Tướng công binh nổi tiếng VN có bí quyết cực hay, vượt cửa tử, hồi sinh – Bác sĩ cũng kinh ngạc

0

Khi thực hiện tuyến bài LÀM GÌ ĐỂ KHỎE MẠNH cùng người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau, chúng tôi mong muốn gửi tặng độc giả một cách nhìn mới và toàn diện về lối sống, cách chăm sóc sức khỏe của một nhân vật cụ thể, từ đó, mỗi người có thể rút ra được những bài học cho riêng mình.

Chúng ta cùng trò chuyện với Thiếu tướng Hoàng Kiền về cách ông đã chăm sóc sức khỏe của bản thân sau nhiều thăng trầm, gian nan đời lính và càng ngày càng trở nên khỏe mạnh. Bài viết là ý kiến của nhân vật thông qua trải nghiệm mang tính cá nhân, nếu bạn muốn áp dụng thì cần phải tự nghiên cứu.

BTV Vân Hồng: Là một người lính Trường Sơn rồi sau này trở thành một vị tướng có tiếng, ông đã từng vào sinh ra tử không ít lần. Giờ đã ở ngưỡng tuổi 70, ông nghiệm thấy sức khỏe quan trọng ra sao?

Thiếu tướng Hoàng Kiền sinh năm 1951 tại Nam Định. Nhà ông gần như nghèo nhất làng. 4 năm chăn trâu cắt cỏ, hết cấp 2 thì phải nghỉ học, cày sâu cuốc bẫm như một lão nông tri điền, đói ăn, vất vả.

Rồi ông quyết định thoát ly đồng ruộng, đi học và trở thành giáo viên. Sau đó, nghe tiếng gọi của Đảng, ông lên đường nhập ngũ vào năm 1970, vào Trường Sơn – chiến trường ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Từ đó, sống trong quân ngũ với hơn 10 năm ở Trường Sa, 7 năm làm việc dọc tuyến biên giới và nghỉ hưu với nhiều cống hiến rực rỡ.

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Nói về sức khỏe tổng thể thì có nhiều quan niệm khác nhau ở mỗi người.

Tôi trải qua cuộc đời chiến sĩ 45 năm, đã đi qua các chiến trường, trên mọi miền tổ quốc, đến những nơi khó khăn gian khổ, những thời khắc ác liệt nhất đều đã từng. Nghiệm lại thì thấy rằng, nếu không có sức thì không thể làm được thế này.

Tôi chỉ nói ví dụ đơn giản nhất là chuyện vượt Trường Sơn.

Trước đây, tôi vốn là nông dân, sau đó đi học sư phạm rồi làm thầy giáo, rồi trở thành bộ đội Trường Sơn.

Vượt được Trường Sơn hay không là việc cần cả 2 yếu tố: Ý chí tinh thần và sức khỏe. Không ai có thể dùng ý chí để vượt Trường Sơn mà không cần dùng sức. Do đó, sức khỏe chính là thứ quan trọng nhất quyết định việc mình có hoàn thành một việc gì đó trọng đại hay không.

Muốn thật khỏe thì phải rèn luyện. Nếu vượt được Trường Sơn thì thông thường cần khoảng 3 tháng ròng rã. Lính chúng tôi hồi đó ban ngày thì tập bắn súng, các kỹ chiến thuật. Sau đó, ăn bữa tối xong, tầm khoảng 7h tối thì bắt đầu luyện tập hành quân, mỗi người theo quy định là phải đeo 1 balo đất để đi bộ qua các làng mạc, núi đồi, bờ đê, các địa hình khác nhau để rèn sức chịu đựng và tăng cường sự dẻo dai.

Hồi đó còn không có nhiều balo nên mọi người thường đan một cái sọt tre, đắp các cục đất tròn, mỗi cục khoảng 5kg làm “hành lý”. Thời gian đầu mới tập thì chỉ đeo sọt khoảng 15kg đất, đi bộ khoảng 3 tiếng (từ 7h-10h đêm).

