Bên trong trụ sở Apple Park: sản phẩm lớn nhất, tuyệt vời nhất và cuối cùng của Steve Jobs
Câu chuyện bên dưới được Steve Levy, một cây bút của Wired kể lại khi ông được mời tham quan Apple Park vào một ngày đẹp trời tháng 3. Sự chú ý đến từng chi tiết nhỏ, từng tấm kính, từng cái nắm cửa, cái vòi nước của Apple đã làm Levy kinh ngạc. Nhưng đáng kinh ngạc hơn chính là sự liên quan của Steve Jobs với Apple Park: ông là người đã hình dung ra nó, ông biết chính xác nên dùng loại gỗ nào để ốp tường, nên trồng cây gì để tạo cảnh quang đẹp, và từng góc của tòa nhà nên như thế nào để Apple Park có thể giúp mọi người làm việc cùng với nhau với đầu óc mở hơn. Sẽ không sai khi nói Apple Park là sản phẩm cuối cùng của Steve, một sản phẩm lớn nhất, tuyệt vời nhất Apple từng ra mắt. Bài hơi dài, nhưng anh em hãy chịu khó đọc hết để thấy được sự chú tâm đến từng chi tiết nhỏ tới mức kinh khủng mà Apple đã dành ra, để thấy được tâm huyết mà Steve Jobs dành cho công ty và định hướng của ông dành cho Apple ngay cả sau khi mình đã qua đời.
Trước khi cuộc họp diễn ra, Kris Wang, một thành viên của Hội đồng, đã nhìn ra cửa sổ và thấy người doanh nhân đó. Wang thấy ông ấy đi một cách khó khăn, bận cùng một bộ đồ mà chỉ ít hôm trước ông còn mặc khi giới thiệu sản phẩm mới ra thế giới – và cũng là bộ duy nhất mà thế giới nhìn thấy ông khoác lên người. Khi tới lượt ông nói, dù đang có vẻ mệt mỏi, nhưng ông vẫn sử dụng đúng chất giọng đã mê hoặc rất nhiều người trong những bài thuyết trình của mình.
Ông nói rằng công ty ông đã “phát triển nhanh như cỏ”. Lực lượng nhân viên của ông tăng nhanh trong 10 năm qua, họ đã lấp đầy hơn 100 tòa nhà trong quá trình tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Để tập hợp nhân viên lại, ông cần một trụ sở mới, một nơi mà ranh giới giữa tự nhiên và cao ốc nhân tạo bị xóa mờ. Không như những cao ốc văn phòng khác, thứ mà ông cảm thấy “khá nhàm chán”, đây sẽ là một kiệt tác về kiến trúc với hình tròn và sức chứa 12.000 người. “Đây là một tòa nhà đáng kinh ngạc. Nó giống như một chiếc phi thuyền đáp xuống mặt đất”.
Khi Wang hỏi rằng thành phố Cupertino sẽ thu được gì từ tập đoàn khổng lồ này, vị doanh nhân chậm rãi nói, như đang giải thích cho 1 đứa con nít, rằng điều đó sẽ cho phép công ty ông tiếp tục ở lại bang California. Bằng không, công ty sẽ bán những văn phòng hiện có và di chuyển sang một nơi khác.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang có cơ hội xây nên tòa nhà văn phòng tuyệt vời nhất thế giới”. Thứ ông không kể cho Hội đồng nghe đó là ông không chỉ đang lên kế hoạch cho một tòa nhà dành cho công ty mà ông đã đồng sáng lập, ra đi, quay trở lại và hồi sinh nó. Thông qua trụ sở mới, người đàn ông này còn lên kế hoạch cho chính công ty trong tương lai ngay cả khi ông không qua đời. Vâng, đó chính là Steve Jobs, và công ty này không phải ai khác mà chính là Apple.
Vào một ngày đẹp trời hơn 5 năm sau khi Steve Jobs qua đời, chúng tôi ngồi cạnh Jonathan Ive trong một chiếc Jeep Wrangler khi họ chuẩn bị đi thăm Apple Park – tên của trụ sở Apple mới, thứ mà Steve Jobs đã đề xuất lên Hội đồng thành phố vào năm 2011 chỉ một thời gian ngắn trước khi ông qua đời. Đi cùng họ còn có Dan Whisenhunt, người quản lý cơ sở vật chất cho Apple và đương nhiên cũng là quản lý của dự án Apple Park.
