6 xu hướng quản trị nhân sự đáng chú ý trong năm 2018
Theo một nghiên cứu từ IBM, một trong những yếu tố quyết định đến sức cạnh tranh của một doanh nghiệp chính là khả năng quản lý các khía cạnh nhân sự một cách hiệu quả. Vậy bước vào năm 2018, giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác quản trị nhân sự sẽ có những thay đổi như thế nào?
1. Tuyển dụng dựa trên Big Data
Năm 2018, Big Data và social media sẽ trở thành vũ khí đắc lực cho đội ngũ tuyển dụng trong “cuộc đua” tìm kiếm và chiêu mộ nhân tài.
Big Data cung cấp cho tuyển dụng viên bức tranh toàn cảnh về nhu cầu, và định hướng phát triển của những ứng viên trước cả khi cuộc phỏng vấn chính thức bắt đầu.
Cụ thể, dựa trên lượng dữ liệu thu thập được từ social media tuyển dụng viên sẽ dễ dàng xác định “điểm yếu”, nhu cầu, và định hướng phát triển của những ứng viên sáng giá trước cả khi cuộc phỏng vấn chính thức bắt đầu. Từ đó, giúp bộ phận tuyển dụng có thời gian trao đổi, so sánh và đề ra những đề nghị, chiến lược tuyển dụng phù hợp nhất nhằm thu hút và giữ chân những ứng viên tiềm năng này.
2. Sự phát triển của mô hình Nhóm làm việc từ xa (Virtual teams)
Với sự phát triển của Công nghệ thông tin (CNTT), đã kéo theo việc “số hóa” trong phương thức làm việc của đội ngũ nhân viên. Điển hình nhất chính là sự xuất hiện của mô hình nhóm làm việc từ xa (Virtual teams), cho phép nhân viên dễ dàng cộng tác và cùng phối hợp xử lý công việc bất kể yếu tố địa lý, vùng miền. Đa phần các chủ doanh nghiệp ngày nay không còn quan trọng việc nhân viên của mình đến từ đâu, quốc tịch hoặc nền văn hóa như thế nào. Mối bận tâm hàng đầu của họ chính là kết quả công việc mà đội ngũ nhân viên đem lại.
Sự phát triển của mô hình nhóm làm việc từ xa (Virtual teams) cho phép nhân viên dễ dàng cộng tác và cùng phối hợp xử lý công việc bất kể yếu tố địa lý, vùng miền.
Chính những yếu tố này đã thúc đẩy nhà tuyển dụng mở rộng phạm vi tuyển dụng, góp phần đa dạng hóa nguồn nhân lực, cũng như đem lại những lợi thế vượt trội. Theo nghiên cứu từ Tập đoàn Tư vấn McKinsey, những tổ chức có sự đa dạng trong đội ngũ nhân sự (đa văn hóa, đa quốc tịch…) thường đem về lợi nhuận cao hơn 35% so với các tổ chức có nguồn nhân lực truyền thống.
3. Ứng dụng gamification vào tuyển dụng & đào tạo nhân sự
Gamification cho phép biến những cuộc phỏng vấn, những buổi on-boarding nhàm chán trở thành những trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn. Theo đó, thay vì đưa ra những câu hỏi phỏng vấn rập khuôn, tuyển dụng viên sẽ đặt hàng loạt các thử thách mang tính tương tác nhằm thử sức ứng viên, vừa tạo cho họ tâm lý thoải mái, cởi mở trong suốt cuộc phỏng vấn. Sau khi kết thúc các vòng phỏng vấn, ứng viên sẽ nhận được điểm số tương ứng với năng lực của họ, với phần thường sẽ được trao khi ứng viên trờ thành nhân viên chính thức.
Quy trình onboarding theo hình thức gamification tại YouNet Group.