Hình thức tập luyện đó sẽ được tăng dần độ nặng, mỗi tuần tăng thêm 5kg, cho đến khi đeo được 35kg đất sau lưng và phải đi được như vậy trong 4 tiếng liên tục thì mới có thể có sức khỏe đảm bảo nền tảng cơ bản để vượt Trường Sơn.

Chúng tôi rèn luyện liên tục trong 3 tháng. Nhưng có những người không thể đi nổi. Cho nên, tôi càng thấm thía rằng chúng ta phải có sức khỏe mới có thể làm gì thì làm.

Trong tiểu đoàn tôi có 500 người vốn là thầy giáo, vào quân đội để làm chiến sĩ. Khi hết đợt huấn luyện đó thì thực hiện vượt Trường Sơn. Tôi vượt hết khoảng 1 tháng rưỡi. Còn những người đi vào miền Đông Nam bộ thì mất khoảng 6 tháng. Vào miền Tây Nam bộ thì hết khoảng 7 tháng, chỉ đi bộ như vậy, đeo balo nặng như vậy mà đi từ ngày này qua ngày khác.

Bạn thử nghĩ xem, mọi người đều phải chuẩn bị thể lực đủ để đeo balo 35kg và đi bộ trong 7 tháng liền. Không có sức khỏe thì không thể đi được, chưa nói đến nhiệm vụ chiến đấu, chỉ đi như vậy thôi cũng đã rất cần tới sức khỏe. Đặc biệt, đã là bộ đội thì không thể không khỏe.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, rất gian nan. Vào chiến trường thì tiếp tục làm các nhiệm vụ chiến đấu khác, mỗi người một nhiệm vụ riêng, xông pha trận mạc, không một việc gì là không cần đến sức khỏe.

Trong thời gian tập luyện, khi mỗi người đều đeo một balo đất đó, vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Rèn chân đồng vai sắt, xây ý chí kiên cường, để vượt dải Trường Sơn, vào nam tiêu diệt Mỹ”.

Chân đồng vai sắt tức là phải thỏa mãn việc chân đi được, vai đeo được. Phải là chân đồng vai sắt trước, có sức khỏe trước, rồi mới đến có ý chí. Bởi vì nếu chỉ có ý chí mà không có sức thì không thể đi dài ngày được. Hơn nữa, nếu không có sức khỏe để vào đến chiến trường thì sao có thể chiến đấu được đây.

BTV Vân Hồng: Nhờ sự rèn luyện gian khổ trong thời gian dài như vậy mà ông có thể duy trì được phong độ làm việc, bôn ba từ Bắc vào Nam?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Cuộc đời quân ngũ của tôi ở Trường Sơn khoảng 6 năm, vào Hải quân khoảng 16 năm trong đó gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ gần 3 năm, với Trường Sa gần 10 năm. Sau đó về Công binh 10 năm. Giai đoạn sau này thì đi khắp mọi miền tổ quốc, gần như đi suốt, đi ô tô và đi bộ.

Đặc biệt là có thêm 7 năm làm Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới, lặn lội ở biên giới từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, công việc không chỉ dùng cái đầu, mà cần cả sức khỏe của đôi chân nữa.

Tất cả các đỉnh núi cao nhất dọc đường biên giới là phải leo trèo. Mình là trưởng ban mà không đến đó thì người ta cũng không đến. Cho nên bao giờ tôi cũng là người dẫn đầu, leo lên các đỉnh núi, đi bộ rất nhanh, không có ai theo kịp.

Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh là không có sức khỏe thì không thể làm được những việc này.

Ở Trường Sa thời đó thì gian nan lắm, sóng to gió lớn, vô cùng khắc nghiệt, phải nói là rất cần đến sự kiên cường cả ý chí lẫn thể chất.

Công việc xây dựng đảo cũng rất phức tạp. Ngoài môi trường biển đảo nắng nóng quanh năm, nhiều khoảng thời gian trong năm trời nắng chang chang, vừa khó khăn vừa thiếu thốn, đặc biệt là thiếu nước ngọt.

