Điều cần biết khi phỏng vấn vị trí nhân sự
Quản lý nhân sự là một công việc khó, đòi hỏi người quản lý phải có nhiều kỹ năng cũng như kinh nghiệm thực tế. Nhân viên nhân sự do đó cũng trở thành một vị trí quan trọng trong công ty và được nhiều người theo đuổi khi muốn thể hiện bản thân, muốn đương đầu với những rắc rối cũng như muốn trải nghiệm ở vị trí này. Vậy đâu là chìa khóa cho các bạn trẻ đang có định hướng vào vị trí nhân viên nhân sự, những thứ thiết yêu cho cuộc phỏng vấn sẽ được phân tích cặn kẽ trong loạt bài viết này. Chúng tôi sẽ không đưa ra những câu hỏi cụ thể của cuộc phỏng vấn bởi đôi khi nó không quyết định được điều gì. Có vô vàn câu hỏi có thể được đưa ra và bạn sẽ không thể nào chuẩn bị hết. Nhà tuyển dụng sẽ dựa vào cả tính cách và sự hiểu biết của bạn để đánh giá xem bạn có thực sự là người họ cần.
Nhân viên nhân sự làm gì?
Nhân viên nhân sự ở các công ty khác nhau có những nhiệm vụ riêng theo đặc thù của lĩnh vực mà công ty đang làm. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trở thành một nhân viên nhân sự, bạn cần biết những việc cơ bản sau:
Thứ nhất: Thực hiện toàn bộ những công việc của phòng nhân sự do trưởng phòng hay Ban giám đốc giao cho. Đó là những việc như chuẩn bị cho khâu tuyển dụng, bố trí người ở các mảng cho hợp lý, lên kế hoạch về an toàn lao động,…
Thứ hai: Biết cách lên kế hoạch, cân đối việc sử dụng tài sản, thiết bị của công ty. Nghe có vẻ không liên quan đến mảng nhân sự nhưng thực tế bạn cũng rất cần lưu ý tới điểm này. Chẳng hạn, công ty bạn có 40 người, bạn cần có kế hoạch chuẩn bị bàn ghế thế nào cho hợp lý, bao nhiêu đèn là đủ cho bằng ấy người, và cả số lượng máy tính, máy in,… ;bố trí chúng thế nào. Những việc đơn giản như vậy hoàn toàn có thể làm bạn nhức đầu nếu chưa có kinh nghiệm xử lý.
Thứ ba: Đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo về vấn đề nhân sự. Đây là việc bạn phải làm thường xuyên và nếu làm tốt bạn sẽ được rất nhiều điểm cộng trong mắt các sếp.
Thứ tư: Lên kế hoạch cụ thể và truyền thông tới các phòng ban. Bạn cần nắm bắt được tình hình cụ thể ở các phòng trong công ty, lên kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết và chuẩn bị sẵn cho các trường hợp có thể phát sinh. Sau đó, cần phổ biến tới các phòng ban sao cho dể hiểu, dễ thực hiện để tránh những bất cập, làm gián đoạn công việc của công ty.
Nhân viên nhân sự cần kỹ năng gì?
Những phẩm chất cần có cho một nhân viên nhân sự hay nói cách khác đó là những thứ nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên.
Thứ nhất: Khả năng giao tiếp tốt.
Điều này cần cho rất nhiều vị trí trong một công ty chứ không chỉ riêng nhân viên nhân sự. Bạn cần biết truyền đạt ý tưởng của mình, biết đặt ra những câu hỏi khiến người nghe dễ hiểu và có thể khai thác nhiểu thông tin từ người được hỏi,… Nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc lên kế hoạch, triển khai các kế hoạch về nhân sự tới các phòng ban thậm chí là làm vừa lòng sếp.
Bạn có yêu thích vị trí nhân sự?
Thứ hai: Biết lắng nghe
Lắng nghe là một nghệ thuật, không phải ai cũng có thể lắng nghe người khác – có thể nó làm họ khó chịu, có thể họ không có thói quen lắng nghe người khác. Với nhân viên nhân sự, bạn cần biết lắng nghe những chỉ đạo từ cấp trên để nắm bắt được các đề xuất cũng như các chỉ thị từ ban lãnh đạo. Không chỉ có thể, bạn còn phải lắng nghe nguyện vọng của mọi người ở các phòng ban khác nhau để có thể dung hòa những yêu cầu của họ. Nó thể hiện bạn là người biết quan tâm và từ đó khiến mọi người có thiện ý hơn với những việc bạn sắp triển khai.
Thứ ba: Hiểu luật lao động
Đây là điểm rất quan trọng với các nhân viên nhân sự. Hiểu luật để đảm bảo quyền lợi của các nhân viên, đảm bảo không mắc sai lầm khi triển khai những kế hoạch về nhân sự. Hơn thế, hiểu và nắm chắc luật sẽ khiến năng lực quản lý của bạn được nâng lên một tầm cao mới. Một chuyên viên quản lý nhân sự không thể thiếu những kiến thức về bộ luật này.
Thứ tư: Đam mê, tận tụy với công việc
Chúng tôi chưa đưa phẩm chất này ra ở phần trước bởi muốn các bạn suy nghĩ một chút xem đâu là thứ quan trọng nhất với những người làm trong mảng nhân sự. Đây là phẩm chất chúng tôi cho rằng cần thiết nhất cho vị trí nhân viên nhân sự. Một nhân viên nhân sự cũng giống như người mẹ trong gia đình, lo cho mọi người những vấn đề nhỏ nhặt nhất từ khâu tuyển dụng cho đến quản lý, lo từ bộ đồng phục cho tới việc ăn uống, tiền xăng xe của mọi người. Nếu bạn thực sự yêu thích việc chăm lo cho mọi người, bạn hoàn toàn có thể làm tốt việc quản lý nhân sự. Nếu bạn tận tụy với công việc, bạn sẽ thấy mọi người muốn gì, mình cần làm gì và mình sẽ làm được gì. Không có phẩm chất này, dù bạn có bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu kỹ năng cũng khó có thể được nhà tuyển dụng lựa chọn, khó có thể gắn bó với công việc này.
Chúng tôi tin nếu bạn nắm bắt được những yêu cầu trên cùng với kiến thức đã có về quản lý nhân sự, bạn hoàn toàn có thể lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng và gắn bó lâu dài với công việc này. Khi đi phỏng vấn, hãy tự tin và thể hiện những gì bạn có, coi như đó chỉ là một cuộc trò chuyện. Nếu bạn căng thẳng, hãy cố gắng trả lời hết những câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra và không nên nói dối về vấn đề gì. Họ đôi khi không quá quan tâm tới các kỹ năng mà quan tâm đến sự thật thà của bạn bởi kỹ năng có thể đào tạo được còn sự giả tạo thì rất khó để thay đổi.
Thegioibantin.com
Theo VungtauHR.com