‘Đừng đánh giá con người qua lý lịch’
“Phải bỏ qua chủ nghĩa lý lịch đi, hãy tập trung vào bản thân họ, xem có đúng chuẩn không”, đại biểu Dương Trung Quốc nói về việc nhiều cán bộ trẻ được đề bạt chức vụ quan trọng.
Bên hành lang Quốc hội chiều 21/10, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ quan điểm xung quanh lớp cán bộ trẻ xuất thân từ gia đình có truyền thống chính trị. Zing.vn ghi lại:
“Theo tôi, hiện tượng nhiều cán bộ trẻ được đề bạt vào những chức vụ quan trọng, trước hết phải xem lại quan niệm thế nào là trẻ. Trẻ về tuổi tác, hay trẻ về quá trình tham gia. Khi đã bàn về trẻ thì không nên tuyệt đối hóa nó mà phải thấy nhiều thế hệ kế cận nhau. Tôi thấy xu hướng trẻ hiện nay tôi cho là tích cực.
Chúng ta nhớ rằng, tổng bí thư đầu tiên – Tổng bí thư Trần Phú chỉ có 27 tuổi, ông Võ Nguyên Giáp trở thành Bộ trưởng Nội vụ vào năm 1945 mới 34 tuổi.
Thứ hai, hiện tượng một số cán bộ trẻ lại gắn với con của các vị lãnh đạo cao cấp, nếu trong một xã hội lành mạnh thì bình thường và tốt. Chúng ta biết có ông Bush bố, ông Bush con, có ông Lý Quang Diệu, ông Lý Hiển Long… Ngay trong nước chúng ta hiện có Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao vốn là con của một Bộ trưởng Ngoại giao rất nổi tiếng (Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, con Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch – PV).
Nhưng có lẽ chúng ta rơi vào tâm lý xã hội mất lòng tin, hệ thống giá trị không chuẩn nên bất kỳ hiện tượng nào, sự kiện nào, người ta cũng đặt câu hỏi đằng sau đó có gì không, khuất tất không, có lợi ích nhóm không, có cái gì là cha truyền con nối không? Chính vì thế phải minh bạch.
Trong thời gian vừa rồi, liên quan đến công tác nhân sự, tôi thấy có 2 hiện tượng đối lập nhau. Có người trình độ giỏi, nhưng lý lịch không chính thống, cho nên bị loại ra và những người con của những người rất chính thống lại được đề bạt.
Theo quan điểm của tôi phải chặt hai đầu đó đi. Tức là phải bỏ qua chủ nghĩa lý lịch đi, đừng vì lý lịch để đánh giá người ta mà hãy tập trung vào bản thân họ, xem có đúng chuẩn không. Đương nhiên chuẩn ở đây là phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như quy định của nhà nước, pháp luật, phương thức minh bạch hóa, tranh thủ ý kiến dân chủ.
Quan trọng là có đề bạt thì phải có hạ bệ nếu như anh không hoàn thành nhiệm vụ. Ở nước mình cứ theo một chiều hướng, đã lên thì lên mà đã xuống thì không lên nữa. Đấy là điều rất dở.
Thegioibantin.com
Nguồn: Theo Nguyễn Hưng, Zing News