Nếu không có sức khỏe thì không thể chịu đựng được, đặc biệt là thiếu rau xanh nên nhiều người bị bệnh đường ruột, cuộc sống hồi đó rất khó khăn.

Tôi phải nhấn mạnh lại, thời điểm đó, riêng những người làm trong quân đội, không có sức thì không thể chiến đấu được. Khi không có sức thì mình theo không kịp (đồng đội), vất vả, khổ sở chứ không đơn giản đâu.

Cho nên, cuối cùng thì ai cũng nên đặt sự quan tâm tới sức khỏe lên hàng đầu.

BTV Vân Hồng: Có nhiều người từng mắc bệnh ở chiến trường khắc nghiệt, trải qua quá trình công tác gian nan với cường độ cao như vậy, có khi nào Thiếu tướng cảm thấy mình bị đuối sức không?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Không ai có thể khỏe mạnh mãi mãi được mà không có ngày bị ốm đau, lão hóa. Tôi cũng không ngoại lệ. Khi tôi mới chỉ 40 tuổi thì đã đổ bệnh, ngoảnh đi ngoảnh lại giờ đã 30 năm.

Trong quá trình công tác rất gian nan và khó khăn như vậy nên nói thật là cơ thể mình cũng phải chịu đựng sự quá tải. Từ đó cũng sinh ra rất nhiều bệnh.

Đặc biệt khó khăn nhất là bệnh tiền liệt tuyến. Tôi đã 5 lần đi khám đều được chẩn đoán nghi là ung thư. Thêm 1 lần chẩn đoán nghi ung thư đại tràng và 1 lần chẩn đoán nghi ung thư ruột kết nữa.

Lúc khoảng 45 tuổi thì tôi bị bệnh về thoái hóa đốt sống cổ. Có lần đang đi xe máy thì ngã lăn ra đường. Tiếp đến là mỗi tháng 1 lần thì bị huyết áp cao phải nằm trên giường cho quân y chăm sóc. Tôi nhớ là ở cái mốc thời gian từ khoảng gần 45 tuổi là bắt đầu sinh ra các loại bệnh tật.

Bệnh tiền liệt tuyến kéo dài quá nhiều năm, phải đi làm ống thông và đeo bịch (nước tiểu) bên người bao nhiêu lần. Đến cả 5 bệnh viện lớn đều nói rằng nên đi kiểm tra ung thư vì tình trạng bệnh rất trầm trọng. May mắn là sau đó mổ ra kiểm tra thì không phải ung thư.

Mình nghe về bệnh tình như vậy cũng chưa yên tâm, nếu như không chịu khó tìm hiểu sâu về tình trạng của mình sẽ rất lo lắng. Sau đó tôi vào Đà Nẵng vì trong đó có một bác sĩ ngày xưa là Chủ nhiệm quân y của Trung đoàn, khi tôi làm trung đoàn trưởng, hiện nay anh ấy là Phó giám đốc một bệnh viện lớn, nhờ anh ấy cho khám hết tổng thể. Kết quả hoàn toàn khoẻ mạnh, các chỉ số như thanh niên.

Bệnh viêm tuyến tiền liệt của tôi thì do viêm nên gây tắc, điều trị mãi không khỏi. Sau đó phải đi phẫu thuật, bây giờ thì khỏi rồi, sinh hoạt bình thường.

Từ đó mình mới bắt đầu có ý thức về tầm quan trọng của sức khỏe, rồi tự tìm tòi, nghiên cứu cách ngăn chặn, phòng ngừa.

BTV Vân Hồng: Sau cú sốc sức khỏe đó, ông có thấy sợ không và có phải vì thế mà ông đã viết sách về sức khỏe với những bí quyết rất thực tế từ trải nghiệm bản thân?

Tướng Hoàng Kiền: Tôi chưa bao giờ sợ chết, mà ân hận vì mình đã chưa chú ý tới sức khỏe. Khi đổ bệnh và phải điều trị đã giúp tôi nghiên cứu, sưu tầm và viết được cuốn sách “Sức khỏe và Cuộc sống”. Tự mình đọc nhiều sách tham khảo từ Đông y đến Tây y, tất cả các loại sách xếp lại thành 1 chồng dày.

