Trần Đình Long: Tỷ phú tuổi Trâu, nhàn nhất Việt Nam
Một ngày bình thường của “Vua thép” Việt Nam khó thiếu 2 bữa cà phê, trong đó có buổi “bốc phét xuyên trưa” với bạn thân. Hết giờ làm việc, Chủ tịch Hoà Phát rất ít đi tiếp khách mà dành thời gian tập thể thao, cuối tuần là thời gian nghỉ ngơi và tụ tập bạn bè.
Từ khi mới thành lập Hoà Phát cho đến khi có tên trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes, ông Trần Đình Long có rất ít sự thay đổi trong cuộc sống. Người đàn ông này không thể hiện là một người bận rộn, trăn trở hay ôm trong mình những khát vọng vĩ đại. Ông Long đơn giản chỉ cùng đội ngũ của mình đưa ra các kế hoạch lớn, xử lý nhanh và dứt điểm những vấn đề gặp phải, tiến về phía trước “như một chiếc xe lu” và đạt được những cột mốc rất khó tin về kinh doanh.
Một người đàn ông mạnh mẽ, thẳng tính và sau này trở thành “Vua thép” của Việt Nam – một ngành công nghiệp nặng, mà lại giỏi văn và mê văn học cổ điển, thích đọc “Cuốn theo chiều gió” thì có hợp logic không? Chủ tịch HĐQT Hoà Phát không quan tâm đến điều đó vì khi còn là học sinh, ông rất giỏi môn văn và thường có tên trong đội tuyển thi học sinh giỏi của trường.
Giỏi văn nhưng khi vào Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Long lại “bén duyên” với khoa Toán kinh tế. Một nhân viên của Hoà Phát nhận xét: “Chắc do học Toán kinh tế nên sếp rất kỹ và chi tiết về số liệu về các dự án trước khi đưa ra quyết định, nhưng lại rất linh hoạt với biến động của thị trường. Và cũng có lẽ vì logic kiểu toán nên sếp thường căn cứ vào thực tiễn để điều chỉnh hướng đi chứ không có những giấc mơ kiểu ‘thay đổi thế giới’ như các VIP khác”.
Mê văn học cổ điển thế giới, Long rất thích đọc “Cuốn theo chiều gió”. Thế nhưng, cách cảm nhận văn học cổ điển của Trần Đình Long cũng khác biệt với các bạn cùng lứa. Khi còn là sinh viên, ở một buổi “salon văn học”, Trần Đình Long tranh cãi rất quyết liệt với một người bạn về “Cuốn theo chiều gió” khi chị này cho rằng: “Rhett Butler là thằng mất dạy!”. Trong khi đó, Trần Đình Long cho rằng: “Rhett Butler mới là một người bình thường trong xã hội Mỹ” và hình tượng Rhett cũng là góc nhìn của cậu sinh viên này.
Vào thời điểm đó, hầu hết các sinh viên khác – đặc biệt là nữ, đều thích Ashley Wilkes bởi nhân vật này đàn hay, hát giỏi và suốt ngày mơ mộng. Thế nhưng, sinh viên Long chả thấy hứng thú với Ashley vì “suốt ngày mơ mộng thì chẳng làm được cái gì”.
Ngoài sở thích về văn học, Trần Đình Long mê bóng đá và là một tuyển thủ nổi tiếng của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội khoá 22. Niềm đam mê này cũng được Trần Đình Long thể hiện sau này với đội bóng Hoà Phát và có biệt danh “bầu Long”. Dưới thời bầu Long, đội bóng Hoà Phát từng vô địch V-League năm 2006 nhưng sau đó tụt dốc và có lúc phải chơi ở giải hạng nhất (năm 2008). Sau nhiều thăng trầm với bóng đá, năm 2011 “bầu Long” quyết định chuyển giao đội bóng cho một người bạn để tập trung toàn bộ vào việc kinh doanh.
Trong một buổi trả lời phỏng vấn, ông Long vẫn xúc động khi nhớ về đội bóng Hoà Phát: “Bẩy năm làm bóng đá rất hạnh phúc dù cũng nhiều vất vả khổ sở. Có thể nói đó là một gánh nặng nhưng là gánh nặng êm vai”. Hôm đó, ông Long vừa nói vừa vỗ vỗ vào vai của chính mình.
