Người gầy dựng đế chế thời trang Uniqlo
Nhiều năm giữ vị trí người giàu nhất Nhật Bản, ông Tadashi Yanai, năm nay 69 tuổi, là một nhà lãnh đạo mẫu mực với sự kiên trì, tầm nhìn và phong cách quản lý Á Đông. Tầm nhìn đó đã biến ngành thời trang đường phố của thân phụ Kanichi Yanai trở thành kỹ nghệ thời trang nhanh Fast Retailing. Thương hiệu Uniqlo, ngọn cờ đầu của Fast Retailing từ Nhật Bản, nay có thể cạnh tranh ngang hàng với Zara của Inditex từ Tây Ban Nha và H&M của Hennes & Mauritz AB từ Thụy Điển.
Câu chuyện xây dựng đế chế thời trang không đơn giản. Trong mấy năm gần đây khi thị trường Mỹ gặp khó, giá nhân công tại Trung Quốc cũng tăng lên gấp đôi thì thời trang nhanh nhắm vào Đông Nam Á, đến Việt Nam như một nguồn cung lý tưởng cho thị trường may mặc thế giới.
Trào lưu thời trang nhanh (fast fashion) nổi lên mạnh mẽ trong những năm gần đây làm cho thị trường may mặc tăng trưởng gấp nhiều lần. Thời trang nhanh là cách gọi của các hãng thời trang để chỉ một chu trình sản xuất mới được nhanh chóng hình thành từ những ý tưởng của nhà thiết kế, đưa lên sàn diễn bởi những người mẫu, rồi tung ngay ra thị trường thành một làn sóng mua sắm. Người ta cũng gọi dòng sản phẩm này là thời trang bình dân, bởi nét đặc trưng của công nghệ thời trang nhanh là rút ngắn chu kỳ, sản xuất nhanh, bán giá thấp nhằm tạo nên phong trào rộng lớn và thậm chí người ta chỉ sử dụng mỗi món đồ chỉ một vài lần rồi giao lại cho các tổ chức từ thiện hay nhà buôn nhỏ mang đến các nước đang phát triển, hình thành nên thị trường “đồ sida”. Phần lớn đồ sida hiện nay được sản xuất từ các nhà máy ở châu Á, cung cấp cho thị trường thời trang nhanh ở các nước giàu có, rồi trở lại thị trường tiêu thụ cuối nơi các nước đang phát triển.
Nhắm tới sự hình thành đế chế trang phục
Thương hiệu Uniqlo đã trở thành một trong ba công ty thời trang nhanh gắn liền với Tadashi Yanai. Sinh ra và lớn lên tại Ube thuộc hạt Yamaguchi, rồi theo học và lấy bằng Cử nhân kinh tế chính trị năm 1971 tại Trường Đại học Waseda. Tadashi dành một năm bán áo quần tại siêu thị Jusco rồi gia nhập Ogori Shoji, công ty may mặc gia đình được Kanichi Yanai thành lập trước đó vào năm 1963 sau thời chiến tranh. Là cánh tay mặt của Kanichi, Tadashi dần chuyển hướng kinh doanh của Ogori Shoji từ những cửa hiệu may mặc đường phố thành một chuỗi cửa hàng bán lẻ trang phục thường ngày theo phong cách thời trang nhanh, bắt đầu từ Nhật Bản rồi mở rộng đến các nước khác, đồng thời phát triển và áp dụng công nghệ mới để cạnh tranh với các hãng thời trang nhanh chuyên nghiệp có tiềm lực hơn ở Mỹ và ở châu Âu. Năm 1984, Tadashi thay cha làm Chủ tịch, và cửa hàng thời trang nhanh Uniqlo đầu tiên ra đời tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản). Thành công của Uniqlo dẫn đến việc đổi tên công ty mẹ thành Fast Retailing kể từ 1991 và kể từ 2005 Uniqlo hoạt động dưới danh nghĩa một công ty con.
Lúc này kỹ nghệ thời trang nhanh đã trở thành nền nếp với những tên tuổi nổi tiếng như H&M, Zara, Gap, Peacocks, Primark, Xcel Brands, Topshop, và Tadashi biết rằng đã đến lúc phải mở ra thế giới để khai thác làn sóng tiêu dùng đầy tiềm năng này. Tadashi nói rằng không có xu hướng toàn cầu hóa, kỹ nghệ thời trang nhanh Uniqlo không có đất sống do thương hiệu này đã gần như bão hòa tại Nhật Bản và Uniqlo chỉ mới bắt đầu phổ biến tại các thị trường chính của châu Á. Trong số hơn 3.000 cửa hàng thời trang nhanh của Uniqlo đã thiết lập tính đến năm 2016 thì 837 được đặt tại Nhật, 472 tại Trung Quốc và 394 tại các nước châu Á khác. Cái tên Uniqlo thực ra là một nhầm lẫn: công ty đã từng sử dụng tên Unique Clothing Warehouse vào các năm 1980, với phiên bản rút ngắn Uniclo. Nhưng khi đăng ký tại thị trường Hồng Kông, thương hiệu đã bị ghi sai từ Uniclo thành Uniqlo. Tadashi nói rằng ông thấy hài lòng, nhưng với Fast Retailing có thể là một vận may khi không dễ để cạnh tranh trên một thị trường đã đầy ắp những nhà sản xuất thời trang nhanh.
