Nếu muốn phát triển sự nghiệp, đừng ngại hỏi sếp 5 điều này
Là nhân viên, việc nhận được phản hồi từ cấp trên là rất quan trọng. Một người sếp sẵn lòng chỉ bảo và hướng dẫn cho nhân viên sẽ thường xuyên hỏi bạn về định hướng tương lai, về ước mơ, tình hình công việc,… Tuy nhiên, nếu muốn phát triển khả năng lãnh đạo thì không nên để việc đặt câu hỏi chỉ dừng lại ở một chiều như vậy.
Khi lãnh đạo một nhóm, tôi luôn “thủ sẵn” một vài câu hỏi để làm nóng các cuộc đối thoại hoặc mở đầu cuộc họp. Điều này giúp bạn giữ được mạch đối thoại, giảm thiểu thời gian “chết”, không chỉ thế còn giúp cuộc họp diễn ra chủ động hơn, không bị ngắt quãng. Với những ai để ý tới thói quen này của tôi, họ sẽ đoán được điều tôi sẽ hỏi và luôn có sự chuẩn bị trước.
Tuy nhiên, trong lần nói chuyện gần đây với sếp, tôi nhận ra mình không hề chuẩn bị sẵn câu hỏi. Mặc dù buổi thảo luận vẫn diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, nhưng như vậy vẫn chưa đủ để thể hiện mong muốn đóng góp của tôi cho tập thể, cũng như biết được góc nhìn thực tế của sếp.
Vì lẽ đó, tôi đã lên một danh sách những điều nên thường xuyên hỏi sếp. Dĩ nhiên không phải lần nào họp cũng phải hỏi, những danh sách này sẽ giúp bạn có những bước đi chắc chắn hơn trên con đường phát triển sự nghiệp.
1. Hướng đi của chúng ta là gì?
Câu hỏi này sẽ giúp bạn thấy được bức tranh tổng quát về định hướng của công ty. Sắp tới chúng ta hướng đến điều gì? Mục tiêu cuối cùng là gì? Làm thế nào để đạt được mục tiêu đó? Sếp hình dung thành công là như thế nào?
Ví dụ, nếu sếp trả lời: “Chúng ta sẽ trở thành thương hiệu bánh mì có nhiều cơ sở nhất thành phố”, còn bạn lại nghĩ rằng công ty đang nhắm đến mục tiêu trở thành một trong những cửa hàng bánh mì đáng đến nhất thành phố, thì có lẽ bạn và sếp đang đi trên hai con đường khác nhau.
Nếu sếp bạn không thường xuyên đề cập đến tầm nhìn của công ty, hãy chủ động tìm hiểu xem góc nhìn của sếp bạn về hướng đi của tổ chức như thế nào. Từ đó, suy nghĩ xem hướng đi như thế sẽ ảnh hưởng đến công việc của bạn ra sao, liệu có đúng với mục tiêu sự nghiệp của bạn không?
2. Điều gì đang là trở ngại lớn nhất với _?
Câu hỏi này có thể đặt ra cho nhiều đối tượng khác nhau, nhưng đều quan trọng và tác động đến lợi ích chung.
Với tôi?
Điều gì đang ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bạn? Với góc nhìn của người quản lý giàu kinh nghiệm và cũng khách quan hơn, sếp có thể sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề bạn chưa nhìn thấu.
Với nhóm chúng ta?
Giả sử bạn làm việc trong một nhóm, thì điều gì đang ảnh hưởng tới năng suất làm việc và sự phát triển của nhóm? Sếp bạn sẽ giúp bạn thấy được yếu tố then chốt đang gây bất lợi cho nhóm, từ đó đưa ra hướng giải quyết. Đó có thể là về chiến lược phát triển, quan hệ giữa các thành viên, hoặc các yếu tố ngoại cảnh.
Với công ty?
Có điều gì xảy ra trong nội bộ hoặc từ yếu tố bên ngoài có thể trở thành mối đe dọa tới tổ chức hay không? Bạn khó nhìn thấy được các mối đe dọa tiềm tàng đối với công ty, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn không có khả năng giải quyết chúng, hoặc giúp công ty sẵn sàng đối mặt với những mối đe dọa đó. Biết được vấn đề là gì sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc tìm giải pháp.
Với ngành của chúng ta?
Câu hỏi này liên quan nhiều đến lý thuyết hơn là thực tiễn. Những mối đe dọa trong hiện tại và tương lai của ngành chúng ta là gì? Có lĩnh vực đang phát triển nào khác sẽ ảnh hưởng đến ngành của chúng ta hay không? Chúng ta cần những yếu tố ngoại cảnh hay nội bộ nào để sẵn sàng ứng phó với mối đe doạ đó?
3. Sếp thấy tôi đang ở đâu trên con đường sự nghiệp?
Liệu sếp có nghĩ bạn đang đi đúng hướng hay không? Hãy hỏi để biết rằng, dưới con mắt của một người quản lý, bạn sẽ ở đâu trong mười năm nữa, từ đó xác định quá trình tiếp theo sẽ ra sao, hoặc cần thêm gì để cải thiện. Từ góc nhìn của họ, nếu giữ vững phong độ hiện tại, bạn có đang thẳng hướng đến với mục tiêu trở thành một lãnh đạo tương lai hay không? Từ kinh nghiệm của họ, những khó khăn bạn sẽ phải đối mặt trên con đường đó là gì?
4. Sếp thấy tôi còn thiếu sót điều gì?
Biết được điều cần làm trong tương lai gần thì dễ, nhưng để có được cái nhìn tổng thể cho bản thân thì rất khó. Sếp là người có thể giúp bạn nhìn ra những điểm mù, bù lấp vào những khoảng thiếu sót trong khả năng lãnh đạo bạn.
Đâu là điểm mù của tôi? Việc gì đáng lẽ tôi không nên làm? Điều tôi luôn cho rằng bản thân đã làm xuất sắc nhưng thực sự vẫn cần cải thiện là gì? Đáng lẽ tôi nên phân chia và bàn giao công việc như thế nào? Tôi cần cải thiện năng lực gì để phát triển trong những năm tiếp theo? Tôi có đang đạt tới kỳ vọng hay chưa?
5. Tôi có thể học gì từ sếp?
Đừng ngại khi phải hỏi câu hỏi này với cấp trên của mình. Mỗi người lãnh đạo đều có điểm mạnh riêng như kiến thức, kinh nghiệm, hoặc khả năng xây dựng các mối quan hệ. Những điều này có thể giúp bạn rất nhiều trong việc phát triển khả năng lãnh đạo cũng như tiến xa hơn trong sự nghiệp sau này.
Hãy hỏi xem sếp có thể giúp tôi cải thiện điều gì? Có thể giới thiệu tôi với ai để học hỏi thêm hay không? Nếu sếp ở vị trí tôi, sếp có đưa ra quyết định khác hay không? Đâu là những cuốn sách mà tôi nên đọc?
Bài viết bởi Austin Walker trên Medium, được chuyển ngữ bởi Huy Lê.
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Nguồn: Vietcetera