Trước khi thành lập Hoà Phát, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Dương – Tổng giám đốc, đều là người nhà nước. Ông Long là cán bộ một công ty nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, còn ông Dương là nhà báo thuộc Thông tấn xã Việt Nam. Hai thành viên sáng lập này đều tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (NEU) và cùng làm kinh doanh với nhau kiểu “kế hoạch 3” khi đang làm việc trong cơ quan nhà nước.
“Nói thật, lúc thành lập công ty, chúng tôi cũng chẳng có ước mơ gì. Đơn giản chỉ mong kiếm sống tốt hơn thôi”, ông Trần Tuấn Dương – Tổng Giám đốc Hoà phát chia sẻ về ngày đầu lập nghiệp cùng ông Trần Đình Long. Doanh nghiệp này khởi đầu với việc buôn bán đồ cũ và có tên Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng.
Cơ duyên với ngành thép cũng không khởi nguồn từ một giấc mơ hay mục tiêu gì to tát của những người sáng lập. Năm đó, ông Trần Tuấn Dương đi mua ống thép để làm giàn giáo xây dựng ở một công ty liên doanh tại Hải Phòng. Đó là công ty duy nhất ở miền Bắc làm ống thép với sản lượng chỉ 2.000 tấn/tháng.
Ảnh: Tuấn Mark
Đi mua ống thép ở công ty liên doanh mà rất khó khăn, còn phải “lót tay” mới mua được khiến ông Long và ông Dương rất bực mình. Sau khi sang Đài Loan tìm hiểu, ông Long quyết định mua máy về và sản xuất ống thép. “Công ty thép ra đời vì lý do cũng lãng xẹt thế thôi à”, ông Trần Tuấn Dương cười khi chia sẻ với Trí thức trẻ về cơ duyên với ngành thép.
Cũng kể từ khi làm thép, cái tên Hoà Phát mới ra đời khi 2 người sáng lập công ty quyết định lấy một tên thuần Việt chứ không có “mác tây”. Thời điểm đó, các thương hiệu thép có tên kiểu Việt Đức, Việt Úc, Việt Nhật, Việt Hàn… rất nhiều trên thị trường “dù một số công ty có máy móc không liên quan gì đến Đức, Nhật, Hàn cả”, ông Dương cho biết.
Hai người sáng lập quyết định chọn tên cho thương hiệu thép, cũng đồng thời trở thành tên mới của công ty là Hoà Phát, với ý tưởng đơn giản của ông Long: “hoà hợp để phát triển”.
Khi biết ông Long quyết định làm thép, một trùm buôn thép thời đó có nhận xét “biết gì về thép mà làm”. Trong những năm cuối của thập kỷ 90, ông Long thực sự là “lính mới toe”, thủ phủ của ngành thép Việt Nam nằm ở Thái Nguyên. Thế nhưng, nhìn thấy cơ hội lớn từ thép và tinh thần không biết sợ của những người sáng lập là lý do khiến công ty này vẫn tiến bước.
Khởi đầu là người không biết gì về thép, nhưng ông Long và người bạn Trần Tuấn Dương cho thấy khả năng học hỏi nhanh chóng và rất thành công với thép. “Khả năng tận dụng kỹ năng của người khác và ý tưởng của những người thông minh hơn mình, chính là cái giỏi nhất của anh Long khi làm kinh doanh trong đó có làm thép”, ông Trần Tuấn Dương nhận xét về người đồng sáng lập Hoà Phát.
Năm 2007, nhà máy thép lò cao đầu tiên được xây dựng tại Hải Dương; cuối năm đó, cổ phiếu Hoà Phát lên sàn chứng khoán với màn tăng giá ngoạn mục. Thế nhưng, dù kết quả kinh doanh của công ty vẫn tốt, nhà máy thép lò cao ở Hải Dương rất thành công, giá cổ phiếu vẫn đi xuống do thị trường chứng khoán khủng hoảng trầm trọng năm 2008.
Năm 2009, khi ban lãnh đạo Hoà Phát dự định làm tiếp nhà máy thép lò cao thứ 2 cũng ở Hải Dương thì gặp phản ứng dữ dội từ các cổ đông lớn nước ngoài. Khi đó, ngoài việc thị trường chứng khoán vẫn khủng hoảng, bất động sản tụt dốc và thị trường thép cũng rất xấu. Câu hỏi được gửi đến ông Long tại đại hội cổ đông là: “Thép làm ra sẽ bán cho ai?”.
