản, chúng ta nằm trong một trường năng lượng, bao phủ bởi một trường năng lượng khác. Cơ thể chúng ta là điện từ trong tự nhiên và khoa học đã đo những tần số này bằng các máy móc tiên tiến, như máy quét EKG và MRI, trong nhiều năm. Nhiều nghiên cứu chứng minh các đường năng lượng và các điểm huyệt đạo dẫn điện ngay cả khi kim đo không được sử dụng. Ngoài ra người ta đã nhận thấy kỹ thuật mát-xa Shiatsu cũng có thể kích thích các hiệu ứng năng lượng giống như vậy. Tương tự, khí công, thái cực quyền, yoga… đã được chứng minh có thể tăng độ dẫn điện tại các huyệt. Tuy vậy, khoa học chưa bao giờ tin vào sự tồn tại của kinh mạch… cho đến bây giờ.
Hành trình hơn 50 năm tìm kiếm sự tồn tại của kinh mạch
Đầu những năm 1960, nhà khoa học Bắc Triều Tiên, Giáo sư Đại học y khoa Pyongyang, Kim Bong-Han thông báo rằng ông đã tìm thấy các kinh mạch. Giáo sư Kim cho biết có tồn tại các cấu trúc hình ống mới ở bên trong và bên ngoài mạch máu và mạch bạch huyết, cũng như trên bề mặt của các cơ quan nội tạng và dưới lớp hạ bì. Ông tin rằng chúng là những đường kinh mạch truyền thống. Sau nghiên cứu của Giáo sư Kim, các kinh mạch được gọi là ống dẫn hoặc kênh Bonghan (Bong-Han system).
Tuy vậy, kết quả nghiên cứu của giáo sư Kim hầu hết không được công nhận do ông không trình bày đầy đủ phương pháp nghiên cứu và công thức tạo ra chất nhuộm màu xanh để hiển thị đường kinh mạch, khiến cho các nhà khoa học khác không thể mô phỏng lại nghiên cứu của ông. Năm 1965, trường Y khoa Pyongyang bất ngờ đóng cửa, khiến cho nghiên cứu của ông bị quên lãng gần 40 năm.
Năm 2000, Tiến sĩ Kwang-Sup Soh, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đã thành lập một phòng thí nghiệm để nghiên cứu sự tồn tại của kinh mạch. Tiến sĩ Soh đã lựa chọn Tiến sĩ Byung-Cheon Lee là người đứng đầu nhóm nghiên cứu, tiến hành xem xét lại những phát hiện của Giáo sư Kim.
Sau hàng loạt những thử nghiệm và thất bại, họ đã phát hiện được hệ thống đường ống mô tả bởi Giáo sư Kim trên bề mặt nội tạng của thỏ, chẳng hạn như gan, dạ dày, ruột, bàng quang. Các nhà khoa học Hàn Quốc cho rằng hệ thống đường ống mà họ tìm thấy chính là hệ thống kinh mạch mà y học và các pháp môn tu luyện phương Đông đề cập đến.
Năm 2008, các nhà khoa học đã khám phá ra một loại thuốc nhuộm để xác định hệ thống kênh Bonghan có tên khoa học là trypan blue. Từ thời điểm đó, họ đã xác nhận sự hiện hữu của hệ thống kinh mạch ở tim bò, não thất chuột, các dây thần kinh cột sống, cũng như ở các mô mỡ bụng… Năm 2014, các nhà khoa học đã phát hiện ra sự tồn tại của kinh mạch ở trong mạch máu dây rốn của nhau thai người.
Một đường kinh mạch ở ống ngực chuột được phát hiện nhờ kỹ thuật nhuộm màu (ảnh: TS. Kwang‐Sup Soh)
Ngày nay, tên khoa học được sử dụng để gọi hệ thống kinh mạch là Primo Vessel System hay Primo Vascular Sysem, gọi tắt là PVS, tạm dịch là Hệ thống Kinh huyết Nguyên sinh.
Kết cấu của kinh mạch mà khoa học hiện nay phát hiện?
Để tìm hiểu về cấu trúc hệ thống kênh Bonghan mà họ cho là hệ thống kinh mạch, Tiến sĩ Kwang‐Sup Soh và các đồng sự đã tiêm thuốc nhuộm y tế vào các điểm châm cứu. Thuốc nhuộm này đã nhuộm màu các kinh mạch, khiến chúng hiển thị dưới dạng những đường mỏng. Các đường mỏng này không thấy xuất hiện tại các điểm không châm cứu được nhuộm màu.
Các đường kinh mạch – ký hiệu là BHD và các điểm giao kinh mạch – ký hiệu là BHC của một chú chuột được hiện lên nhờ kỹ thuật nhuộm màu xanh, các đường màu đỏ – ký hiệu là FAT là mạch máu không bị nhuộm màu (ảnh: TS. Kwang‐Sup Soh).
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, các đường kinh mạch không giới hạn ở làn da, mà thực tế chúng là một hệ thống đường ống hoàn chỉnh, ở đó có một loại chất lỏng chảy qua, và các chất lỏng này tập hợp để tạo thành tế bào gốc.
Nghiên cứu với trứng gà cho thấy, sự xuất hiện của kinh mạch xảy ra trước sự hình thành của các lạc mạch (các nhánh của kinh mạch), mạch máu, mạch bạch huyết, dây thần kinh và nội tạng.