Chúng tôi lái xe đi qua Đại lộ North Tantau, qua những tòa nhà nhỏ dành cho những nhân viên kém may mắn vì họ không được ngồi trong trụ sở chính, cũng như đi qua trung tâm tiếp đón khách đang hoàn thiện một nửa. Chỉ vài năm trước, nơi này còn là bãi giữ xe nhưng ngày nay một tòa nhà khổng lồ đã nằm đè lên. Chúng tôi dạo một vòng trụ sở nãy rồi rẽ vào một đường dẫn tới The Ring. Như tên gọi của mình, và cũng từ các bản vẽ phối cảnh Steve Jobs trình lên thành phố, The Ring là một tòa nhà khổng lồ hình vành khuyên, cũng là tòa nhà chính của Apple Park.
Apple Park được hoàn thiện trong giai đoạn Apple đã lâu rồi chưa ra mắt sản phẩm nào mang tính cách mạng dù tình hình của họ vẫn tốt, thậm chí họ đang có nhiều tiền hơn bao giờ hết. Nhưng điều đó không ngăn được Apple làm ra một văn phòng tuyệt vời và đầy ấn tượng, cũng như cách mà họ đã thay đổi nền công nghiệp di động bằng những món đồ như iPhone, iPod, iPad.
Bên trong đường hầm dài 230m đó, những viên gạch trắng chạy dọc chiều dài làm cho người ta cảm thấy như đang đi trong một phòng tắm cao cấp. Và khi bạn đi gần tới “ánh sáng cuối đường hầm”, The Ring hiện ra như một con tàu. Ánh nắng chiếu từ những miếng kính lớn kết hợp cùng với những miếng “vảy” trồi ra khỏi mỗi tầng tạo một cảm giác như bạn đang xem viễn tưỡng hay du hành vào tương lai với một con tàu đậm chất khoa học viễn tưỡng của những năm 1950. Apple gọi những miếng vảy này là “canopies”.
Những miếng canopies nhô ra ở từng tầng
Dọc rìa bên trong của The Ring là một đường đi bộ dài, nơi bạn có thể đi bộ không ngừng nghỉ để bao hết chu vi 6km của trụ sở. Đây là một tuyên ngôn của Apple, rằng họ có thể tự do di chuyển, rằng họ đánh giá cao tính mở. Nghe không giống những sản phẩm của Apple lắm, vốn đóng kín và có nhiều giới hạn. Nhưng mọi chuyện đã được tính hết rồi.
Chúng tôi lái xe qua khu vực cửa chính. Vì tòa nhà hình vành khuyên nên không có sảnh chính nào cả, thay vào đó là 9 lối vào. Ive dẫn tôi vào khu vực cà phê, một khu vực cực rộng trải dài cả 4 tầng của tòa nhà. Khi nó hoàn tất, chỉ riêng chỗ này có thể chứa 4.000 người cùng lúc (cho cả phần sàn đất và phần lan can ăn tối). Nó cũng có 2 cửa kính lớn để mọi người ra ngoài ăn khi trời mát mẻ.
“Có thể câu hỏi này hơi ngu ngốc, nhưng vì sao mấy anh lại cần một cái cửa kính cao 4 tầng vậy?”, tôi hỏi. Ive nhướng mày: “À, cái đó còn tùy thuộc vào việc anh định nghĩa thế nào là cần thiết nữa, đúng không nào”.
Chúng tôi lên lầu, và tôi nhìn hướng ra. Từ lúc máy bay bắt đầu hạ cánh xuống sân bay San Francisco, từ góc nhìn của những chiếc drone quay video, The Ring trông giống như một biểu tượng sức mạnh, một thứ để công ty nhiều tiền nhất thế giới khẳng định vị thế của mình. Nhưng khi bạn nhìn ra khu vườn kia, bạn cảm thấy yên bình ngay cả khi xung quanh bạn đang có nhiều thứ còn xây dựng.
