Công nghệ số góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Phát triển Thế giới 2016: Lợi ích công nghệ số. Theo ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB, công nghệ số đã làm thay đổi thế giới của kinh doanh, việc làm và chính phủ.
Theo ông Jim Yong Kim, chúng ta phải tiếp tục sự nghiệp kết nối mọi người và không được phép để ai bị bỏ rơi bởi chi phí cơ hội do bị bỏ rơi là rất lớn. Nhưng nếu muốn chia sẻ lợi ích do công nghệ số mang lại cho mọi đối tượng trong xã hội thì các quốc gia cũng phải cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đầu tư vào giáo dục và y tế, và thúc đẩy một nền quản trị tốt.
Tuy đã có nhiều câu chuyện thành công nhưng nhìn chung trên quy mô toàn thế giới, tác động của công nghệ trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo thêm cơ hội cho nhóm nghèo và nhóm trung lưu và hỗ trợ phát triển một nền quản trị có trách nhiệm vẫn chưa được như mong đợi. Công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, nhưng lợi ích của nó – tăng trưởng, việc làm và dịch vụ – vẫn chưa bắt kịp tốc độ đó.
Công nghệ số có thể giúp chia đều thành quả, nâng cao hiệu suất và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Trên 40% người thuộc độ tuổi trưởng thành tại khu vực đông Phi trả tiền điện, nước thông qua điện thoại di động. Tại Trung Quốc, 8 triệu doanh nhân, trong đó 1/3 là phụ nữ, thực hiện bán sản phẩm cho các khách hàng trong cả nước và xuất khẩu tới 120 nước khác dựa trên nền tảng thương mại điện tử. Trong vòng 5 năm, Ấn Độ đã cấp mã nhận dạng công nghệ số cho 1 tỉ người qua đó tăng cường tiếp cận và hạn chế tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công. Trong lĩnh vực y tế công, dịch vụ tin nhắn (SMS) cũng được sử dụng để nhắc nhở bệnh nhân HIV uống thuốc.
Nhằm thực hiện đầy đủ cam kết về phát triển trong thời đại công nghệ số, WB đề xuất hai hành động chính: xoá bỏ khoảng cách công nghệ số bằng cách cung cấp dịch vụ internet cho toàn dân, với chi phí vừa phải, dịch vụ mở và an toàn; và, tăng cường các quy định nhằm đảm bảo thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng cho người lao động nhằm đáp ứng đòi hỏi trong thời đại mới, và tăng cường trách nhiệm giải trình của các thể chế – những biện pháp mà báo cáo gọi là biện pháp bổ trợ tương tự cho các khoản đầu tư công nghệ số.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, cần xem xét các chiến lược phát triển công nghệ số rộng hơn, vượt ra khỏi phạm vi công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Muốn đạt được lợi ích tối đa, các nước phải tạo được môi trường công nghệ thích hợp, gồm: các quy định khuyến khích cạnh tranh và gia nhập thị trường, phát triển kĩ năng người lao động đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế số, và xây dựng được các thể chế chịu trách nhiệm trước người dân. Đổi lại, công nghệ số sẽ giúp tăng tốc quá trình phát triển.
Báo cáo đề xuất một số biện pháp như đầu tư vào hạ tầng cơ bản, giảm chi phí kinh doanh, giảm rào cản thương mại, khuyến khích các công ty khởi nghiệp gia nhập thị trường, tăng cường năng lực cơ quan quản lý cạnh tranh, và khuyến khích cạnh tranh giữa các nền tảng số nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, tuy khả năng biết đọc, biết viết vẫn rất quan trọng đối với trẻ em, nhưng ta vẫn phải chú ý đào tạo kĩ năng nâng cao về tư duy nhận thức và tư duy phản biện, đào tạo cơ bản về các hệ thống ICT thì mới có thể mở rộng diện sử dụng internet. Cần đào tạo kĩ năng kĩ thuật và cho trẻ em sớm làm quen với công nghệ để nâng cao kiến thức về ICT và cơ hội nghề nghiệp cho các em.
Báo cáo cảnh báo rằng tuy công nghệ số có thể làm thay đổi nền kinh tế, xã hội và thể chế công, nhưng điều đó không tự diễn ra và cũng không có gì đảm bảo sẽ diễn ra như vậy. Nước nào đầu tư vào cả hai lĩnh vực công nghệ số và các biện pháp bổ trợ tương tự thì sẽ thu được lợi ích to lớn, còn nước nào không thực hiện như vậy sẽ bị tụt lại phía sau. Công nghệ, nếu không dựa trên một nền tảng vững chắc, sẽ có nguy cơ tạo ra phân hoá kinh tế, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng và nhà nước chuyên quyền.
Trong thập kỉ vừa qua, WB đã đầu tư tổng cộng 12,6 tỉ USD vào ICT./.
Thegioibantin.com