Trung Tướng Đồng Sỹ Nguyên: Mỗi ngày trôi qua không có sáng tạo, đổi mới sẽ lạc hậu

0

Nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng (3.2.1930 – 3.2.2015), phóng viên Báo Lao động đã có buổi gặp gỡ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, một đảng viên hơn 75 năm tuổi Đảng.

Dong Sy Nguyen

Từng nhiều năm gắn bó với con đường Hồ Chí Minh lịch sử, trở về với đời thường, Tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn quan tâm tình hình đất nước, trăn trở với sự nghiệp phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Trong chiến tranh, những quyết sách táo bạo của ông trên đường Trường Sơn đã tạo ra bước chuyển có ý nghĩa chiến lược trong vận tải chi viện cho chiến trường và giảm thiểu thương vong cho bộ đội bao nhiêu thì ngày nay, ông càng phấn khởi bấy nhiêu khi con đường Hồ Chí Minh hiện đại, xóa đói, giảm nghèo để phát triển đất nước mà trước đó ông từng bao năm trăn trở đã trở thành hiện thực.

Vẫn giữ tác phong người lính

Tướng Đồng Sỹ Nguyên đón bình minh của một ngày mới khá sớm. Ông thường dậy rất sớm, tập thể dục, hít thở nhẹ nhàng, ăn sáng giản đơn và bắt đầu chăm chú đọc sách báo, theo dõi tình hình quốc tế và đất nước. Anh Nguyễn Sỹ Hưng – con trai ông – kể: “Tuy đã rời quân ngũ hàng chục năm, ba tôi vẫn luôn giữ tác phong, giờ giấc của một người lính. Từ chế độ làm việc, tiếp khách, đọc báo, đến giờ giấc tập thể dục và giờ ăn. Trừ những lý do đặc biệt, ngày nào ba tôi cũng ăn sáng vào lúc 7h, ăn trưa vào lúc 11h và ăn tối vào lúc 18h, không sai một phút. Đó là “thời gian biểu” rất chính xác của ba tôi”.

Khi chúng tôi đến, vì có hẹn trước, đã thấy ông chỉnh tề trong chiếc sơ mi màu bộ đội giản dị, ung dung đọc báo trong phòng khách rất đơn sơ. Vẫn bộ bàn ghế dùng từ những năm 1980. Kiến trúc, bài trí căn phòng giữ nguyên như những năm ông đang làm việc, chính giữa là bức hình: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của họa sĩ Huy Oánh, bên cạnh là bức ảnh chụp tướng Đồng Sỹ Nguyên đang báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi chuẩn bị chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971. So với những năm trước, căn phòng chỉ có thêm tấm bằng ông nhận Huân chương Sao vàng năm 2007 và những tấm bằng ghi nhận đảng viên 70 và 75 năm tuổi Đảng mà ông mới nhận. Căn phòng khách đơn sơ này từng chứng kiến rất nhiều buổi gặp gỡ đáng nhớ, từ những người dân bình thường, các cựu chiến binh, các vị khách nước ngoài, các nhà báo, nhà làm phim đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Trò chuyện với phóng viên Báo Lao động, ông ân cần hỏi thăm, chúc sức khỏe CBNV trong tòa soạn và sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện đời thường, ấm áp. Mặc dù 2 năm nay, sức khỏe ông không được tốt, nhưng mỗi khi các nhà báo trong và ngoài nước đến gặp, ông luôn chú ý lắng nghe và trả lời đầy đủ, ngắn gọn, khúc triết tất cả mọi vấn đề. Chúng tôi hiểu rằng, đó là tác phong làm việc của một vị tướng từng chỉ huy cả một đội quân hàng chục vạn người, đấu trí với các tướng lĩnh của đội quân vẫn được coi là “hùng mạnh nhất thế giới”. Đó cũng là cách để ông chuyển tải những suy nghĩ của mình về các giá trị truyền thống, về thời cuộc, góp phần giáo dục các thế hệ thanh niên.