“Nói về những con số khổng lồ của tòa nhà thì quá dễ. Chúng ấn tượng lắm, nhưng bạn không sống lâu nếu chỉ dựa vào số. Để làm được đống kính này cũng kỳ công lắm đấy, nhưng đó không phải là thành tựu của chúng tôi. Thành tựu thật sự nằm ở việc chúng tôi tạo ra được một tòa nhà nơi mọi người có thể kết nối, làm việc chung, vừa đi bộ vừa nói chuyện với nhau. Giá trị không nằm ở cái tòa nhà, mà nằm ở những thứ sẽ sinh ra từ tòa nhà này”, Ive giải thích.
Thật ra The Ring không phải là thứ mà Steve Jobs nghĩ tới ban đầu khi ông muốn xây trụ sở mới. “Tôi nghĩ vào khoảng năm 2004 khi tôi và ông ấy (Steve Jobs) bắt đầu bán về một đại bản doanh mới dành cho Apple. Tôi nghĩ nơi chúng tôi nói về nó là ở Công viên Hyde. Khi chúng tôi còn đi tới London cùng nhau, chúng tôi dành nhiều thời gian trong những công viên như vậy. Chúng tôi nói về một trụ sở mà cảm giác của bạn khi làm việc trong đó cũng giống như việc bạn đang ở trong công viên. Chúng tôi muốn sự liên kết giữa những gì được xây nên với khu vực công viên phải liền mạch bất kể bạn ở đâu trong tòa nhà”, Ive cho hay.
Nhiều cuộc thảo luận được đưa ra sau đó nhưng mãi tới năm 2009 Apple mới quyết định tiếp tục với dự án này. Vì đất trống ở Cupertino rất hiếm nên Apple phải mua thêm 75 ha đất nằm cách tầm 2km so với trụ sở Infinite Loop hiện tại của họ. Apple bắt đầu đi tìm công ty xây dựng nào có thể đảm đương dự án này, và Jobs nghĩ tới Norman Foster, ngườiđạt giải thưởng Pritzker Prize và cũng là người đã thiết kế nên sân bay Hong Kong, tòa nhà Gherkin ở London, hay Tòa nhà Quốc hội Đức đặt tại Berlin. Jobs gọi Foster vào tháng 7 năm 2009 và nói rằng Apple “cần vài sự giúp đỡ”.
Norman Foster
Hai tháng sau, Foster bay đến Cupertino và dành cả 1 ngày với Jobs. Đầu tiên là ở văn phòng tại Infinite Loop, sau đó là ở nhà riêng của ông tại Palo Alto. Ông phát hiện ra rằng vị khách hàng mới của mình có một tầm nhìn cực kỳ chi tiết về những tấm kính, tấm thấp, tấm tôn, thậm chí đến từng cái cây mà Apple sẽ dùng trong căn nhà của mình. Khi Jobs nói, Foster bắt đầu phác họa lên tập giấy A4 mà ông luôn mang bên người để tạo ra một “tấm ảnh bằng lời” dựa trên những gì Steve Jobs yêu cầu.
Foster nhanh chóng mang “quân chi viện” của mình từ London sang. Họ cũng đang làm cho Công ty Foster + Partners, và họ chuẩn bị sẵn một đội ngũ kiến trúc sư giỏi nhất. Foster nói rằng Jobs lấy nhiều ý tưởng từ tuổi thơ mình ở khu vực Bay Area. “Phần nói chuyện của ông ấy toàn là về California, một California được lý tưởng hóa.”, Stefan Behling, một cộng sự của Foster và sau này cũng là một trong những trưởng dự án, nhớ lại. Miếng đất mà Apple mua lại là một khu đất công nghiệp với đầy nhựa đường, nhưng Jobs đã hình dung ra những con đường đi bộ tuyệt đẹp với phối cảnh của một ngọn đồi phủ cây xanh.
