7 cách chọn người của Gia Cát Lượng
Theo quân sư Gia Cát Lượng, phẩm chất của một người ông lựa chọn để xếp đặt vào bộ máy chỉ huy quân sự hay quản lý nhà nước Thục thời Tam Quốc phải gồm có 7 đức dưới đây:
1. “Vấn chi dĩ thị phi nhi quan kỳ Chí” : Nghĩa là hỏi họ về điều phải lẽ trái để xem xét chí hướng của họ. Muốn trọng dụng một người, trước tiên phải biết được ý chí, lập trường của người ấy ra sao. Nếu như đối phương lẫn lộn giữa điều phải lẽ trái hoặc mơ hồ giữa cái đúng cái sai, lập lờ trắng đen thì quyết không thể giao phó trọng trách. Bởi lẽ con người này không vững vàng, không kiên định về lập trường, dễ đổi trắng thay đen và dễ phản trắc.
2. “Cùng chi dĩ từ biện nhi quan kỳ Biến”: Nghĩa là đưa ra nhiều câu hỏi, lý lẽ dồn họ vào thế đường cùng để xem khả năng ứng biến đối phó với các tình huống của họ. “Biến” ở đây là chỉ khả năng ứng phó, năng động. Khi chọn người, Gia Cát Lượng thường dồn dập đưa ra những lý lẽ, những tình huống để dồn họ vào thế đường cùng, thế bí nhằm xem xét khả năng đối phó, ứng biến của đối phương.
3. “Tư chi dĩ kế mưu nhi quan kỳ Thức”: Nghĩa là dùng mưu kế của mình để tham khảo những mưu kế, sách lược của đối phương, thông qua đó có thể đánh giá những kiến thức của đối phương.
4. “Cáo chi dĩ nan nhi quan kỳ Dũng”: Nghĩa là đặt ra những tình huống gian nguy, khó khăn để đánh giá sự dũng cảm của đối phương, nhất là đối với những tướng cầm quân ngoài mặt trận. Thời cổ đại, hai tiêu chuẩn rất quan trọng đối với tướng lĩnh là “Trung, Dũng”, tức là trung thành và dũng cảm. Người Trung Quốc xưa có câu “Hiệp lộ tương phùng dũng giả thắng”, nghĩa là hai đối thủ gặp nhau trên con đường độc đạo, người dũng cảm sẽ chiến thắng.
5. “Túy chi dĩ tửu nhi quan kỳ Tính”: Gia Cát Lượng cho đối phương uống rượu say để đánh giá tính tình, thực tâm của họ. Rượu là chất kích thích, khi bị say thì vỏ đại não bị tê dại, con người khi ấy bị mất lý tính, không còn ý thức được những hành vi của mình. Nên lời nói của họ không chút giấu giếm mà rất thực lòng. Từ đó Gia Cát Lượng đánh giá đúng thực chất tâm tính của đối phương.
6. “Lâm chi dĩ lợi nhi quan kỳ Liêm”: Nghĩa là dành cho họ nhiều tiền tài, bổng lộc, thậm chí hứa giao cho trọng trách để đánh giá sự liêm khiết hay lòng tham lam của họ. Bản tính của con người thường có máu tham, hám lợi, tham tiền, nhất là những người làm quan và giữ trọng trách lớn. Gia Cát Lượng cho rằng, một người liêm khiết thường có những đặc điểm như: Trung thành vô hạn, Làm việc liêm khiết vô tư, Thấu hiểu nỗi khổ của dân chúng, Chú trọng tiết kiệm, Không hám giàu sang, không mê tửu sắc, Tự khép mình vào kỉ luật.
7. “Kỳ chi dĩ sự nhi quan kỳ Tín”: Tức là giao việc cho họ để xem lời họ hứa so với thực tế làm việc ra sao, từ đó đánh giá chữ “Tín” của họ. Gia Cát Lượng cho rằng: “Ngôn nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, tức là một người chỉ biết nói suông không đi đôi với việc làm, là người không có chữ tín.
✪ Bảy tiêu chí của Khổng Minh có là hoàn thiện?
Bảy đức mà Khổng Minh nêu ra có thể tóm lược là: Con người có đủ năng lực phẩm chất để đảm trách một công việc quan trọng với vị thế chỉ huy. quản lý lãnh đạo quân sự hay chính trị bao gồm: Có lý tưởng và trung thành; Có khả năng quyền biến thích ứng biến đổi được tình thế; Biết người biết mình, biết tận dụng học hỏi cái hay của người thành của mình, tận dụng cái yếu cái xấu của người để gia tăng sức mạnh cho mình. Có sự trải nghiệm và dũng cảm vượt qua nguy nan. Luôn giữ mình tỉnh táo trong mọi tình huống. Biết hy sinh bản thân, vì mọi người. Giữ chữ tín bằng hành động.
Với cách chọn người như vậy, có thể nói Khổng Minh đã đưa ra một quan niệm khá hoàn hảo về “con người xã hội” ở thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cuối cùng Khổng Minh tài giỏi quyền biến thắng ngàn trận nhưng lại thua ở đại cục. Nước Thục mà ông phò tá với hy vọng khôi phục sự nghiệp nhà Hán tiêu vong. Rút kiếm lên trời mà than “Từ nay Lượng không còn được ra trận đánh giặc nữa! Trời xanh thăm thẳm giận này biết bao giờ nguôi ”. Lời than ấy dường như lời cáo chung cho Thục quốc? Một câu hỏi đặt ra là vì sao?