Các kinh mạch được phát hiện trong cơ thể thỏ rất mảnh, trong suốt một nửa với đường kính trung bình từ 20 đến 30µm. Mỗi kinh mạch chứa đến 20 ống dẫn nhỏ có đường kính từ 3 đến 10µm được lót bởi một lớp tế bào nội mô và được bao quanh bởi lưới ngoại bào. Mỗi ống dẫn chứa đầy chất lỏng trong suốt được gọi là primo fluid, tạm dịch “dung dịch nguyên sinh”. Chúng có thể được kết nối với nhau tại các nút giao nhau của đường kinh mạch.
Mô phỏng cấu trúc một đường kinh mạch (ảnh: TS. Kwang‐Sup Soh)
Các nhà khoa học cũng xác định rằng kích thước kinh mạch của người cũng không dày hơn so với kinh mạch của các động vật nhỏ như thỏ, chuột, chó…
Thành phần của primo fluid (tạm dịch: dung dịch nguyên sinh) ở chuột được phát hiện là giàu bạch cầu hạt (granulocyte) và hạt tế bào nội tiết (secretory granule), nó chứa:
- dưỡng bào (mast cell) chiếm 20%,
- mô bào (histiocyte) chiếm 53%,
- bạch cầu ái toan (eosinophil) chiếm 16%,
- bạch cầu trung tính (neutrophil) chiếm 5%,
- các tế bào giống tế bào gốc chưa trưởng thành (immature stem-like cells) chiếm 3%,
- bạch cầu chỉ chiếm 1%.
Các nhà nghiên cứu đo được nồng độ cao của các tế bào gốc giống phôi người trưởng thành, biểu hiện dấu ấn sinh học các tế bào gốc mã số OCT4, NANOG và CD133.
Tác dụng của kinh mạch dưới góc nhìn khoa học
Các nhà khoa học đã phát hiện hệ thống kinh mạch (PVS) có những chức năng như sau:
Lưu thông và vận chuyển: dung dịch nguyên sinh (primo fluid) được lưu thông trong một mạng lưới các mạch và nút với nhiều đường dẫn độc lập. Mặc dù toàn bộ hệ thống kinh mạch vẫn chưa được ánh xạ đầy đủ trên cơ thể người, nhưng các nhà khoa học tin rằng bản chất tuần hoàn của nó có thể giúp vận chuyển các chất hóa học, các yếu tố gây viêm, cũng như các tế bào ung thư (di căn) trong dung dịch nguyên sinh. Hệ thống kinh mạch đã được dự đoán là một tuyến đường phân phối thuốc điều trị một cách hiệu quả, đặc biệt là điều trị ung thư.
Chức năng miễn dịch và tái sinh: dung dịch nguyên sinh chứa một lượng lớn các tế bào tương đồng với tế bào gốc, có kích thước 1 đến 4µm. Chức năng chính xác của những tế bào này vẫn chưa được xác định, nhưng Trung tâm Ung thư Quốc gia Hàn Quốc đã xác nhận rằng dung dịch nguyên sinh chứa rất nhiều các tế bào miễn dịch khác như đại thực bào, bạch cầu ưa eosin và dưỡng bào
Chức năng nội tiết:
Dẫn truyền thần kinh: hệ thống kinh mạch cũng được mô tả như một cơ quan nội tiết vận chuyển hormon. Chất catecholamin – hormon được tiết ra trong các tình huống căng thẳng, để giải phóng năng lượng của cơ thể và chuẩn bị cho một tình huống “chiến đấu hay trốn chạy” cũng được tìm thấy trong dung dịch nguyên sinh.
Phát quang sinh học (Biophoton): các nhà khoa học Hàn Quốc phát hiện rằng hệ thống kinh mạch chứa hàm lượng cao các axit nucleic và được bao quanh bởi collagen. Vì vậy, tiến sĩ Lee và Soh cho rằng đây có thể là một phương tiện tốt để vận chuyển hoặc giao tiếp sinh học qua phát quang sinh học.
Quá trình viêm: các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng hệ thống kinh mạch của chuột bị viêm nhiễm mang các sản phẩm bệnh lý, chẳng hạn như bạch cầu trung tính đa hình và các nguyên bào sợi, có thể liên quan đến các quá trình viêm nhiễm.
Ung thư: ở động vật có vú, hệ thống kinh mạch đã được xác định trên mô fascia (mô liên kết cơ thể) xung quanh khối u, cũng như tìm thấy kết nối với các khối u. Hệ thống kinh mạch có thể là một cơ chế mới được công nhận trong kiểm soát tăng trưởng ung thư, nhưng cũng có thể là một con đường mới cho di căn ung thư, bởi vì các kinh mạch được tập trung nhiều hơn xung quanh các vị trí khối u, và tế bào khối u di chuyển hiệu quả trong hệ thống kinh mạch hơn là trong hệ bạch huyết.
Kết luận
Cho dù nhiều người còn hoài nghi rằng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Bắc và Nam Triều Tiên chưa thực sự là kinh mạch được Đông y và các phương pháp tu luyện nói tới. Tuy nhiên, ít nhất, những phát hiện này đã cho thấy dấu hiệu tồn tại của kinh mạch và khẳng định sự tồn tại của hệ thống kinh mạch trên cơ thể người và động vật là có cơ sở khoa học.
Mặc dù những phát hiện này khẳng định sự hiểu biết của con người còn rất hạn chế so với hiểu biết của người xưa, nhưng chúng cũng cho chúng ta hy vọng về một cuộc cách mạng trong y học cũng như phương pháp tiếp cận mới khi tìm hiểu về nhân thể học và vũ trụ, trong một tương lai không quá xa.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: trithucvn.net