Những cuộc họp với Foster thường kéo dài 5 đến 6 tiếng đồng hồ, chiếm một phần rất lớn thời gian trong 2 năm cuối đời Jobs. Khi ông nói về các chi tiết mà ông yêu cầu, trông Jobs rất đáng sợ. Behling nhắc lại một kỉ niệm khi Jobs mô tả bức tường mà ông muốn. “Ông ấy biết chính xác nên dùng loại gỗ nào, không chỉ nói chung chung như ‘Tôi thích gỗ sồi’ hay ‘Tôi muốn gỗ phong’. Ông ấy còn biết là nó cần được xẻ làm tư. Khúc gỗ đó phải được cắt vào mùa đông, lý tưởng nhất là trong tháng 1, để giảm tối đa lượng sáp và đường bên trong. Tất cả chúng tôi ngồi đó, cả đám kiến trúc sư với đầu tóc bạc phơ, và chúng tôi thốt lên: ‘Chết ** rồi'”.
Cũng như mọi sản phẩm của Apple, hình dạng của tòa nhà sẽ được quyết định bởi chức năng của nó. Đây sẽ là nơi mà mọi người làm việc cùng nhau, người ta cởi mở với nhau và với thiên nhiên. Chìa khóa để làm được điều đó là những khu vực được gọi là pod (cái kén). Jobs muốn có một pod cho việc văn phòng, pod cho làm việc nhóm, pod để gặp gỡ đồng nghiệp tán gẫu hay chơi bài cá hát. Chúng sẽ được đặt rải rác khắp trụ sở. Ngay cả CEO cũng không có một căn phòng kín cố định. Trái ngược với Apple trước giờ rất kín tiếng và đặt yếu tố bảo mật sản phẩm lên hàng đầu, Jobs lại đang muốn mọi người chia sẻ ý tưởng với nhau tốt hơn thông qua các không gian chung. Tất nhiên không hẳn là cái gì cũng chia sẻ được, ví dụ như studio thiết kế của Ive vẫn sẽ được bao quanh bởi những miếng kính – nhưng hẳn là thoáng hơn so với trụ sở ở Infinite Loop hiện nay.
Một cái pod dành để làm việc văn phòng
Behling nói tiếp: “Lúc đầu chúng tôi chẳng hiểu Steve đang nói về những cái kén đó. Nhưng ông ấy đã giải thích kĩ hơn: đây là một không gian mà bạn có thể tập trung làm việc ở phút trước, còn phút sau bạn đã đi gặp ngay một ai đó. Còn nhà hàng thì sao? Chỉ 1 nhà hàng, một cái thật to, buộc mọi người phải đến gặp nhau. Bạn phải thiết kế để nhân viên của tôi gặp được”. Đây là thứ ông đã từng làm tại Pixar, ông buộc nhân viên của mình gặp nhau rất nhiều. Ở Apple, ông cân bằng được nhu cầu cần tập trung cao độ của các kĩ sư với những phiên thảo luận brainstom giúp hình thành những ý tưởng mới.
Để dùng với pod, tòa nhà ban đầu sẽ có hình chiếc cỏ 3 lá – người của Apple gọi đây là cái động cơ. Những cái lá sẽ xoay quanh một nhân chính giữa. Nhưng theo thời gian, Jobs nhận ra ý tưởng này không ổn, thế là toàn bộ nhóm 100 người của Foster phải nghĩ cách giải quyết vấn đề. Vào tháng 5/2010, trong cuốn sổ của mình, Foster ghi: “Sắp hình thành một vòng tròn”.
Bản phác họa lại những ý tưởng mà các kiến trúc sư đã nghĩ tới
Còn theo tiểu sử mà Walter Isaacson viết về Jobs, còn có một yếu tố khác làm ông quyết định thay đổi hình dáng tòa nhà. Khi Jobs đưa bức vẽ cho con trai mình, Reed, cậu ấy bảo rằng tòa nhà gì mà giống bộ phận sinh dục thế. Ngày hôm sau Jobs nói lại điều này nhiều lần với nhóm kiến trúc sư kèm theo lời cảnh báo rằng “bạn sẽ không bao giờ xóa được hình ảnh đó ra khỏi đầu”.
Đến tháng 6/2010, mọi người quyết định nó sẽ là hình tròn. Chẳng ai đứng ra nhận đây là thiết kế của mình. “Steve đã đi đúng hướng”, Foster nói.