Tôi nhận định sức khỏe là thứ vốn quý nhất của con người ta, không phải ai cũng nhận ra điều này đâu. Dù nói thế thôi nhưng phải có thời điểm nào đó người ta mới nhận ra sự quý giá của sức khỏe và mạng sống. Đặc biệt là khi còn trẻ thì ít ai để ý đến nó.

Tôi đặc biệt viết lại 3 ý để tự nhắc nhở mình: Phải trân trọng sức khỏe, phải sáng tạo ra sức khỏe và phải tận hưởng sức khỏe.

Trước hết phải trân trọng sức khỏe để không bị phung phí đi. Thứ hai là phải sáng tạo ra sức khỏe, bản thân mình phải nghĩ ra cách gì đó phù hợp để làm cho mình khỏe ra, chứ không có ai giúp mình được. Thứ 3 là tận hưởng sức khỏe, tận hưởng vào việc hữu ích.

Từ đó, tôi rút ra rằng sức khỏe có 4 yếu tố quan trọng.

Ăn uống hợp lý

Vận động toàn diện

Bỏ thuốc, bớt rượu

Tâm trạng thoải mái

1, Về ăn uống, cần sự hợp lý

Tôi đọc rất nhiều sách về sức khỏe, bao gồm rất nhiều sách cũ, kể cả sách của Hải Thượng Lãn Ông.

Tôi rất nhớ câu nói của người xưa, “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Tất cả các thức ăn mình ăn vào nếu không tốt đều có thể sinh ra bệnh.

Đã hơn 30 năm nay, tôi đã giữ cho sức khỏe như hiện tại, phong độ không tăng cũng không giảm.

Có rất nhiều tài liệu, sách báo viết về ăn uống, dưỡng sinh, mình cần đọc và rút ra cách ăn như thế nào để có chất, ăn ra sao để tiêu hóa được, ăn gì không khiến cho cơ thể béo quá, hoặc ăn nhiều khiến cho thức ăn tích tụ lại trong đường ruột.

Con người ta làm việc gì lâu ngày cũng sẽ trở thành thói quen, ăn uống hợp lý cũng vậy.

Ăn uống hợp lý còn ở chỗ phải duy trì đều đặn. Ngày xưa mình không có nhiều thức ăn thì mình ăn không đủ no, nhưng giờ có đầy đủ thức ăn thì cũng không nên ăn quá nhiều. Không phải ngày nào cũng ăn thịt.

Tôi đọc cả sách Tây, Nhật, sách của người Việt, cả sách cũ từ hồi xưa và sách mới. Từ đó rút ra cách ăn uống cho riêng mình.

Uống cũng rất quan trọng, uống thế nào cho tốt cho sức khỏe là điều tôi đặc biệt chú ý. Tôi phê phán lối sống của những người trẻ bây giờ trong việc lạm dụng bia rượu.

Trong sách của Hải Thượng Lãn Ông có viết: Rượu dùng làm thuốc mà thôi, Già thì uống ít, Trẻ thì cấm ngăn.

Điều đó có nghĩa rằng, đối với người trẻ là phải cấm hẳn việc uống rượu thì mới có thể lực sung mãn được.

Trong khi thực tế chúng ta nhìn thấy thì những người trẻ bây giờ bia rượu quá nhiều, tôi thấy nhiều người nghiện bia rượu đều chết non, kể cả những người khỏe. Những người mà tôi nhìn thấy uống rượu, tôi đều khuyên đừng uống, đa số họ đều chết non hết do nghiện rượu và uống trong thời gian dài.

Ngay kể cả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới người ta đã tổng kết 6 loại đồ uống tốt gồm: Trà xanh, rượu vang đỏ, sữa đậu nành, sữa chua, canh xương, canh nấm. Họ khuyên con người nên uống, tốt hơn nhiều so với rượu bia. Thế thì chúng ta cũng nên áp dụng.

Ăn uống phải cân bằng hài hòa. Không nên ngủ dậy muộn rồi ăn uống tạm bợ. Cần điều độ, bữa sáng, trưa tối đều phải điều độ, không được bỏ bữa.

