Tuổi thơ khó nhọc, lăn lộn làm đủ nghề trước khi gây dựng “đế chế” về thẩm mỹ, doanh nhân Thu Hoài dạy con: “Không cái gì tự dưng mà có ở trên đời”
CEO Khơ Thị – Nguyễn Thị Thu Hoài – tự hào vì tạo cho con thói quen tự lập một cách đúng nghĩa, dạy chúng biết quý trọng giá trị của từng xu lẻ trước khi biết tới những điều hào nhoáng khác.
Con đường gây dựng nên cơ nghiệp ngày hôm nay của bà Thu Hoài vốn không trải hoa hồng. Đang sống trong nhung lụa, người đẹp sinh năm 1976 bất ngờ bị ném vào vũng đen tăm tối vì cha mẹ rạn nứt. Từ một đứa trẻ ngậm thìa bạc, biến cố xảy ra khiến bà phải ngửa tay xin từng đồng bạc lẻ của họ hàng để đóng học phí.
Không chịu được cảnh nghèo túng, nữ doanh nhân bỏ học và bắt đầu công việc rửa chén tại các nhà hàng để trang trải cuộc sống. Sau thời gian cần mẫn làm việc, Thu Hoài được một người Đài Loan ngỏ ý giúp đỡ. Không suy nghĩ nhiều, cô gái trẻ lúc bấy giờ thẳng tiến ra nước ngoài mưu sinh và mở được nhà hàng Việt cho riêng mình khi chưa đầy 21 tuổi.
Rồi cơ duyên đưa nữ doanh nhân tới với ngành thẩm mỹ. Những năm đầu tiên, bà làm tại một công ty chuyên về thẩm mỹ, đó chính là nền tảng để bà hiểu được những điều cần thiết để có thể thành công trong lĩnh vực làm đẹp. Từng bước tìm kiếm cơ hội tu nghiệp nâng cao tay nghề tại Singapore, Malaysia và Nhật Bản, Thu Hoài trở về Việt Nam, bắt tay mở Khơ Thị…
Trên thương trường, Thu Hoài nổi tiếng là một doanh nhân mềm mỏng nhưng quyết liệt. Còn trong gia đình, bà là một người mẹ thân thiết nhưng không kém phần nghiêm khắc với 3 đứa con.
Vì đã nếm đủ cả tuổi thơ giàu có, đến tuổi thanh xuân vất vả và trải qua quá nhiều biến cố trong cuộc sống, cái nhìn của Thu Hoài về tiền bạc, địa vị cũng như thái độ sống rất thực tế và đáng tin cậy. Cách nuôi dạy con của nữ doanh nhân cũng được nhiều bậc cha mẹ đồng tình.
Mới đây, Phúc Tín, con trai lớn của bà Thu Hoài được một số diễn đàn mạng đưa vào nhóm “richkid” – (con nhà giàu). Trên trang cá nhân, nữ doanh nhân cho rằng, điều đó cho thấy con trai cũng được mọi người quan tâm nhưng bà thích “có sao thì sống vậy”, vì không có gì thoải mái bằng sống đúng với con người mình, làm điều mình muốn, chứ không ráng gồng lên cho giống ai đó.
“Cuộc đời mà, cứ mải miết so sánh, hơn thua hay cố biến mình thành người khác, cuộc sống sẽ mệt mỏi và vô vị lắm. Tôi chứng kiến nhiều người cứ loay hoay không cách nào thoát khỏi cái nhà tù sành điệu tự tạo. Giàu hay nghèo, thượng lưu hay bình dân thì con người ta cũng chỉ có một cuộc đời thôi. Sống cuộc đời cho chính mình chứ đừng sống vì ánh mắt nhìn từ người khác” – nữ doanh nhân chia sẻ.
Câu chuyện “richkid” dưới góc nhìn của Hoa hậu Phu nhân người Việt Thế giới nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng. Tới nay, bài viết đã thu hút 11 nghìn lượt bấm yêu thích, hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ.
Bà Thu Hoài viết: “Chuyện richkid không mới, cũng không có lạ lẫm gì. Nhưng đó là chuyện bên ngoài xã hội. Ở trong căn nhà của mấy mẹ con tôi, khái niệm đó không bao giờ tồn tại.
Bữa trước thấy trên một trang mạng người ta hỏi thông tin về Tin (Phúc Tín – con trai cả của doanh nhân Thu Hoài – PV), liệt kê Tin vào danh sách richkid, thiệt tình tôi chỉ muốn đính chính lại rằng: Tin ko phải “kid” và cũng chưa bao giờ “rich”. Khi nào bản thân cậu ấy tự kiếm ra rất nhiều tiền, khi đó Tin mới có thể làm quen với khái niệm giàu.
Còn không bao giờ có chuyện vì cha mẹ có tiền nên nghiễm nhiên con sẽ được là thiếu gia, sẽ được sống cuộc sống xa hoa nhung lụa không mảy may lo lắng bạc tiền. Đó là chuyện của ai đó, chứ nhất định không phải chuyện của gia đình nhà tôi.
Thứ duy nhất tôi luôn hào phóng ở mức tối đa với đám trẻ, đó là chi phí dành cho việc học hành. Tôi sẵn sàng bỏ tiền để con được học trong những môi trường tốt nhất, phù hợp nhất, nhưng là với điều kiện chúng phải chứng tỏ mình xứng đáng với những gì mẹ đã bỏ ra.
Nữ doanh nhân không tiếc tiền để con được học trong môi trường tốt nhất. Thu Hoài có 3 người con, 2 trai 1 gái, Phúc Tín (ngoài cùng bên trái) là con cả của bà. Sau khi du học về nước, Tín bắt đầu công việc marketing cho chuỗi cửa hàng mới của mẹ.