Tiếp tục những con đường huyền thoại

Mặc dù tuổi đã ngoài 90, nhưng ông vẫn minh mẫn, nhớ lại đầy đủ các chi tiết, kể cả các câu chuyện đã xảy ra từ hơn 80 năm trước. Vẫn nhận ra ở ông tác phong giản dị, trầm tĩnh luôn lắng nghe câu chuyện để nắm bắt bản chất của vấn đề, hơn là nói theo kiểu mệnh lệnh của một người từng làm tướng chỉ huy hàng vạn con người…

Cả tuổi trẻ quên mình phụng sự tổ quốc, khi về nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, tình nghĩa. Ông là thành viên tích cực tham gia sáng lập và là chủ tịch danh dự của Ban liên lạc CCB Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh. Ông cũng là người tích cực tuyên truyền, tập hợp các hội viên tham gia, thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và phát huy truyền thống của bộ đội Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh.

Gắn bó với Trường Sơn, hơn ai hết ông luôn hiểu giá trị cao cả những hy sinh xương máu của các chiến sĩ đã ngã xuống và hậu quả mà chiến tranh để lại đến tận hôm nay. Ông chính là người chỉ đạo và trực tiếp điều hành quá trình tìm kiếm vị trí, thiết kế, xây dựng nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn sao cho có ý nghĩa, có tầm vóc, xứng đáng để mãi mãi tri ân những hy sinh, mất mát của các anh hùng, liệt sĩ. Ngày nay, công trình nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn đã hoàn thành đúng như tâm nguyện của ông, là một địa chỉ đỏ, hàng năm đón hàng chục ngàn du khách và các đoàn đại biểu đến viếng thăm, thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ bộ đội Trường Sơn.

Ông còn trực tiếp chỉ đạo để sáng lập quỹ hỗ trợ các thương, bệnh binh và gia đình các chiến sĩ Trường Sơn nhiễm chất độc da cam, kêu gọi các nguồn lực xã hội để ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cũng như hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. “Thảm họa da cam vẫn còn đó, là nguyên nhân gây nên biết bao thảm cảnh cho người dân Việt Nam. Sự thật phải được lên tiếng. Công lý phải được tôn trọng. Đó là tiếng gọi của cuộc sống, của lương tri và lẽ phải” – ông trăn trở.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên chia sẻ, dường như sự nghiệp của ông luôn gắn với những con đường. Suốt thời chiến tranh, ông như người “kiến trúc sư trưởng” đưa ra các ý tưởng lớn để hình thành con đường chi viện chiến lược, đưa phương tiện cơ giới vào vận chuyển quy mô lớn trên đường Trường Sơn, thiết lập ra hệ thống đường Trường Sơn với hàng vạn kilômét đường, hàng nghìn kilômét đường ống dầu, triển khai đội hình vận tải cấp Sư đoàn với sự tham gia của các binh chủng hợp thành. Một nhà báo Pháp đã đánh giá, đó là “trận đồ bát quái trong rừng Trường Sơn”, đóng góp to lớn cho công cuộc chi viện miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi hòa bình, trên cương vị đứng đầu ngành xây dựng, giao thông vận tải, rồi Phó Thủ tướng, sau đó là đặc phái viên của Chính phủ, chỉ đạo chương trình 327, ông tiếp tục triển khai những ý tưởng về quy hoạch, xây dựng hệ thống các công trình năng lượng, hạ tầng giao thông và trồng cây, phủ xanh đất trống đồi trọc của cả nước. Rất nhiều con đường, cây cầu, hạ tầng năng lượng, giao thông và những cánh rừng xanh bạt ngàn vẫn ghi đậm dấu ấn của ông.

Không chỉ ở quê hương Quảng Bình mà nhiều người khi biết về cuộc đời giản dị của vị tướng trận đã nói lên suy nghĩ rằng: “Ông Nguyên đi trồng rừng, xây cầu, xây đường khắp nơi, riêng về quê vẫn phải qua hai lần đò…”. Đúng vậy, mỗi khi về quê, ông phải bỏ xe ôtô bên thị xã Ba Đồn và xắn quần lội sông, hai lần đò qua hai nhánh sông Gianh để về xã Quảng Trung, Quảng Trạch.

Tướng Nguyên bồi hồi nhớ lại câu chuyện gắn với một kỷ niệm buồn, vào đêm giao thừa năm Kỷ Sửu (2009), cả nước bàng hoàng khi quê ông (Quảng Bình) xảy ra tai nạn đắm đò thương tâm, làm hàng chục người thiệt mạng. Khi nhận được tin dữ, rất nhiều bà con quê hương Quảng Bình đã gửi gắm tâm thư cho ông về khát vọng hoàn thành cây cầu tại xã Quảng Hải qua sông Gianh. Những góp ý tâm huyết của tướng Nguyên với các cơ quan chuyên môn liên quan đã thúc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cây cầu vào năm 2009.