Vào mùa thu năm đó, Whisenhunt nghe nói rằng một trụ sở HP gần đó có thể sẽ được cho thuê lại hoặc bán. Khu vực đó cũng rất có ý nghĩa với Jobs vì ông từng làm một công việc mùa hè tại đây. Cũng vào thời gian đó những nhà sáng lập HP – những người mà Jobs xem là anh hùng – cũng vẽ ra một khối nhà văn phòng kết hợp vườn cây cho nhóm kĩ sư của mình. HP giờ đang thu nhỏ và không cần không gian đó nữa. Whisenhunt nhanh chân, thế là diện tích đất của Apple bỗng nhiên tăng thành 175ha.
Jobs luôn khăng khăng rằng phần lớn diện tích khu vực phải được che phủ bởi cây. Ông thậm chí còn tìm một chuyên gia về cây cho công ty mình nữa. David Muffly, một chuyên gia về cây, đang làm việc ở khu Menlo Park khi ông nhận được cuộc gọi mời ông tới văn phòng của Jobs để nói về cây. Muffly ngay lập tức bị ấn tưởng vì hiểu biết và sở thích của vị CEO với cây cảnh. “Ông ấy có cảm quan tốt hơn đa số những chuyên gia trồng cây khác. Ông ấy chỉ cần nhìn thôi là có thể nói cây nào có cấu trúc tốt.” Jobs yêu cầu trụ sở mới của Apple phải có nhiều hoa, cụ thể là ông muốn những cây ăn quả trồng theo hàng mà ông từng thấy khi lớn lên ở vùng Bắc California.
David Muffly
Cuối cùng Apple quyết định trồng gần 9.000 cây. Muffly nói rằng cảnh quang này phải đẹp ngay cả trong tương lai và ông nên chọn những giống cây có thể sống sót khi thời tiết thay đổi mạnh mẽ. Ý đồ của Jobs không chỉ về mặt thẩm mỹ. Ông nghĩ ra nhiều ý tưởng khi đi dạo trên đường với cây cối xung quanh, và ông muốn nhân viên Apple cũng sẽ làm như vậy. “Bạn có thể tưởng tượng tới việc làm việc trong một khu vườn quốc gia”, Tim Cook từng nói. “Khi tôi thật sự cần nghĩ về một thứ mà tôi đang mắc kẹt, tôi sẽ đi về với thiên nhiên. Giờ chúng ta có thể làm điều đó ngay lập tức. Sẽ không giống Thung lũng Silicon chút nào cả”.
Cook nhớ lại vào lần cuối cùng nói chuyện với Jobs. “Chúng tôi đang xem bộ phim Remember the Titans. Tôi thích phim này, nhưng tôi ngạc nhiên khi anh ấy cũng thích. Tôi nhớ tôi đã nói chuyện về trụ sở mới với anh ấy. Nó cho anh ấy năng lượng. Tôi đùa với anh ấy rằng chúng ta đã lo về đủ thứ, nhưng có một cái quan trọng mà giờ đã đến lúc chúng ta lo về nó. Là gì? Quyết định xem những nhân viên nào sẽ ngồi ở tòa nhà chính, và những ai sẽ phải làm việc trong các tòa nhà lân cận. Và anh ấy chỉ cười thật lớn”.
Sau khi mọi kế hoạch đã sắp sẵn vào năm 2012, cũng là thời điểm mà ban giám đốc duyệt thiết kế của Foster + Partners, giờ là lúc Apple bắt đầu xây dựng tòa nhà của mình. Có những phiên bản thu nhỏ của tòa nhà nằm ở nhiều nơi, ví dụ như một đường hầm chạy qua một trong những tòa nhà cũ của HP trước khi nó bị đập bỉ, hay một quán cà phê có thể dùng được luôn ở trụ sở cũ đóng vai trò như một bản thử nghiệm của Apple Park sau này. “Chúng tôi quan sát quy trình xây dựng như là một dự án sản xuất và muốn làm sẵn mọi thứ ở xa. Khi chở tới đây, bạn chỉ ráp chúng như Lego mà thôi”, Tim Cook cho hay. Tim Cook là người xuất thân từ vận hành và chuỗi cung ứng, vậy nên không lạ khi ông suy nghĩ theo hướng này.