Ngày xưa lao động nên phải ăn nhiều hơn, bây giờ nghỉ hưu thì tôi ăn ít đi, nên vóc dáng vẫn giữ nguyên như vậy nhiều năm. Tôi cao 1m72, nặng 69 kg, 40 năm nay tôi vẫn giữ trọng lượng này, không tăng giảm, chỉ dựa vào ăn uống. Ăn theo nhu cầu năng lượng mà cơ thể cần ở mỗi giai đoạn khác nhau.

Ví dụ, con người ta ăn vào phải đáp ứng được nhu cầu sống, làm việc và phát triển. Ví dụ trẻ thì cần phải ăn để phát triển, còn già thì ăn ít hơn do làm việc ít hơn, chỉ cần ăn để sống. Nếu già rồi mà vẫn ăn nhiều thì bụng sẽ phì ra. Nhiều người già bụng to đùng ra và không giữ được trọng lượng chuẩn, tất cả đều do ăn uống.

2, Rèn luyện sức khỏe phải là vận động

Chúng ta cần phải dựa vào đặc điểm của bản thân để vận động sao cho hợp lý. Tùy theo lứa tuổi, môi trường công tác. Ví dụ, người nông dân đi cày bừa đã vận động suốt ngày rồi thì không nhất thiết phải đi bộ buổi tối nữa.

Trong khi đó, những người làm văn phòng, ngồi cả ngày rồi thì phải tính đến việc vận động ra sao. Hoặc những vận động viên thường xuyên tập luyện rồi thì lại đòi hỏi vận động kiểu khác.

Trong các loại hình vận động thì tôi chọn đi bộ để rèn luyện, vì tôi nghĩ đó là một phương pháp tốt. Tôi đi bộ mỗi ngày 1 tiếng vào buổi chiều với tốc độ nhanh. Tranh thủ đi bộ bất kỳ lúc nào có cơ hội. Đi dự tiệc cưới tôi cũng đi bộ 4 -5 km chứ không đi xe. Đi bộ ra công viên.

Trong khi bây giờ, thanh niên, người trẻ cứ ra ngõ là đi xe máy. Vào nhà thì đi tầng 1 lên tầng 2 cũng thang máy. Đi ra ngõ mua mớ rau cũng đi xe máy. Cứ như vậy rồi dần dần đôi chân bị yếu đi theo thời gian mà không hề để ý.

Con người ta sinh ra là phải vận động, không vận động chắc chắn sẽ bị yếu, không thể khỏe mạnh. Phải cho đôi chân nó làm việc, phải đi bộ thành thói quen thì đôi chân mới khỏe.

Riêng về vận động, tại sao lại phải toàn diện? Đó là cơ thể con người cần sự vận động cả bên trong lẫn bên ngoài. Cách bộ phận bên trong con người ta lại càng cần sự vận động, khi không vận động sẽ bị tắc, dễ dẫn đến tử vong.

Tôi có nghiên cứu rất sâu về năng lượng sinh học của cơ thể người. Vận động bên ngoài như thể dục đơn giản là vận động cơ học, nhưng vận động bên trong cơ thể con người mới là điều cần quan tâm.

Môn thể dục dưỡng sinh tác động khá lớn đến sức khỏe con người. Tôi cũng có tập luyện về khí trong dưỡng sinh. Mỗi ngày tôi tập khí công theo bài dạy của người Nhật và bài về năng lượng sinh học. Tôi không có nhiều thời gian nhưng vẫn phải dành ra một tiếng tập khí công vào buổi sáng.

3, Ai cũng nên bỏ thuốc, bớt rượu

Tôi được mọi người cho thuốc, xì gà nhưng tôi không hút. Rượu thì cũng chỉ uống chút ít khi vui với mọi người.

4, Tâm trạng thanh thản rất quan trọng

Về tâm lý thì có rất nhiều vấn đề. Muốn khỏe mạnh thì phải có nhiều niềm vui, sự tự tin, bớt đi những nỗi niềm hờn giận hay hận thù, cáu gắt, lo lắng.