Dạy con cháu bằng lẽ sống giản dị

Cả cuộc đời Tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn lấy phương châm thuyết phục cấp dưới bằng chính những hành động gương mẫu của mình, ông hầu như không bao giờ nặng lời với họ. Giờ đây, khi trở về sống bên con cháu, ông cũng không bao giờ ra mệnh lệnh hay nặng lời. Nhưng, bằng lẽ sống giản dị của mình, ông để lại bài học sâu sắc cho con cháu và mọi người xung quanh.

Bài học lớn nhất mà con cháu nhận được từ Tướng Nguyên chính là cuộc đời chinh chiến, sẵn sàng hy sinh tất cả cho tổ quốc. Chính là tác phong, trách nhiệm, tính sáng tạo trong công việc và nếp sống thanh cao, giản dị, nhân văn. Anh Hưng cho biết, hiểu được mong muốn của cha, cả mấy anh em đều tiếp nối truyền thống gia đình quân nhân, xung phong đi bộ đội, sẵn sàng lên đường phục vụ tổ quốc. Trong đó, người con trai thứ tư, Đại đội trưởng pháo binh Nguyễn Tiến Quân, sau khi tham gia trong đội hình Quân đoàn 1, giải phóng miền Nam, đến năm 1979 đã hy sinh anh dũng ở biên giới phía bắc. Đến bây giờ, khi nhắc lại, các con của Tướng Nguyên đều xúc động trước lựa chọn của bản thân theo con đường của bố.

Ngày nay, những câu chuyện thời “chinh chiến” vẫn được tướng Nguyên kể cho cháu con nghe trong những buổi gia đình gặp mặt và thật mừng khi luôn có ý nghĩa thực tiễn cho thế hệ hôm nay. Tướng Nguyên luôn nhắc nhở: “Làm người quản lý, lãnh đạo, phải luôn đặt lợi ích đất nước lên trên, phải biết sáng tạo, đổi mới. Mỗi ngày trôi qua, không có gì mới sẽ lạc hậu ngay”.

Với tuổi trẻ, ông gửi gắm ý nguyện: “Trong chiến tranh, tuổi trẻ phải sẵn sàng lên đường bảo vệ tổ quốc. Trong thời bình, tuổi trẻ cần tập trung học tập, đi thẳng vào những kiến thức mới nhất, những tiến bộ khoa học – kỹ thuật hiện đại nhất của nhân loại và rèn luyện tác phong thực tế, đó là con đường ngắn nhất đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo”. Anh Nguyễn Sỹ Hưng nhớ lại: “Tư tưởng nhân văn ấy của ba đã giúp tôi định hướng rõ ràng, khi tôi cùng ban lãnh đạo Vietnam Airlines quyết định lựa chọn công nghệ máy bay mới nhất cho Hãng Hàng không Quốc gia”.

Những người đồng đội cũ, đồng chí, đồng bào luôn tự hào, nói về ông với những lời ngợi ca. Trở về với đời thường, ông chân thành và giản dị với bà con khu phố, nghĩa tình với đồng đội, đồng chí, ân cần chăm sóc và động viên người vợ, người bạn đời bị bệnh nặng, nghiêm khắc nhưng ấm áp, bao dung với con cháu. Cuộc sống của ông càng khiêm nhường bao nhiêu thì những dấu ấn con đường của ông với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và phát triển đất nước hôm nay càng có ý nghĩa bấy nhiêu.

Giống như tên cuốn sách hồi ký tổng kết cả cuộc đời mình: “Trọn một con đường”, Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đi trọn con đường theo Đảng, theo Bác, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp của đất nước. Nay, ông vẫn đóng góp trí tuệ của mình, viết tiếp những con đường huyền thoại đẹp mãi trong lòng dân tộc.

Thegioibantin.com | VinaAspire News

N guồn: http://laodong.com.vn/chinh-tri/trung-tuong-dong-sy-nguyen-moi-ngay-troi-qua-khong-co-sang-tao-doi-moi-se-lac-hau-293242.bld

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