Cũng như khi chọn lựa nhà cung cấp cho các sản phẩm của mình, Apple cũng đặt ra yêu cầu rất cao với nhà thầu, yêu cầu họ giải quyết những vấn đề mà họ chưa từng phải đương đầu. Ví dụ: làm sao để bạn làm ra một tấm kính lớn nhất và bền nhất thế giới. À, nó cũng phải cong cong nữa nhé. “Steve thích ý tưởng về những tấm kính to khổng lồ”, Behling nói.
Khi thiết kế và thi công các cửa hàng Apple Store trên toàn thế giới, Apple đã bắt tay với công ty Seele Group ở Đức để mua kính từ họ. Nhưng vì bức tường của The Ring cao tới 13m, những tấm kính của Seele sẽ không đủ bền theo thời gian. Khi ấy Seele đã có 1 chiếc máy gia cường cho kính nhưng nó chỉ sản xuất được 1 tấm 1 lần mà thôi. Quy trình để làm điều đó kéo dài 14 tiếng, và Apple cần tới 800 tấm kính nên Seele không đủ khả năng. Thế là Seele làm việc với các đối tác của mình để phát triển chiếc máy có thể sản xuất được 5 tấm kính cùng lúc, phải như vậy Apple mới đồng ý.
Đây mới chỉ là phần dễ thôi. Seele cũng được thuê sản xuất những miếng vảy canopies nữa. Dù đây là thứ tạo ra điểm nhấn cho công trình nhưng thực chất không phải là thứ mà Jobs muốn ban đầu, mãi về sau ông mới chịu thêm vô. “Trong thế giới hoàn hảo của Steve, sẽ không có bất kì thứ gì trông như canopies. Ông muốn làm ra một tòa nhà toàn bằng kính, nhưng với thời tiết thế này chúng ta phải làm dịu nó đi một chút. Nó giống như cái mũ lưỡi trai vậy”. Foster + Partners cùng với Jony Ive đã thiết kế ra phần vảy che nắng này, và Seele cũng tìm được cách sản xuất nó theo hướng những tấm đó phải càng trắng càng tốt.
Vấn đề là nguyên tố sắt trong cát sẽ làm nó chuyển xanh. “Ngay cả khi bạn mua tấm kính tốt nhất thế giới, nó vẫn xanh”. May mắn là nhóm của Ive đã từng giải quyết vụ này. Bạn còn nhớ chiếc iPod trắng thuần khiết chứ? Nhóm design của ông đã nghĩ ra cách giảm ánh sáng xanh bằng cách sơn màu trắng vào mặt sau của kính, sau đó úp nó vào một miếng kim loại bằng silicone trắng. Thực ra một ít sơn hồng cũng được đưa vào sơn trắng nữa. Giải quyết này tỏ ra hiệu quả, và họ đã thêm yếu tố này vào để những cái vảy của The Ring trông như đang sáng lên.
Câu hỏi còn lại đó là mưa sẽ ảnh hưởng thế nào đến canopies. “Tưởng tượng rằng nếu bạn làm cho tòa nhà của bạn thật đẹp nhưng nó lại không đưa nước ra ngoài thì chết”, Ive nói giọng nghe rất đáng sợ. Để đảm bảo nước sẽ chảy xuống khỏi canopies thay vì dính cứng trên đó, những nhà thiết kế của Apple và Foster + Partners đã học hỏi một công trình nghiên cứu của Đại học Minnesota từ năm 1994 nói rằng các tấm canopies nên được làm cong để phản xạ nước mưa.
Sơ đồ chính của Apple Park.
