Những đại gia Việt “trả ơn” cho quê hương
Những đại gia Việt “trả ơn” cho quê hương: Phạm Nhật Vượng đầu tư lớn cho Hải Phòng, Johnathan Hạnh Nguyễn bỏ cả trăm tỷ vun đắp cho vùng đất nuôi ông khôn lớn, Vũ Trung Nguyên đầu tư hết cho quê nhà Đắk Lắk.
Có 3 sản phẩm Việt Nam mà bạn vào siêu thị nào ở TQ cũng thấy, đó là cà phê G7 của chú Vũ Trung Nguyên, thanh long Phan Thiết và mít sấy Vinamit của chú Lâm Viên.
Điều khá đặc biệt là chú Vũ Trung Nguyên lẫn chú Viên Vinamit đều chọn trở lại quê nhà để sinh sống sau thời gian vẫy vùng khắp nơi.
Với các chú, việc bỏ chục triệu đô để sở hữu quốc tịch hay lâu đài ở nước ngoài là điều vô cùng dễ dàng, vì đó là tiền làm ra từ tài năng trí tuệ và công sức của các chú. Tài năng tạo sản phẩm, nước nào cũng chào đón hết. Nhưng các chú đã chọn con đường phát triển quê hương.
Chú Vũ đã đầu tư một khu sinh thái Dubai rất lớn ở huyện cũ M’drak (Đắk Lắk), hiện chưa hoạt động như khi đi vào hoạt động, người dân địa phương sẽ hưởng lợi về việc làm lẫn cung cấp nguyên liệu thức ăn.
Khoa Y và khoa nông nghiệp Đại học Tây Nguyên, nơi học cũ của chú ấy, sẽ được đầu tư phát triển thành Đại học Y, ĐH Nông nghiệp.
Còn chú Viên thì về quê nhà Lâm Đồng với căn nhà xinh đẹp ven hồ, bắt tay dự án nông nghiệp hữu cơ để những bạn trẻ học ngành nông nghiệp ra có cơ hội thi thố tài năng.
Mong chú Viên dành thời gian đến Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin và cao đẳng nghề Đà Lạt hỗ trợ máy móc thiết bị nhà kính nhà lưới phòng thí nghiệm….vì ở đây đều có khoa nông nghiệp, khoa công nghệ sinh học và có rất nhiều sinh viên vô cùng dễ thương, ham học.
Họ cũng giống như chú Thanh Mỹ ở Trà Vinh, bỏ cả đất nước lá phong Canada trở về làng cũ ở Trà Vinh, xây nhà máy trong mơ, còn sắp xếp thời gian đi dạy ở khoa Hoá Đại học Trà Vinh, giúp bao nhiêu người trẻ đổi đời.
Đại học Trà Vinh gần đây đã đột phá rất mạnh, có khoa Y, có bệnh viện ĐH Y dược, có nhiều hợp tác quốc tế và rất nhiều nhân tài trở về theo dấu chân chú.
Chú Johnathan Hạnh Nguyễn thì mới vừa bỏ 115 tỷ để quy hoạch vịnh Vân Phong, nơi sinh ra và lớn lên cả tuổi thơ của chú ấy, sau sân bay Cam Ranh 4.000 tỷ và nhiều dự án với Đại học Nha Trang.
Nha Trang sẽ có Đại học Bách Khoa Nha Trang, Đại học Y khoa Nha Trang, Đại học du lịch Nha Trang, Đại học Kiến trúc Nha Trang….để đáp ứng cho thành phố với Vân Phong, dự kiến sẽ thu hút khoảng 60 tỷ đô la tiền các tập đoàn lớn nhất thế giới đang rót vào. Và chú Hạnh cũng dành phần lớn thời gian của mình để sống lại nơi quê cũ, ăn bún cá mỗi chiều thì cuộc đời thật thú vị.
Gia đình chú Jonathan Hạnh Nguyễn cũng đã đồng hành tích cực trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam với hàng chục tỷ đồng được chi ra để mua trang thiết bị ủng hộ cho đội ngũ y, bác sĩ.
Và đang có nhiều tinh hoa nữa của đất Việt đang từng bước xây nước quê nhà nở hoa. Họ đã chọn cống hiến và phụng sự, vị tha (vị tha có nghĩa là “vì người khác”, tha trong chữ tha nhân, tha phương).
Chú Vượng đã đầu tư đại bản doanh Vinfast ngay quê cũ Hải Phòng, và Đại học Hải Phòng đang thành Đại học Quốc tế lớn, thì Huế vẫn còn đang đợi chú Dương Trường Hải Thaco làm cái gì đó thật lớn.
Và bao nhiêu quê cũ đang đợi chúng ta trở về xây dựng, để bà con cùng giọng nói với mình cùng sung túc, phồn vinh.
Về thôi các bạn. Đem hết tiền của sức lực trí tuệ mà biến đất hoang thành những làng mạc trù phú, những bãi đất trống không trồng trọt được thành những nhà máy kiêu hãnh của một Việt Nam hoá rồng.
“Quê hương giản dị chẳng đâu xa
Bãi mía vườn rau với ruộng cà
Khóm trúc bờ đê chiều nhạt nắng
Dập dờn sóng lúa hát ngân nga.
Quê hương mãi mãi ở trong ta
Dẫu có tha phương biệt mái nhà
Đất Tổ là gì ai cũng hiểu
Như là chỉ một Mẹ và Cha.”
(Trúc Quỳnh).
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Nguồn: ONLINE66MEDIA