Vì sao Google lại ghét và sợ Facebook?

0

Người ta vẫn nói Facebook là kẻ thù lớn nhất của Google. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao Google và Facebook lại ghét nhau trong khi 1 bên cung cấp email và dịch vụ tìm kiếm còn 1 đằng chỉ chuyên tâm vào MXH?

facebook-vs-google

Google dường như có sở thích gây thù chuốc oán với toàn các đại gia. Hục hặc với Apple ở mảng HĐH di động, đấu đá cùng Microsoft trong lĩnh vực tìm kiếm và với thương vụ mua lại Motorola vừa rồi, Google đã đặt mình vào vị trí đối đầu trực tiếp với cả các đồng minh truyền thống như HTC, Samsung…

Dường như giờ đây trong số các đại gia công nghệ của thế giới, đã chẳng còn ai ưa Google. Thế nhưng có 1 điều cần làm rõ, Google không hề “ngán” tất cả các hãng mà tôi vừa kể tên ở trên. Apple, Microsoft hay Samsung đều là những đối thủ hết sức đáng gờm, nhưng không hãng nào trong số đó có thể khiến Google “mất ăn mất ngủ”.

 

 

 

Kẻ mà Google dè chừng nhất, không ai khác, chính là “đại gia mới phất”: Facebook. Có lẽ sự e ngại của Google đối với Facebook không phải là điều gì mới mẻ, ngay từ khi Facebook chuyển sang hoạt động công khai, gã khổng lồ tìm kiếm đã xác định ngay rằng đối thủ chính của mình trong tương lai chính là anh chàng MXH còn trẻ măng. Và đến thời điểm hiện tại, khi Facebook đã vượt mặt Google về số lượt truy cập, sự lo sợ của gã khổng lồ tìm kiếm càng ngày càng trở nên… có lý.

Vậy thì, câu hỏi đặt ra là, vì sao 1 cỗ máy tìm kiếm như Google lại phải e ngại Facebook, 1 trang mạng xã hội trong khi lĩnh vực hoạt động của 2 công ty này khác nhau xa tới mức dường như chúng hoàn toàn có thể chung sống 1 cách hòa bình.

Tranh nhau bát cơm

Trước hết để hiểu vì sao Google và Facebook lại “ghét nhau từ cái nhìn đầu tiên”, chúng ta phải hiểu về cách thức kiếm tiền của 2 công ty này. Google, nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm, email, bản đồ vệ tinh… và Facebook là 1 trang MXH là nơi để người ta kết nối, giao lưu với bạn bè, người thân. Mặc dù cung cấp những sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn khác biệt về bản chất, Google và Facebook có 1 điểm chung: Đều là công ty quảng cáo.

Thật vậy, đừng để những dịch vụ “màu mè” của Google và Facebook đánh lừa bạn, cả 2 đại gia này đều kiếm tiền bằng cùng 1 cách thức: Nhận tiền từ các bên có nhu cầu quảng cáo và trình chiếu quảng cáo đó cho người sử dụng dịch vụ của mình. Google Search, Gmail hay Facebook đều là những dịch vụ miễn phí, nhưng những ai muốn đăng quảng cáo trên trang web của các dịch vụ này thì sẽ phải trả tiền. Và đó chính là cách thức mà Google, Facebook “làm tiền”.

 

Trông thì màu mè thực ra chỉ là tranh nhau tiền quảng cáo mà thôi
Cùng ăn chung 1 bát cơm, nên điều tất yếu là sẽ xảy ra xung đột về lợi ích. Mà một khi quyền lợi đã bị đe dọa, không có gì khó hiểu khi cả 2 bên đều dành cho nhau những cái nhìn thù địch ngay từ thuở mới lọt lòng.

