Ban lãnh đạo Hòa Phát: Bạn học thủa thiếu thời cùng nhau lập doanh nghiệp tỷ USD
Hai người đàn ông quyền lực của Tập đoàn Hòa Phát từng băng núi trèo đèo “vượt biên” khảo sát thị trường, rồi trải qua những ngày vay tiền góp vốn thành lập doanh nghiệp…
Năm 2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tròn 25 năm thành lập. Nhìn lại chặng đường từ lúc chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh nội thất nhỏ bé, sau đó bước vào lĩnh vực sản xuất thép, một lĩnh vực được cho là độc tôn của các ông lớn nhà nước, đến thời điểm này Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất cả nước với tổng tài sản gần 40.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 15.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường 2,2 tỷ USD, mỗi năm tạo lợi nhuận 7.000 tỷ với khoảng 14.200 nhân viên và hàng chục nhà máy thép trên cả nước.
Ít ai biết rằng, ban lãnh đạo Hòa Phát bây giờ là bạn chung dưới mái trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Dương cùng tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân năm 1986. Họ là bạn học, là đồng nghiệp trong 25 năm và giờ vẫn gắn bó với nhau tại Hòa Phát. Nhân viên Hòa Phát kể rằng, các thành viên HĐQT hàng ngày vẫn cùng nhau ăn trưa và cùng nhau đi du lịch. Sự thống nhất từ trên xuống dưới đúng như cái tên của tập đoàn: “Hòa hợp và Phát triển”.
Từ trái qua: ông Trần Đình Long, ông Nguyễn Ngọc Quang, ông Trần Tuấn Dương
Khởi đầu bằng… chuyện vượt biên
Ông Trần Tuấn Dương kể, ông cùng ông Long và mấy người bạn khác thành lập Công ty TNHH Thiết Bị Phụ Tùng chuyên buôn đồ cũ từ Nga về. Trong chuyến đi khảo sát thị trường nước ngoài vào mùa xuân năm 1993, ông Dương, ông Long phải đi bằng hộ chiếu đường biên vì thời đó công ty tư nhân không được phép xuất nhập khẩu với nước ngoài.
Đi qua núi, trời lại mưa, các thành viên trong đoàn khảo sát phải bò qua bằng cả hai tay hai chân nếu không trơn ngã. Người nào người nấy lấm bê bết bùn đất, bò qua biên giới mấy cây số. “Đây là lần đầu sang nước ngoài để nhập khẩu hàng hóa một cách tương đối bài bản”, ông Dương nói.
Mùa xuân năm 1993, ông Long ông Dương cùng những người bạn đi khảo sát thị trường sau khi thành lập Công ty TNHH Thiết Bị Phụ Tùng
Tới năm 1994 – 1995, công ty đi mua bàn ghế cho văn phòng ở đường Giải Phóng, có 2 – 3 cái bàn và 50 – 70 cái ghế mà thấy khó. Ông Long ông Dương nhìn thấy tiềm năng thị trường nên quyết định thành lập Công ty Nội Thất. Đầu tiên ông Long cùng ông Dương cũng chỉ đi buôn, lọc ra 30 nhà cung cấp Đài Loan rồi Malaysia, Singapore … rồi đi tìm hiểu thị trường ở triển lãm Singapore.
Triển lãm Nội thất Singapore năm 1995 – 1996.
Cũng từ công ty thiết bị phụ tùng, công ty thường phải mua ống thép về làm giàn giáo, nhưng thu mua rất khó khăn, chờ đợi, xin phê duyệt mới mua được 5-10 tấn. Nghĩ làm ống thép không khó, các ông quyết định làm ống thép.
Năm 1992, công ty đầu tiên thành lập có tên là Công ty TNHH Thiết Bị Phụ Tùng Hòa Phát, “Hòa Phát” ở đây mang ý nghĩa “Hòa hợp” và “Phát triển”.