Sau một chuyến đi Mỹ, Tadashi áp dụng mô hình dọc của Gap vào Uniqlo, theo đó công ty tự thực hiện khâu thiết kế và sản xuất sản phẩm của mình thay vì thuê ngoài tất cả các dịch vụ, ngoại trừ việc gia công sản phẩm gọi là nguồn cung. Điểm mấu chốt này giúp giảm chi phí hàng hóa và tăng lợi nhuận. Trong danh sách vừa công bố 184 công xưởng gia công dài hạn cho Fast Retailing, cung cấp đến 80% số mặt hàng cho Uniqlo thì phần lớn nằm ở Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh. Thị trường lao động Việt Nam được hưởng lợi với việc chính quyền Tổng thống Donald Trump với quyết định đánh thuế đến 35% trên những sản phẩm không được sản xuất tại Mỹ, và muốn duy trì tiềm năng cạnh tranh ở Mỹ, Tadashi buộc phải tìm thêm nguồn nhân công giá rẻ hơn tại Trung Quốc.
Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cho biết hiện tại giá nhân công tại Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và điều này không lạ khi lượng hàng gia công tại các nhà máy Việt Nam đã tăng lên 40% chỉ sau hơn một năm, kể từ tháng 2-2017.
Thương hiệu Uniqlo có thể cạnh tranh với Zara và H&M.
Thời trang nhanh thay đổi khôn lường
Tuy nhiều năm giữ vị trí người giàu nhất Nhật Bản, nhưng giá trị tài sản của Tadashi thay đổi rất nhanh thể hiện bản chất cạnh tranh mang tính mùa vụ của kỹ nghệ thời trang nhanh. Trang independent.co.uk cho biết có ngày tài sản của Tadashi biến mất 1,4 tỉ đô la do cổ phiếu Fast Retailing tuột dốc 6,7%, mà nguyên nhân chỉ là mùa đông năm đó ấm hơn, lượng hàng bán cho mùa lạnh đã phải giảm đi 5%. Hãng tin Bloomberg cho biết năm 2014 Tadashi là người giàu nhất Nhật Bản, đứng hàng thứ 35 những người giàu nhất thế giới với tài sản lên đến 17,6 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn mức 19,9 tỉ của năm 2009. Ông Tadashi vẫn được đánh giá là nhà kinh doanh giỏi nhất Nhật Bản, nhưng khối tài sản gần như đang thu lại với 15,4 tỉ đô la trong năm 2016 và 15,1 tỉ đô la vào năm 2017 thể hiện sự thay đổi khôn lường trong kỹ nghệ thời trang nhanh. Nhiều lần Tadashi đã phủ nhận Uniqlo là một công ty thời trang nhanh mà là một công ty công nghệ, vì thực tế là Fast Retailing đã phát triển từ những cửa hiệu trang phục thường ngày trên phố. Nhưng việc định vị thị trường thời trang làm hai, thời trang đắt giá và thời trang rẻ tiền đã buộc Uniqlo phải áp dụng những kỹ năng thời trang nhanh như một sự lợi thế cạnh tranh.
Khác với các công ty thời trang hàng đầu khác tạo ra xu hướng và rồi triển khai thật nhanh. Uniqlo không tạo ra xu hướng mà chủ yếu tập trung vào trang phục thường ngày, và thỉnh thoảng liên kết với các nhà thiết kế hoặc linh hoạt hợp tác với những tên tuổi lớn trong ngành thời trang như Jil Sander, J.W. Anderson, Alexander Plokhov, Jun Takahashi. Theo một cách nhìn khác, Tadashi đã nhìn thấy một thị trường may mặc khi những phụ nữ trong gia đình bỏ việc nội trợ để đến văn phòng hay công xưởng. Thị trường của Fast Retailing nhờ thế mở rộng, hết nước này sang nước khác, chủ yếu ở châu Á nơi từ lâu những người phụ nữ lo việc may mặc gia đình. Uniqlo đáp ứng tất cả những nhu cầu thời trang bình dân đó, bao gồm các kiểu mặc thường ngày và áo quần công sở, bao gồm cả những đồ ấm, đồ lót và những phụ kiện. Với giá rẻ lại có sẵn nơi các cửa hàng, việc các thị trường bình dân chấp nhận Uniqlo và các thương hiệu khác của Fast Retailing là điều dễ hiểu.
