Người dầu khí có quyền tự hào
Đi từ “không” đến “có”, sau 45 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã xây dựng chuỗi công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ khâu thượng nguồn, trung nguồn, đến hạ nguồn, trở thành đầu tàu của nền kinh tế, là động lực phát triển kinh tế tại nhiều vùng, địa phương… Nhân Kỷ niệm 45 năm Ngày Thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến đánh giá tâm huyết về những đóng góp của Tập đoàn trong thời gian qua.
Tiến sĩ Ngô Thường San – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam: Người dầu khí không lùi bước trước khó khăn
Là người dầu khí, ai cũng đều tự hào về ngành Dầu khí, nhất là khi nhìn lại lịch sử phát triển 45 năm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). 45 năm qua, Petrovietnam đã trải qua biết bao nhiêu thử thách, khó khăn, cam go tưởng chừng không vượt qua được, đặc biệt là cả những khủng hoảng niềm tin ở các cấp độ khác nhau ở mỗi giai đoạn khác nhau…
Nhưng cuối cùng, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và sáng suốt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cộng với bản lĩnh của người dầu khí, chúng ta đã vượt qua được tất cả và đi đến thành công, từ con số 0 đã xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí tương đối hoàn chỉnh như hôm nay.
Có thể nói, văn hóa đặc trưng của người dầu khí được khắc họa rõ nét sau 45 năm qua của Petrovietnam chính là kiên quyết không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn mà luôn bản lĩnh, sáng tạo để vượt qua khó khăn, thử thách. Lịch sử đã chứng minh rất rõ điều đó. Như chúng ta trải qua rất nhiều khó khăn mới tìm thấy dầu, đặc biệt là phát hiện dầu trong tầng đá móng mỏ Bạch Hổ. Rồi ngay cả khi chúng ta tìm thấy dầu nhưng khai thác thế nào cho hiệu quả cũng là vấn đề rất lớn cần phải sáng tạo. Kết quả là chúng ta đã xây dựng được hệ phương pháp luận khai thác dầu trong móng sau đó.
Từ khi thành lập vào 3-9-1975 đến nay, tên gọi của Petrovietnam có nhiều thay đổi như chính những biến động, thăng trầm của Tập đoàn suốt 45 năm qua. Nhưng trong đó, chữ Petrovietnam là xuyên suốt như một sự khẳng định quyết tâm, bản lĩnh, ý chí của người dầu khí là luôn nhất quán
Ông Đặng Ngọc Dũng -Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: Sức bật cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất không chỉ tạo tiền đề quan trọng để phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu của đất nước, mà còn tạo sức bật mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ngãi và cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
NMLD Dung Quất đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi. Nhờ đó, Khu kinh tế Dung Quất được đánh giá là một trong những khu kinh tế tiên phong và thành công trong cả nước, trong đó, ngoài NMLD Dung Quất còn có nhiều dự án lớn khác như: Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan Vina, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất, Khu công nghiệp VSIP…
Tỉnh Quảng Ngãi đánh giá rất cao những đóng góp của ngành Dầu khí nói chung, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nói riêng, đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong tương lai, tỉnh Quảng Ngãi luôn tin tưởng và mong muốn BSR cũng như ngành Dầu khí sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có nhiều dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí được đầu tư thêm tại Quảng Ngãi.
Ông Phạm Thạnh Trị – nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau: Cụm Khí – Điện – Đạm khoác “áo mới” cho Cà Mau
Kể từ ngày Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau (Cụm KĐĐ) đi vào vận hành, chúng ta đều thấy những lợi ích rất lớn về kinh tế – chính trị – xã hội mà dự án đem lại cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là nhân dân tỉnh Cà Mau. Về cơ sở hạ tầng, Petrovietnam được Chính phủ cho phép ứng vốn để làm con đường khoảng 14km từ ngã tư Nguyễn Trãi, TP Cà Mau đến cửa Cụm KĐĐ; xây dựng một số trường học theo tiêu chuẩn quốc gia. Đồng thời, Cụm KĐĐ cùng tỉnh Cà Mau làm rất tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho nhiều gia đình chính sách. Đặc biệt, Cụm KĐĐ đã đào tạo và thu hút hàng trăm con em tỉnh Cà Mau vào làm việc, người dân rất vui mừng, phấn khởi. Điều lớn hơn nữa là Cụm KĐĐ hằng năm nộp hàng nghìn tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Từ một tỉnh nông nghiệp – ngư nghiệp, giờ đây Cà Mau đã là tỉnh công nghiệp. Nhiều người dân xa xứ, nhiều kiều bào trở về quê hương đều khẳng định Cà Mau đã khởi sắc và đánh giá rất cao sự đóng góp của Cụm KĐĐ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Cà Mau trước mắt và lâu dài.
Ông Vũ Quang Nam – nguyên Phó tổng giám đốc Petrovietnam: Ngành Dầu khí vẫn đóng vai trò quan trọng
Từ những năm 1990, khi đất nước ta rất khó khăn, bị cấm vận, khủng hoảng kinh tế, ngành Dầu khí đóng vai trò rất quan trọng, có những năm đóng góp đến 30% ngân sách Nhà nước. Đảng, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Chính trị rất quan tâm đến dầu khí, đã ra rất nhiều các nghị quyết tạo điều kiện cho ngành Dầu khí phát triển. Riêng lĩnh vực dầu khí còn có Luật Dầu khí ra đời rất sớm, định hướng hoạt động. Nhờ đó, ngành Dầu khí phát triển rất mạnh, thực sự đóng góp lớn cho sự phát triển đất nước.
Ngành Dầu khí ngày nay vẫn đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ ở nước ta mà các nước trên thế giới cũng vậy, dầu khí vẫn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi đó là ngành công nghiệp hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Hiện nay, ngành Dầu khí Việt Nam đóng góp khoảng 10% ngân sách Nhà nước, nhưng 10% đó rất quan trọng, vì đó là ngoại tệ. Đối với nhiều ngành nghề xuất khẩu, Nhà nước chỉ thu tiền thuế, nhưng đối với dầu khí, toàn bộ ngoại tệ thu về từ bán dầu thô nộp vào ngân sách Nhà nước.
Đảng, Chính phủ đánh giá rất cao vai trò của ngành Dầu khí, chắc chắn sẽ tiếp tục có những chủ trương, chính sách đúng đắn để thúc đẩy ngành Dầu khí phát triển, đóng góp lớn cho đất nước.
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Nguồn: Petro Times