Tuy nhiên, luận điểm trên mới chỉ giải thích vì sao Google và Facebook ghét nhau mà chưa làm sáng tỏ lý do mà Google e dè Facebook. Về lý mà nói, khi Facebook mới ra đời cách đây 5,6 năm thì Google đã thống trị thế giới Internet được gần chục năm. Vì sao 1 gã khổng lồ như Google lại cảm thấy lo ngại trước 1 MXH “vắt mũi chưa sạch” như Facebook?

Mới thắng cũ

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta lại cần đi sâu một chút vào bản chất cách thức hoạt động của Google và Facebook. Có 2 nguyên tắc chung và luôn đúng dành cho nghề quảng cáo: Một là quảng cáo đến với càng nhiều người xem thì càng kiếm được nhiều tiền. Hai là quảng cáo càng hướng được vào đối tượng có nhu cầu, quan tâm đến sản phẩm được quảng cáo thì hiệu quả càng cao.

Từ trước đến nay, để đảm bảo 2 yêu cầu đó của việc quảng cáo, Google thực hiện đồng thời 2 công việc. Việc đầu tiên là mở rộng thị phần tìm kiếm, càng nhiều người sử dụng Google Search, Gmail có nghĩa là độ phủ của quảng cáo do Google cung cấp càng rộng. Và công việc còn lại là cố gắng tìm cách trưng quảng cáo đó ra cho đúng đối tượng quan tâm đến nó. Về phần việc thứ nhất, với 15 năm hoạt động, Google Search đã lập ra 1 “mục lục” của toàn bộ thế giới Internet và đóng vai trò là “hướng đạo” người sử dụng, giúp họ tìm được thứ họ muốn xem ở trên Internet. Với vị trí như thế, tất nhiên lượng người dùng của Google là 1 con số khổng lồ.

 

Quảng cáo phải có độ phủ và độ chính xác cao mới đáng giá
Phần việc còn lại, Google cố gắng tìm cách tối ưu hóa các thuật toán trình bày quảng cáo của mình để đạt được kết quả chính xác nhất. Cụ thể là với Google Search, khi tôi tìm kiếm từ khóa “học tiếng anh” thì các quảng cáo liên quan tới trung tâm dạy tiếng anh ở lân cận vùng tôi sinh sống được Google trưng ra. Cách quảng cáo như thế này đem lại hiệu quả cao hơn hẳn các phương thức quảng cáo truyền thống như trên Tivi hoặc báo giấy, đồng nghĩa với việc Google kiếm được nhiều tiền hơn hẳn các công ty quảng cáo truyền thống.

Nhưng ở đây nảy sinh 1 vấn đề: Quảng cáo của Google tập trung rất tốt vào các đối tượng tìm kiếm, nhưng nó chỉ dừng lại ở đó. Google nắm giữ rất nhiều thông tin quan trọng của người sử dụng thông qua các dịch vụ như Gmail, Google Docs, Google Maps… Tuy nhiên Google lại bị ràng buộc bởi cam kết của chính hãng này rằng sẽ không sử dụng các thông tin thu thập được để gán vào 1 cá nhân cụ thể và tối ưu hóa kết quả quảng cáo cho người đó. Những cam kết kiểu này giúp Google mua được sự tin cậy của người sử dụng, nhưng đồng thời cũng hạn chế độ chính xác của quảng cáo từ Google. Vì thế các dịch vụ như Gmail của Google vẫn đang trưng bày quảng cáo theo kiểu “hú họa” và kém hiệu quả.

Những gì mà Google còn thiếu, thì Facebook lại sở hữu 1 cách hoàn hảo. Hãy tưởng tượng khi bạn “Like” fan page của 1 ban nhạc, Facebook đã biết rằng bạn hâm mộ ban nhạc đó, và thông tin ấy được “trói” vào tài khoản Facebook của bạn. Dần dà qua thời gian bạn hoạt động, Facebook sẽ thu thập được sở thích, tính cách, tuổi tác, thu nhập, vị trí và các mối quan hệ của bạn. Đối với 1 công ty quảng cáo như Facebook, Google thì những thông tin này là vô giá, nhất là khi Facebook hoàn toàn có thể sử dụng chúng cho các hoạt động quảng cáo của mình chứ không bị bó buộc như Google. Nói cách khác, quảng cáo của Facebook sẽ tốt hơn quảng cáo của Google rất nhiều lần và điều này đe dọa trực tiếp đến “miếng cơm manh áo” của gã khổng lồ tìm kiếm.