1. Khán phòng trên đồi, khán phòng này được gọi là Steve Jobs Theater sức chứa 1000 người
2. Bãi đỗ xe
3. Thanh hấp thụ chấn động, dùng để chống động đất
4. Hầm lát gạch dẫn từ đường vào The Ring
5. Khu vực tập thể thao
6. Cơ chế thông gió tự nhiên của The Ring
7. Tấm pin năng lượng mặt trời. The Ring chỉ chạy bằng năng lượng sạch mà thôi
8. Những cửa kính khổng lồ
9. Công viên bên trong The Ring
Với Seele, thách thức lớn nhất là làm cửa kính cho nhà ăn, nó là một tấm kính dài từ tầng trệt lên tầng 4. Mỗi bên cửa có kích thước là 25 x 16m. “Cái cửa bự nhất mà tôi từng biết với kích thước này chính là cửa hangar máy bay”, Diller chia sẻ. Phần thép của mỗi cửa nặng 165 tấn, các thứ khác nặng thêm 9 tấn nữa. Tổng cộng có 10 tấn kính được áp vào. Tính chung thì mỗi bên cửa sẽ nặng 220 tấn. “Và ngay bên dưới nó lại là một quán cà phê, và bạn cần di chuyển tấm kính này thật im lặng”. Giải pháp đó là đặt cơ chế chuyển động của kính xuống dưới đất nhằm giảm tiếng ồn.
Nhóm của Ive và Foster + Partners gần như đã tùy biến hết mọi thứ trong tòa nhà này. Đến cả bồn rửa tay, bồn tiểu và vòi nước cũng được tùy biến cơ mà. Thậm chí họ còn dùng chung chỉ 1 thiết kế nắm cửa cho cả cửa lùa lẫn cửa mở bản lề truyền thống. Họ đã phải làm đi làm lại cái nắm cửa này nhiều lầm. Họ chăm chút từng chi tiết một, đến cả thanh dầm bê tông cũng được làm thật mịn và ống nước, dây điện đều được ẩn bên dưới những thanh này, chính vì thế mà tầng hầm trông không giống tầng hầm chút nào. Với Ive, đây là cách ông thay đổi những yếu tố cơ bản nhất của một cái hầm để xe.
Bên trong The Ring, Ive khoe về một cái khác: cầu thang. Chúng được làm từ những miếng bê tông mỏng với màu trắng tinh và có những tay vịn trồi ra từ bức tường dọc cầu thang. “Bạn có thể dễ dàng làm thanh vịn bằng cách bắt một mớ sắt vào đây, ai cũng làm thế. Nhưng ở đây chúng tôi đã giải quyết được vấn đề căn bản chỉ nhờ vào thiết kế mà thôi”. Những bậc thang này cũng chống lửa, tức là lửa sẽ khó lan hơn qua các tầng. Thường thì để làm được điều đó bạn phải dùng tới những cánh cửa chống cháy chuyên dụng. Jobs lấy cảm hứng về những bậc thang này từ những chiếc du thuyền.
Những tấm ốp lên vách tường cũng rất giống như những gì Jobs từng mô tả cho ban kiến trúc sư của mình. Tuy nhiên chúng không phải là cây gỗ được cắt vào tháng 1. Vì lý do môi trường, Apple đã dừng những tấm ốp riêng từ gỗ tái chế. Chiếc bàn mà nhân viên ngồi làm việc có thể chỉnh được chiều cao và nó cũng đã phải qua nhiều khâu thiết kế mới ra được như vậy. Ngay tới cái nút để nâng hạ bàn cũng được chăm chút đúng theo phong cách Apple: nút lồi để nâng lên, và nút lõm để hạ xuống.
Nút lồi lõm để chỉnh độ cao của bàn
Jobs rất ghét máy lạnh và nhất là những cái quạt. Nhưng ông cũng không muốn mọi người mở cửa sổ, vậy nên ông kiên quyết phải làm các hệ thống thông gió tự nhiên. Ông muốn làm ra một tòa nhà có thể thở tự nhiên như những người đang làm việc bên trong. Thế nên Apple phải trang bị nhiều cảm biến để điều khiển các cách đập tùy theo hướng gió thổi tới cũng như cách mà gió luồng qua các khe này.
Cái độc của The Ring nằm ở đây: nếu như những tòa cao ốc truyền thống quản lý rất chặt nhiệt độ thì The Ring chỉ đơn giản là thổi không khí bên ngoài đi vòng vòng vào trong. Ngay bên dưới trần và sàn cũng có những ống nước với nhiệt độ tầm 20 đến 25 độ C để tạo ra không gian mát mẻ cho nhân viên (giống mái vòm Garden By The Bay bên Singapore). Chính vì thế mà hệ thống làm mát nhân tạo sẽ chỉ chạy lên vào những ngày quá nóng hoặc quá lạnh. Thật ra ở từng pod cũng được phép chỉnh nhiệt độ, nhưng chỉ vài ba độ mà thôi.