Giải thích hôm đó được ông Long đưa ra khá đơn giản: nếu làm với giá thành thấp nhất, chất lượng tốt nhất thì sẽ bán được hàng, bất kể thị trường ra sao. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn không tin tưởng. Thuyết phục không được, ông Trần Tuấn Dương – Tổng giám đốc nói thẳng: “Các ông buộc phải tin thôi!”.
Dự án Dung Quất đưa Hoà Phát vào Top 50 công ty thép lớn nhất thế giới.
Lò cao thứ 2 của Hoà Phát tiếp tục thành công, nhưng lò cao thứ 3 vẫn gặp phản ứng tương tự từ cổ đông nước ngoài dù ít dữ dội hơn. Bất chấp những người hoài nghi, mảng thép của công ty này tiếp tục tăng trưởng rất mạnh mẽ với bước ngoặt là khu liên hợp gang thép Hoà Phát – Dung Quất có tổng vốn đầu tư lên tới 3 tỷ USD. Đây là dự án với 4 lò cao, công suất 4 triệu tấn – 2 triệu tấn thép xây dựng, 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC – có thể tăng lên 3 triệu).
Thực tế, năm 2017, không ít người đã đặt dấu hỏi lớn với Hoà Phát – Dung Quất bởi 2 nhà đầu tư nước ngoài trước đó của dự án này là những tên tuổi lớn của ngành thép thế giới – E-United (Đài Loan) và JFE Steel (Nhật Bản), đã “bỏ chạy”. Nguyên nhân là nguy cơ của “cơn sóng thần” thép giá rẻ từ Trung Quốc đang lan khắp thế giới. Chính vì thế, Hoà Phát bị coi là người đi ngược dòng.
Chưa hết, nhiều người còn hoài nghi hơn về dự án khi ông Long tuyên bố sẽ đạt mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng cho Hoà Phát vào năm 2020 nhờ đóng góp của Dung Quất. Con số dự kiến tăng gần 3 lần so với doanh thu năm 2016 – thời điểm Hoà Phát được hưởng nhiều yếu tố thuận lợi đột biến.
Thế nhưng, không giống như lo ngại của những người bên ngoài, lãnh đạo của tập đoàn này có những tính toán riêng. Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Hoà Phát cho biết: “Một dự án tương tự ở Việt Nam với sản lượng khoảng 6,5 triệu tấn phải đầu tư trên 12 tỷ USD và làm trong 4-5 năm. Dự án của chúng tôi có sản lượng 4 triệu tấn (có thể đạt 5 triệu) – bằng khoảng 80% nhưng tổng đầu tư bằng ¼ và chỉ xây dựng trong 2 năm. Nhìn con số này thôi là có câu trả lời luôn về sức cạnh tranh của Dung Quất”.
Còn ông Trần Đình Long nói: “Truyền thống của Hoà Phát là một cỗ xe lu, cứ giữa đường thẳng tiến, không quan tâm đến ai cả”, rồi nói thêm: “Chúng tôi tính kế hoạch không phải cho lúc thị trường thuận lợi mà trường hợp xấu nhất thì mình vẫn sống được. Nếu thị trường có sập, Hoà Phát sẽ là người chết cuối cùng”.
Và cũng giống chuyện bị mỉa mai “biết gì về thép mà làm” ngày mới khởi đầu, ông Long và những chiến hữu của mình tiếp tục là “xe lu”, thực hiện rất thành công dự án Dung Quất. Nhờ đó, Hoà Phát trở thành công ty thép số 1 vượt trội tại Việt Nam và lọt Top 50 công ty thép lớn nhất thế giới.
Năm 2020 là một năm rất đặc biệt với ông Trần Đình Long. Đây là thời điểm các cổ đông kiểm chứng lại “lời hứa 100.000 tỷ đồng doanh thu” cách đó 3 năm khi ông Long đề nghị phê duyệt Khu liên hợp gang thép Hoà Phát – Dung Quất. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới và gây những tác hại xấu về kinh tế tại Việt Nam, một lời hứa vốn bị coi là khó tin trong lúc bình thường đã trở thành… không tưởng.