Hơn thế nữa, ngay từ buổi mới ra đời, Facebook đã áp dụng những phương án ngăn chặn Google thu thập thông tin từ trên các trang profiles của Facebook. Với 1 công ty đòi hỏi độ phủ như Google, việc có 1 “điểm mù” với trên 700 triệu người sử dụng là điều vô cùng nguy hiểm. Hơn nữa thói quen không sử dụng Google Search để truy cập Facebook của người sử dụng cũng là 1 điều mà Google cảm thấy lo ngại.

Với vị trí thống trị của mình, Google có thể giết bất cứ website nào chỉ bằng việc gỡ chúng ra khỏi kết quả tìm kiếm. Nhưng Google không thể làm thế với Facebook, một phần là vì số lượng người sử dụng Facebook quá lớn, một phần là vì người dùng Facebook chưa từng có thói quen truy cập MXH này thông qua Google. Google từng tự hào rằng không nơi nào trên Internet là không có bóng dáng Google, giờ đây trên Internet lại đang tồn tại 1 “lỗ đen” với hơn 1 nghìn tỉ lượt xem 1 ngày mà Google không tài nào khống chế được.

Và cuối cùng, điều mà Google e ngại nhất ở Facebook đó là tốc độ tăng trưởng của MXH này và việc nó thay đổi cách thức mà con người sử dụng Internet. Thay vì như trước đây chúng ta sử dụng nhiều trang web để giải trí, đọc tin tức và giao lưu bạn bè, từ đó nảy sinh nhu cầu sử dụng các công cụ tìm kiếm để định vị thông tin.Giờ đây với MXH, tất cả công việc đều tập trung vào 1 trang web, chúng ta có thể đọc được những thông tin mình quan tâm chỉ bằng cách “like” 1 vài trang tin trên Facebook hoặc giải trí ngay trên MXH này. Tất nhiên Facebook sẽ không bao giờ thay thế Google Search, nhưng không thể phủ nhận rằng sự ra đời của Facebook đã làm lu mờ khá nhiều vai trò của 1 công cụ tìm kiếm như Google trong đời sống hàng ngày của các công dân Internet.

Kết

Google cảm thấy e ngại Facebook vì MXH này đang ngày càng thu hút nhiều thành viên, từ đó khiến cho tầm ảnh hưởng của nó càng sâu rộng hơn. Đến 1 lúc nào đó, quảng cáo trên Facebook sẽ sánh ngang tầm với quảng cáo trên Google và đe dọa trực tiếp đến nguồn thu của gã khổng lồ tìm kiếm.

Dù vậy cũng chưa phải đã hết cơ hội cho Google. Những động thái gần đây của Google như phát triển Android, mở thêm Google+ đều để nhằm tới 2 mục đích: Phủ quảng cáo rộng hơn và quảng cáo chính xác hơn. Kết quả của cuộc chiến giữa Facebook và Google sẽ ngã ngũ ra sao thì hiện tại vẫn còn quá sớm để nhận định. Chỉ dám chắc chắn 1 điều rằng 2 ông lớn này cạnh tranh với nhau thì người được lợi nhất và khổ sở nhất đều là người tiêu dùng. Được lợi khi có thể hưởng những dịch vụ miễn phí với chất lượng cao hơn, và khổ sở khi liên tục phải xem những quảng cáo hết sức hấp dẫn và cũng rất dễ gây bệnh “viêm màng túi”.


Theo GenK

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