Đến giữa năm 2002, khi các công ty khác lấy tên thép Việt Mỹ, Việt Hàn, Việt Nhật, Việt Pháp, Việt Đức … rất nhiều thì ban lãnh đạo cũng định lấy tên ghép. Tuy nhiên nhận thấy hàng Việt Nam cũng đáng để tự hào nên chọn “Hòa Phát” để đổi tên cho các công ty, thống nhất một thương hiệu và đến năm 2007 thì Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ra đời.
Tiền góp vốn pháp định cũng phải đi mượn
Thuộc nhóm những công ty đầu tiên ra đời sau Luật doanh nghiệp năm 1990, ông Dương cho rằng mọi thứ không hề dễ dàng. Công ty phải qua phòng Thương mại và Công nghiệp quận Hoàn Kiếm làm hồ sơ, chứng minh tài sản, mượn tiền, góp vài chục triệu vào ngân hàng để phong tỏa tài khoản rồi xin giấy phép xác định nhận thân từng người.
Công ty phải mượn nhà Chủ tịch Trần Đình Long làm địa điểm vì doanh nghiệp thành lập phải có địa chỉ đăng ký, vốn pháp định, phải chứng minh vốn bằng cách đóng tiền vào ngân hàng, thậm chí đi mượn tiền người khác để đóng vào làm vốn pháp định.
Song, khó khăn cũng chính là cơ hội cho người biết làm và dám làm. Một doanh nghiệp muốn thành công phải “nhìn thấy cơ hội trong khó khăn”. Nhưng quan trọng hơn, để doanh nghiệp lớn và phát triển mạnh mẽ thì phải “làm đúng” và “làm tốt”.
Ông Trần Tuấn Dương cho rằng “Giá trị của Hòa Phát là đã bước chân vào ngành nào là phải làm tốt nhất. Đó thực ra là “sức cạnh tranh”. Làm ngành gì cũng phải quyết tâm đủ lớn mình có thể làm tốt nhất, nếu không được nhất thì cũng phải được “gần như là nhất”. Dù làm thiết bị phụ tùng hay nội thất, ống thép … nếu sức cạnh tranh vào loại tốt nhất hoặc vào nhóm tốt nhất thì sẽ không bao giờ chết, lợi nhuận sẽ đến. Làm tốt thì phần thưởng tự nó sẽ đến.”
Hướng đến doanh thu 100.000 tỷ
Bước sang tuổi 25, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho Hòa Phát triển khai dự án Khu Liên hợp Gang Thép Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi. Đây là dự án lớn, trọng điểm sau khi hoàn thành sẽ củng cố vững chắc vị thế số 1 của Hòa Phát trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi tại Việt Nam, tạo ra một diện mạo mới của tập đoàn, trở thành nhà sản xuất thép lớn trong khu vực và thế giới.
Mục tiêu của Tập đoàn khi triển khai dự án Dung Quất là đưa doanh thu của Tập đoàn đến 2020 đạt 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 3 lần so với 2016, trong đó mảng thép vẫn đóng góp chủ lực với trên 80%.
Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng đã triển khai nhiều dự án như Nhà máy tôn mạ màu Hòa Phát tại Hưng Yên, công suất 400.000 tấn/năm và dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2018; Nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên công suất 300.000 tấn/năm tại KCN Phố Nối A – Hưng Yên.
Hiện vẫn có lo ngại về sức tiêu thụ các sản phẩm đầu ra của Hòa Phát sau này. Tuy nhiên theo lời của Chủ tịch Trần Đình Long, “Hòa Phát giống như xe tăng, xe lu, cứ đường thẳng mà đi. Hòa Phát cẩn trọng, nhưng đã làm là nhanh, rất nhanh”. Ông Long tin rằng, đối với những nước đang trong giai đoạn “công nghiệp mới” như Việt Nam thì thép là ngành xương sống và vẫn nằm trong xu hướng đi lên. Và các nhà đầu tư vẫn đang tin tưởng vào điều đó.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn:cafef.vn