Ăn gì thì ăn, làm gì thì làm nhưng nếu suốt ngày lo lắng thì sẽ không thể khỏe mạnh được. Lúc nào cũng lo tranh giành nhau cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần. Hận thù nhau để trong lòng cũng là một thứ gánh nặng.

Cá nhân tôi thì không hận thù ai, phải bỏ qua hết, xóa đi hết những thứ không cần thiết. Nhiều người lo lắng quá sẽ dễ dẫn đến bị suy tim. Cần phải bỏ qua hết để vui vẻ hưởng thụ cuộc sống.

Lo lắng quá mức tức là cái lo đó không giải quyết được vấn đề gì. Ví dụ khi cơn bão vào nhà mình, mình cứ ngồi lo lắng bồn chồn, điều đó sẽ vô ích nếu mình lo mà không giải quyết được. Tôi nói trường hợp vợ tôi, bà ấy làm một công trình ở quê, đêm đó bão đến, bà ấy lo lắng vô cùng, sợ bị tốc mái, lo đến mức nghẹt thở, tí chết.

Tôi mới bảo là phải bình tĩnh. Bão có đến thì cũng đến rồi, lo cũng không giải quyết được, đổ nhà thì làm lại. Lo mà không giải quyết được thì chỉ có làm tổn hại sức khỏe.

Để tâm trạng thoải mái khi về già, tôi cũng tham gia nhiều các hội nhóm, tổ chức, giao lưu với các anh em bạn bè. Đi khắp nơi giao lưu, hỗ trợ mọi người, tạo cho nhau niềm vui. Sống không suy bì, không ghen ghét hay tranh giành. Chính những cái đó tạo ra cho mình tâm trạng vui vẻ, tạo ra sức khỏe.

 

BTV Vân Hồng: Đã 30 năm kể từ ngày đổ bệnh và suýt chết nhiều lần, giờ nhìn Thiếu tướng tôi cảm thấy có rất nhiều động lực và niềm tin, ông có thể lý giải nhờ đâu mà hồi phục được thể lực như vậy?

Tướng Hoàng Kiền: Đợt vừa rồi tôi đi khám, bác sĩ nói rằng cơ thể tôi hiện tại không có bệnh gì cả, mọi chức năng đều khỏe, nói vui là phong độ như thanh niên. Ngoài những yếu tố như tôi đã nói ở trên, tôi nghiên cứu các bài tập thể dục để giữ gìn sức khỏe cho mình.

Mỗi buổi sáng đều dành thời gian để tập. Từ bài tập cho mắt đến các bài tập cho các bộ phận cơ thể khác. Rồi tìm hiểu về diện chẩn chữa bệnh.

Tự nghiên cứu các bệnh của tuổi già để tự tập luyện và đề phòng.

Sức khỏe nằm trong tay ta, là 60% do mình, 10% là do di truyền và còn lại là do các yếu tố khác. Nếu mình không tự biết chăm lo sức khỏe cho mình thì không ai có thể làm thay được. Nếu mình không ý thức được việc này, cứ lao vào học hành, làm việc thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Mình học nhiều cho thành giáo sư tiến sĩ, làm việc cho ra thật nhiều tiền, nhưng lơ là chăm sóc sức khỏe rồi ốm lăn ra đấy thì học hành giỏi, giàu có để làm gì?

Rồi nếu làm việc hăng say quá, mải đi kiếm tiền quá mà không lo chăm sóc sức khỏe, đến khi dù có tiền nhưng ốm ra đấy thì cũng không được.

Bất kỳ khi nào cũng nên đặt sức khỏe lên hàng đầu, đừng phung phí sức của mình. Bản thân mỗi người cần coi sức khỏe của mình là một mục tiêu trong cuộc sống.

Khi có sức khỏe thì cuộc sống của mình sẽ trở nên toàn diện hơn. Có sức thì sẽ làm được việc, và hưởng thụ được thành quả mà mình làm ra.