Việc ứng dụng Gamification không chỉ giúp thu hút, giữ chân ứng viên tiềm năng mà còn gia tăng đáng kể hiệu quả trong quá trình on-boarding, thúc đẩy ứng viên tham gia tích cực để nhận phần thưởng tương xứng. Đặc biệt, Gamification còn có thể được áp dụng trong hoạt động truyền thông nội bộ để trao thưởng cho những nhân viên tuyển dụng xuất sắc và các nhân viên có thành tích cao trong việc giới thiệu ứng viên sáng giá. Từ đó, không chỉ thôi thúc nhân viên chủ động hơn trong việc thu hút nhân tài mà còn giảm gánh nặng tuyển dụng cho bộ phận nhân sự.
4. Tập trung vào chất lượng công việc và hiệu quả cộng tác
Trong bối cảnh trên thị trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc sở hữu một đội ngũ nhân viên sáng giá thôi là chưa đủ, doanh nghiệp cần khuyến khích đội ngũ này chủ động hợp tác và phối hợp cùng nhau đóng góp ý kiến, thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm.
Chính vì thế, công việc của đội ngũ nhân sự sẽ ngày càng áp lực hơn khi vừa phải tìm kiếm những ứng viên dồi dào kỹ năng và năng lực để đảm đương những vị trí trọng yếu, có khả năng luân chuyển giữa các vị trí theo yêu cầu doanh nghiệp. Đồng thời, tìm kiếm và triển khai những giải pháp giúp các ứng viên này tối ưu hiệu suất công việc và hiệu quả cộng tác.
Bằng việc triển khai các giải pháp quản trị nhân sự trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất sẽ giúp đội ngũ nhân sự cùng phối hợp và tạo ra kết quả tốt hơn trong quá trình tuyển dụng và xây dựng văn hóa cộng tác cho doanh nghiệp.
5. Tự động hóa quy trình quản trị nhân sự
Sự ra đời của các hệ thống quản trị tự động sẽ cho phép bộ phận nhân sự tập trung vào những tác vụ trọng yếu hơn.
Tự động hóa đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong phần lớn hoạt động của doanh nghiệp ngày nay. Riêng đối với đội ngũ nhân sự phải đảm đương một khối lượng lớn các tác vụ và quy trình nghiệp vụ liên quan đến giấy tờ như: quản lý hồ sơ ứng viên, quản lý quy trình đào tạo nhân viên, quản lý lương, v.v. Tất cả những hoạt động có thể được tự động hóa một cách dễ dàng nhờ vào các hệ thống quản lý thông tin nhân sự, quản lý quy trình tuyển dụng chuyên sâu, giúp bộ phận nhân sự tập trung vào những tác vụ trọng yếu hơn.
6. Tuyển dụng trên mô hình Agile
Mô hình Agile hứa hẹn sẽ đem đến nhiều thay đổi tích cực trong lĩnh vực tuyển dụng.
Mô hình Agile đã thay đổi diện mạo thế giới không chỉ trong phát triển phần mềm mà còn đang thể hiện giá trị trong các lĩnh vực khác như Marketing (Agile Marketting), giáo dục (EduScrum, Lean Edu,…), thiết kế (Lean UX, Design Thinking), khởi nghiệp (Lean Startup) và phần cứng.
Và trong năm 2018, Agile sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo của lĩnh vực tuyển dụng. Thông qua mô hình Agile, thay vì nhà tuyển dụng phải sàng lọc hàng trăm hồ sơ ứng tuyển để chọn ra những ứng viên phù hợp nhất, giờ đây ứng viên sẽ được thử việc trực tiếp trong thời gian nhất định. Bộ phân nhân sự sau đó sẽ phối hợp cùng nhau để giám sát và đánh giá thái độ và hiểu quả công việc của ứng viên trong những tuần làm việc đầu tiên, từ đó đối chiếu và lựa ra ứng viên phù hợp nhất cho vị trí tuyển dụng.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Jack Bui, VungtauHR.com | Theo Brandsvietnam