Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam: Cốt lõi là công nghệ thông tin
Doanh nghiệp hào hứng nhưng còn mông lung
Từ những năm 2000, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã diễn ra thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Trong cuộc cách mạng này, những yếu tố như lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là thế mạnh nữa bởi công nghệ robot có thể tác động tới các ngành lĩnh vực khác nhau từ dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục…
Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành này. Khoảng 86% số lao động của Việt Nam, 88% số lao động của Campuchia và 64% số lao động Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành.
Tại Việt Nam, sự hào hứng của doanh nghiệp (DN) đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là không thể phủ nhận. Một khảo sát được thực hiện với 2.000 DN thuộc Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội cho thấy, trong 85% số DN thể hiện sự quan tâm tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó có 55% số DN đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết. Tuy nhiên, về chiến lược, có đến 79% số DN trả lời rằng họ… chưa làm gì để đón sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 55% số DN cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% số DN đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% số DN đang
triển khai.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong thời gian qua, đặc biệt là quý I/2017 đã diễn ra nhiều tọa đàm bàn luận sôi nổi về các xu hướng công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0… tạo nên một sự hào hứng lớn trong cộng đồng. Tuy nhiên, niềm tin dường như chưa có cơ sở đầy đủ và còn khá vu vơ bởi nền tảng cần có để đi vào cuộc cách mạng này về con người, thể chế, khả năng sáng tạo quốc gia, khả năng hấp thụ sáng tạo… vẫn còn bỏ ngỏ.
Bộ KHCN là đầu mối điều phối
Theo tìm hiểu của PV, năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ KHCN tiến hành nghiên cứu, đánh giá về bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xem xét thực trạng của Việt Nam, từ đó đề xuất phương án tiếp cận, cách tận dụng các lợi thế và hạn chế tác động tiêu cực. Ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng Bộ KHCN – cho biết: Bộ KHCN được Chính phủ giao nhiệm vụ làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành, địa phương tiếp cận và tận dụng tốt nhất những lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Lý do được giao là bởi bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nơi hội tụ các thành tựu KHCN mới, khi đạt được ngưỡng phát triển sẽ tạo ra sức bật với nền tảng sản xuất mới.
Gần đây, Nghị quyết số 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng cũng nhấn mạnh việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN. Với các định hướng đó, chúng ta phải rà soát, điều chỉnh và nhấn mạnh lại để có định hướng phù hợp nhằm tận dụng tốt nhất những lợi thế sẵn có” – ông Duy nhấn mạnh.
Chia sẻ về hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, Chánh Văn phòng Bộ KHCN khái quát: “Như đã nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 xảy ra dựa trên sự hội tụ của nhiều công nghệ, trong đó cốt lõi có công nghệ thông tin với sự phát triển không ngừng của công nghệ Internet từ thời kỳ kết nối nội dung như email đến mạng xã hội, Internet vạn vật, Internet kết nối thiết bị máy móc kết nối quá trình vận hành của các nhà máy. Ngoài công nghệ cốt lõi còn có sự hội tụ của công nghệ in 3D, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ
lưu trữ…”.
Thời gian tới, theo ông Duy, Bộ KHCN sẽ tiếp tục là đầu mối điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp này. Với lĩnh vực CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giữ vai trò chủ chốt. Các hiệp hội (như Hội Tin học Việt Nam), DN công nghệ sẽ triển khai hạ tầng và ứng dụng CNTT vào các ngành như du lịch thông minh, nông nghiệp công nghệ cao… Dự kiến, đến cuối năm 2017, Bộ KHCN sẽ đánh giá lại tình hình triển khai, định hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của các bộ, ngành. Đặc biệt trong đó, Bộ TTTT là đơn vị chủ chốt trong việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: baomoi.com