BTV Vân Hồng: Về việc rèn luyện sức khỏe, tôi thấy cái khó là ở sự kiên trì. Có phải Thiếu tướng dùng ý chí kỷ luật quân đội để rèn luyện bản thân không?

Tướng Hoàng Kiền: Tất cả những gì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ thì nên nghĩ trước đi. Đừng bao giờ để đến khi có bệnh rồi mới nghĩ đến. Hãy nghĩ đến sức khỏe từ khi còn trẻ, cái gì có lợi cho cơ thể, cho cuộc sống và kéo dài tuổi thọ thì mình làm.

Còn cái gì thuộc về những thứ ham vui tức thời, không có suy nghĩ cơ bản lâu dài thì đều có hại. Những thứ tiêu cực này thường rất dễ bị rủ rê, lôi kéo, tạo ra những nếp xấu trong giới thanh niên hiện nay.

Bây giờ đi ra đường, thư viện thì ít, không có nhiều người đọc sách. Quán bia thì đầy rẫy, tràn ngập hàng quán ăn uống. Đó là cái nếp sống xấu đang lan tràn hiện nay, mà giới trẻ là bị tiêm nhiễm nhiều nhất.

Vấn đề rất cần bây giờ là phải thay đổi nhận thức, sống thế nào để duy trì một nếp sống văn hóa, văn minh. Người trẻ cứ kéo nhau ra quán bia, cởi trần rồi hô dô dô suốt buổi. Ngay kể cả các nước phương Tây cũng không có kiểu ăn uống tràn ngập như ở ta hiện nay.

Mới đây tôi sang Singapore, rất ít thấy kiểu người trẻ ngồi la cà quán xá đông như ở mình. Đây là một nếp sống vô cùng xấu. Đoàn thanh niên không giáo dục, nhà trường không giáo dục, gia đình không ngăn cản.

Tôi rất gương mẫu, chưa bao giờ tôi uống say rượu bia.

Ngoài ra, việc chăm sóc sức khỏe cũng chưa được giới trẻ coi trọng. Tôi đi ra đường, đi xe bus, thấy những bạn thanh niên, sinh viên vóc dáng nhỏ bé tí, yếu ớt, mắt thì cận, chỉ chăm chăm nhìn vào điện thoại. Tôi thấy lo lắng cho sức khỏe của những người như vậy. Trẻ mà không khỏe thì lớn lên làm sao có sức mà làm việc.

So sánh lớp trẻ bây giờ và lớp trẻ ngày xưa thì có những cái tốt hơn nhưng cũng có những thứ chưa được. Khi thế giới phát triển thì xã hội ta cũng vận động theo. Bây giờ có nhiều phương tiện thông tin nên trẻ được tiếp xúc và học tập trong điều kiện tốt hơn, thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn, tiếp xúc giao lưu tốt. Chỉ có thứ chưa hay chưa tốt chính là rượu bia nhiều.

Vừa qua Nhà nước có chính sách hạn chế rượu bia là điều tôi thấy rất mừng. Việc uống rượu bia không chỉ là vấn đề có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông, mà còn có rất nhiều vấn đề văn hóa, xã hội khác.

Khi sa đà vào rượu bia thì sẽ bê trễ công việc, về nhà không đủ tỉnh táo để quan tâm đến gia đình, giáo dục con cái, gây ra rất nhiều tác hại cho gia đình.

Khi tôi sang Úc, vào bữa ăn, người ta mời ăn trưa ở căn cứ không quân. Trên bàn ăn họ có đặt một số chai rượu bia, nhưng có nói thêm rằng, quân đội Úc không uống rượu bia vào bữa trưa, nếu các ngài thích uống thì cứ uống tự nhiên (lúc đó ta chưa cấm uống vào bữa trưa), nhưng mình không dám uống.

BTV Vân Hồng: Sau tất cả những gì đã qua, điều gì khiến Thiếu tướng cảm thấy đáng tiếc khi nhìn lại?