Thế nhưng, cuối tháng 1/2021, khi kết quả kinh doanh năm 2020 của Hoà Phát được công bố, những con số vô tiền khoáng hậu của tập đoàn này đã được xác lập. Dù không đạt 100.000 tỷ đồng như ông Long đã hứa, nhưng con số 91.237 tỷ đồng doanh thu (tăng 41%) đi kèm với 13.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 80% so với năm 2019) của Hoà Phát đủ khiến cổ đông… chết ngất.
Hoà Phát trở thành công ty sản xuất có lợi nhuận lớn nhất tại Việt Nam (trừ trường hợp đặc biệt của Samsung). Bên cạnh đó, giá cổ phiếu Hoà Phát cũng liên tục lập đỉnh cao lịch sử kể từ ngày lên sàn.
Chưa hết, trái ngược với nỗi lo thép giá rẻ của Trung Quốc, Hoà Phát xuất khẩu hơn 1 triệu tấn thép sang quốc gia này – gấp 12 lần năm 2019 và là mức xuất khẩu thép kỷ lục nhất trong lịch sử của Việt Nam.
Bên cạnh đó, mảng nông nghiệp của Hoà Phát cũng đạt kết quả ngoạn mục với lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 1.600 tỷ đồng – đưa tập đoàn vốn nổi tiếng về thép vượt nhiều tên tuổi lớn, lâu năm trong ngành nông nghiệp. Mảng bất động sản khu công nghiệp của tập đoàn này cũng đạt được kết quả khả quan khi 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật đều được lấp đầy (các khu công nghiệp ở Hưng Yên và Hà Nam).
Chia sẻ về kế hoạch tiếp theo của Hoà Phát, ông Trần Đình Long cho biết, trong tháng 1/2021, lò cao cuối cùng (thứ 4) của Dung Quất đi vào hoạt động và trong năm sẽ đạt công suất thiết kế toàn dự án. “Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị cho Dung Quất 2 với công suất cũng khoảng 5 triệu tấn nữa và dự kiến khởi công đầu năm 2022”, ông Long cho biết.
“Vua thép” còn tiết lộ thêm, hiện tại, nhu cầu đặt hàng với thép cuộn cán nóng của Hoà Phát đang cao hơn gấp 3 lần năng lực sản xuất và còn tiếp tục tăng. “Với nhu cầu hằng năm tăng 8% và Việt Nam đang phải nhập khoảng hơn 7 triệu tấn/năm, thị trường cho thép cuộn cán nóng còn rất lớn. Chúng tôi rất tự tin với Dung Quất 2”, ông Long nhận xét.
Chủ tịch HĐQT Hoà Phát dự tính, giai đoạn 2 của Dung Quất sẽ mất khoảng 36 tháng thi công nhưng có thể nhanh hơn nhờ 2 lý do. Thứ nhất, giai đoạn 1 làm sẵn hạ tầng và có thể dùng chung. Thứ 2, Hoà Phát đã có kinh nghiệm nên có thể đẩy nhanh tiến độ. Mục tiêu mới được ông Long đặt ra cũng tham vọng không kém dự án đầu tiên: đóng góp tăng doanh thu khoảng 70-80% so với hiện tại, đồng thời cũng đóng góp lợi nhuận tương ứng.
“Một quả đấm thép mới đấy!”, ông Long nhận xét.
Năm 2018, với việc giá cổ phiếu Hoà Phát tăng mạnh từ năm trước đó, Tạp chí Forbes đưa ông Trần Đình Long vào danh sách tỷ phú thế giới. Cùng vào danh sách tỷ phú Forbes thời điểm đó là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty ô tô Trường Hải. Kể từ khi lọt vào danh sách tỷ phú thế giới, “Vua thép” Việt Nam nhận được mối quan tâm đặc biệt của công chúng, đặc biệt liên quan đến biến động tài sản cổ phiếu.
Thế nhưng, với ông Long thì “tôi vẫn là tôi thôi, mọi sinh hoạt không có gì thay đổi cả. Tôi vẫn làm những cái mà tôi thích chứ không phải việc mình là tỷ phú hay là gì kia thì phải giống người ta. Tóm lại là cứ làm điều mình thích thôi!”.