Trong khi cố đưa Uniqlo tiến lên thành một đế chế cạnh tranh với Zara và H&M thì Fast Retailing vẫn đa dạng hóa sản phẩm bằng rất nhiều nhãn hiệu khác, từ GU đến Theory, Helmut Lang, J Brand, Comptoir des Cotonniers và Princesse Tam-Tam, và nhiều khi cũng mua lại các nhãn hiệu quốc tế khác. Tadashi nói: “Mỗi một nhãn hiệu là một bài học mới cho tôi, từ những kiểu mẫu khác nhau đến những nội dung văn hóa thay đổi”. Tadashi luôn theo đuổi tham vọng vượt qua những thương hiệu thời trang nhanh hàng đầu, từ Zara đến H&M, và đặt mục tiêu 2020 cho Fast Retailing là 5.000 tỉ yen, khoảng 45 tỉ đô la. Đây có thể là một tham vọng có thể quá lớn. Nhưng giám đốc tài chính của Fast Retailing Takeshi Okazaki cho biết thị trường nước ngoài đang qua mặt thị trường nội địa kể từ 2016. Ông giải thích thêm, những công ty thời trang nhanh hàng đầu đã nổi lên từ trị trường Âu châu, nhưng nay là thời của thị trường châu Á.
Cạnh tranh không đối đầu
Người ta không lạ khi Tadashi coi thị trường châu Á là chìa khóa để xây dựng đế chế Uniqlo, và cũng không lạ khi Uniqlo nhắm đến thị trường Đông Nam Á như một nguồn cung và cũng là nơi tiêu thụ với tham vọng nâng mức đóng góp của khu vực này từ 10% hiện nay lên 30% trong năm năm tới. Khi Uniqlo phải cạnh tranh bằng dòng thời trang thực dụng may mặc hàng ngày dù là ở nhà, đi du lịch hay đến công sở, và khi Uniqlo đang nắm lợi thế về gần gũi văn hóa với các dân tộc Á Đông cùng tâm lý của giới trẻ tại đó thì châu Á thực sự là một thị trường tiềm năng nhất của Fast Retailing. Từ khi đặt chân lên Anh Quốc trong năm 2004 Tadashi đã học được những bài học thất bại, và kể từ 2016 Tadashi phải suy gẫm về việc làm cách nào giữ được thị trường Mỹ khi các khoản thuế đánh lên hàng hóa sản xuất từ nước ngoài lên cao. Những nguồn cung rẻ nhất, bây giờ có thể là Việt Nam, Indonesia hay Campuchia, và thị trường trung tâm vùng Đông Nam Á chính là Singapore nơi mà lượng khách du lịch ngang bằng với dân số, chính vì thế mà Uniqlo đã thiết lập cơ sở tại đó, ở Orchard Central.
Tadashi tỏ ra tránh đối đầu với Inditex và coi Zara là nguồn cảm hứng cho Uniqlo. Tadashi tự nhận bản chất của Fast Retailing là trang phục hàng ngày (casual wear) trong khi coi Zara là dòng thời trang (fashion), mặc dầu người ta khó nhận ra sự khác biệt giữa hai tập đoàn may mặc này, đặc biệt khi Uniqlo tìm cách đuổi kịp Zara về chu kỳ cung ứng cho một kiểu may mặc là 13 ngày. Cách suy nghĩ này làm cho Uniqlo bớt bận tâm đến những tuần lễ thời trang đang được tổ chức khá thường xuyên tại London và Paris. Tadashi nói: “Zara bán hàng thời trang chứ không phải nhắm đến nhu cầu người tiêu dùng. Còn chúng tôi bán cho họ những nhu cầu hằng ngày, và làm được thế là nhờ luôn nghe ngóng sở thích thị hiếu của họ”. Ông nói tiếp: “Rõ ràng là chúng tôi có thể cạnh tranh với nhau, nhưng tôi tin là chúng tôi đang bổ túc cho nhau”. Trên thực tế Zara thiết lập giá bán khác nhau tùy theo khả năng chi trả của người mua tại mỗi thị trường, trong khi H&M và Uniqlo lại trung thành với chuẩn mực giá rẻ ở mọi nơi.
Để luôn giữ được mức giá rẻ không phải là điều dễ dàng một khi chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm phải luôn được nâng cao. Cũng như Zara hay H&M, Uniqlo áp dụng thành công công nghệ đáp ứng nhanh Quick Response, gọi là QR Code. Thực ra công nghệ này đã bắt đầu từ Mỹ trong những năm đầu 1980 khi ngành may mặc nước này đối phó với làn sóng hàng hóa giá rẻ ngoại nhập. Nhưng QR Code sau đó lại rất thích hợp với kỹ nghệ thời trang nhanh, nơi mà việc tạo ra thiết kế mới, sản phẩm mới phải được cập nhật nhanh nhất trong một chuỗi dây chuyền cung ứng phức tạp và vì thế ngày nay QR Code không còn là công cụ bảo hộ cho ngành may mặc của Mỹ nữa. Trong thị trường 3.000 tỉ đô la đồ may mặc hiện nay thì khuynh hướng trang sức thể thao du lịch (athleisure) đang dẫn đầu, tiếp theo vẫn là các cửa hiệu may mặc nhỏ đường phố, nhưng thời trang nhanh đang bùng phát tại các nước mới nổi, và cuộc cạnh tranh nay thiên về công nghệ, đặc biệt là bán hàng trực tuyến.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: thuongtruong24h.vn