Tướng Hoàng Kiền: Tôi sống đời quân ngũ 45 năm thì cũng quá say sưa với công việc, cái gì cũng lao vào làm. Tôi đi công tác, bị phì đại tiền tuyến vẫn đeo bịch (nước tiểu) suốt mấy ngày liền, tí thì chết, nghĩ lại thấy cũng liều quá. Vì khỏe nên mình chủ quan, có lúc mình cũng ham công tiếc việc quá. Kng chú ý đến việc gìn giữ sức khỏe.

Ví dụ sợ nhất là giai đoạn tôi làm giám đốc Ban quản lý Dự án, anh em vào trong đó thi công thì có mời tôi ăn một bữa. Mình bị bệnh tiền liệt tuyến lẽ ra là phải kiêng rượu thịt chó, vì cả hai thứ đó ăn nhiều gây ra nóng, nhưng vì vui vẻ anh em nên cũng có ăn uống. Thế rồi đến 3 giờ sáng thì có cảm giác bị tắc tiểu, lại đúng lúc vội đi công tác nên quên không mang thuốc đi.

Ngủ từ 11h đêm đến 3h sáng, ở trong tận rừng sâu, tắc tiểu. Sau đó phải gọi lái xe đưa ra ngoài bệnh viện, trời đêm khuya mù mịt, đường núi rất xấu lại đang thi công. Hai chú cháu lái xe ra đến ngoài nơi có dân sinh sống là khoảng 5h sáng. Nhưng rắc rối hơn là ở đó không cửa hàng nào bán loại thuốc mà tôi đang dùng. Các cửa hàng ở vùng nông thôn đều không có thuốc chuyên khoa như vậy.

Đi thêm đến khoảng 6 giờ sáng thì vào đến bệnh viện để cấp cứu.

Nếu cái đêm hôm đó, giả sử mà tắc đường thì chắc là chết tại chỗ. Sau về nghĩ lại tôi mới thấy sợ, phải viết thành sách và nhắc nhở mình, cần coi sức khỏe là yếu tố hàng đầu, tuyệt đối không được coi thường.

Kể cả người trẻ, nếu mà không nghĩ đến sức khỏe một cách đúng mực thì sẽ gây ra thiệt hại cho bản thân mình, cuộc sống sẽ không được như mong muốn, kể cả về mặt chất lượng sức khỏe và sự cống hiến.

Lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ là hãy luôn luôn đặt sức khỏe lên hàng đầu. Làm gì cũng phải nghĩ đến sức khỏe trước, đừng để đến khi nó xảy ra rồi thì mới hối tiếc. Bản thân tôi, mặc dù chưa xảy ra rủi ro đến mức thiệt mạng, nhưng đã suýt chết vì sự chủ quan của mình.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.

Thiếu tướng Hoàng Kiền, sinh năm 1951 tại Nam Định.

Năm 1970: Giáo viên dạy toán và vật lý cấp 2 ở Nam Định.

Nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ với tư cách lính công binh Trường Sơn.

Năm 1975: Thi đỗ Học viện Kỹ thuật Quân sự, tốt nghiệp kỹ sư công trình.

Năm 1981: Công tác tại ở Phòng Công binh Hải quân, tham gia thiết kế thi công công trình trên đảo Bạch Long Vĩ và quần đảo Trường Sa.

Năm 1989: Tốt nghiệp lớp chỉ huy tham mưu công binh tại Học viện Lục quân.

Năm 1990: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83, chỉ đạo xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa. Tạo nên kỳ tích là đưa được hàng ngàn tấn đất từ đất liền ra xây dựng các đảo trên quần đảo Trường Sa, tạo đất màu để trồng rau xanh, và sáng kiến xây kè chắn sóng, chống xói lở và tích trữ nước ngọt cho đảo. Đưa dân ra Trường Sa tham gia xây dựng công trình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Năm 2007: Giám đốc Ban quản lý Dự án Đường tuần tra biên giới. Con đường này viền bao quanh bản đồ Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên.

Năm 2014: Nghỉ hưu, là Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam.

Năm 2015: Được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 2017: Là một trong những tác giả tham gia Công trình phòng thủ Trường Sa được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Thegioibantin.com | VinaAspire News

Nguồn: Cafebiz

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