Điều mà Chủ tịch Hoà Phát thích là ngày 2 bữa cà phê: một lần sau bữa sáng rồi mới đi làm, và một buổi “bốc phét xuyên trưa” với những người bạn thân ở một quán cà phê quen thuộc. Trong buổi trả lời Trí thức trẻ, ông Long cho biết: “Bạn cà phê của tôi là hơn 20 năm rồi, cũng không ngồi trong tủ kính đâu, mà ngoài trời đấy và ngay dưới gốc tre”.
Cuối ngày, ông Long rất ít đi tiếp khách, cũng ít nhậu vì “không không uống được”, và luôn ăn cơm tối ở nhà: “Trừ trường hợp đặc biệt, còn tôi ăn đủ 365 bữa ở nhà”.
Trong 2 ngày cuối tuần, Chủ tịch Hoà Phát rất ít khi làm việc mà hầu hết dành thời gian cho tụ tập bạn bè, đi du lịch nghỉ dưỡng với gia đình hoặc chơi golf. Riêng với môn golf, ông Long khoe: “Người ta hay dùng môn này để quan hệ, còn tôi chơi 9 năm rồi nhưng tự hào chưa đi đánh golf ngoại giao với bất cứ ai bao giờ. Sau này thì chưa biết nhé, nhưng đến giờ này thì chưa bao giờ (cười lớn)”.
Nhận xét về thói quen “ngày 2 bữa cà phê” và “không làm việc ngày cuối tuần”, một người bạn gọi đùa ông là “tỷ phú nhàn nhất Việt Nam dù tuổi trâu”. Thực tế, nhiều thời gian trong “2 bữa cà phê để bốc phét mỗi ngày” của ông Long cũng liên quan đến công việc. “Bạn cà phê hơn 20 năm” mà ông Long nhắc tới trong buổi phỏng vấn với Trí thức trẻ cũng là những người cùng sáng lập Hoà Phát và nắm giữ những vị trí quan trọng nhất.
Với một người tự nhận “ngoài tế bào bình thường thì trong huyết quản của tôi có thêm tế bào quặng và sắt” như ông Long, những chuyện “bốc phét” hàng ngày không thể thiếu… thép. Cũng nhờ vậy, Chủ tịch của Hoà Phát bám rất sát không thiếu một biến động nào quan trọng ở các công ty thành viên qua các bữa cà phê.
Ở công ty, ông Long nổi tiếng xử lý công việc thần tốc với các cuộc họp liên tục chỉ trong vài phút. “Vào trình việc chỉ tí là xong rồi nên mọi thứ cứ chạy băng băng”, một nhân viên gần gũi với “Vua thép” tiết lộ. Đó cũng là nguyên nhân, tỷ phú này có thể nhàn nhã đánh golf vào cuối tuần và không làm việc.
Tại Hoà Phát, con trai của ông Long vào công ty của bố làm việc đã 2 năm nhưng vẫn là một nhân viên vật tư. Trần Vũ Minh xuất hiện trước công chúng với một thương vụ đình đám là mua 20 triệu cổ phiếu Hoà Phát (HPG) trong vùng giá từ 17.300 đến 20.100 đồng, còn hiện tại giá là hơn 40.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài công việc của một nhân viên vật tư, cậu tham gia một dự án về chuyển đổi số của tập đoàn. Chăm chỉ làm việc và thân thiện với mọi người nhưng người nối nghiệp của “Vua thép” phải “từ nhỏ mà lên, chứ không thể nghiễm nhiên mà ngồi ngay vào vị trí cao cấp” như khuyến cáo của bố.
Người đồng sáng lập Hoà Phát, ông Trần Tuấn Dương – Tổng giám đốc bổ sung: “Chúng tôi muốn công ty này tồn tại hàng trăm năm chứ không phải chỉ hết đời mình là thôi nên việc lựa chọn người vào vị trí kế cận phải cẩn thận và dựa vào năng lực. Hoà Phát không phải là công ty kiểu gia đình”. Còn “Vua thép” nói với Trí thức trẻ: “Chúng tôi thành công như hôm nay vì không biến Hoà Phát thành một tập đoàn họ hàng”.
Thegioibantin.com | VinaAspire News