Lisa Jackson, người quản lý vấn đề môi trường cho Apple, nói rằng: “Không phải chúng tôi bắt mọi người cảm thấy khó chịu khi họ đi làm. Chúng tôi muốn họ nhận biết rằng một trong những việc cần làm để kết nối với thế giới bên ngoài là biết nhiệt độ bao nhiêu. Chúng tôi không muốn bạn cảm thấy như lạc vào casino chẳng biết trời đất gì nữa. Chúng tôi muốn bạn biết giờ là mấy giờ rồi, ngoài kia mấy độ, gió có thổi không? Đây là ý định ban đầu của Steve, để làm nhòa đường biên giới giữa bên ngoài và bên trong. Nó thật sự giúp các giác quan của bạn mở ra”.
Apple nói rằng sự hoàn hảo của Apple Park sẽ tạo cảm hứng cho nhân viên của mình trong việc tạo ra những sản phẩm cũng hoàn hảo tương tự, và rằng môi trường này là để tạo động lực cho những kĩ sư, những nhà thiết kế, hay thậm chí là những người quản lý quán cà phê nhằm tạo ra những sản phẩm và sự sáng tạo với chất lượng cao. Ngay cả Francesco Longoni, người quản lý cà phê của Apple Park, cũng cùng với Apple đăng kí bằng sáng chế cho một chiếc hộp đựng pizza với lỗ thoát khí giúp bánh không bị mềm khi đi xa. Nó sẽ được dùng để đựng bánh cho nhân viên nào mua mang về pod của họ.
Hộp đựng bánh pizza mà Apple đã sáng chế ra
“Chúng tôi dùng nó theo một cách khác hoàn toàn. Chúng tôi không đo bằng số lượng người. Chúng tôi nghĩ về tương lai. Mục tiêu là tạo ra một trải nghiệm và một môi trường phản xạ lại được chúng tôi là ai. Đây là nhà của chúng tôi, và mọi thứ chúng tôi làm trong tương lai sẽ bắt đầu từ đây”.
Khi Apple Park dần hoàn thiện, Apple càng nhận nhiều chỉ trích hơn về công trình của mình. Người ta nói rằng nó quá đóng, người khác nói rằng Apple đang đi ngược lại xu hướng cho phép nhân viên làm việc từ xa,. người khác thì nói Apple Park không có chỗ trông trẻ nên không phù hợp với điều kiện làm việc của nhân viên tương lai.
Foster chẳng “chấp” những lời nòi. Ngồi trong quán cà phê với một mô hình Apple Park khá lớn, ông chẳng đợi người ta hỏi. “Tòa nhà này xuất phát từ đam mê của Steve Jobs. Một tòa nhà đẹp xuất hiện trong một quang cảnh đẹp và sang trọng với hơn 12.000 người bên trong. Đây là một tầm nhìn hiện đại. Một phần công việc của tôi là đối mặt với những lời chỉ trích này và nói rằng ‘Chắc hẳn là anh đang tức giận lắm’.”
Tim Cook đứng trước một cái pod vừa hoàn thiện
“Chúng tôi có thể cắt một góc ở đây, bỏ một miếng ở chỗ kia không? Đó sẽ không còn là Apple nữa”, Cook nói. “Và nó sẽ không gửi được thông điệp tới mọi người làm việc ở đây rằng từng chi tiết đều quan trọng, và sự quan tâm của bạn là quan trọng. Đây là thứ mà Jobs muốn – thứ ông ấy luôn muốn. Và những người lãnh đạo hiện tại của Apple quyết định sẽ không làm ông thất vọng trong sản phẩm lớn nhất, tuyệt vời nhất, và cũng là sản phẩm cuối cùng Steve Jobs giới thiệu với mọi người. Tôi trân trọng ông ấy. Đây là tầm nhìn, là ý tưởng của Jobs. Đây là dự án lớn nhất mà Apple từng làm”.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News