Tôi cũng không có khái niệm về chuyện trường nào đẳng cấp, trường nào danh tiếng, mà chỉ quan tâm xem liệu đó có phải nơi phù hợp nhất với khả năng của con mình. Đầu tư vào giáo dục không đơn giản, nhưng nó là khoản đầu tư tôi nghĩ mọi bậc cha mẹ đều nên cân nhắc. Nếu có thể hào phóng với con, hãy hào phóng với chúng ở những khoản chi dành cho học tập và môi trường giáo dục.
Còn lại, những thứ tạo nên một “richkid” như quần áo hàng hiệu, siêu xe, phụ kiện tiền tỷ hay những thứ đại loại như vậy tất nhiên vẫn có thể hiện diện trong cuộc sống của con cái tôi, với điều kiện tiên quyết là chúng phải tự mua sắm lấy. Còn mẹ ư? Không bao giờ có chuyện mẹ vung tiền tạo ra một richkid trong gia đình mình cả, kể cả khi điều đó nằm trong khả năng của mẹ!
Tôi không đánh giá hay nhận xét gì về cách chiều chuộng con của những ông bố, bà mẹ có điều kiện khác. Mỗi người mỗi lựa chọn, riêng tôi thì chọn cách để con biết kiếm tiền trước khi biết tiêu tiền, biết làm việc trước khi được hưởng thụ và tuyệt đối không có khái niệm ỷ lại vào người khác. Muốn trở thành ai cũng được, miễn là tử tế và dựa vào chính nỗ lực của mình!
Tôi không phải một bà mẹ quá tâm lý hay hiểu biết, những cái tôi dạy con cũng không cao siêu hay lớn lao gì. Thứ tôi bắt con phải làm quen từ nhỏ là lao động, bắt chúng hiểu rằng không có cái gì tự dưng mà có ở trên đời. Ba con tôi đều từng làm việc trong quán ăn, quán trà của mẹ, không phải với tư cách là tiểu thư công tử làm quen với công việc, mà là nhân viên thời vụ chính hiệu. Làm tốt có thưởng, làm sai bị phạt như mọi nhân viên khác và tất nhiên, tiền kiếm được sẽ dùng để trang trải các khoản sinh hoạt cá nhân. Tôi tự hào vì đã tạo cho con thói quen tự lập một cách đúng nghĩa, dạy chúng biết quý trọng giá trị của từng xu lẻ trước khi biết tới những điều hào nhoáng khác.
Tôi rất hiếm khi ép con phải như thế này, như thế nọ. Chúng được quyền tự do trưởng thành trong chừng mực nhất định, được làm nhiều điều theo sở thích và tôi tôn trọng mong muốn của con. Điều duy nhất tôi áp đặt nghiêm khắc đối với chúng là cách cư xử, không chỉ với người nhà mà là với tất cả những ai chúng gặp ngoài xã hội. Biết lễ phép với người lớn, biết tôn trọng người khác và đặc biệt, tuyệt đối không được phép coi thường bất cứ ai.
Từ chị giúp việc trong nhà cho tới anh lái xe, chú bảo vệ hay người bán hàng rong ở ngoài đường, chúng phải học cách tôn trọng và cư xử với họ một cách đúng mực. Các con tôi phải ghi nhớ rõ một điều: Bản thân chúng không hề ưu việt hơn ai và ngay cả khi có ưu việt, thành công hơn thì điều đó cũng không đồng nghĩa với chuyện chúng được phép lên mặt cùng ai khác.
Sống khiêm tốn, hoà đồng, biết trân trọng người khác là nền tảng cơ bản nhất của một người tử tế. Và tôi mong muốn điều đó nhất ở các con mình, chứ không phải điều gì khác cả. Cha mẹ không thể quyết định sự nghiệp hay tương lai sau này cho con cái, nhưng hoàn toàn có thể tặng cho chúng hành trang cơ bản nhất để bước vào đời.
Tôi không tặng con hàng hiệu hay tiền bạc, tôi chỉ trang bị cho chúng sự tự lập và thói quen cư xử từ khi còn là đứa trẻ. Chúng không thể là richkid khi còn nhỏ, nhưng có thể trở thành một richman khi trưởng thành nếu biết nỗ lực và phấn đấu. Hoặc ít nhất, cũng có thể trở thành một người giàu có về tâm hồn, nhân cách sau này”.
Đồng tình trước quan điểm của bà Hoài, facebooker Thùy Dung chia sẻ: “Tôi đánh giá cao suy nghĩ này của hoa hậu Thu Hoài. Bởi vì chúng ta đã chứng kiến nhiều đứa trẻ con nhà giàu trở nên hư hỏng chỉ vì được tung hô quá sớm. Tất nhiên, con nhà giàu thì sẽ có thuận lợi để được hưởng những điều tốt đẹp hơn. Nhưng con nhà giàu không có nghĩa là mãi mãi giàu, nếu như khi trưởng thành chúng vẫn là những đứa trẻ ăn bám”.
Một phụ huynh học sinh tại trường Trần Đại Nghĩa, TPHCM cũng cho biết: “Tôi đọc bài viết của chị Thu Hoài khi tôi chờ đón con trai tan học. Cảm giác như là một chìa khóa để nói chuyện với con về vấn đề này. Cha mẹ vất vả để có tiền, còn con cái có thể sử dụng tiền của bố mẹ, nếu như nó đầu tư thực sự cho tương lai. Tôi cũng muốn con mình tự lập giống như vậy”.