✪ Dưới đây chúng tôi thử lạm bàn một số ý với suy nghĩ chủ quan của mình.
Trước hết, nếu bỏ đi yếu tố duy tâm cho là vận trời, thì Khổng Minh mắc một lầm lẫn thứ nhất đó là Chế độ nhà Hán đã suy vi, hoặc là ông cố tình dùng tài năng của mình để chống lại sự suy sụp có tính tất yếu của lịch sử một triệu đại đã bước những bước cuối cùng của con đường vong quốc mà thực tế, không ai cứu vãn nổi trong lịch sử từ cổ chí kim.
Về một khía cạnh nào đó, có thể thấy, Khổng Minh phải buộc lòng lựa chọn Lưu Bị, khi mà thời gian của cuộc đời có hạn. rất có thể ông biết được sự thất bại, nhưng với tư duy “vương đạo, không bá đạo” ông đã lựa chọn lưu bị giữa 3 người : Tôn Quyền -Tào Tháo – Lưu Bị. Điều này có vẻ giống Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi mà ở thời điểm ấy buộc phải lựa chọn minh quân tốt nhất trong nhóm người có thể. Và nhờ đó dùng tài năng tạm ổn bình thiên hạ vì sinh linh đang chìm trong binh đao máu lửa.
Song cũng chính vì vậy mà Ông dùng 7 tiêu chí để chọn người dưới quyền, nhưng ông không được quyền có tiêu chí để chọn “Vua”. Sự nghiệt ngã của tư tưởng Trung quân khiến Khổng Minh không thể làm vua, dù rằng Lưu Bị trước khi lâm chung có ý (Dù là giả thì ông vẫn có thể lợi dụng chiếm ngôi) đó là trao quyền nhường ngôi cho Ông. Cuối cùng Khổng Minh phải phò A Đẩu bất tài. Cái nguy hiểm của chế độ vương quyền chính là ở chỗ ông dù có tài cán thế nào nhưng ông không thể vượt qua được lệnh của Hoàng đế. Sự thật chính A Đẩu nghe dèm pha, tin dị đoan đã có lần lệnh ông rút quân từ cuộc chinh phạt Nguỵ khi sắp thành công. Ông phải ra trận, nhưng chính sự ở nhà (hậu phương không ổn định, không đủ khả năng cung ứng…) thành ra thất bại.
Khổng Minh là một chuẩn mực trí dũng song toàn, nhưng sự thật không phải con người ai cũng như ông cả. xây một chuẩn mực để lựa chọn, nhưng chính ông lại quên mất chữ “Biến”, tức là phải năng động. Dụng nhân như dụng mộc, ai tài gì thì xếp vào việc đó. Do quá cứng vào tiêu chí chọn, thành ra Khổng Minh dưới trường mình không có nhiều người như ông mong muốn. Nếu căn cứ vào “Tam quốc diễn nghĩa” thì chỉ thấy được có 1 người vẹn toàn đủ 7 tiêu chí là Triệu Tử Long?
Khổng Minh dường như quên, con người là con người, ý nói con người bên cạnh cái phẩm chất chung lý tưởng thì vẫn là “con người cá thể” với những khát vọng tự do riêng. Đem chôn khát vọng, tự do riêng của mỗi người, đã làm cho số lượng tài năng giảm đi rất nhiều khi đến dưới trướng Khổng Minh. Một sự thật rất rõ, có không biết bao nhiêu hiền sĩ, dũng tướng theo Tào Tháo và họ trung thành với ông này. Đó là một câu hỏi lớn. Chắc chắn trong số họ, hầu hết đều biết tài, đức Khổng Minh, biết lý tưởng của ông thuận “Đạo trời” phò tá gây dựng cơ đồ nhà Hán, nhưng họ vẫn không theo.
Bản thân Khổng Minh không phải không có sai lầm khi chọn và rồi phải sửa sai bằng những hình thức tàn khốc đối với các tướng dưới trướng, đó là trường hợp gạt lệ chém Mã Tốc, khi ông này trái lệnh làm mất Nhai Đình. Mã Tốc là người ba hoa vi phạm tiêu chí thứ 7 – “Kỳ chi dĩ sự nhi quan kỳ Tín” nhưng Gia Cát lượng vẫn chọn. Đôi khi lại là mẹo rất thâm hiểm, đó là trường hợp giết Nguỵ Diên, dẫu biết Y làm phản ( Vi phạm tiêu chí 1- “Vấn chi dĩ thị phi nhi quan kỳ Chí” ) nhưng ông vẫn dùng để rồi lại dùng một đao của Mã Đại chém chết.
Tất nhiên trước sau, lịch sử vẫn thừa nhận Gia Cát Lượng là một thiên tài xuất chúng, nhưng phân tích về một khía cạnh chọn người của ông như vậy để thấy rằng dù là thiên tài vẫn còn những điểm khuyết. Điểm khuyết ấy bị chi phối bởi thời vận khi đang hành sự và vì thiên tài vẫn không phải thần thánh mà vẫn là con người. và con người đương nhiên không bao giờ hoàn hảo cả.
Nguồn: VungtauHR.com